Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 hành quân chiến đấu tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: tư liệu

(Tiếp theo kỳ trước)

Nhiều đêm tôi thấy nó lảng vảng trước nhà, đứng lại trước ngõ lắng nghe tôi giảng bài rồi lặng lẽ bỏ đi. Tướng người trắng trẻo dễ coi, mặc bộ pi-ja-ma có đường viền sang trọng, giảng ngoại ngữ đúng luật mẹo như vậy, nó cũng không ngờ đó lại là một cán bộ Việt cộng, một thiếu tá của ngành tình báo quốc phòng.

Sáng sáng tôi đi ra ngõ hẻm, nhiều lần cũng thấy nó đứng nhìn theo. Mà tôi đi bên cạnh Tám Thảo thì trông cũng xứng đôi quá đi chứ! Chắc nó nghĩ: cô gái này mới có ông thầy ký ở đâu dẫn về ở rể. Và nếu bọn chúng có theo dõi thì sẽ thấy tôi đi đến sở làm việc thật. Nhờ sự giới thiệu của anh Tám, tôi được thu nhận vào làm tại một văn phòng kế toán tư, tên gọi tắt là OCOGES (tức là Office de Comptabilité et de gestion). Điều khiển văn phòng là một người bạn của anh Tám. Ngày đầu, anh Tám dẫn tôi đến giới thiệu: “Đây là anh Tâm bạn tôi (vì giấy căn cước giả của tôi lúc đó lấy tên là Trần Công Tâm), làm nghề thầy giáo ở Biên Hòa. Nhưng nay bác sĩ nói anh bị bệnh phổi, không thể tiếp tục nghề giáo vì phải nói nhiều. Vậy anh cho một chỗ làm”... Nghe hoàn cảnh cũng thương và trông người tôi mảnh khảnh, có vẻ hiền hậu lại vì tình cảm bạn bè với anh Tám, nên anh đã nhận tôi vào làm. Mỗi ngày, cũng như các bạn đồng nghiệp khác trong văn phòng, tôi được giao một máy tính với một chồng sổ sách. Đó là sổ thống kê thu chi nhập kho, xuất kho của các xí nghiệp, hãng buôn trong Sài Gòn. Người kế toán có trách nhiệm cập nhật số tiền lời, lỗ, tồn kho của các cơ sở đó. Tôi làm việc tích cực, được “sếp” và bạn đồng nghiệp yêu mến, kính trọng. Sáng đến sở rất đúng giờ, làm việc từ 6 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, nằm lại chiếc ghế nệm lầu hai thương xá Tax nghỉ một lúc rồi dậy làm việc đến 17 giờ. Tan sở, tôi rảo bước về nhà cô Tám Thảo. Chiều nào đẹp trời, tôi rủ bạn bè vòng qua Chợ Cũ nhắm một ly rượu cùng với một con chim sẻ rán vàng chấm tương ớt. Không dùng món chim sẻ thì sẵn có món lòng gà luộc quấn tròn quanh một củ kiệu chua cắm vào một que tre, trông cũng gọn, sang, mà nhậu cũng “bắt” dữ! Tối về dạy kèm trẻ tại tư gia. Rõ ràng là sinh hoạt của một công chức hạng trung bình, không có gì đáng nghi là Việt cộng cả. Trong những tháng đầu xuống thành phố, tôi đi làm như vậy để học tập lại lối sinh hoạt, ngôn ngữ của người công chức Sài Gòn và cũng để đánh lạc hướng sự theo dõi của địch, nếu có.

Hiểu địch nên tôi không coi thường địch chút nào. Còn hỏi tôi sợ địch hay không? Thú thật: tôi làm tình báo quân sự từ năm 1947, từ một cơ sở mật của tổ Quân báo huyện Long Điền đến phó Ban quân báo tỉnh Bà Rịa vào cuối thời kỳ chống Pháp, đã đi vào Sài Gòn để vẽ bản đồ, điều tra lực lượng khu vực Bình Xuyên bên cầu Chữ Y, phục vụ cho kế hoạch quân sự của Ban chỉ huy tỉnh đội Bà Rịa, Chợ Lớn. Vậy mà lần này, sau những năm ra miền Bắc học tập, trở lại Sài Gòn hoạt động, tôi có cảm tưởng như rơi vào một nơi xa lạ, vì thành phố này đã thay đổi quá nhiều với sự xâm nhập ồ ạt của quân đội viễn chinh Mỹ kéo theo sự phô trương lực lượng về mọi mặt của chúng. Từ bữa chiều đầu tiên lọt vào căn nhà cô Tám Thảo, mấy ngày sau đó tôi không dám bước ra đường. Ngồi trên gác, theo kẹt vách nhìn ra, thấy nhung nhúc các sắc lính Mỹ-ngụy. Các loại xe cảnh sát, xe nhà binh vừa chạy như điên, vừa hú còi nghe rợn người. Dò hỏi người nhà, được biết, sát bên cạnh là gia đình một tên cảnh sát ngụy ngay trước ngõ hẻm có một tên chỉ điểm ác ôn. Tôi thầm nghĩ: gay go lắm đây! Bên trong tôi đã diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng. Có một câu hỏi đặt ra: tại sao hồi kháng chiến chống Pháp cũng đi vào thành phố này công tác mà lòng nhẹ tênh, không mảy may tính toán, còn bây giờ… lòng nặng trĩu lo âu? Có phải chăng vì mình đã trải qua một thời kỳ sống hòa bình trên miền Bắc, có lương bổng, có chức vụ? Có phải chăng vì hiện nay mình đã là thiếu tá quân đội nhân dân? Nếu ở đơn vị chủ lực, cấp bậc của mình cũng chỉ huy một trung đoàn, hành quân, chiến đấu trong một đội hình tập thể luôn có anh em đồng chí bên cạnh, cùng nổ súng, cùng xung phong, cùng rút lui. Còn vào đây làm tình báo với hai tay không, chỉ với một thẻ căn cước giả trong túi, dễ bị bắt, bị tù, bị chết như chơi… À, vấn đề đã rõ, gút lại là: có dám hy sinh vì lý tưởng hay không? Một bên là mạnh dạn xuống đường, dám xông pha hoạt động, dám chịu tù tội hy sinh khi cần thiết. Một bên là thoái thác hiểm nguy, chọn cho mình một môi trường hoạt động thích hợp, cũng làm cách mạng, nhưng nắm chắc phần sống đến thắng lợi, đến hòa bình, rồi lên trung tá, lên đại tá… Nghĩ đến đó tôi rùng mình, ghê tởm. Chất cách mạng, lòng tự trọng đã bừng lên, nói thẳng với tôi: Không! Đừng để những suy nghĩ ti tiện ấy len vào tư tưởng tình cảm cao đẹp của người cán bộ tình báo dù chỉ trong giây phút. Ta phải sống thanh cao, chết vĩ đại. Hiện nay tổ chức phái mình vào đây là để hoạt động, để chiến đấu chứ có phải vào đây để chạy trốn chiến tranh, sống lay lắt qua ngày trong cảnh phồn vinh? Nếu có phải hy sinh thì cũng như người chiến sĩ xung kích với chiếc ba lô và cây súng cùng một mảng trời xanh của Tổ quốc khi đôi mắt đã nhắm nghiền. Thanh thản và đơn giản vậy thôi.

Từ sau khi đã suy nghĩ kỹ, tự rút ra được một kết luận và quyết định cho mình một phương châm sống đàng hoàng như vậy, tôi mới mạnh dạn xuống đường và từ đó mới đủ dũng khí để tự do đi lại, tự do hành động trong thành phố này…

Súng bên ngoài vẫn nổ, lúc thì dồn dập, lúc thưa thớt từng loạt ngắn. Chen vào tiếng súng là những phát chống tăng B.40 đinh tai nhức óc, những tiếng lựu đạn trầm âm vang. Ngoài mặt trận tại dinh Độc Lập này, súng nổ dữ dội phía tòa Đại sứ Mỹ, phía Bộ tư lệnh Hải quân dưới bến Bạch Đằng và xa hơn, về phía Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất… Tôi nghĩ, tất cả những mục tiêu mà tình báo cung cấp tài liệu đang được anh chị em đặc công biệt động thực hành tấn công. Kẻ thù đã bị một đòn bất ngờ, choáng váng. Nhưng liệu các đơn vị chủ lực của ta có vượt được các vành đai phòng thủ từ xa của bọn Mỹ không? Nếu vì lẽ gì đó mà chủ lực ta không tiến vào Sài Gòn được như kế hoạch đã vạch ra thì các đơn vị biệt động đặc công với quân số và vũ khí ít ỏi có thể cầm cự được bao lâu? Giữa vòng vây dày đặc của quân thù, làm sao anh chị em có thể rút lui để bảo toàn lực lượng?

Sau một lúc hồi hộp lắng nghe, phấn khởi bàn bạc, mọi người trong nhà đã nằm ngủ trở lại. Còn tôi thì leo lên gác, qua cửa sổ tiếp tục theo dõi diễn biến trận đánh vào dinh Độc Lập. Trời sáng dần. Hôm nay là mùng 2 Tết. Không vào được bên trong, anh chị em đã rút qua phòng ngự bên nhà lầu năm tầng góc đường Nguyễn Du-Thủ Khoa Huân. Đó là một cao ốc đang xây cất. Người ta chỉ mới dựng lên mấy tầng lầu, còn ngoài sân thì cát, đá, vật liệu ngổn ngang. Bên ngoài thì hơn cả trăm thằng lính biệt động quân đã hình thành bao vây. Có cả bọn lính Nam Triều Tiên tham chiến, vì mặt trận này cách Tòa Đại sứ Nam Triều Tiên không hơn trăm thước. Một số tên giặc leo lên nóc nhà đối diện với cao ốc, dùng súng M72 bắn sang anh chị em mình. Một số tên khác dùng xe cứu hỏa dựng thang tự động lên bắn súng phun lửa vào các khung cửa sổ. Trên trời, trực thăng của bọn tâm lý chiến quần đảo kêu gọi quân cách mạng buông súng đầu hàng. Anh chị em bên trong tòa nhà rất dè xẻn, tiết kiệm đạn. Có lúc giữ im lặng, im lặng đến nỗi tôi cũng đâm lo. Và có lẽ bọn giặc cũng đánh giá sai, nên có nhiều thằng liều mạng vừa bắn vừa tiến vào. Đúng lúc ấy, từ trong tòa nhà bắn ra từng loạt ngắn tiểu liên AK, theo đúng phương pháp điểm xạ hai, ba viên một. Những tên giặc ngã lăn quay. Trong tiếng súng loạn xạ ấy, tai tôi phân biệt được những tiếng nổ đanh, gọn của từng phát súng ngắn K.54. Tôi nghĩ: ước gì lúc này mình có một khẩu K.54 trong tay, mình có thể chi viện cho đồng đội vài phát. Bề gì, mình cũng là xạ thủ súng ngắn của Sư đoàn 338. Trong cự ly trên dưới 70 mét này, mình đã bóp cò là chắc trúng.

Trưa. Tôi không còn nghe tiếng súng từ các hướng tòa Đại sứ Mỹ, Bộ tư lệnh Hải quân. Riêng ở đây, mũi đánh vào dinh Độc Lập, anh chị em vẫn giữ vững vị trí. Suốt buổi chiều mùng 2 Tết, bọn giặc dùng đủ mọi cách vẫn không trục được các chiến sĩ ta ra khỏi tòa nhà. Đồng đội mình không phải những tay xoàng!

Ngồi bên tôi, trên căn gác nhỏ, Tám Thảo băn khoăn:

- Tiếng súng nghe thưa quá, có lẽ anh chị em mình gần hết đạn rồi. Làm sao, anh Tư?

Tôi nói, mắt không rời tòa nhà dũng cảm, kiên cường kia:

- Chủ lực không vào được. Đánh kiểu biệt động mà kéo dài thế này, chịu sao nổi!

- Anh với tôi nằm đây mà nhìn đồng chí mình lần lượt hy sinh hay sao?

Giọng nói Tám Thảo ấm ức như muốn khóc. Tôi nhìn sang, đúng là mắt cô đã ngấn lệ rồi. Phụ nữ thật dễ xúc động! Còn rất trẻ, Tám Thảo đã thoát ly đi kháng chiến chống Pháp, vào cơ quan phụ nữ Nam Bộ đóng dưới miền Tây. Cô được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1950. Lúc gần ký kết đình chiến năm 1954, tổ chức đưa cô trở vào Sài Gòn và chuyển sang hoạt động tình báo. Nhìn vóc dáng con người và bình phong gia đình của cô thì dù địch có tinh ranh đến mấy cũng khó nghĩ đó là một người cộng sản, một cán bộ Việt cộng. Thân hình thon thả, tầm thước, mặt tròn đầy đặn, giọng Nam có pha lẫn ít giọng Bắc càng tăng thêm sự duyên dáng. Cô là mẫu người đẹp thành phố.

Tôi được giao chỉ huy lưới này từ đầu năm 1962, trong lưới có Tám Thảo. Giữa năm 1966, cấp trên chỉ thị tôi vào ở hẳn trong Sài Gòn để sát tình hình, chỉ đạo tốt hơn. Lúc ấy, nhiệm vụ Tám Thảo là giao thông viên mật trong Sài Gòn và chuẩn bị cơ sở cho cán bộ vào thành hoạt động. Thấy khả năng của cô có nhiều điều kiện phát triển, tôi xin ý kiến cấp trên cho cô đi học tiếng Mỹ. Cô học rất giỏi, nhưng thi mấy lần không đậu. Chúng tôi bàn với nhau và phát hiện ra một sự thật dễ hiểu, không phải chỉ học giỏi là được, mà phải chạy chọt lo tiền. Và tổ chức đã chi ra 30.000 đồng, một số tiền tương đối lớn để lo việc này. Quả nhiên, với số tiền ấy, tên công chức ngụy lo việc chấm thi rất hài lòng, và Tám Thảo được cho đậu với điểm cao. Nó còn hỏi cô muốn vào làm ở đâu, nó bố trí chỗ tốt cho, vì nó nhận xét cô có tài, có hạnh kiểm tốt, có gia đình đàng hoàng. Thế là tốn cho nó vài chục ngàn nữa. Tám Thảo được bố trí vào cái chỗ mà chúng tôi muốn: cô được xếp vào làm phiên dịch cho một thiếu tá tình báo hải quân Mỹ, phụ trách cố vấn cho tình báo hải quân của ngụy. Tên thiếu tá Mỹ này còn trẻ, “ga lăng” với phụ nữ, nhất là đối với Tám Thảo, một phụ nữ trẻ, đẹp, trên đôi môi thắm luôn điểm một nụ cười duyên… Nhiều đêm hắn đến nhà chơi, có lẽ cũng để điều tra biết thêm nhà cửa, hoàn cảnh gia đình của cô nhân viên thuộc quyền mà nó yêu quý, chiều chuộng. Tôi nằm trên gác nghe hắn ngồi nói chuyện, cười đùa vui vẻ dưới phòng khách. Mỹ đến nhà, mình cũng lo, nhưng cũng yên tâm hơn. Có “hơi” Mỹ, thì ngụy tránh xa.

(còn nữa)

Theo “Sài Gòn Mậu Thân 1968” của tác giả NGUYỄN VĂN TÀU