Nhận cờ trước giờ xung trận. Ảnh tư liệu

Đường đi trong chợ hẹp. Tôi và Hai Ánh đứng nép sang một bên để không cản trở người khác. Tôi móc tiền ra đếm, ngón tay chỉ vào một gói vo tròn nhỏ hơn đầu ngón út, bọc kỹ trong giấy ni-lông. Đó là báo cáo tình hình sơ bộ trong những ngày qua tôi gửi về cấp trên. Hai Ánh nhanh chóng cho tiền và “viên báo cáo” vào túi rồi trao chồng bánh tráng cho tôi. Chà! Sao nặng khác thường thế này?

Cô nói nhỏ vừa đủ hai người nghe:

- Hai khẩu súng và 27 viên đạn trong đó. Năm Hải nói 30, nhưng anh em qua sông làm rớt 3, chỉ còn 27 viên.

Hai người đi bên nhau một đoạn. Hai Ánh nói tiếp:

- Hôm qua ngày hẹn chính thức em có đi, nhưng đến ngã tư Ba Ri-Tân Quy bọn lính đuổi về nói dưới này còn đánh lớn. Nói thế nào cũng không được, em đành quay về. Hôm nay cũng phải năn nỉ lắm chúng mới cho đi. Hôm qua, anh có trông em không?

Tâm trí tôi còn dồn vào chồng bánh tráng. Tôi nói:

- Lần sau mùng 8, dự bị mùng 10. Địa điểm trước rạp Minh Phụng. Tình hình còn căng, có thể dùng đến quy ước gặp gỡ người không quen.

Hai Ánh lướt qua khỏi tôi rồi đi thẳng. Tôi tạt vào hàng rau quả chọn mua một bắp cải với vài cây hành lá. Tay phải cặp nách xấp bánh tráng có treo bên dưới bó hành, tay trái xách bắp cải, tôi đi trở vào nhà. Mạo hiểm thật! Dám đem súng đạn từ Củ Chi xuống đây chỉ nghi trang sơ trong một chồng bánh tráng thế này, đúng là một giao thông dũng cảm! Và phải mưu trí, linh hoạt lắm mới được, vì nếu để bọn lính xách chồng bánh tráng, thấy nặng khác thường chúng sẽ phát hiện và bắt ngay.

Từ đầu chợ vào nhà chỉ hơn 150 thước, nhưng phải đi ngược vào nơi còn nổ súng. Bọn lính không xét hỏi, có lẽ vì nhớ mặt tôi mới đi ra. Chỉ có thằng đứng đầu hẻm lúc nãy bước đến cười hề hề. Tôi cũng cười với nó:

- Món này chấm nước tương “con chuột” sống được mấy bữa.

- Thiếu một con cá lóc!

- Nhà tôi hôm nay còn ăn chay mà!

- À… ra vậy!

Tôi rẽ vào ngõ hẻm. Tám Thảo ra mở cổng, tôi đi thẳng luôn vào gian nhà bên trong, để cái bắp cải, bó hành lại trên ván và ôm chồng bánh tráng đi luôn lên gác.

Tám Thảo bước lên theo, hỏi tôi:

- Anh có gặp người của ta không? - Có chớ. Được xấp bánh đây nè…

Tôi tiếp, giọng nhỏ lại đủ hai người nghe:

- Súng đạn trong đó. Em xuống gác cho kỹ, có gì báo động kịp thời, để anh khui “món hàng” này ra.

Tôi bật dao con chó cắt mấy sợi dây ni-lông đen rồi xếp từng xấp bánh tráng ra sàn gác. Đây rồi! Hai khẩu súng ngắn K.54 được xếp khéo léo đến kỳ lạ.

Nhớ lại mấy năm còn ngoài miền Bắc, đi dự thi bắn súng ngắn với các kiện tướng Trần Minh, Trần Oanh, Hồ Xuân Kỷ, tôi thấy các anh ấy mang đến trường bắn mỗi người một cái hộp bằng gỗ có quai xách rất đẹp. Đến bàn dành cho xạ thủ, anh nhẹ nhàng đặt hộp lên, thò tay vào túi lấy chìa ra tra vào ổ khóa vặn “tách”. Bên trong, khẩu súng ngắn được nằm trong một khung vừa vặn bọc nhung cẩn thận. Ở đây cũng vậy, chỉ khác là không có hộp cứng, không có bọc nhung, nhưng bánh tráng được cắt xén thành một khung vừa vặn đặt đúng 2 khẩu K.54 và hai gói đạn nhỏ. Súng mới toanh còn được bọc trong mấy lớp giấy mỡ bò. Rõ ràng là lấy từ trong thùng ra rồi chuyển ngay vào Sài Gòn cho tôi.

Tôi tháo từng chi tiết, lau sạch từng khẩu, ráp vào cẩn thận. Nguyên là một xạ thủ súng ngắn trong đội tuyển của Sư đoàn 338 nên việc này đối với tôi không khó khăn gì. Hơn 11 giờ thì xong tất cả.

Tôi đến đầu cầu thang gọi Tám Thảo lên, cho cô coi hai khẩu súng ngắn và nói:

- Bây giờ ta để tạm súng đạn dưới cái gối em đây, còn các thứ này, em tính coi, ta bỏ đi đâu?

- Cho vào thùng rác!

- Không được đâu. Mình phải tính đến tình huống gay go, chúng xét nhà tỉ mỉ từng món. Bình thường thì không sao, nhưng trong tình huống đó, thấy giấy, vải vụn dính mỡ chúng nghi liền. Bọn giặc tinh ranh lắm.

- Vậy có cách này, anh xem được không. Ta san hũ mắm ra, cho mớ này xuống dưới rồi cho mắm vào trở lại… Bọn lính thấy mắm, sợ hôi tay, sẽ không đụng vào đó đâu.

- Cũng được. Thôi… đành hy sinh hũ mắm vậy.

Tám Thảo hốt các món phế thải đi xuống nhà bếp.

Cơm nước xong, tôi lên gác đến bên cửa sổ, nhìn sang trận địa. Rõ ràng là bọn giặc đang chuẩn bị cho một trận tấn công dứt điểm. Nhiều xe bọc thép loại nhỏ chạy bánh bôm được điều động đến, dàn ra từ góc đường Nguyễn Du đến tận đây, nòng súng hướng về cái nhà lầu 5 tầng. Một xe chữa lửa bật chiếc thang dựng cao lên ngang với tầng 2. Trên nóc nhà mái bằng bên này đường, đối diện tòa nhà là trụ sở bộ chỉ huy cuộc tấn công. Trước mắt chúng được xếp chồng lên một số bao cát. Vị trí tôi đang nằm đây là bên hông phải của mấy thằng chỉ huy. Mặt này chúng để trống không có phòng bị gì cả. Từ đây đến đó trên dưới 70 mét, tức là nằm trong cự ly hiệu quả súng ngắn K.54.

Nhớ lại một mẩu chuyện vui:

Năm 1959, tôi là thượng úy chính trị viên đại đội thông tin của Sư đoàn 338. Đơn vị đóng trên đồi Xuân Mai thuộc tỉnh Hà Đông. Có con sông Bùi trong mát chảy ven doanh trại. Chiều chiều, tôi thường đưa một số anh em trong đại đội ra đây để bơi lội. Một hôm, tắm xong, nai nịt súng đạn gọn gàng để chuẩn bị vào trại dùng cơm chiều thì đồng chí Lê Sự, lúc ấy là thượng sĩ phụ trách quản lý đại đội nói với tôi:

- Anh Tư là xạ thủ súng ngắn của sư đoàn, vậy anh có bắn trúng mục tiêu bên kia sông không?

Tôi ước lượng cự ly rồi đáp:

- Sông chỉ rộng độ 70 mét, chắc chắn là trúng. Trong tài liệu bắn súng ngắn có viết: xạ thủ Liên Xô dùng súng ngắn hạ mục tiêu với cự ly 100 mét kia mà!

Một chiến sĩ nhanh nhảu hưởng ứng:

- Tôi chạy vào lấy bia bắn ra nghen thủ trưởng.

Tôi gật đầu:

- Ừ. Vào lấy đi, tôi bắn cho xem. Nổ một, hai viên chắc sư đoàn không nghe đâu.

Một chiến sĩ khác nói vui vẻ:

- Nhưng bắn không như vậy thì chán lắm. Hai bên phải đánh cá cái gì để chúng tôi còn nhờ với chớ. Đãi một chầu bia ở căn-tin, phải đấy.

Tôi gạt đi:

- Thôi đừng đến căn-tin sư đoàn. Mấy cô đằng đó chém dữ lắm. Với lại kéo nhau đến đó nhậu người ra nói.

Lê Sự đưa ý kiến:

- Vậy thì giữa tôi và thủ trưởng, ai thua cuộc chịu một con vịt nấu cháo bồi dưỡng luôn cho anh em báo bia. Trưa nay đồng chí tiếp phẩm mới gánh về mấy con đó.

Tôi tán thành liền:

Đồng chí chiến sĩ vui tính đề xuất ý kiến cá cược lúc nãy, reo lên:

- Được rồi. Cháo vịt, làm nước mắm gừng đàng hoàng. Ai thua phải chịu hết, phải không thủ trưởng?

- Điều đó hẳn như vậy rồi. Tôi nói và bắt đầu chọn một chỗ bằng phẳng để đứng cho đúng tư thế vững vàng.

Bia được vác ra. Đồng chí chiến sĩ ấy hăng hái bơi qua cắm bên kia sông. Từ bờ bên này, Lê Sự vừa đưa tay điều khiển vừa hét to:

- Cắm sát bờ,… xích vào sát bờ tí nữa… cắm chặt xuống… hơi lệch… Đó, được rồi!

Mục tiêu bia vòng tròn nhô lên trên bụi cỏ dại, mấp mé mặt nước. Ước lượng cự ly một lần nữa, tôi thầm nghĩ: ăn được. Và nhứt quyết phải ăn, vì còn trách nhiệm của thủ trưởng đại đội, phải gây lòng tin cho các chiến sĩ.

Tôi rút súng ra khỏi bao, kéo cơ bẩm. Viên đạn vào lòng đánh rốc một tiếng. Với động tác ung dung thoải mái, tôi nghiêng người, từ từ đưa súng lên… Sự nói lại:

- Phải vòng 10 mới được đấy, anh Tư!

Hơi ngán, tôi mỉm cười, hạ súng xuống, nói:

- Đề nghị vòng 9 trở vào vòng 10, hơi xa, được không?

Sự đồng ý:

- Rồi. Vòng 9 vào vòng 10. Vòng 8 trở ra thì anh Tư thua.

Tôi khẽ gật đầu. Khẩu súng lại được đưa lên. Tôi từ từ tăng lực vào ngón tay bóp cò. Đúng điểm, viên đạn nổ. Tôi tháo đạn, hạ cần búa, cho súng vào bao bên hông, cài khuy lại cẩn thận. Không nhìn vào bia, nhưng với kinh nghiệm bắn tập nhiều lần, tôi biết chắc đã trúng điểm cao.

Tôi khoát tay làm hiệu và nói to:

- Vào xem bia đi!

Đồng chí chiến sĩ nằm tránh một bên dưới mép nước nghe hiệu lệnh lập tức bơi đến. Tay chỉ vào giữa bia, anh ta reo lên:

- Vòng 10. Đúng điểm 10 rồi, anh Sự ơi.

Anh em chiến sĩ đứng trên bờ đều phấn khởi trước kết quả ấy, đồng chí Sự cũng vậy.

Thấy đang cuộc vui và cũng hứng chí, tôi gạ:

- Đồng chí Sự ơi! Thế này nhé. Bây giờ tôi bắn tay trái. Nếu bắn trúng nữa, tức là từ vòng 9 đổ vào vòng 10 thì đồng chí chịu luôn 2 con vịt nấu cháo, còn nếu trật tức là từ vòng 8 trở ra thì tôi chịu cả 2 con ấy. Đồng ý không?

Tất cả reo lên hưởng ứng. Sự cũng vậy. Có đồng chí nói:

- Coi chừng với cự ly này, tay trái khó ăn lắm đấy thủ trưởng.

Tôi nói:

- Ăn hay thua gì, tối nay chúng mình cũng có một nồi cháo vịt để liên hoan. Mới lãnh lương mà, sợ gì. Miễn quản lý chịu nhượng vịt lại là được.

Sự đáp trong tiếng cười vui vẻ:

- Thủ trưởng khỏi lo chuyện đó. Rất sẵn sàng. Đồng chí day mặt sang bờ bên kia hét to:

- Khoan nhổ bia đã! Thủ trưởng còn bắn một viên nữa. Nhìn kỹ viên đó đi nhé!

- Được rồi!

(Còn nữa)

Theo “Sài Gòn Mậu Thân 1968” của tác giả NGUYỄN VĂN TÀU