Hầu như đa số người dân sống trong khu vực giữa miềnTây nước Mỹ, nơi trung bình mỗi năm có đến hàng nghìn trận lốc xoáy lớn nhỏ đều thuộc lòng những bài học kinh nghiệm để tránh tại hoạ khi những cơn lốc xoáy chết chóc bất ngờ xuất hiện. Tuy nhiên, đối với một số người, một cơn bão kèm theo lốc xoáy hay vòi rồng xuất hiện chính là cơ hội để họ thoả mãn niềm đam mê chinh phục cảm giác mạnh bên những cỗ “đánh chặn lốc” hàng khủng.

Đối với những cư dân Mỹ sinh sống trên khu vực đồng bằng nằm giữa khu vực “Hành lang lốc xoáy” (Tornado Alley- gồm hai địa danh Rocky Moutain và Appalachian Mountains) của nước Mỹ, khi một trận lốc xoáy hay vòi rồng xuất hiện người ta sẽ đối phó với chúng bằng cách chui xuống hầm tránh bão được xây dựng sẵn.

Nếu không có hầm để ẩn náu, phương án tốt nhất mà người dân Mỹ thường áp dụng là chạy ngay vào một ngôi nhà chắc chắn có móng kiên cố, đóng tất cả cửa sổ lại. Thậm chí, có người còn cẩn thận hơn là lấy chăn bông hoặc đệm dày quấn quanh người để nếu có bị lốc xoáy cuốn đi họ vẫn có cơ may sống sót hay chí ít cũng không bị những mảnh vụn sắc nhọn đâm vào người.

Mặc dù vậy, đối với một số người, một cơn bão kèm theo lốc xoáy hay vòi rồng xuất hiện chính là cơ hội để họ thoả mãn niềm đam mê chinh phục cảm giác mạnh. Chính niềm đam mê được xem như nguy hiểm nhất thế giới này đã đem lại cho họ một nghề vừa giúp họ thoả mãn cảm giác, vừa mang lại cho họ thu nhập đó là nghề săn bão. Và người ta gọi họ là những tay săn bão.

Đối mặt với những cơn bão là một nghề cực kỳ nguy hiểm

Những thước phim và những số liệu khí tượng mà họ ghi lại được sẽ là những thông tin quý giá giúp các trung tâm dự báo thời tiết tính toán được cường độ sức mạnh, hướng di chuyển của cơn bão trong tương lai để từ đó những thông điệp cảnh báo sẽ được chuyển tới những người dân đang nằm trong tầm hoạt động của trận lốc xoáy giúp họ chuẩn bị đối phó và hạn chế đến mức tối đa sự tàn phá của hiện tượng tự nhiên có sức tàn phá khủng khiếp này.

Xe đánh chặn lốc

Phương tiện để những người săn bão sử dụng để tiếp cận những cơn bão nguy hiểm là loại xe có tên “Xe đánh chặn lốc” được chính những tay đam mê săn bão thiết kế. Không có bất kỳ tiêu chuẩn nào quy định khi sản xuất một chiếc xe kiểu này.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận những cơn cuồng phong với sức mạnh khủng khiếp và để thực hiện ghi hình và thu thập dữ liệu, một chiếc xe săn bão TIV (ảnh trên) cần phải được thiết kế với kết cấu thép chắc chắn, đủ khả năng cơ động nhanh và có đầy đủ các loại máy móc hỗ trợ phức tạp khác.

Thông thường một chiếc xế săn bão chuyên dụng TIV được những chủ nhân của chúng thiết kế từ một chiếc xe tải chở hàng mẫu F450 của hãng ô tô Ford. Để hoàn thành xong một chiếc xe săn bão TIV với kết cấu máy nguyên bản của chiếc Ford F450 người ta phải tiêu tốn khoảng thời gian hơn 3 tháng.

Khi một cơn bão được hình thành các xe săn bão luôn ở tình trạng "trực chiến"

Sau khi lột bỏ bộ khung nguyên bản của chiếc Ford F450, người ta sẽ lắp cho nó một bộ khung mới theo thiết kế khung dầm chữ I (I-beam) được hàn từ những tấm thép cực dày.

Bộ phận bánh xe của những chiếc TIV là một trong những yếu tố rất quan trọng vì chúng phải đảm bảo vừa tiếp xúc được mặt đất vừa tránh được những cú thốc cực mạnh của gió lốc hay không bị những mảnh vụn cứng đâm thủng.

Chính vì vậy, toàn bộ thân và bộ phận lốp xe được phủ một lớp giáp bảo vệ bằng thép dày để tránh gió mạnh hất tung toàn bộ chiếc xe từ phía dưới gầm khi nó tiếp cận được cơn lốc.

Nhìn từ bề ngoài một chiếc xế săn bão TIV trông giống như một khối thép hình chiếc giày. 4 cánh cửa của một chiếc TIV được thiết kế từ các tấm thép có độ dày khá lớn. Hơn nữa, khi 4 cánh cửa này được đóng các chốt thép đặc biệt sẽ không để chúng bật ra thậm chí kể cả trong trường hợp chiếc xe bị lốc cuốn đi.

Kính chắn gió của những chiếc xế săn bão TIV cũng được chế tạo bằng loại vật liệu đàn hồi đặc biệt đặc biệt, khác hẳn loại kính thuỷ tinh thông thường. Tất cả những chỗ tiếp nối giữa kính và cửa của chiếc TIV được dán kín bằng loại hợp chất chế tạo từ nhựa thông siêu hạng Lexan.

Xuất phát từ mục đích của một chiếc xế lốc TIV là phải tiếp cận được những trận lốc để ghi hình và thu thập thông tin giữ liệu nên ngoài thiết kế cơ bản như đã nói ở trên, mỗi chiếc TIV phải có một tháp quay phim chuyên dụng giống như tháp pháo được lắp trên những chiếc chiến xa của quân đội.

Tháp ghi hình của xe săn bão phải quay được 360 độ để người ngồi trong có thể lia máy quay đi tất cả các hướng khi cơn bão di chuyển. Ngoài ra, mỗi chiếc TIV còn được thiết kế 2 ụ quay phụ để những máy ảnh cỡ nhỏ có thể hoạt động đồng thời. Trọng lượng của mỗi chiếc TIV khi hoàn chỉnh nặng khoảng 7 tấn với tốc độ đuổi bão 90 dặm/giờ.

Nội thất bên trong của một chiếc TIV chủ yếu được gắn rất nhiều loại máy móc khoa học như: máy đo gió thông thường, máy đo gió 3 chiều, hệ thống định vị toàn cầu GPS, các thiết bị đo áp suất, nhiệt độ và độ ẩm không khí.

Đồng đội không thể thiếu

Bản thân một mình chiếc TIV không thể hoạt động hiệu quả thậm chí sẽ rất nguy hiểm nếu không có sự trợ giúp của người “đồng đội” khác là chiếc xe chở rađa có tên Doppler on Wheels (DOW).

Doppler on Wheels là tên những tay săn bão đặt cho chiếc xe đồng đội của chiếc xế TIV. Một chiếc DOW cũng được trang bị tất cả những thiết bị kỹ thuật giống như chiếc TIV.

Một chiếc DOW chuẩn bị tác nghiệp từ khoảng cách an toàn

Tuy nhiên điểm khác biệt cơ bản nhất là chiếc DOW phải cõng thêm một chiếc rađa tương đối lớn trên lưng. Phần thân của chiếc DOW không được bọc thép “kín mít” như chiếc TIV vì nhiệm vụ của nó không nguy hiểm như chiếc TIV. Khi một cơn bão hay lốc xoáy xuất hiện, chiếc DOW cũng tìm cách tiếp cận nhưng nó sẽ đậu ở khoảng cách an toàn hơn chiếc “chiến xa" TIV.

Trên những chiếc DOW đồng đội của TIV tập trung một số chuyên gia khí tượng và nhà khoa học vì tại đây họ sẽ chuyển những thông tin cần thiết cho những tay săn bão đang có mặt trên chiếc TIV.

Thông tin dữ liệu về cơn bão đang hoành hành sẽ được chuyển qua lại giữa hai xe TIV và DOW để chuyển về một trung tâm phân tích dữ liệu có trách nhiệm gửi cảnh báo tới những người dân nơi cơn bão có thể di chuyển tới.

Theo VTCNews