QĐND Online - “Cũng có những lúc mình thấy rất căng thẳng và mệt mỏi, thế nhưng mỗi khi các con làm được điều gì mới là hạnh phúc lắm, bao nhiêu mệt nhọc đều quên hết. Sự tiến bộ của các con là niềm vui, là động lực để mình cố gắng” - đó là tâm sự của cô giáo trẻ Trần Thị Hạnh (26 tuổi), người sáng lập ra ngôi trường chuyên biệt đầu tiên dành cho trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Từ những khó khăn buổi ban đầu…

Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói dịu dàng, dễ mến là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Hạnh tại Trường Mầm non Ánh Dương (thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Nhìn Hạnh say sưa dạy các em trò chơi bắt chước với ánh mắt, nụ cười thật ấm áp tôi mới hiểu vì sao những đứa trẻ ở đây lại yêu cô đến thế và thường gọi cô là “mẹ” đầy trìu mến.

Khi được hỏi về cơ duyên đưa cô đến với nghề, Hạnh chia sẻ: “Khi còn là sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mình thấy nhiều trường hợp phụ huynh phải nghỉ làm để đưa con lên Hà Nội trọ học tại các trung tâm dạy trẻ tự kỷ. Như vậy vừa vất vả, tốn kém vừa thiệt thòi cho các em vì thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của các thành viên khác trong gia đình”. Với mong muốn được góp phần nhỏ bé đem lại niềm vui cho những số phận kém may mắn, ngay sau khi tốt nghiệp, Hạnh đã về quê mở trường, mở lớp với bao khó khăn, trở ngại. “Ban đầu người thân, bạn bè mình đều ngăn cản nhiều lắm. Họ lo ngại mình còn quá trẻ, lại chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ không đảm đương được công việc vất vả như thế. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là kinh phí để lo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Áp lực từ phía phụ huynh cũng rất lớn. Phần lớn các bậc cha mẹ khi thấy con mình có những biểu hiện khác biệt cũng đã nghĩ đến việc con bị tự kỷ, song vì mặc cảm, họ không muốn chấp nhận hoặc có khi chán nản, buông xuôi…khiến bệnh của con ngày càng nặng thêm”, Hạnh cho biết.

Cô giáo Hạnh đang dạy học trò trong phòng học cá nhân.

Dù được đào tạo bài bản, nhưng khi tiếp xúc với những trẻ tự kỷ, Hạnh cũng gặp phải không ít khó khăn. Đến giờ, Hạnh vẫn còn nhớ như in những ngày đầu mở trường và cái buổi đầu bé Minh Quang (11 tuổi, huyện Kim Bảng, Hà Nam) được mẹ đưa đến lớp. “Quang cao lớn hơn so với tuổi của mình và rất hung hãn. Em nói rất tục, đánh cả cô và các bạn rồi phá cửa lao ra đường. Mình phải đuổi theo mấy cây số và phải nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh mới đưa được em về trường. Sau buổi học ấy mình mới hiểu vì sao khi vừa dẫn Quang đến lớp, mẹ em đã hỏi “ở đây có bảo vệ không cô giáo?””, Hạnh kể lại.

…Đến niềm hạnh phúc lớn lao

Việc dạy trẻ không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn cần có sự kiên nhẫn và lòng yêu thương. Đặc biệt, với các bé tự kỷ, tình yêu đó phải đủ lớn để vượt qua những khó khăn, mệt nhọc mỗi ngày. Ấy là khi cô giảng cả buổi mà bé cứ ngơ ngác nhìn song cửa sổ, là những khi cô nhọc công hướng dẫn nhưng bé vẫn cứ…ị ra quần, bé khác thì chạy nhảy, la hét cả ngày không chịu ngủ, có bé lại hì hục…đâm đầu vào tường rồi tự cắn đến trầy xước cả bàn tay. Cực nhất là bé Mai Hương (3 tuổi, huyện Lý Nhân, Hà Nam) khóc ròng rã đến mấy tháng trời mới quen thầy, quen bạn. Để dạy được các em những kỹ năng đơn giản nhất như xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, đi vệ sinh…cũng mất rất nhiều công sức và thời gian của cả cô lẫn trò. Mỗi sự tiến bộ tưởng như là bình thường và hiển nhiên đối với những trẻ bình thường khác lại là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những cô giáo nơi đây. Bé Minh Quang ngày nào còn khiến các cô sợ hãi, giờ đã rất ngoan, biết nghe lời người lớn, biết giúp đỡ bố mẹ, các cô làm việc nhà. Quang yêu cô giáo lắm nên Hạnh tình nguyện mỗi ngày đến nhà đón Quang đi học. “Sáng nào Quang cũng dậy sớm chuẩn bị và đứng đợi mình trước cửa nhà. Thấy mình, bé hay làm nũng “Sao cô đến muộn thế, con đợi cô mãi”, chỉ một câu nói ấy thôi cũng khiến mình vui lắm”, Hạnh kể.

Sự tiến bộ nhanh chóng của bé Bảo Minh (2 tuổi, phường Minh Khai, TP Phủ Lý, Hà Nam) là một kỳ tích đối với tập thể giáo viên trường Mầm non Ánh Dương. Từ chỗ không biết giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ, thính giác rất kém, nhưng sau 5 tháng trị liệu, dù phản ứng còn chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi nhưng Minh đã tiến bộ hơn rất nhiều so với những ngày đầu. Ngoảnh mặt lại nhìn và tiếng “dạ” lần đầu tiên của Minh khi nghe Hạnh gọi khiến cô mừng đến ứa nước mắt. Niềm vui của những người dạy trẻ tự kỷ thật bình dị, đó là những câu hỏi rất đỗi ngô nghê của con trẻ, là khi đến lớp trẻ biết chào cô, là cuối buổi học trẻ biết xỏ giày, đội mũ khi cha mẹ đến đón, là nụ cười trong veo và cái vẫy tay “bai bai” các cô trước khi về… Chỉ cần chừng đó thôi cũng đã đủ làm cho các cô giáo nơi đây vô cùng phấn khởi.

Và còn đó những trăn trở

Phải thật sự có tâm, lòng yêu nghề và yêu trẻ thì Hạnh mới có thể vượt qua được biết bao khó khăn để gắn bó với các em. Nhiều đêm Hạnh thức trắng với những suy tư, trăn trở. Khuôn mặt từng đứa, đặc điểm từng đứa và những khiếm khuyết của từng đứa… cứ hiện hữu trong tâm trí cô. 30 học trò của Hạnh là 30 hoàn cảnh khác nhau, mỗi trẻ sống trong thế giới của riêng mình nên cái khó của Hạnh là phải tìm đúng bệnh từng em để có phương pháp riêng trong việc điều trị.

Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, các thiết bị dạy và học chưa đáp ứng nhu cầu là điều mà cô giáo Hạnh cùng tập thể giáo viên nơi đây luôn trăn trở. Để thu hút trẻ tập trung vào việc học thì đồ dùng, đồ chơi phải đẹp, trang trí bắt mắt và phải thay đổi thường xuyên vì trẻ rất nhanh chán. Cô Lại Thúy An, người đã gắn bó với trẻ tự kỷ từ khi mới thành lập trường cho biết: “Các em ở đây yêu mến chị Hạnh lắm. Hôm nào tới lớp mà chưa nhìn thấy cô giáo Hạnh là các em nhớn nhác đi tìm. Thương các em nên chị Hạnh luôn tranh thủ thời gian tìm dịch các tài liệu nước ngoài để tham khảo về phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ. Vì kinh phí có hạn nên khi về nhà chị Hạnh lại cặm cụi tự làm thêm đồ chơi cho các em”.

Dù rất thương yêu và gắn bó với các em nhưng Hạnh không hề mong muốn những đứa trẻ của mình cứ ở đây mãi. Thành công và hạnh phúc lớn nhất với Hạnh lúc này là sau một thời gian ngắn đứng lớp, Hạnh đã có đến hơn chục học sinh “tốt nghiệp” các khóa học đặc biệt để trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống.

Bên cạnh những em được phát hiện và can thiệp sớm có thể khỏi hoàn toàn, cũng còn một số em lớn tuổi dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song khi trở về vẫn rất khó để có một công việc trong xã hội. Vì vậy, Hạnh luôn canh cánh một nỗi niềm là làm sao có kinh phí để liên kết với các trung tâm dạy nghề, hướng cho các em một công việc phù hợp để có thể tự kiếm sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: BẢO ANH