Trẻ em làng chài Vung Viêng đi thu gom rác.

Trong khi hàng ngàn, hàng vạn bạn trẻ đang nhiệt tình lên mạng để bình chọn cho vịnh Hạ Long vào danh sách các kỳ quan thiên nhiên thế giới thì có những người, bằng cách của mình, cũng đang âm thầm tìm cách “bầu chọn” cho kỳ quan này...

Vì một Hạ Long xanh

Một trong những người ấy là anh Đoàn Văn Dũng, Giám đốc công ty du lịch Indochina-junk-Công ty Du thuyền Đông Dương-có trụ sở ở ngay thành phố Hạ Long. Là chủ một doanh nghiệp du lịch lớn, điều mà Dũng trăn trở chính là chuyện vịnh Hạ Long được cả thế giới biết đến, được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, được bầu chọn ì xèo trên mạng, thế nhưng mỗi lần đưa những con tàu du lịch của mình ra Vịnh, thi thoảng đập vào mắt Dũng lại là những cọng rác trôi lềnh bềnh trên mặt nước trong xanh...

Phải làm một cái gì đó thiết thực để giúp cho Hạ Long ngày càng trở nên xanh hơn, sạch hơn, xứng đáng với danh hiệu kỳ quan thiên nhiên, cho dù có được bầu chọn hay không. Dũng bàn với một số doanh nghiệp khác cũng làm trong lĩnh vực du lịch như công ty Cánh buồm nhiệt đới và Dấu chân Việt Nam cùng nhau xây dựng một chương trình gọi là Vì một Hạ Long xanh, thực hiện các dự án nhằm cải thiện môi trường trên Vịnh Hạ Long.

Thu gom rác thải tại làng chài Vung Viêng chính là một tiểu dự án trong chương trình Vì một Hạ Long xanh.

Từ lâu, vịnh Hạ Long là chiếc nôi của một bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề chài lưới. Những người dân ở đây sống tập trung tại 4 làng chài chính trong lòng vịnh là Cửa Vạn, Ba Hang, Cống Tàu và Vung Viêng. Các làng chài này đã và đang trở thành những điểm dừng chân thu hút du khách trên hành trình ở vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, những sinh hoạt hằng ngày của người dân chài đang từng bước tạo ra những sức ép to lớn về mặt môi trường trên vịnh Hạ Long. Người dân ở đây còn khá bỡ ngỡ với hoạt động du lịch, ý thức bảo vệ môi trường sống của họ ở ngay trên vịnh cũng chưa cao.

Dũng cùng với những người tham gia chương trình Vì một Hạ Long xanh nhận thấy với một chương trình lớn như thế, nếu chỉ dừng lại ở những lời hô hào kêu gọi chung chung thì không có mấy tác dụng. Phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Bởi thế nên mới có dự án thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng.

Là chủ một doanh nghiệp du lịch lớn ở vùng vịnh Hạ Long, Đoàn Văn Dũng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động du lịch ở đây. Và anh đã sớm nhận ra một nghịch lý: khi du lịch càng phát triển thì hiểm họa tiềm ẩn về môi trường cũng tăng theo. Bởi vậy nên cần phải hành động sớm trước khi quá muộn. Dũng nói với tôi: “Nhìn ở góc độ kinh doanh, nếu càng có nhiều khách thì chúng tôi càng mừng. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đổ dồn về sẽ tạo nên một sức ép lớn về môi trường. Bởi vậy nên muốn kinh doanh phát triển thì phải duy trì được một sự quân bình: phát triển du lịch đồng thời phải giữ được môi trường. Mà muốn thế, không có cách nào hơn là phải giúp những người dân chài-những chủ thể không thể thiếu của vịnh Hạ Long-có ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ có như thế thì vịnh Hạ Long mới hút khách đến được”.

Trăn trở của những người trẻ tuổi

Buổi trưa, đi cùng tôi trên chuyến tàu ra làng chài Vung Viêng có anh Nguyễn Việt Dương, Giám đốc Trung tâm bảo tồn giải trí biển thuộc Ban quản lý vịnh Hạ Long. Sau khi từ bộ đội hải quân về năm 1976, anh Dương đã có tới hơn 30 năm gắn bó với vịnh Hạ Long, thuộc lòng từng đường ngang lối tắt, biết rõ nhiều hòn đảo trong tổng số 1969 hòn đảo ở đây. Anh Dương nói:

- Chúng tôi ở Ban quản lý vịnh Hạ Long trân trọng bất cứ một sáng kiến nào để bảo vệ môi trường của vịnh Hạ Long. Trước tình trạng ô nhiễm ở vịnh, những sáng kiến của các công ty du lịch như tại làng chài Vung Viêng rất đáng quý, không chỉ cụ thể hóa tính chất xã hội hóa của hoạt động bảo vệ môi trường mà còn thể hiện rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với di sản của đất nước.

Từ cảng Hòn Gai ra đến làng chài Vung Viêng, tàu đi mất hơn 2 giờ đồng hồ. Làng chài Vung Viêng thuộc vùng 4 của vịnh Hạ Long nhưng nằm trong địa phận vịnh Bái Tử Long. Mấy năm gần đây, nhiều công ty du lịch chuyển hướng hoạt động, đặt trọng tâm vào khai thác các tuyến tham quan du lịch trên vịnh Bái Tử Long, một địa bàn còn sơ khai, trước đây chưa được chú ý phát triển du lịch. Lượng du khách tăng lên, các tàu qua lại trên mặt vịnh Bái Tử Long tăng chuyến tất yếu đã khiến cho lượng chất thải ra cũng tăng lên theo. Theo anh Nguyễn Việt Dương thì về nguyên tắc, trong vùng bảo vệ rộng 432km vuông, tất cả những rác thải sinh hoạt đều phải chở về đất liền để thiêu hủy. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã có quyết định số 4117 về việc phải xử lý chất thải công nghiệp trên vịnh Hạ Long. Nguyên tắc là thế, nhưng trên thực tế thì...

Anh Nguyễn Việt Dương nói với tôi: “Hiện vẫn tồn tại một thực tế đáng buồn là có tới gần 90% cư dân ở các làng chài trên mặt vịnh Hạ Long không biết chữ! Do trình độ còn hạn chế như thế nên ý thức bảo vệ môi trường, cụ thể là việc thải rác ra, vẫn còn chưa kiểm soát được. Mấu chốt của công tác bảo vệ môi trường ở đây là phải thay đổi ý thức người dân, mà việc đó thì không thể ngày một ngày hai được mà phải làm dần dần...”.

Trẻ trung, đẹp trai, tóc búi tó kiểu Baggio, trông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc công ty du lịch Dấu chân Việt Nam, giống một ngôi sao nhạc pop hơn là chủ một doanh nghiệp du lịch. Anh cũng đã từng có nhiều năm lăn lộn trên mặt vịnh Hạ Long, từ chân hướng dẫn viên du lịch đi dần lên để bây giờ là Giám đốc một công ty có những con tàu du lịch thuộc hạng de luxe ngang dọc trên vịnh Hạ Long. Tôi đã có dịp đi thăm một xưởng đóng tàu, nơi công ty của Thành đã góp vốn cùng với bên Du thuyền Đông Dương đóng mới hai chiếc tàu du lịch thuộc loại “xịn” nhất trong đội tàu du lịch ở vịnh Hạ Long. Một con tàu tuyệt đẹp dường như bước ra từ những trang tạp chí du lịch đang nằm trên đà, hoàn thiện những khâu cuối cùng để trườn xuống mặt nước, bắt đầu những chuyến hải hành thơ mộng.

Nhưng tâm sự với tôi, Thành không nói về những con tàu sang trọng mà về dự án anh cùng với các đối tác đang ấp ủ: “Tôi nghĩ rằng khi đã kinh doanh thì bao giờ cũng phải tính đến yếu tố lợi nhuận, nhưng đó chưa phải là tất cả. Vấn đề là còn phải biết chia sẻ lợi nhuận đó để có thể khai thác du lịch một cách bền vững. Khi đặt vấn đề đẩy mạnh bảo vệ môi trường, chúng tôi hiểu rằng đó cũng là vì lợi ích của bản thân các công ty du lịch, bởi vì khi khách mua tour, họ cũng đánh giá hình ảnh của công ty qua các hoạt động vì cộng đồng”.

Dự án vớt rác thải ở Vung Viêng chủ yếu nhằm mục đích làm thay đổi nhận thức của người dân ở làng chài thông qua các hoạt động tuyên truyền được tổ chức định kỳ ba tháng một buổi, có phát quà cho các hộ trực tiếp tham gia dự án. Các hộ dân ở làng chài Vung Viêng sẽ được đặt thùng rác tại nhà; tổ chức thu gom rác hằng ngày và xây dựng hợp đồng với trưởng thôn tại làng chài thuê một lao động hằng ngày đi thu gom rác thải và đổ tại nơi quy định; định kỳ hằng tuần sẽ có kế hoạch xử lý số rác thải đã thu gom trong tuần…

Việc kiểm soát thu gom rác hằng ngày sẽ được thực hiện thông qua hệ thống dịch vụ của công ty Du thuyền Đông Dương.

Đoàn Văn Dũng, một trong những thành viên chủ chốt của dự án nói: “Dự án thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng mới chỉ là bước khởi đầu. Để có giải pháp lâu dài và bền vững hơn thì phải ươm mầm từ những thế hệ trẻ của làng chài, mà muốn thế thì không có cách nào khác là phải có một môi trường giáo dục tốt ở ngay trên mặt Vịnh!”.

Ý tưởng đó đã bắt đầu cho một dự án khác, lớn hơn, căn cơ hơn và cũng “hoành tráng” hơn mà những người làm du lịch như Dũng, Thành và nhiều người khác nữa đang ấp ủ. Đó chính là dự án xây một trường học tại làng chài Vung Viêng. Trường sẽ được xây trên nhà bè, có hai phòng học, hai phòng giáo viên, sân chơi, nhà vệ sinh… khung xương, ván ốp sân chơi bằng gỗ táu, cửa chính, cửa sổ, trần bằng gỗ keo qua xử lý… Tổng chi phí dự toán cho ngôi trường này khoảng 250 triệu đồng, ngoài sự đóng góp của những thành viên tham gia dự án, còn kêu gọi sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu được thực hiện thành công, đây sẽ là ngôi trường đầu tiên ở vịnh Hạ Long (nếu không nói là trên cả nước), được xây dựng xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường.

Màu xanh của những con sóng sạch

Từ xa, trông làng chài Vung Viêng giống như một khu du lịch với những ngôi nhà lợp mái đỏ tường quét sơn màu vàng soi bóng xuống mặt nước xanh thẫm của vịnh Bái Tử Long. Khi tàu đưa chúng tôi lại gần, tôi mới nhận ra là những ngôi nhà ở đây đều được dựng trên những chiếc bè lớn, mỗi căn hộ đều có đánh số để dễ quản lý. Làng chài nằm trong vũng khá kín, tựa lưng vào đảo để tránh gió giật mỗi khi có bão.

Anh Vũ Văn Hùng, trưởng khu cho biết cả làng chài có 53 hộ với tổng số khoảng 300 nhân khẩu. Bà con ở đây sinh sống chủ yếu dựa vào nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Từ bao lâu nay, rác thải sinh hoạt hằng ngày đều được “xử lý” một cách đơn giản là đổ xuống biển! Nay có dự án của các doanh nghiệp khởi xướng, bà con làng chài Vung Viêng sẽ nhận thức rõ những lợi ích của việc bảo vệ môi trường, không phải đâu xa mà cho chính hoạt động nuôi trồng khai thác thủy sản, đồng thời sẽ mở ra hướng mới là làm các dịch vụ du lịch. Nhiều nơi đã làm rồi và rõ ràng là khi khách du lịch đến thì nguồn thu được từ du lịch sẽ không nhỏ…

Buổi lễ phát động chiến dịch thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng diễn ra nhanh chóng và giản dị ngay trên căn nhà bè của anh Hùng, trưởng khu Vung Viêng. Sau vài lời phát biểu ngắn của anh Đào Bá Văn, Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng là nơi quản lý hành chính làng chài Vung Viêng, đại diện các doanh nghiệp phát động chiến dịch thu gom rác thải rồi bắt đầu cho các thuyền đi thu gom rác cũng như phát thùng rác cho các hộ dân ở làng chài.

Trong số những người đi vớt rác hôm ấy, tôi chú ý đến một cậu bé nhanh nhẹn, có vẻ mặt sáng sủa. Hỏi chuyện, cậu bé cho biết tên là Phạm Văn Hùng, 14 tuổi, đang học lớp 3 ở ngay Trường tiểu học Vung Viêng tại nhà bè bên cạnh. Nhà Hùng có 4 anh em, ngay từ nhỏ đã quen với đời sống lênh đênh trên mặt nước. Lên lớp 2, Hùng đã biết chèo thuyền đi cùng người lớn phụ giúp công việc. Nhưng hôm nay, Hùng rất vui vì có đông người đến làng chài và cậu thoăn thoắt chèo thuyền đi gom rác trên mặt nước gần nhà bè của cậu.

Cô giáo của Hùng là Lê Ngọc Bích, 22 tuổi, người đang dạy từ lớp 1 đến lớp 3 ở Trường tiểu học Vung Viêng cũng cho biết các kiến thức về bảo vệ môi trường được cô cùng các đồng nghiệp lồng vào các bài giảng trên lớp để tạo cho các em sớm có được ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn có môn Di sản do Ban quản lý Vịnh biên soạn để giảng dạy trên lớp…

Việc tuyên truyền để người dân ý thức được chuyện bảo vệ môi trường tưởng chừng như đơn giản nhưng hóa ra không hẳn như thế. Đến ngay cả chuyện cung cấp cho họ thùng đựng rác, cũng chưa chắc họ nhận. Khi thuyền của tôi cùng với anh Vũ Văn Hùng trưởng khu Vung Viêng cặp vào nhà bè của anh Võ Văn Quyên, số căn hộ QN 4607-TS, đón chúng tôi ngay trước cửa nhà là chị vợ anh Quyên với vẻ mặt nặng như đeo đá! Một lát sau, anh Quyên cũng bước ra đón với vẻ miễn cưỡng. Đến khi anh Hùng nói về chuyện vớt rác, đồng thời cho người khênh cái thùng rác bằng nhựa lên bè, anh Quyên lắc đầu quầy quậy:

- Em không lấy đâu. Nhà em làm gì có rác, lấy thùng rác mà làm gì! Nếu không tin, các bác cứ vào đây mà xem!

Hóa ra là như vậy! Nếu nhận thùng rác thì hóa ra công nhận là trước nay mình vứt rác xuống biển à? Lại mất một hồi thuyết phục, vận động, anh Quyên mới chịu cho để cái thùng rác lên trên nhà, trong khi mặt chị vợ mới giãn ra được một chút!

Anh Vũ Văn Hùng cười nói với tôi: “Khổ thế đấy! Nhiều người dân ở đây không biết đọc, trình độ học vấn còn hạn chế nên để chuyển đổi ý thức của họ phải dần dần, từng bước một. Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu mỗi hộ gia đình phải làm cam kết không vứt rác thải xuống vịnh. Những rác thu gom được sẽ phải đem đốt để xử lý triệt để nguồn rác thải gây ô nhiễm môi trường…”.

Khi con tàu đưa tôi rời khỏi làng chài Vung Viêng, những lượn sóng xanh trong như ngọc bích rẽ sang hai bên sườn tàu. Tôi biết rằng góp vào trong cái màu xanh ấy có những con sóng sạch ở Vung Viêng. Vịnh Hạ Long đang được bầu chọn vào danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới và những người dân Vung Viêng đã bầu chọn theo cách của mình.

Bài và ảnh: YÊN BA

(Hạ Long, 3-2008)