QĐND - Đã vào đầu mùa mưa lũ, nước sông Hậu pha sắc vàng đậm. Tôi đứng trên cầu Bình Thủy nhìn qua rạch Long Tuyền, mực nước dâng cao sát mí vườn, sóng vỗ dạt dào. Ngôi đình Bình Thủy là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia mới được tôn tạo, mái ngói cổ rực màu trong vàng tươi sắc nắng đồng bằng.
Hôm mới đây, chị Nguyễn Thị Nữ, Trưởng ban Tuyên giáo quận Bình Thủy, nói với tôi:
- Thành phố Cần Thơ hiện nay có 10 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thì riêng quận Bình Thủy đã có 7 di tích. Đình Bình Thủy là di tích đứng đầu. UBND quận Bình Thủy chuẩn bị đưa vào thực hiện đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Đây là đề án nằm trong 9 chương trình với 7 nội dung thúc đẩy quận Bình Thủy phát triển toàn diện. Quận ủy, UBND quận Bình Thủy đã chọn xây dựng nếp sống văn minh trong chiến lược phát triển và nâng cao đời sống văn hóa, bởi quận Bình Thủy có nhiều nét văn hóa đặc thù riêng.
Trên đường vào các phường Long Hòa, Long Tuyền bên phải có căn nhà mang số 34/7, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy. Ngày xưa, nơi đây là căn nhà được thuê để “kinh doanh”, thực tế là nơi Cơ quan của Đặc ủy An Nam Cộng sản đảng Hậu Giang làm trụ sở hoạt động. Cùng khu đất này có chùa Nam Nhã Đường, nơi tổ chức nhiều hoạt động yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc. Ngày 7-9-1926, tại chùa Nam Nhã Đường, tổ chức “Việt Nam quang phục hội” bí mật được thành lập. Tổ chức này sau đổi tên thành “Việt Nam phục quốc hội”, gồm có các đồng chí: Châu Văn Liêm, Trần Ngọc Quế, Lê Văn Sô, Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân, Trần Kỳ Ngưu, Nguyễn Ngọc Cảnh, Nguyễn Văn Hiến, Trần Minh Quang...
Đây cũng là nơi xây dựng cơ sở Đảng và chỉ đạo phong trào cách mạng các tỉnh miền Hậu Giang. Tại ngôi chùa này, trung tuần tháng 9-1929 đã diễn ra sự kiện rất quan trọng đối với các tổ chức Đảng ở miền Hậu Giang. Đó là Hội nghị thành lập tổ chức “Đặc ủy An Nam Cộng sản đảng Hậu Giang” do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì và chỉ đạo bầu Ban chấp hành Đặc ủy, gồm đồng chí: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Trí... do đồng chí Ung Văn Khiêm làm bí thư.
Vai trò Đặc ủy An Nam Cộng sản đảng có giá trị lịch sử, đã đặt nền tảng đầu tiên, là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Đảng bộ và phong trào cách mạng ở miền Tây Nam Bộ. Với thành tích đóng góp của chùa, ngày 25-1-1991, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ra Quyết định 154/QĐ, công nhận chùa Nam Nhã Đường là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
 |
Di tích lịch sử-văn hóa Đình Bình Thủy. |
Theo các cán bộ cựu trào kháng chiến ở Bình Thủy kể lại: Tại khu vực này, ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ bàn kế hoạch khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Ngày 19-8, được tin nhân dân Hà Nội và các tỉnh ngoài Bắc đã khởi nghĩa thắng lợi, Tỉnh ủy gấp rút triệu tập hội nghị để thành lập “Ủy ban Dân tộc giải phóng” tỉnh Cần Thơ. Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở thành phố Cần Thơ. Trước lễ đài tại sân bóng trung tâm thành phố Cần Thơ treo tấm băng-rôn nền đỏ, chữ vàng rực rỡ: “Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam độc lập muôn năm”. Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, ông Trần Ngọc Quế, trịnh trọng tuyên bố: “Chính quyền đã về tay nhân dân; bãi bỏ các thứ thuế do phát xít Nhật và thực dân Pháp đặt ra; tự do cho tù chính trị; bảo vệ tài sản nhân dân; tịch thu toàn bộ công sở, tài sản của thực dân Pháp”… Cuộc mít tinh của hàng chục nghìn người kết thúc trong tiếng hoan hô vang dậy đất trời. Chặng đường đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ nhưng đầy vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ trong giai đoạn 1929-1945 đã góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám của cả nước.
Quận Bình Thủy nằm trên tuyến lộ Vòng Cung nổi danh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Do sự khốc liệt trong kháng chiến, vùng này đã truyền lại câu ca nổi tiếng đã đi vào dân gian: Vòng Cung đi dễ khó về / Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom.
Dấu tích "bom kề hố bom" nay không còn, nhường chỗ cho màu xanh ngút ngàn của ruộng vườn, cây trái. Trên địa bàn quận Bình Thủy, lộ Vòng Cung đi suốt một tuyến dài từ Long Tuyền, Long Hòa, qua Thới An Đông. Từ ngày giải phóng 1975 đến nay, lộ Vòng Cung đang từng ngày thay da đổi thịt, trở thành nơi triển khai xây dựng các dự án Vành đai xanh - Du lịch sinh thái. Cùng với những công trình xây dựng khu công nghiệp, du lịch sinh thái, dịch vụ thương mại, lộ Vòng Cung còn là vùng phát triển nông nghiệp đô thị với những cánh đồng thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha. Hợp tác xã rau sạch an toàn Long Tuyền đưa hàng trăm tấn rau sạch vào các siêu thị lớn…
Dẫn tôi đi thăm một vòng các khu đô thị đang mở mang, anh Lê Hoàng Nam, Bí thư quận ủy Bình Thủy, giới thiệu:
- Những đô thị mới mọc lên của quận Bình Thủy tại các phường Bình Thủy, Long Tuyền, Long Hòa, Thới An Đông đã tạo cho Bình Thủy bộ mặt mới. Nhưng hình như dấu ấn “đô thị hóa” vẫn chưa được rõ nét, còn nhiều gian nan với những nỗ lực lớn thì nơi đây mới trở thành đô thị hiện đại.
Rồi anh tự ghi nhận:
- Tuy đã là một trong những quận trung tâm của thành phố, nhưng Bình Thủy vẫn còn “nửa quê, nửa tỉnh”. Xây dựng đô thị mới trên vùng đất ngoại ô, nơi chiến trường khốc liệt năm xưa quả là trăm thứ khó khăn bộn bề.
Mới mấy năm mà địa bàn quận Bình Thủy đã nhiều đổi thay. Trà Nóc, sân bay đơn thuần phục vụ chiến tranh của giặc năm xưa, bây giờ đã trở thành sân bay dân dụng, không những trong nước mà còn trở thành sân bay quốc tế. Trước đây, người miền Tây Nam Bộ muốn ra Hà Nội phải đi cả buổi đường xe gần 200 cây số lên TP Hồ Chí Minh, từ đó mới đi máy bay, đi xe lửa ra Bắc. Nay từ sân bay Cần Thơ, chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã có mặt tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Đi kèm với sân bay mở tầm hiện đại, cầu Cần Thơ đổi đời cho một vùng đất trù phú sản vật nhưng còn nghèo ở vùng đồng bằng châu thổ phương Nam. Quận Bình Thủy nay đã có hai tuyến đường mới là Quốc lộ 91B và đường Mậu Thân nối dài. Qua sân bay Cần Thơ khoảng 1km là khu công nghiệp Trà Nóc (gồm Trà Nóc I và II) có diện tích 300ha, hiện được xem là một trong những khu công nghiệp thành công bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước khi xuống phường Thới An Đông làm việc, Bí thư Quận ủy Bình Thủy Lê Hoàng Nam tiếp chuyện với chúng tôi tại trụ sở quận ủy. “Cái mà chúng tôi đáng lo trước hết và lo thường xuyên là con người. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, phân công cán bộ từ quận đến khu phố, tổ dân phố là vấn đề nan giải. Nhiệm vụ tạo nguồn, xây dựng, phát triển, quản lý, điều hành và sử dụng nguồn nhân lực là rất trọng yếu. Nó là mối quan tâm đầu tiên và thường xuyên của người lãnh đạo, của tập thể Đảng bộ trong quận”- anh Nam nói.
Bám sát cơ sở, thường xuyên gần dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân là chủ trương đúng của quận ủy Bình Thủy. Từ đầu năm 2004, Quận ủy Bình Thủy ra Nghị quyết 02 nhằm phân công cán bộ trong Thường vụ, cán bộ chủ chốt của Quận ủy, HĐND, UBND, cán bộ các phòng, ban thuộc khối cơ quan trong quận đi sát cơ sở, cùng sinh hoạt, cùng giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Cán bộ quận được phân công cụ thể đến từng khu phố, sinh hoạt Đảng bộ, cùng dự sinh hoạt Đảng bộ, chi bộ cơ sở định kỳ mỗi tháng một lần, ngoài ra còn dự những cuộc họp chuyên đề, những công việc đột xuất.
Chủ trương này của Quận ủy Bình Thủy đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến mạnh các phong trào sản xuất, kinh doanh, xây dựng đô thị, văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh từ cơ sở.
Trưởng ban Tổ chức quận ủy Nguyễn Thị Kim Thảo cho biết: Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội quận Bình Thủy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt. Đó là thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn quận, tạo căn cứ và cơ sở pháp lý cho việc quản lý, mời gọi và phê duyệt các dự án đầu tư, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quận đến năm 2016.
Tôi còn nhớ hồi đầu năm ngoái, khi còn ở cương vị Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Đại hội nhiệm kỳ của Đảng bộ quận Bình Thủy. Đây là điểm chỉ đạo bầu trực tiếp Bí thư quận ủy. Đồng chí đã yêu cầu Đảng bộ quận Bình Thủy cần rà soát, có các giải pháp thiết thực để tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Với vị trí chiến lược hiện thời, so với tiềm năng, Bình Thủy còn một số mặt hạn chế như: Phát triển du lịch, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ. Quy mô kinh tế địa phương vẫn còn khiêm tốn khi đặt cạnh yêu cầu cạnh tranh thời hội nhập. Nhiều tiềm năng chưa được phát huy đầy đủ. Một số hiện tượng xã hội tiêu cực nổi lên, gây bức xúc trong nhân dân, làm hạn chế thành quả kinh tế-xã hội.
Chúng tôi đã cùng Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nguyễn Thị Kim Thảo và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quận ủy Trần Hiếu Tài đến phường Long Hòa. Những đường phố và khu dân cư đang được mở mang, tốc độ đô thị hóa đã có nhiều chuyển biến. Trụ sở Đảng ủy, UBND phường mới được xây dựng khang trang bên con lộ 918. Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Hòa, chị Trần Thị Thu Hồng, tâm sự: “Trên địa bàn phường có làng hoa, làng rau phục vụ cho nội thành. Đời sống nhân dân trong những năm gần đây đã được nâng lên, với cung cách làm ăn mới, kết hợp sản xuất với kinh doanh, dịch vụ; xây dựng đô thị kết hợp mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển dần địa bàn nhanh chóng đi lên đô thị hóa toàn diện”.
Do được tập trung đầu tư và huy động vốn trong dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phường Long Hòa đang từng bước được cải thiện về kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị ngày càng hoàn thiện. Đây cũng là phường đạt chuẩn “Phường văn hóa”.
Tôi đi trên những con phố mới mở thoáng rộng bên sông Bình Thủy, thấy nhiều công trình xây dựng nhà mới của người dân rất nhộn nhịp. Một vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử-văn hóa trên lộ Vòng Cung nổi tiếng là một địa danh với lòng dân bất khuất, kiên cường, nay đã mang nhiều khởi sắc trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bút ký của BÙI VĂN BỒNG