QĐND Online - Giữa ngút ngàn của rừng xanh lại mọc lên tảng đá thạch anh giống như một cột mốc tự nhiên án ngữ dải biên cương cuối trời Tây Bắc. Theo như quan niệm của người Hà Nhì “A pó ủ phú” - Ông già đá trắng được ông trời phái xuống trần gian giúp người Hà Nhì bảo vệ biên giới. Nơi đây, ông già đá trắng ngự trị được coi là vùng đất thiêng, đời đời con cháu người Hà Nhì ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu phải ghi tâm khắc cốt bảo vệ.  

Những câu chuyện liêu trai

Lần đầu lên xã Thu Lũm đến đâu tôi cũng được bà con dân bản hỏi: “Đã đến thăm Ông già đá trắng chưa?”. Cái tên nghe ngồ ngộ khiến tôi cứ hình dung đến một ông già râu dài tới rốn, tóc trắng như tiên, hàm răng móm mém, khuôn mặt nhăn nheo còn đôi mắt lại tinh anh đến từng tia nhưng lúc nào cũng trầm ngâm đau đáu thi thoảng lại phát ra một “lời sấm” tiên tri nào đó có ảnh hưởng ghê gớm tới vùng đất này. Chuyện càng lúc càng thêm tò mò bởi không chỉ người dân mà ngay cả đến cán bộ, chiến sĩ biên phòng và giáo viên tại xã cũng rất quan tâm đến chuyện chúng tôi đến thăm ông già đá trắng hay chưa. Tìm hiểu mới biết, ở đây đã có lệ hễ ai đến xã, thăm bản Pa Thắng đều phải đến thăm Ông già đá trắng.

Ông Chu Cà Xá B bên truyền thuyết Thánh thạch   

Thông tin chúng tôi tìm hiểu được chỉ vỏn vẹn gồm: “Ông” là một khối đá mầu trắng nằm ở sát đường biên giới Việt – Trung. “Ông” có hình một người đàn ông dân tộc Hà Nhì đang ngồi đăm đăm nhìn về đất Việt. Nơi “Ông” toạ lạc là một ngọn núi chỉ có đất và không có lấy một tảng đá nào chứ chưa nói đến đá trắng. “Ông” rất linh thiêng bao đời nay là phúc thần, người che chở cho đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Như sợ chúng tôi không tin vào sự linh thiêng và khó tính của “Ông”, mỗi người khi kể chuyện đều dẫn ra những dẫn chứng để thuyết phục chúng tôi đồng tình về đức tin của họ. Người dân bản địa thì kể rất nhiều như người dân lỡ chặt cây quanh khu đất thiêng (nơi gần chỗ “Ông” toạ lạc) bị đau đầu, đi qua đất thiêng mà không ngả mũ thì đen đủi, cúng bái không thành tâm thì bị tà ma quấy phá…

Đến nay, các giáo viên nơi đây còn kể lại câu chuyện đầy kỳ bí mà tận giờ phút này tấm màn bí ẩn đó vẫn chưa được vén lên. Hôm đó, trường THCS Thu Lũm tổ chức cho giáo viên đi cắm trại. Nơi hạ trại lại ở gần chỗ Ông già đá trắng. Do lần đầu đến vùng đất thiêng nên không giáo viên nào biết lên thắp hương xin phép “Ông”. Hôm sau xuống núi về trường, nhiều giáo viên đồng loạt lăn ra ốm. Ai cũng sụt sùi mất mấy ngày mà chưa khỏi. Các bậc lão niên trong làng biết chuyện mới đến khuyên: “Sai ở đâu thì sửa ở đấy. Mau lên thắp hương xin lỗi Ông già đá trắng đi!”. Có tật thì vái tứ phương, những giáo viên ở đây rủ nhau lên làm lễ, lạ thay không biết vì tác dụng của thuốc hay vì hành động tâm linh kia mà mọi người đồng loạt khỏi ốm. Chẳng biết câu chuyện kia xác thực đến đâu nhưng “có kiêng có lành” bây giờ, bất kể một giáo viên nào lên vùng này công tác hoặc đi qua đất của “Ông” đều qua đến chỗ Thánh thạch lễ tạ.

Lời thề giữ biên giới 

Người nắm rõ truyền thuyết nhất về Ông già đá trắng là ông Chu Cà Xá B ở bản Pa Thắng bởi nhiều thế hệ gia đình ông là người duy nhất được phép cúng tế “Ông già đá trắng” hằng năm. Nhà ông Xá B ở giữa bản. Ngôi nhà trình tường đã được dựng mấy chục năm nhưng rất vững chãi, ông Xá B đang cùng gia đình vui đón Tết của người Hà Nhì. Sau khi chúng tôi đã uống vài chén rượu ông Cà Xá B mới thủng thẳng kể về tô tem của người dân nơi này. Vuốt lại bộ quần áo, đưa ánh mắt về phía đỉnh núi xa mờ, ông Cà Xá B chậm rãi: “Chuyện về A pó ủ phú dài lắm đấy. Ngày xửa, cả vùng đất Tây Bắc này là rừng già bao phủ. Lúc đó người Hà Nhì vẫn còn tục du canh du cư. Bấy giờ, có đôi vợ chồng người Hà Nhì cùng nhau đi về mảnh đất phương Nam này. Họ đi cả đêm để vượt qua trăm suối ngàn khe. Khi họ đi đến một đỉnh núi thuộc nước Việt thì người vợ mới sực nhớ là quên mất chiếc khăn đội đầu ở nhà. Thế là người chồng phải ngồi đợi người vợ về lấy khăn. Người vợ về đến nhà toan quay lại chỗ chồng đợi thì gà đã gáy sáng nên không vượt qua được rừng già nữa. Người chồng đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người vợ quay lại cho đến khi mình hoá đá lúc nào không hay. Người vợ ở bên kia biên giới cũng hoá đá trong tư thế đang tiến về nơi chồng. Chỗ người chồng đợi vợ vốn là hòn núi đất giờ tự nhiên lại mọc lên một ụ đá giống thế người chồng ngồi chống cằm mắt hướng về phương Nam”. Giọng ông trầm trầm nghe như lời gió hú từ ngàn xưa dội về, qua bao câu chuyện của người Hà Nhì truyền cho con cháu vẫn vậy.

Từ đó cho đến nay người Hà Nhì coi nơi đó là mảnh đất thiêng. Đời đời con cháu phải giữ gìn bảo vệ. Trải qua bao cuộc bể dâu nhiều cuộc chiến đã xảy ra, bao thế hệ người Hà Nhì đã ngã xuống bảo vệ trọn vẹn dải đất biên cương của Tổ quốc và cũng là bảo vệ “Ông già đá trắng”. 

Biết chúng tôi có ý định lên thăm “A pó ủ phú”, ông Xá B chuẩn bị hương nén đầy đủ. Lối mòn dẫn lên chỗ Thánh thạch được bà con dọn sạch sẽ. Tượng đá cách con đường tuần tra biên giới vừa mở khoảng 20m và cách biên giới Việt - Trung khoảng vài bước chân. Giữa một quả núi đất bằng phẳng hiện lên một cột đá trông rất lạ mắt. Khối đá này cao khoảng 1m70, to vừa hai người ôm nằm bên hữu – đi theo chiều từ Tây xuống Nam. Thánh thạch lại toạ lạc trên một ngọn núi đất. Trong khi đó xung quanh không hề có một hòn đá nào khác. Theo nhiều nguồn tin nhận định dây là loại đá thuộc họ thạch anh. Dưới nắng chiều, khối đá phản lại những tia sáng với muôn màu sắc đỏ lam, chàm, tím tựa như chiếu ánh sáng vào vậy. Sau khi thực hiện xong những thủ tục xin phép thần linh bằng tiếng Hà Nhì, ông Xá B mới dám tiến lại gần Thánh thạch. Ông Xá bảo, trước đây ở giữa ông già đá trắng còn có hai hòn đá sáng như ngọc được coi là đôi mắt của “A pó ủ phú” vậy. Bố tôi kể lại, thời còn Pháp thuộc, đám lính lê dương tuần tra biên giới qua đây đã khoét mất đôi mắt của vị thần nhằm xoá bỏ vùng đất thiêng này của người Hà Nhì. Nghe đâu tên lính lê dương kia đã chết bất đắc kì tử khi chưa kịp xuống núi. Giờ đây ở giữa thân tượng đá hiện còn một hố bị lõm sâu.

Sau lần đó, đám lính thực dân kia không dám xâm phạm đến ông già đá trắng nữa. Hàng năm, sau Tết Nguyên Đán bản Pa Thắng lại đứng ra tổ chức lễ Thánh thạch. Ông Xá B có trách nhiệm đứng ra chọn ngày tốt rồi dẫn trai tráng trong bản lên đó. Riêng phụ nữ không được phép lên. Ông Xá B giải thích: “Từ trước các cụ đã làm vậy. Giờ chúng tôi cũng vẫn phải theo. Riêng phụ nữ ở nơi khác thì lại được phép lên thăm”.

Nội dung tế lễ mong cho mưa thuận gió hoà. Bà con trong bản ai cũng khoẻ mạnh, cây lúa trên nương được mùa, cây ngô cho bắp, lợn gà đầy chuồng… Sau đó các bậc nam nhi của bản cùng nhau hứa trước thần “A pó ủ phú” là luôn khắc cốt ghi tâm nơi vị Thánh thạch hiện hình là đường biên giới của nước Việt ta, đời đời con cháu người Hà Nhì có trách nhiệm bảo vệ. Không một kẻ ngoại bang nào được phép đến đây.

Bài, ảnh: Khánh Kiên