QĐND Online - Làng dũa Đại Phu ( xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), xưa kia chỉ có những tốp thợ làm xẻ gỗ, từ khi có nghề làm dũa, Đại Phu đã vươn lên và trở thành nơi sản xuất dũa nổi tiếng. Sản phẩm dũa Đại Phu giờ đây không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
“Non nghề, già tay”
 |
Dập răng cho dũa chủ yếu bằng máy
|
Đó là câu nói của những người làm dũa làng Đại Phu. “Non nghề” là vì nghề dũa mới chỉ xuất hiện ở làng khoảng 50 năm trước. “Già tay” là vì dũa Đại Phu đã trở thành một thương hiệu được cả nước biết tới. “ Làng Đại Phu có 823 nhân khẩu, trong đó có 489 người làm dũa, cái nghề này được cái không lúc nào ngớt việc, sản phẩm làm ra không bị ứ đọng”, ông Vũ Văn Nông, trưởng thôn Đại Phu cho biết. Tính đến nay, làng Đại Phu đã sản xuất được 8,5 triệu sản phẩm dũa các loại, nhiều sản phẩm tốt đã xuất khẩu được ra nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Âu, Lào, Cămpuchia… Cũng nhờ nghề dũa, Đại Phu được đứng trong top làng nghề đầu tiên được nối điện của huyện Bình Lục vào những năm 1959, 1960. Hiện nay, cả làng có hơn chục doanh nghiệp sản xuất dũa, còn lại làm nhỏ lẻ, theo kinh tế hộ gia đình.
Theo chân bác trưởng thôn, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất dũa của ông Dương Quốc Tịch, một trong những cơ sở sản xuất dũa lớn nhất của làng Đại Phu. Gặp chúng tôi, ông Tịch hồ hởi: “Nguồn nguyên liệu để làm dũa, chúng tôi chủ yếu nhập dưới huyện Vụ Bản (Nam Định), từ một loại thép vòng bi đã hết hạn sử dụng. Khi đưa về thép được tán ra, ùn cốt, ủ, sau đó mài cho phẳng, băm thành răng và phải tẩy bằng axit mới hoàn thành được chiếc dũa”. Với 10 nhân công làm việc liên tục, xưởng của ông Tịch chủ yếu sản xuất các loại dũa nhỏ và dũa mỹ nghệ. Trước kia, làm răng cưa cho dũa, thợ chủ yếu phải thực hiện bằng phương pháp thủ công, nhưng đến nay công đoạn này hầu hết đã được làm bằng máy. Mỗi chiếc máy dập răng cưa có giá khoảng 10 triệu đồng. Anh Thưởng, một nhân công trong xưởng ông Tịch cho biết: “ Dùng máy dập, răng cưa của dũa có độ đều hơn nhưng không có độ sắc bằng làm thủ công. Tuy nhiên, việc sử dụng máy cho năng suất cao hơn rất nhiều, hầu hết người làm dũa đã chuyển sang dùng máy”.
Khác với ông Tịch, xưởng sản xuất của bà Vũ Thị Loan lại chuyên làm loại dũa to, bà cho biết: “ Tôi bắt đầu mở xưởng từ cách đây 7 năm, những ngày đầu còn non tay, nhưng nhờ học hỏi kinh nghiệm và được nhiều các bậc lão làng chỉ bảo, cơ sở của tôi đang ngày càng phát triển. Sản phẩm làm ra đến đâu là có người về thu mua hết đến đó. Năm 2009, đoàn người Đức đã tìm về tận nơi tìm hiểu và ký hợp đồng. Từ đó, xưởng sản xuất dũa của tôi được nhiều người biết đến”. Dũa Đại Phu thường được những ông chủ lớn ở Nam Định, Hỉa Phòng, Hà Nội thu mua. Từ đó, những sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trong cả nước và xuất sang nước ngoài.
Cái khó của làng dũa.
Mặc dù là làng nghề khá phát triển, thu hút hàng trăm lao động địa phương và các nơi khác đổ về nhưng đời sống của người dân Đại Phu vẫn ở mức trung bình. Bình quân, một nhân công làm dũa có mức thu nhập mỗi tháng là 900.000 đồng. Người dân Đại Phu vẫn nói vui với nhau: “ nghề làm dũa làm không hết việc mà sao vẫn không giàu được”. Với mức thu nhập như vậy nên nhiều thanh niên trong làng đã rời bỏ nghề, tìm đến nơi khác làm việc.
Do nghề làm dũa phải "ngốn" một nguồn điện lớn nên hiện nay trạm biến áp cũ, cung cấp điện cho làng đã ở tình trạng quá tải. Vào những giờ cao điểm, điện yếu, hệ thống nước thải axit tẩy dũa đã làm ô nhiễm một khoảng cánh đồng của làng đang là vấn đề gây nhức nhối. Hiện nay, làng Đại Phu đang kiến nghị với tỉnh Hà Nam về hai vấn đề: nâng cấp trạm biến áp điện và xử lý tình trạng ô nhiễm ở cánh đồng làng do nước tẩy axit gây ra nhưng vẫn chưa được giải quyết.
 |
Một công đoạn sản xuất dũa
|
“Mặc dù không có nhiều nơi cạnh tranh làm dũa với Đại Phu nhưng sản phẩm của chúng tôi thường xuyên bị ép giá. Hầu hết, người làm dũa chưa trực tiếp tìm được đầu ra cho sản phẩm, vẫn phải thông qua nhiều doanh nghiệp thu mua khác. Lời lãi ngày càng ít, trong khi giá cả các loại mặt hàng tăng cao”, ông Tịch trăn trở.
Cách đây vài năm, giá thép mà Đại Phu nhập vào chỉ có 7000 đồng/1kg, còn hiện nay đã tăng lên 11000đồng/1kg. Thêm vào đó, giá điện, than, xăng dầu ngày càng tăng lên trong khi giá bán dũa vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đó là những thách thức đối với nghề làm dũa ở Đại Phu trong cơn “bão giá” như hiện nay. Thách thức này, đòi hỏi chính quyền các cấp và người làm dũa nơi đây phải có những bước cải tiến phù hợp, nhằm giữ vững vị thế dũa Đại Phu trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Bài và ảnh: Kim Thoa -Văn Phú