Ông Hai Chiến

Ở tuổi 75, ông Lý Hùng Chiến, được người dân địa phương gọi với cái tên than mật là bác Hai Chiến, vẫn còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ở xứ dừa Bến Tre, con người có giọng nói rắn rỏi, nét mặt cương quyết, nụ cười nhân hậu ấy từ lâu đã nổi tiếng làm việc thiện, góp sức xây dựng quê hương, từ làm cầu, làm đường; xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây dựng quỹ khuyến học, hội sinh vật cảnh, hỗ trợ người nghèo…đến nói chuyện truyền thống cách mạng, tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ.

Đại tá Nguyễn Văn Lăng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre đã kể với chúng tôi về bác Hai Chiến. Anh nói:

- Mấy ai về hưu làm được nhiều việc thiện, việc nghĩa như bác Hai Chiến. Một thời ngang dọc đánh Pháp, đánh Mỹ-nguỵ ở chiến trường miền Tây Nam bộ, ông đã rành rẽ nhiều điều, chứng kiến bao đau thương và hạnh phúc của người dân xứ dừa. Trước khi nghỉ hưu, ông đã trải qua nhiều cương vị, chức vụ lãnh đạo, từ, tiểu đoàn trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, bí thư Huyện ủy Mỏ Cày… và hôm nay, ông vẫn không ngơi nghỉ, tích cực đi đầu trong nhiều hoạt động xã hội, từ thiện. Bác Hai xứng đáng là một trong những người tiêu biểu nối tiếp từ truyền thống Đồng Khởi năm xưa đến công cuộc thực hiện phong trào Đồng khởi mới hôm nay.

Nhờ hẹn trước, chúng tôi đến thăm nhà ông nằm cạnh con kênh Cả Cấm tiếp nối với con sông Hàm Luông, thuộc ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (Bến Tre), khuất lấp nằm trong vườn cây ăn trái, cây kiểng râm mát. Việc bác Hai Chiến làm được người dân xứ dừa tôn vinh không chỉ vì ông có quá khứ hào hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà còn là những chiến công về công tác xã hội do ông lập nên ở độ tuổi xưa nay hiếm. Nhiều công tác xã hội, từ thiện của xã, của huyện, của tỉnh, ông đều nhiệt tình tham gia. Ông nghỉ hưu, mà vẫn còn đi nhiều hơn, bận bịu hơn. Gần thì, đi quanh trong địa bàn tỉnh Bến Tre vận động kinh phí làm đường, làm cầu; xa thì, đi các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ để vận động các đơn vị, nơi quen biết để xin tài trợ kinh phí làm nhà tình nghĩa, đến các chiến trường xưa để cất bốc mộ liệt sĩ… Bác Hai Chiến tâm sự với chúng tôi:

- Bến Tre là tỉnh nghèo, là một trong hai địa phương trong cả nước(Cùng với Quảng Nam) có gia đình chính sách lớn nhất nước; lại là địa bàn nằm trên ba cù lao, bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Khi nghỉ hưu tôi trăn trở lắm, đồng bào quê mình nghèo, các gia đình chính sách chưa có nhà ở rất lớn, làm sao để có kinh phí để làm được nhiều cầu, nhiều nhà tình nghĩa, nhà tỉnh thương; hỗ trợ hội khuyến học, gia đình nghèo… vì nếu dựa vào nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước thì khó đáp ứng đủ trong thời gian ngắn. Cuối cùng tôi nghĩ cách là phối hợp với các cơ quan chức năng, tự đứng ra đi vận động các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh, từ mối quan hệ của mình trong thời kỳ công tác…để vận động nguồn kinh phí tài trợ”.

Cách làm và tấm lòng nghĩa tình của bác Hai Chiến đã thực sự tạo được kết quả như mong đợi. Số tiền được các đơn vị, cá nhân hỗ trợ làm việc nghĩa ngày càng nhiều. Ông dùng số tiền này kết hợp với địa phương chọn lựa những cây cầu, đoạn đường cần được làm mới, sửa chữa. Trong những năm qua, bác Hai Chiến là người đứng ra vận động xây dựng hơn 60 cây cầu giao thông nông thôn giá trị gần 10 tỷ đồng, hàng chục ki-lô-mét đường giao thông liên xã, liên ấp; 15 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách… Những con đường ông góp sức vận động dựng xây nên ngày càng nhiều thêm, những tuyến đường, cây cầu gắn với những cái tên mới như: đường nhựa Tân Long 3, lộ xuống Thành Bình, cầu Lâm Đồng, cầu Thành Bình 1, Thành Bình 2, cầu Cả Ngang… Người dân nơi đây không quên hình ảnh ông già có nụ cười rất nhân hậu luôn có mặt, tất bật lo toan trợ giúp, hướng dẫn công nhân thi công xây dựng những cây cầu, những căn nhà tình nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Văn Bé, chủ tịch UBND xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày kể về bác Hai Chiến với niềm tự hào và cảm phục: - Bác Hai Chiến nhiều tuổi rồi không ngần ngại chuyện gì cả, miễn là có ích cho bà con, cho quê hương. Có nhiều lần, ông một mình lên TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để thuyết phục các chủ doanh nghiệp có quê quán ở Bến Tre, những nhà hảo tâm để vận động kinh phí giúp huyện Mỏ Cày làm cầu, làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Không những thế, bác Hai Chiến lại cùng đồng đội cũ, gia đình liệt sĩ trực tiếp đi tìm mộ liệt sĩ ở các chiến trường xưa ở Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Tháp... Hơn nữa, bác Hai Chiến còn được mệnh danh là một trong những “nhà kiểng học” của xứ Mỏ Cày và hiện nay đang giữ cương vị là Phó chủ tịch Hội cây kiểng tỉnh Bến Tre. Nhờ ông, phong trào chăm sóc, nhân giống cây kiểng xuất khẩu đã phát triển mạnh, giúp xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm hộ gia đình.

Bài, ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN