QĐND Online - Những ngày cuối tháng 7, đi dọc quốc lộ 14, đoạn ngang qua các huyện Krông Búc và Ea H’leo (Đắc Lắc), ai cũng thấy xót xa cho những cánh rừng thông đang bị bức tử. Rừng thông phòng hộ cứ hẹp dần nhường chỗ cho nương rẫy và những khu dân cư mới...
Rừng thông dọc hai bên quốc lộ 14, được trồng từ những năm 1980-1986, với diện tích 2.047 ha, chạy dài từ thị xã Buôn Hồ, qua huyện Krông Búc đến huyện Ea H’leo.
Rừng thông có tác dụng phòng hộ quốc lộ 14 và tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Đặc biệt, với quốc lộ 14 đoạn qua các huyện Ea H’leo, Krông Búc và thị xã Buôn Hồ, cung đường khá quanh co, nhiều dốc, một bên là núi cao và một bên là vực sâu, nên vai trò phòng hộ của rừng thông rất quan trọng.
 |
Cây thông tiếp tục bị đốn hạ tại phòng hộ dọc quốc lộ 14
|
Trước đây, rừng thông được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ quốc lộ 14 chăm sóc và bảo vệ. Đến năm 2005, rừng được giao về cho các huyện, thị xã quản lý. Nhưng cả chủ mới và chủ cũ đều bất lực trước thực trạng rừng bị tàn phá, lấn chiếm.
Từ tháng 4-2008, thời điểm huyện Kông Búc chia tách để thành lập thị xã Buôn Hồ và huyện mới Krông Búc, tình trạng rừng thông dọc quốc lộ 14 (nhất là từ Km 661 đến 643, ngang qua các xã Pơng Đrang, Cư Kty, Cư Kpô, Cư Né (huyện Krông Búc), xã Ea Nam và thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo)) bắt đầu bị tàn phá nghiêm trọng. Đối tượng phá rừng ngoài dân di cư tự do lấy đất sản xuất và định cư, còn có cả người dân tại địa phương phá để lấy đất bán thu lời.
Ngày 21-7, tại km659, xã Cư Kpô, một số người dân xã Cư Kpô vừa làm rẫy, vừa tranh thủ dùng dao chặt quanh gốc cây thông hơn 30 năm tuổi ngay sát bên quốc lộ. Điều này cho thấy, việc tàn phá rừng thông phòng hộ quốc lộ 14 hiện nay khá công khai. Đối tượng phá rừng thông thường dùng dao phạt ngang sâu khoảng 2/3 gốc cây, sau đó cây chết và gặp gió là đổ xuống; hoặc chất củi khô quanh gốc thông rối đốt cho cây chết. Chỉ cần phá khoảng một trăm cây thông sát quốc lộ 14 là đã có một lô đất để dựng nhà ở ngay mặt tiền. Nếu phá khoảng nghìn cây thông phía trong là đủ đất làm vườn rẫy. Thực tế cho thấy, dọc hai bên quốc lộ 14, đất khá màu mỡ, vì thế diện tích rừng thông còn lại khó có thể tồn tại trước sức tàn phá, lấn chiếm như hiện nay. Cứ với tốc độ phá rừng như hiện nay, chắc chắc không lâu nữa toàn bộ 2.047 ha rừng thông dọc quốc lộ 14 sẽ “xóa sổ”.
 |
Nhà cao tầng mọc lên bên những cây thông vừa bị đốn hạ
|
Tại xã Cư Né (huyện Krông Búc), chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, có 25 hộ dân tự ý lấn chiếm, chặt phá rừng thông với diện tích hơn 15.000 m2. Cũng theo thống kê của UBND xã Cư Né, năm 2003, Ban quản lý rừng phòng hộ quốc lộ 14 giao khoán 330ha đất lâm nghiệp và rừng thông cho các hộ dân quản lý bảo vệ, trong đó có 224 ha thông, nhưng đến thời điểm này, rừng thông còn chưa đầy 1/3 diện tích và đang trong tình trạng “ngắc ngoải”.
Phần lớn diện tích rừng thông dọc quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Đắc Lắc trước đây, nay đã nhường chỗ cho hàng trăm ngôi nhà (trong đó có cả nhà cao tầng), hàng chục hàng quán và cả nghìn ha cây cà phê, điều, lúa, bắp và sắn.
Được biết, để bảo vệ rừng thông dọc quốc lộ 14, tỉnh Đắc Lắc đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức cưỡng chế nhà cửa, công trình xây dựng trái phép; phá bỏ cây trồng trên đất lấn rừng thông. Thế nhưng, sau khi đoàn kiểm tra, cưỡng chế hoàn thành đợt công tác, thì rừng thông tiếp tục bị bức tử…
Bài và ảnh: Kiều Bình Định