Kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (1947-2007), tôi bồi hồi xúc động nhớ các bạn chiến đấu cùng tôi đã ngã xuống trên các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong đội ngũ đó có Trần Đăng, một phóng viên mặt trận của báo “Vệ quốc quân” năm xưa. Trong số báo xuân 1950 có bài viết về “Người văn nghệ binh thứ nhất” đã ngã xuống trên chiến trường cùng Bùi Thịnh, chính trị viên tiểu đoàn 29 Lũng Vài, đó là Trần Đăng.

Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi, sinh ngày 11-11-1921 tại làng Đăm, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn học, ông nội xưa đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan, ở quê làm thuốc chữa bệnh cho dân… Mẹ của Trần Đăng mất sớm, 12 chị em cưu mang nhau, nhà nghèo nhưng ai cũng ham học và yêu thương quý trọng nhau. Trần Đăng được một ông bác ruột nuôi ăn học tại Hà Nội. Là học sinh các trường tư thục Văn Lang và Trung học Thăng Long, rồi là sinh viên Trường đại học Luật khoa Hà Nội, Trần Đăng có tiếng là thông minh học giỏi, học một mạch qua các bậc, thi gì đỗ nấy, có lúc gia đình gặp khó khăn, phải vừa học vừa đi làm ở thư viện Đại học Đông Dương kiếm thêm tiền ăn học. Anh giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh, ham mê văn học thơ ca, ham thể thao, thích chụp ảnh và luôn sống hết mình, có chí rèn luyện tư chất, hoàn thiện bản thân, không sa đà vào lối ăn chơi thành thị hồi bấy giờ.

Thời kỳ 1941-1945, phong trào Việt Minh nổi lên, rồi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Sớm có tinh thần hăng hái cách mạng, anh thuộc lớp thanh niên sinh viên nhiệt tình nhất đến với cách mạng và văn học cách mạng ngay từ thời kỳ đầu.

Sau tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, anh tham gia công tác chính quyền ở Bộ Nội vụ thời kỳ còn đồng chí Hoàng Hữu Nam, hoạt động trong ban Liêm Kiểm Việt Pháp (1946).

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), Trần Đăng vào bộ đội (Vệ quốc đoàn), năm 1947 anh công tác ở Bộ Tổng tư lệnh làm Phó Văn phòng của Bộ.

Với hoài bão say mê nghiệp văn chương, anh xin đi theo các đơn vị chiến đấu… Trần Đăng quyết tâm đi và viết về người chiến sĩ, chiến đấu bằng ngòi bút của mình.

Từ tháng 4 năm 1948, anh được chuyển hẳn về Tòa soạn báo Vệ quốc quân (nay là báo Quân đội nhân dân), được phân công làm phóng viên mặt trận.

Trần Đăng người cao, gày gò, da đen sạm, có đôi mắt to lờ đờ, người trầm lặng ít nói, luôn suy tư… Anh thường mặc chiếc áo cánh đen, cái áo trấn thủ đã sờn, cái quần tây cũ đã ngả màu bùn, chân đi dép, hông đeo khẩu súng ngắn, thường khoác chiếc túi vải đựng quần áo và tài liệu…

Là phóng viên mặt trận, Trần Đăng luôn đi với đơn vị chiến đấu bám sát người chiến sĩ. Anh có mặt ở nhiều chiến dịch, ở những trận chiến đấu ác liệt, đồng thời luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm ở Sơn Tây, Móng Cái (đã bị thương)… Anh đi liên tục, viết kịp thời, trở thành một nhà văn chiến sĩ, được bộ đội yêu mến…

Năm 1949, tổ văn nghệ sĩ ở Bản Vẹ, xã Định Biên, huyện Định Hóa gồm có Trần Đăng, Tân Sắc, Dương Bích Liên, Thâm Tâm, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Xuân Khoát, Bàn Tài Đoàn, Mai Văn Hiến… Nhà thơ Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng đến nơi ở của các văn nghệ sĩ giới thiệu một số văn nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng. Ngày 12-3-1949, chi bộ Đảng kết nạp Trần Đăng do Thâm Tâm, Tân Sắc giới thiệu. Trong buổi lễ kết nạp, Trần Đăng phát biểu, đại ý, anh rất vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương và xin hứa luôn luôn tu dưỡng trở thành người đảng viên tốt của Đảng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ Đảng giao, đi bất cứ đâu Đảng cần, nguyện suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Anh đi nhiều và viết khỏe. Ngoài văn xuôi, Trần Đăng còn viết nhiều tiểu luận về văn nghệ kháng chiến, văn nghệ quân đội, trong đó có ý kiến nhỏ về văn nghệ trong giai đoạn chiến lược 2 (Vệ quốc quân 1949). Trong thư anh để lại, có đoạn viết: “Không kéo được quần chúng tham gia văn nghệ, khó lòng chúng ta tạo nên những tác phẩm lớn. Sáng tác không phải là công việc của một số người chuyên nghiệp và phê bình, không phải độc quyền của một cá nhân. Tôi ghét những lời phê bình vô trách nhiệm, đặc biệt của một vài nhân vật vỗ ngực trí thức. Tshekhov gọi đây là con bọ làm khổ con bò đang nai sức làm việc. Tốt hơn hết là nghe lời phê bình của quần chúng, nó lành mạnh và chỉ có nó là sáng suốt, ngoài ra là láo toét hết”…

Quan điểm đúng đắn đó đã giúp Trần Đăng vững bước trên con đường văn học, đưa lại cho anh cái say sưa hào hứng, lăn vào quần chúng, lắng nghe tiếng nói của quần chúng, dựa vào quần chúng để tu dưỡng mình và tu dưỡng nghệ thuật.

Trần Đăng viết ngoài mặt trận, ở cơ quan, trên đường hành quân, giữa hai chiến dịch… Anh đi mải miết không nghỉ, không biết mệt, lặng lẽ, kiên nhẫn, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Anh ghi trong sổ tay “chỉ có cái khách quan và kể lại, hãy khoan một tấm sơn mài, hãy làm việc cresquio(1) cho thật đúng giản dị thành thực và thật”…

Thu Đông năm 1949, sau chiến dịch đường số 4, tiểu đoàn 29 Lũng Vài chúng tôi về đóng quân ở một bản Tây đường số 4. Chúng tôi ngủ với anh trên một nhà sàn của đồng bào Nùng. Trời rét đậm, chúng tôi ôm nhau trong tấm chăn mỏng, không tài nào ngủ được. Trời đã khuya thấy anh vẫn cặm cụi viết, viết xong đọc lại rồi xé cho vào bếp lửa… Sáng hôm sau, tôi hỏi anh tại sao viết rồi lại xé bỏ đi nhiều lần như thế? Anh buồn buồn trả lời tôi-Vì chất tiểu tư sản nó vẫn bám và xen vào bài viết của mình, cố rũ bỏ nó chưa được! Trần Đăng là như thế! Tôi cảm phục anh đang thực sự muốn lột xác để trở thành nhà văn chiến sĩ…

Ở nơi trú quân giữa hai trận chiến đấu, anh thường lên lớp bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ của các đại đội và tiểu đoàn. Anh hướng dẫn cho bộ đội làm bích báo, tham gia viết bìa và lên khuôn tờ bích báo. Anh thường ghi chép rất trân trọng, tỉ mỉ các bài báo của thanh niên trong bản. Anh không nề hà bất cứ việc gì của đơn vị: đào công sự, vác gạo, kiếm củi cho anh nuôi, viết bích báo, làm binh vận, phiên dịch và nếu cần thì ôm súng chiến đấu như một chiến đấu viên…

Những tác phẩm anh để lại không nhiều, chủ yếu là những bút ký, truyện ngắn, ghi chép… có những tác phẩm nhiều người biết tới như: Một lần tới Thủ đô, Trận phố Ràng, Những ngày cuối năm, Một cuộc chuẩn bị… Có tác phẩm đã đưa vào trong sách các em thơ như Trận phố Ràng… đã in dấu ấn khá đậm trong tâm hồn các thế hệ học sinh.

Trần Đăng, một phóng viên mặt trận, một nhà văn trẻ đầy hứa hẹn… Anh ngã xuống trên chiến trường ở tuổi 28. Trong quyển sổ tay còn lại cuối cùng anh có ghi bằng tiếng Anh: Tháng 11-1949, một ngày sinh mới, 28 tuổi ở Đình Lập-Hải Ninh.(2)

Cây bút Trần Đăng đang độ sung sức, hứa hẹn nhiều triển vọng. Sự thương nhớ anh thật lớn, thật đẹp. Anh đã để lại một tấm gương chiến đấu dũng cảm trong trường hợp hy sinh trên chiến trường. Như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết về anh “Đời Trần Đăng đã là tác phẩm và là bài học đẹp đẽ nhất mà anh để lại cho chúng ta…”.

Thật vậy, cuộc đời hoạt động và chiến đấu, hy sinh của Trần Đăng đã góp phần tô thắm thêm lá cờ truyền thống “Quyết chiến-quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam cũng như của báo Quân đội nhân dân-đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

(1) Cresquio: bức vẽ nhanh.

(2) Huyện Đình Lập năm 1949, thuộc tỉnh Hải Ninh (tỉnh Quảng Ninh hiện nay).

Trung tướng Nguyễn Hùng Phong