Du kích Bình Tân vận chuyển vũ khí vào nội thành phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Sau mấy tháng tạo được một bình phong trong sinh hoạt, ăn ở đi lại, tôi thôi làm cho văn phòng OCOGES để tập trung hơn nữa năng lực hoạt động cho cách mạng. Sáng sáng, tôi thường lấy Honda đưa Tám Thảo từ nhà đến bến Bạch Đằng để vào làm việc ở Văn phòng Bộ tư lệnh Hải quân ngụy. Một buổi sáng cuối năm 1967, ngồi phía sau tôi trên đường đi làm việc, Tám Thảo nói một câu mà tôi nhớ mãi:

- Nghĩ đời em cũng hay!

- Hay như thế nào? Tôi hỏi mà không quay đầu lại.

- Sáng thiếu tá tình báo Việt cộng đưa đi làm, chiều thiếu tá tình báo Mỹ đưa về. Sĩ quan Việt cộng đưa đi bằng Honda, sĩ quan Mỹ đưa về bằng xe Jeép. Như vậy mà không hay à?

Tuy phải để ý quan sát trên đường phố, mà tôi cũng phải bật cười vì câu nói ngộ nghĩnh đó.

Làm việc với tên thiếu tá tình báo Mỹ, Tám Thảo lấy ra được rất nhiều tài liệu tốt phục vụ cho cách mạng. Đó thường là những hiểu biết, những đánh giá của tình báo Mỹ, của tổng tham mưu ngụy về lực lượng của ta, những phán đoán về ý đồ hành động của ta trong thời gian tới. Là người đẹp, được thiếu tá Mỹ tin dùng, nên Tám Thảo lấy tài liệu ra khỏi văn phòng một cách dễ dàng. Cô nói với tôi: “Ai ra cũng bị xét cặp, xét giỏ xách, riêng em được miễn. Quen mặt rồi, mấy thằng Mỹ gác cửa chỉ cười và khoát tay cho đi”. Người phụ nữ làm tình báo có ưu thế hơn nam giới ở chỗ đó.

Trưa, Tám Thảo từ sở về nhà ăn cơm và đem tài liệu về cho tôi. Tôi dịch ra tiếng Việt, viết lại thật nhỏ vào tờ giấy hút thuốc A.B.C để chiều nghi trang đưa cho người giao thông mật mang về khu du kích. Sau giờ nghỉ trưa, Tám Thảo chuẩn bị đi vào sở làm thì tôi cũng vừa hoàn thành công việc. Tài liệu được để vào trong chiếc ví da và cô mang vào đặt lại trên bàn làm việc của tên thiếu tá Mỹ.

Tên sĩ quan Mỹ trẻ, đẹp trai ấy cũng là một người giúp việc đắc lực cho cô Tám Thảo trong việc chuẩn bị chiến trường phục vụ cho trận Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Sự việc như thế này: Bộ tư lệnh Hải quân ngụy ở bến Bạch Đằng là một trong số những mục tiêu mà cấp trên giao nhiệm vụ cho Cụm tình báo quân sự chúng tôi phải điều tra cung cấp sơ đồ tỉ mỉ và sự bố trí lực lượng phòng thủ bên trong để phục vụ cho trận đánh của anh chị em biệt động đặc công.

Để thực hiện nhiệm vụ này, tôi và anh Hai Trung mướn một chiếc xuồng con chèo dạo mát trên sông một buổi chiều. Bằng cách đó, chúng tôi cung cấp được bản đồ toàn cảnh, mặt tiền và cổng chính. Còn bên trong? Tất nhiên là phải nhờ đến Tám Thảo. Cô đã vẽ sơ đồ các tòa nhà cùng với sự bố trí phòng ốc bên trong, cung cấp chính xác lực lượng phòng vệ, số quân trực chiến ban đêm. Ngoài ra, cô còn trao cho tôi một xấp ảnh trong đó có cô đứng chụp chung với tên thiếu tá Mỹ trước những tòa nhà quan trọng trong Bộ tư lệnh Hải quân. Cô nói: Với những bức ảnh này, anh chị em biệt động đặc công sẽ dễ nhận dạng mục tiêu trong chiến đấu.

- Làm sao mà em có được những bức ảnh quý giá này?

Tám Thảo cười bảo:

- Tên thiếu tá Mỹ khoe hắn vừa mới mua một chiếc máy ảnh loại tốt, chụp được tự động và gợi ý với em chụp chung một số kiểu làm kỷ niệm. Đúng là một thời cơ tốt. Trước đó, em có nghĩ đến việc chụp ảnh để cung cấp cho các anh mà chưa biết làm sao. Em giả bộ miễn cưỡng nhận lời và đến lượt em khéo léo điều khiển hắn đến những vị trí cần chụp ảnh như anh thấy đấy!…

Công việc nói chung trót lọt êm xuôi, nhưng chớ vội đánh giá kẻ thù quá khờ khạo. Người biết chuyện thường nói: đánh Mỹ không đơn giản chút nào. Thật vậy. Lấy mẩu chuyện cô Tám Thảo làm tình báo đây mà dẫn chứng. Một buổi chiều, cô và tên thiếu tá cố vấn đang ngồi trong phòng làm việc thì đột nhiên có hai tên Mỹ mặc thường phục bước vào. Chúng đưa cho tên cố vấn Mỹ một tờ giấy đánh máy. Sau khi đọc xong, hắn mời Tám Thảo ra ô tô. Chiếc Ford của những tên Mỹ lạ mặt chạy trước, tên thiếu tá lái chiếc Mercury chở Tám Thảo theo sau. Chúng đưa cô về phía Chợ Lớn. Hai xe rẽ vào một biệt thự, cây cối um tùm, như cách ly với thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Tám Thảo và tên thiếu tá ngồi đợi ở phòng khách độ mười lăm phút thì một tên ra mời cô vào làm việc. Trong mười lăm phút chờ đợi ấy, dù có khéo léo gợi chuyện, Tám Thảo cũng không moi được gì nơi tên Mỹ để biết lý do đến đây và tính chất công việc. Chỉ khi một mình cô được mời riêng vào phòng trong, hắn mới mở miệng nói vài câu động viên. Trong phòng, bốn bóng điện đôi nê-ông sáng choang. Đặt ngay giữa phòng là một cái máy giống như chiếc ti-vi 23 inch, màu đen huyền với rất nhiều dây nhợ chằng chịt. Nơi đây có hai người: một tên Mỹ lầm lì và một tên người Việt, mặt lạnh như tiền. Tên Mỹ bảo Tám Thảo ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh cái máy. Hắn bảo cô gác hai tay lên ghế, hai chân duỗi thẳng trên thảm, không được gác chéo lên nhau, mắt nhìn thẳng phía trước, không liếc nhìn vào mặt máy và tờ giấy đặt trước máy. Dù vậy, Tám Thảo có liếc sang xem sơ tờ giấy thì thấy trên đó đã được in sẵn độ hai mươi câu hỏi ngắn. Tên Mỹ tháo từ máy ra một bộ phận giống như dụng cụ mà các bác sĩ y khoa dùng đo huyết áp cho bệnh nhân, rồi gắn áp vào cánh tay phải của cô. Nơi đầu những sợi dây điện đủ màu dính vào chiếc máy bí hiểm ấy có những chụp bằng nhựa màu đỏ. Hắn cầm lấy rồi chụp lần lượt vào năm đầu ngón tay bên phải của cô. Xong đâu đấy, tên Mỹ lầm lì bước ra mấy bước đứng ngay trước mặt cô, nhìn thẳng vào đôi mắt cô như thôi miên và nói với cô bằng tiếng Mỹ:

- Cho cô biết, đây là chiếc máy đo sự thật. Tôi sẽ hỏi cô từng câu một. Cô phải trả lời bằng tiếng Việt vì có thông ngôn đây (hắn chỉ sang tên người Việt). Tên này vẫn giữ vẻ mặt lạnh như tiền. Cô chỉ được trả lời rất ngắn, "có" hay "không". Nhớ: không được dài dòng. Cô nắm được chưa, ta bắt đầu.

- Được rồi. Tám Thảo thản nhiên trả lời bằng tiếng Mỹ.

Tên Mỹ bật công tắc điện cho máy chạy và đọc lên từng câu rành rọt.

Để phần nào tự trấn tĩnh và thăm dò thái độ đối phương, với một giọng hóm hỉnh có pha lả lơi đôi chút, Tám Thảo trả lời bằng tiếng Anh kèm những giải thích dài dòng. Tên Mỹ, dữ như quỷ sứ, ngưng máy ngay và nghiêm giọng:

- Tôi buộc lòng phải nhắc lại một lần nữa: cô chỉ trả lời bằng tiếng Việt, "có" hay "không", câu dài nhất không quá ba từ. Hắn lại gằn từng tiếng: Không được dài dòng, bây giờ ta trở lại từ đầu.

- Cô là người Nam hay người Bắc? - Bắc.

- Cô có về thăm quê không?- Không.

- Một năm cô nhận được hai bưu thiếp trao đổi với miền Bắc phải không?- Không.

- Cô có sợ Việt cộng không? - Có.

- Cô có mấy anh chị em? - Ba chị em.

- Anh cô làm gì ở ngoài miền Bắc? - Không.

- Em trai cô học ngoài Bắc phải không? - Không.

Tên Mỹ cứ đứng trước mặt, đọc câu hỏi và nhìn cô chòng chọc, đầy hăm dọa, muốn làm đối phương run sợ. Nhưng Tám Thảo, người nữ đảng viên cộng sản, người cán bộ dày dạn của Phòng Tình báo miền Nam đã giữ được sự bình tĩnh thư thái trong lòng nên đã chủ động, ung dung trả lời từng câu hỏi một, không phạm một sơ hở, dù nhỏ. Xong đối với tay phải. Chúng cho ngồi tại chỗ nghỉ một lát. Tên Mỹ còn xem lại, chuẩn bị máy, lộn lại trật tự các câu hỏi. Trong khi ấy thì Tám Thảo giữ sự bình tĩnh nội tâm bằng phương pháp riêng của cô. Cô phớt lờ thằng Mỹ, thằng thông ngôn người Việt cùng với cái máy quái đản của chúng. Cô đang cho quay lại trong trí của mình một cuốn phim mà cô thích nhất: cuộc đời tình duyên éo le của Roméo và Juliette. Cô hình dung là mình đang ngồi trong rạp xi-nê với hai em gái Lan và Huệ bên cạnh.

Tiếng nói của tên Mỹ như vọng đến từ một nơi nào xa xăm làm cô quay về với thực tại:

- Bây giờ đến cánh tay trái.

Hắn lại buộc cái "dụng cụ đo huyết áp" vào cánh tay, lại chụp năm cái mũ bằng nhựa đỏ vào đầu năm ngón tay, lại cho máy chạy và lại hỏi. Lần này hắn hỏi vặn vẹo, lộn tới lộn lui các câu hỏi. Mục đích làm cho đối phương trả lời sai giữa câu trước, câu sau rồi đâm ra bối rối, lúng túng. Như thế là bị hắn đưa vào tròng.

Nhưng rồi đã qua trót lọt một cuộc thẩm vấn kiểu Mỹ. Cũng đã kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ. Nhờ áp dụng một phương pháp đã được huấn luyện kết hợp với kinh nghiệm bản thân nên Tám Thảo không có vẻ gì là mệt mỏi trong lúc tên Mỹ đã uể oải. Cũng đỡ cho hắn là căn phòng được trang bị máy điều hòa nhiệt độ.

Tên thiếu tá cố vấn ngồi ngoài chờ lâu chắc cũng sốt ruột. Thấy Tám Thảo từ phòng trong bước ra, hắn tươi cười vội vàng mời ra xe. Vì đã quá giờ làm việc, hắn đưa cô về nhà luôn. Trên xe, có một đoạn trao đổi ngắn giữa hai người. Hắn nói:

- Sao lâu quá vậy? Tôi tưởng cô bị giữ luôn rồi chứ.

- Bị giữ luôn à? Tại sao?

Hắn lúng túng: "Ồ… không có gì… Tôi nói đùa thôi".

Về nhà, Tám Thảo kể lại đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Cô nói:

- Phải chi anh không nói trước về cái máy đó thì cũng gay lắm. Đằng này, khi chúng nói đây là cái máy do sự thật thì em đã lấy lại bình tĩnh, coi như không có gì phải sợ…

Trước đây mấy tháng, anh Hai Trung có báo cáo với tôi rằng Mỹ vừa đem qua Việt Nam một dụng cụ điều tra gọi là "máy đo sự thật". Tôi bảo đồng chí ấy nói rõ các chi tiết, đặc điểm và tôi đã đem việc này phổ biến cho tất cả anh chị em trong lưới, kể cả cơ sở mật và giao thông viên. Tôi nói: ngoài những cách điều tra khai thác mà chúng ta đã biết, bọn Mỹ vừa mang qua Việt Nam cái máy đo sự thật. Các đồng chí đừng sợ gì cả. Không một loại máy móc nào, dù tối tân đến đâu, lại biết thấu tim đen rằng một con người đang nói thật hay nói dối. Chẳng qua là một trò hù dọa, dùng máy để đo thần kinh tim của người mà chúng đang điều tra… Để chứng minh, tôi kể lại câu chuyện tên quận trưởng Trảng Bàng vừa qua bị điện gọi về Sài Gòn để cho cái "máy đo sự thật" làm việc. Trước các quan chức Mỹ và cấp trên, hắn mất tinh thần, run quá nên cái máy cứ cho là hắn nói dối mặc dù hắn không có liên hệ gì với cách mạng và rõ ràng hắn là một tên chống Cộng rất đắc lực. Cái máy làm cho hắn bị đòn oan và bị tống giam.

(còn nữa)

Theo “Sài Gòn Mậu Thân 1968” của tác giả Nguyễn Văn Tàu.