Từ thời chống Pháp cho đến chống Mỹ, Đà Nẵng luôn là trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là căn cứ lớn về quân sự ở miền Trung. Nơi đây là bản doanh của Quân đoàn 1-Vùng 1 chiến thuật ngụy, nơi vạch kế hoạch và điểm xuất phát các cuộc hành quân lớn tàn sát các căn cứ cách mạng và đồng bào ta.

Vì vậy, cơ quan đầu não của Cụm tình báo miền Trung phải ở nơi bám sát được các hoạt động của cơ quan đầu não kẻ thù.

Nhưng đặt ở địa điểm nào là vấn đề phức tạp, làm đau đầu không biết bao nhiêu cán bộ tổ chức tình báo. Đặt ở gần Đà Nẵng quá thì nguy hiểm, dễ lộ, còn đóng ở trên núi thì xa quá, khó thâm nhập về thành phố. Trung ương chỉ đạo: chọn chỗ hiểm yếu. Cuối cùng, Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Đà (nay là Quảng Nam) được Cụm tình báo miền Trung lựa chọn.

Gò Nổi hôm nay. Ảnh internet
Gò Nổi cách thành phố Đà Nẵng hơn 30km về phía nam. Mảnh đất nhỏ này đã làm rạng rỡ quê hương Quảng Nam bởi đã sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước: Từ Tổng đốc Hoàng Diệu, Thượng thư Phạm Phú Thứ đến Phạm Tuấn, Phan Thanh Tài, Phạm Liệu, Lê Đình Dương… Đất sinh ra nhiều danh nhân, hào kiệt cũng là mảnh đất kiên cường, bất khuất trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, tạo nên tính cách của con người nơi đây như đôi câu đối nổi tiếng của Tôn Thất Thuyết viếng Tổng đốc Hà thành Hoàng Diệu: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm” (Cái chết lẫy lừng, từ trước anh hùng nào muốn thế/ Cả đời trung nghĩa, đang cơn đại nạn há ngơ sao).

Gò Nổi đối với địch cũng như ta đều rất quan trọng. Ta thì muốn dùng Gò Nổi làm bàn đạp tấn công cơ quan đầu não khu vực miền Trung, còn địch thì muốn nơi đây thành “mảnh đất trắng” để bảo vệ Đà Nẵng. Cho nên trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, Gò Nổi là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch, khiến cho vùng đất này là nơi ác liệt bậc nhất chiến trường miền Nam hồi bấy giờ, thậm chí được ví ngang với Củ Chi (Nhất Củ Chi nhì Gò Nổi).

Vì sao ta chọn Gò Nổi để đặt cơ quan tình báo? Đó là địa thế hiểm yếu, gần thành phố Đà Nẵng, trong thành ra hoặc từ Gò Nổi vào chỉ qua một trạm kiểm soát của địch ở đường quốc lộ số 1. Nhưng trên tất cả, là người dân nơi đây một lòng một dạ theo cách mạng, chấp nhận hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Nhân dân vừa là chỗ dựa an toàn, vừa là người giúp đỡ mình hoàn thành mọi nhiệm vụ, đó là kinh nghiệm quý báu của tình báo cách mạng Việt Nam. Chính vì thế mà từ năm 1960 đến năm 1975, dù đối phương đã phát hiện ra lãnh đạo tỉnh ủy Quảng Đà, thành ủy Đà Nẵng và cơ quan tình báo của ta ở nơi đây, nhưng dù bằng pháo bầy, bom tọa độ, phục kích, biệt kích, Mỹ “bò”, Mỹ “lết”… nhưng ta không bao giờ bị bất ngờ. Dựa vào Đảng, chính quyền và nhân dân Gò Nổi, tình báo miền Trung bắt đầu xây dựng lực lượng, từ cơ quan tham mưu, kỹ thuật, vô tuyến điện, bảo vệ, giao thông liên lạc đến cán bộ đột nhập thành phố, cán bộ hoạt động thành phố và những tổ trưởng tổ tình báo nằm trong thành phố. Mật độ cán bộ ra, vào Đà Nẵng tương đối nhiều nên ta đã xây dựng một đội ngũ liên lạc đông đảo và chất lượng. Đội giao thông của cụm sử dụng được các cụ già từ trên 60 tuổi đến các em bé cũng phục vụ công tác tình báo. Đó là Tư Bé, 12 tuổi (nay là đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội). Đó là liệt sĩ Huỳnh Thị Thanh mới 13 tuổi, một trong những liệt sĩ nhỏ tuổi nhất nước ta.

Cụm 12 (Cục 11), đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Ảnh: Tư liệu Tổng cục 2

Về Gò Nổi, Trần Tiến Cung đổi tên thành Trần Phong. Cụm tình báo của anh đóng quân ở trong nhà ông Phạm Phú Hoàng. Nhân dân Gò Nổi thường gọi ông là bác Xã Hoàng, bởi trước đây, có thời ông đã làm lý trưởng. Ông là cháu nội thượng thư, nhà canh tân đất nước nổi tiếng Phạm Phú Thứ. Vốn là con nhà nho nên Xã Hoàng là người chính trực, rất yêu cách mạng. Ông quan tâm giúp đỡ bộ đội, từ bữa ăn đến quần áo mặc. Ngay cả giấc ngủ ông đều canh chừng cho bộ đội, đề phòng kẻ lạ mặt đột nhập.

Xã Hoàng có một người cháu tên là Phạm Phú Nhiều. Ông này vốn rất trung thành với cách mạng, nhưng hễ uống rượu là “Rượu vào lời ra” nên nhiều người không tin, thậm chí có lần ông Nhiều còn bị chính quyền cách mạng xã bắt giam, may có Trần Phong đến xin cho được.

Xã Hoàng còn có người em dâu tên Dương, chồng là liệt sĩ, tính hay trêu chọc mọi người, lại hay nói ngay thẳng nên không được nhiều người ưa, trong đó có ông Tám Công (Tám Râu), Mũi trưởng một đội bảo vệ của Cụm tình báo, một người đánh giặc gan lỳ khét tiếng của Gò Nổi.

Nhà ông Xã Hoàng và nhiều nhà khác giấu cán bộ, bộ đội đều có hầm bí mật. Đào hầm bí mật là cả một kỳ công. Đêm đến, đợi cho mọi người ngủ hết, chủ nhà mới rón rén xúc từng tý đất một rồi đưa ra thật xa mới đổ. Tất nhiên đã là bí mật thì tuyệt nhiên không thể để cho ông Nhiều và bà Dương, những người luôn toe toét nói cười, ruột để ngoài da, biết được.

Nhưng việc đào hầm của Cụm tình báo không qua được mắt bà Dương, và may sao, điều đó đã không làm cho một vài cán bộ sa vào tay giặc.

Một sáng ngủ dậy, thấy trời trong xanh rất đẹp, Trần Phong kêu đồng chí cấp phó lại bàn giao công việc để sang làng bên. Lúc này, Trần Phong đã chuyển sang ở nhà khác, không ở nhà ông Xã Hoàng nữa. Ra đến giữa cánh đồng thì bỗng nhiên, một đàn trực thăng ở đâu vè vè hình tam giác xuất hiện. Anh lao trở về, vào nhà ông Xã Hoàng cùng với Tám Công xuống hầm bí mật thì cũng đúng lúc địch đổ quân xuống. Lúc này, ông Xã Hoàng đi vắng, địch lại đổ quân bất ngờ nên bộ đội ở trong nhà chạy vội ra hầm mà để quên cả chiếc Ra-đi-ô. Lát sau, Trần Phong và Tám Công nghe tiếng bước chân nhè nhẹ trên nắp hầm. Sau này họ mới biết đó là bà Dương đã đi xóa dấu vết thay cho ông Xã Hoàng.

Thằng lính ngụy dẫn đường cho tụi Mỹ vào nhà Xã Hoàng chụp ngay chiếc ra-đi-ô và điệu ngay bà Dương dưới bếp lên hỏi:

- Nhà bà có chứa Việt cộng phải không?

- Có!

- Bao nhiêu người?

- Ba, bốn người gì đó…

Ở dưới hầm bí mật, Trần Phong và Tám Công nghe thấy hết. Căng thẳng lộ lên nét mặt mọi người. Các anh rút chốt lựu đạn, sẵn sàng lao lên ăn thua với tụi Mỹ nếu bị lộ…

- Thế nó đâu rồi?

Vẫn giọng tỉnh queo của bà Dương:

- Nó vừa chạy qua hàng rào đó!

Bọn Mỹ, ngụy nhìn nhau rồi hỏi:

- Sao nhà bà chứa Việt cộng?

- Ủa, họ trên núi về đây, không cho họ ở không được đâu. Cũng như mấy ông ở dưới thành phố, có nhà dân nào không cho các ông đến ở đâu?

Một lúc sau, bọn địch rút hết. Bà Dương vào nhà làm thịt gà, nấu xôi và đến gần trưa mới chịu ra hầm bí mật gọi bộ đội lên ăn, xem như một lời cảnh cáo vì tội mất cảnh giác. Tám Công, vốn trước không ưa gì bà, cự nự một cách yếu ớt:

- Sao bà nói có Việt cộng trong nhà?

- Này, tôi thấy ông nhảy xuống hầm bí mật tôi ra sửa cho đấy, chứ tôi thấy mấy ông đào hầm bí mật hồi nào? Tôi còn vơ đồ mấy ông tống vào cái áo quan (hậu sự), may bọn mẽo nó không dám mó đến, không thì rầy rà to…

Trần Phong và các chiến sĩ của mình thêm một bài học về cảnh giác và tấm lòng của người dân đối với cách mạng. Thiếu tướng Trần Tiến Cung nói với tôi rằng, đánh giá con người rất khó. Làm tình báo mà chỉ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài thì nhiều lúc hỏng việc. Những người như bà Dương, ông Nhiều đã trở thành cơ sở của Cụm tình báo miền Trung, kể cả khi Gò Nổi bị địch đánh phá ác liệt họ phải tạm lánh vào ngã tư Bảy Hiền, thành phố Sài Gòn.

Có chỗ dựa vững chắc là nhân dân, có địa bàn hiểm yếu là Gò Nổi, từ đây Cụm tình báo miền Trung bắt đầu đột nhập vào Đà Nẵng, cơ quan đầu não của địch ở miền Trung để kịp thời nắm tình hình địch, nhanh chóng báo cho Trung ương.

Đó chính là cuộc chiến thầm lặng, cuộc đọ trí đọ mưu của tình báo cách mạng với mạng lưới mật vụ dày đặc của Mỹ-ngụy.

(Còn nữa)

Kỳ sau: Cài người

Trong hoạt động tình báo, “cài người” là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Phải nghiên cứu rất kỹ về địch, phải tuyển chọn người kỹ lưỡng và khoa học, nếu sơ sót một chút thì đưa đồng đội của mình vào chỗ hiểm nguy…

Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Cụm tình báo miền Trung (phần 1)

HỒNG SƠN