 |
Dân quân Củ Chi vận chuyển vũ khí phục vụ bộ đội. Ảnh tư liệu |
(Tiếp theo kỳ trước)
Suy nghĩ một lúc tôi nói với Tám Thảo:
- Không có lẽ chúng đã đánh hơi thấy cái gì rồi và bắt đầu nghi em là người của cách mạng.
Sau bữa cơm chiều, hai chúng tôi cùng bàn với nhau cách đối phó. Trước hết, phải dò xét thực hư thế nào và nếu bị chúng nghi thì đến mức độ nào để có kế hoạch xử trí.
Sáng hôm sau, Tám Thảo cũng đi làm rất đúng giờ như mọi ngày. Khi thấy tên thiếu tá Mỹ bước vào văn phòng thì cô bưng mặt khóc, khóc thật sự, khóc sướt mướt, với chiếc khăn tay trắng đầm đìa nước mắt. Trong giọng nói sụt sùi, đứt quãng, cô nói với tên Mỹ:
- Thưa ông thiếu tá… Xin các ông cho tôi nghỉ việc. Ông đã đến nhà tôi… Ông biết đó… Tôi đi làm với các ông không phải vì gia đình tôi thiếu thốn… mà để học thêm tiếng Mỹ. Tôi yêu tiếng Mỹ, tôi quý trọng người Mỹ các ông, tôi tưởng các ông văn minh, lịch sự… ai dè các ông làm nhục tôi, làm nhục một người phụ nữ như tôi…
Tên Mỹ hỏi vội, lo lắng:
- Sao? Làm nhục à? Đứa nào làm nhục?
- Buộc dây vào tay tôi. Bắt tôi trả lời từng câu hỏi như điều tra một tên bất lương. Như thế mà không nhục à?
Hiểu ra, tên Mỹ phá lên cười. Hắn bước đến bên cô gái. Hai bờ vai tròn trịa, cái cổ trắng muốt, tất cả run run trong tiếng khóc tức tưởi. Có lẽ thằng Mỹ bị xúc động thật sự. Nó vỗ vai cô gái. Cô hất nhẹ tay nó ra:
- Xin ông cho tôi nghỉ việc. Tôi không chịu nổi nữa.
Nó bước lại cạnh bàn, kéo ghế ngồi đối diện, vẫn cái giọng đùa cợt:
- Có gì mà nhục? Chúng hỏi chút vậy thôi chớ có làm gì cô đâu?
Rồi hắn nghiêm giọng nói nhỏ đủ hai người nghe:
- Vào đây làm việc với tôi, cô biết cô đang ở trong ngành nào không? Ngành tình báo. Mà đã vào ngành tình báo thì bất cứ ai cũng đều phải qua một cuộc điều tra như vậy. Hồi mới vào ngành, tôi cũng bị hạch hỏi đủ điều, cũng phải qua cái máy đo sự thật như cô vậy. Thôi đi cô ơi! Đừng khóc nữa. Nhìn một thiếu nữ xinh đẹp như cô mà khóc, tôi buồn chết đi được…
Ngưng một chút, nó chồm lên mặt bàn để nói nhỏ hơn như tiết lộ một bí mật:
- Đêm qua, tôi có đến hỏi riêng thằng bạn thân của tôi làm việc ở chỗ đó. Nó cho biết hồ sơ của cô tốt lắm. Một đường thẳng băng như vậy nè…-Vừa nói nó vừa gạch trên bàn một đường thẳng trước mặt Tám Thảo-… Như vậy cô đã nói thật, cô là một người rất tốt. Mà nếu có sự dối trá nghi ngờ thì chúng nó đã bắt giữ cô từ chiều hôm qua để tôi về một mình rồi. Chúng nó có quyền như vậy mà. Thôi hãy tiếp tục làm việc với tôi đi. Nghĩ ngợi làm gì, hỡi cô gái đáng yêu!
Chiều về, Tám Thảo báo lại như trên, hai anh em cùng cười, vui quá. Cô nói: Lúc nghe nó nói như vậy, em muốn cười rồi, vì thấy thằng Mỹ trúng kế anh đã bàn với em, nhưng em nín được, để bây giờ tuôn ra cười với anh đây.
Từ dưới nhà có tiếng ba gọi:
- Các con xuống ăn cơm đi. Việc gì mà vui dữ vậy?
Tôi bước xuống thang gác, thân mật đặt tay vào vai ba, nói: Ta vừa thắng một trận, ba à.
- Vậy sao?
Trong bữa ăn chiều hôm ấy, ông già cũng vui lây, cứ gắp thức ăn bỏ sang chén tôi và giục: “Ăn đi con, món này ngon lắm!”.
Tôi quên một chi tiết vui. Đó là ông già bị bệnh suyễn nặng. Nhiều đêm khó thở, ba thức dậy ôm gối ngồi dựa lưng vào tường. Ngủ chung trên một đi-văng, ba làm nhẹ nhàng để tôi không thức giấc. Nhưng tôi dễ thức lắm. Động một tí, tôi đã dậy ngay và tôi lấy chai dầu gió trên đầu thoa bóp cho ba đỡ mệt. Tôi vẫn biết bệnh suyễn là một bệnh hay lây. Những bữa ăn nào vui như bữa nay, ba thường gắp thức ăn bỏ vào chén tôi. Trước khi bỏ cho tôi, ba đưa vào miệng nếm thử rồi nói:
- Ngon quá con! Ăn đi! Món này hôm nay má con nấu ngon.
Tôi cười và ăn ngon lành trước sự vui vẻ của mọi người trong gia đình. Những lúc rảnh, ba má thường kể cho tôi nghe: Ba má xuất thân từ những nông dân rất nghèo ở làng Nội Duệ, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi cưới nhau, cùng dắt vào Nam tìm nguồn sinh sống, đầu tiên ở Bạc Liêu, sau đó trôi nổi về Sài Gòn. Ba là một nông dân chân chất. Động tác gắp thức ăn cho tôi là biểu hiện sự thương mến của người nông dân đối với con cái ruột trong nhà.
Lại một đêm nữa, đêm mồng 2 Tết Mậu Thân đầy biến động. Giặc vẫn chưa vào được tòa nhà năm tầng. Đêm tối im tiếng súng. Bọn giặc đông nhung nhúc cứ bao vây canh gác bên ngoài, còn bên trong không ai biết còn bao nhiêu người, có người chết, người bị thương hay không? Và trong tình thế này, làm sao giải quyết số thương vong?
Ba ngày được nghỉ lễ Tết đã trôi qua, nhưng sáng nay Tám Thảo vẫn chưa đi làm, khu vực nhà mình đang có chiến sự, lý do dễ nói thôi. Cô cùng lên căn gác với tôi, nhìn qua cánh cửa sổ hé mở để tiếp tục theo dõi trận đánh.
Hình như bọn giặc đang chuẩn bị một đợt tấn công dứt điểm. Có sự rộn ràng về phía chúng. Mấy tên sĩ quan Nam Triều Tiên đứng trên nóc mái bằng bên nhà đối diện chỉ trỏ sang tòa nhà anh em ta đang phòng ngự. Ngoài bọn biệt động quân đã có sẵn, hôm nay lục tục kéo đến thêm một đơn vị thủy quân lục chiến. Trên trời, chiếc trực thăng tâm lý chiến quay vòng sát những ngọn cây dầu, giọng nói tên giặc ra rả đáng ghét:
- Hỡi các cán binh Việt cộng đang tử thủ trong cao ốc. Hành động của các bạn dẫn đến một cái chết vô ích. Không nên trông vào một phép mầu nào đến giải vây cho các bạn. Chủ lực của các bạn đang phơi xác trên các ruộng mía Bình Mỹ, Hóc Môn và hàng rào căn cứ Quang Trung. Các bạn đã lâm vào một tình thế tuyệt vọng rồi. Chúng tôi kỳ hạn cho các bạn năm phút nữa. Sau đó chúng tôi sẽ hủy diệt tòa nhà này. Năm phút không phải là nhiều đâu. Hãy suy nghĩ và đầu hàng đi.
Từ loa phóng thanh đặt trên máy bay, câu nói đáng ghét cứ được lặp đi lặp lại. Ngoài đường bọn lính dàn từng tổ sẵn sàng chiến đấu.
Bên trong vẫn im lặng.
Giặc bắt đầu tấn công. Súng lớn M72 của địch bắt đầu nổ. Đùng! Đùng!… Nhiều bựng khói trùm lên các cửa sổ. Chúng bắn tầng trên cùng rồi lần xuống các tầng dưới, rồi trở lên các tầng trên. Rõ ràng là giai đoạn súng lớn bắn chuẩn bị cho một cuộc xung phong. Cát đá vôi vữa rơi lả tả xuống sân.
Bên trong vẫn im lặng.
Người ta hình dung những con người phòng ngự trong tòa nhà nếu còn sống cũng mềm nhũn ra trước sức nổ ghê gớm của các chùm đạn súng lớn.
Tám Thảo hắt hơi, tôi cũng vậy và cả hai đều nước mắt giàn giụa. Tôi nói:
- Giặc bắn hơi cay. Em xuống nhà lấy vài quả chanh và con dao đem lên đi. Chúng chuẩn bị xung phong đấy.
Tám Thảo rút khăn tay đưa cho tôi.
- Anh bịt mũi lại tạm đỡ đi. Em đi lấy chanh.
Mùi nước hoa từ chiếc khăn toát ra cũng làm cho tôi dễ chịu một chút. Tám Thảo đem trái chanh lên cắt ra thành nhiều miếng. Tôi lấy thoa lên mắt, lên mũi và ngậm một miếng. Tám Thảo nói:
- Chúng bắn dữ quá, anh em mình đằng đó chịu sao nổi, anh Tư…
- Không ăn thua gì đâu. Rồi em xem. Chúng vào là chết đấy!
Không phải tôi lựa lời để làm cho Tám Thảo yên tâm, mà tôi vững tin thật sự vào tinh thần và sức chịu đựng của anh em mình, một sức chịu đựng rất kỳ lạ của người Cộng sản mà kẻ thù với máy tính điện tử dù tối tân đến mấy cũng không thể nào lường hết được. Như câu chuyện hồi cuối năm 1967, giặc cho loại pháo đài bay khổng lồ B.52 lên rừng Tây Ninh ném bom tiêu diệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Nhờ tin tình báo cung cấp kịp thời, các cơ quan lãnh đạo đã di chuyển, chỉ còn trụ lại một đơn vị bảo vệ căn cứ. Bom thả không dứt. Từng đợt, từng đợt như “sấm rền”, mỗi đợt ba chiếc, mỗi chiếc tuôn xuống hàng chục tấn bom, hết đợt này đến đợt khác. Trời đất âm u vì thuốc đạn. Cây rừng đổ ngổn ngang. Cát đá bắn tung lên, mặt đất quặn đau bị xé toạc ra thành nhiều hố bom sâu hoẳm. Sau những đợt B.52 rải thảm “bóc vỏ quả đất”, tưởng không còn côn trùng, con dế huống chi con người. Bọn Mỹ tin như vậy. Khói bom chưa tan hẳn, nhiều toán trực thăng đã bay đến thả bộ binh xuống. Theo tính toán ở Bộ tư lệnh Mỹ mà chúng tôi được biết thì sau những đợt ném bom rải thảm, bọn bộ binh được trực thăng thả xuống chỉ còn làm công việc đếm xác Việt cộng, quan sát chiến trường, về làm báo cáo… Thế mà khi đế giày chúng vừa chạm đất, lập tức anh em đơn vị bảo vệ đã từ dưới hầm hào xông lên đánh trả. Việt cộng có phép lạ gì mà bom Mỹ thả xuống không chết? Không có phù phép gì cả. Cũng là con người bằng xương bằng thịt cả thôi. Sự thật, có nhiều đồng chí hy sinh. Tôi đã mục kích nhiều trường hợp, một trái bom đánh trúng làm sập hầm chết hơn nửa tiểu đội. Có anh chị em trúng bom, không còn tìm được một mảnh xương vụn. Tất cả trộn trong đất, thành cát bụi. Sau những trận thả bom, người còn sống phân tán đi kiếm thây đồng đội đã hy sinh. Nhiều ngày sau, thấy con lằn bu nơi hố bom nào thì biết là đồng chí mình đã bị vùi dưới ấy. Chỉ còn đứng nhìn xuống mà ngậm ngùi tưởng nhớ…
Đánh với bọn lính công tử được cấp trên đả thông nhiệm vụ chỉ là đi đếm xác, quan sát chiến trường, về làm báo cáo… thì lực lượng ta không cần đông lắm. Chỉ cần vài tổ với hỏa lực tiểu liên AK cũng đủ làm cho chúng bạt vía kinh hồn. Chúng dùng máy vô tuyến điện rối rít gọi phản lực đến yểm trợ, gọi trực thăng nhanh chóng đến bốc chúng lên. Về đến Sài Gòn nổ ra những trận cãi nhau. Bộ binh đổ cho không quân, không quân chê bộ binh, rút cuộc đều ôm đầu máu suy nghĩ nhiều vẫn không tài nào hiểu nổi Việt cộng.
Súng lớn ngưng bắn. Đứng trên nóc nhà đối diện, những tên sĩ quan đốc chiến có vẻ hài lòng. Chúng rút mùi xoa lau tay, nốc bia hộp ném vỏ lông lốc trên các mái nhà bên cạnh. Đúng bài bản đã được học ở trường sĩ quan Đà Lạt, những đơn vị biệt động quân và thủy quân lục chiến được mệnh danh là “cọp vằn”, là “trâu điên” từ hai ngả trên đường Thủ Khoa Huân và đường Nguyễn Du như hai gọng kìm đánh thốc vào.
(Còn nữa)
Theo “Sài Gòn Mậu Thân 1968”
của tác giả NGUYỄN VĂN TÀU