Mãi còn bóng Bác quanh đây

Dưới ánh nắng ban mai những ngày đầu tháng 6, chúng tôi ngược Quốc lộ 46 về về Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày này, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2021) trên khắp đường làng, ngõ xóm quê hương Nam Đàn rực rỡ băng cờ, khẩu hiệu chào mừng. Xen kẽ những căn nhà khang trang là những trang trại, gia trại cho thu nhập cao của bà con. Trên khuôn mặt người dân rạng ngời niềm tin, khí thế đổi thay.

Chúng tôi vào thăm Làng Sen (quê nội), làng Hoàng Trù (quê ngoại) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan-thân mẫu Bác Hồ. Đặt chân đến đây, niềm xúc động không chỉ riêng tôi mà ai ai cũng dâng trào cảm xúc vì mảnh đất Làng Sen thân thương, giản dị đã gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quý trọng hơn là còn lưu giữ được nhiều kỷ niệm thuở nhỏ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung bằng những câu chuyện kể và từng kỷ vật đơn sơ của gia đình.

leftcenterrightdel
Một góc Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn. 

Con đường dẫn vào quê nội tỏa mùi hương thơm ngát bởi những hồ sen như để đón chào du khách. Bởi thế, quê nội Bác có tên chữ Kim Liên, nghĩa là sen vàng rất đẹp. Hàng râm bụt đỏ hoa quê, những vồng rau lang, đám ruộng trồng đậu lạc xanh mướt, cây bưởi cây chanh đang ra trái như đưa mọi người về với chính quê hương của mình vậy.

Đơn sơ, giản dị nhưng thân thuộc và ấm cúng biết nhường nào. Ngôi nhà gỗ 5 gian gợi về từng kỷ niệm thân thương. Trong gian thờ chính ở dãy nhà ngang chỉ có chiếc bàn tre, một tủ gỗ như hoài niệm một quá khứ của thời gian đã đi qua. Hai chiếc giường tre ở gian cuối đã phủ một lớp bụi thời gian im lặng nhưng thiêng liêng vô cùng. Các vật dụng quá đơn sơ, bình dị được sắp đặt gọn gàng toát lên cốt cách thanh cao và đạm bạc của một gia đình nhà nho.

Theo lời  hướng dẫn viên, phần nhiều đồ dùng đều do dân làng đem tới tặng đến nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn như còn đó nghĩa xóm, tình làng. Ngôi nhà như bao mái nhà tranh khác đã gắn bó một thời tuổi niên thiếu của Người. Chính nơi đây chứng kiến bao biến cố xảy ra trong gia đình từ khi cậu bé Cung biết lên rú Chung thả diều, được cha cho đi học và nuôi dưỡng những cảm xúc đầu đời về cuộc sống cũng như nhận thức ban đầu về thời cuộc để sau này tạo bước tiền đề cho hành trình tìm đường cứu nước.

Vẫn còn đâu đó dấu chân cậu bé Cung mỗi đêm theo phường nghe hát. Chiếc mâm gỗ hay chiếc vò đựng nước, tất thảy đều thiêng liêng. Đứng trước chiếc bàn gỗ bên cạnh thư án, ta như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng của thân phụ Nguyễn Sinh Sắc dạy cậu bé Nguyễn Sinh Cung biết điều hay lẽ phải, hun đúc ý chí vì vận mệnh giang sơn trong cơn nguy biến.

leftcenterrightdel
  Sen quê Bác không chỉ tạo nên nét đặc trưng Làng Sen mà còn tạo ra kinh tế cho bà con.

Cách quê nội 2 cây số là làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ. Cũng mái nhà tranh nhưng sâu nặng trong trái tim Bác suốt cả cuộc đời vì đây là nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Sau nửa thế kỷ mới có dịp trở lại quê nhà vào năm 1961, Bác Hồ đã xúc động thốt lên: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Vẫn còn đó khung cửi dệt vải trong đêm trăng, tiếng ru hời bên chiếc võng đong đưa của thân mẫu Hoàng Thị Loan đã nuôi dạy 3 người con khôn lớn trưởng thành.

Từ chân rú Động Tranh theo 269 bậc phía bên phải là đến với phần mộ bà Hoàng Thị Loan, còn đi xuống bên trái thì theo 242 bậc, trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc tam cấp. Những con số này không hề vô tình mà thật sự có ý nghĩa khi được xây lên trong khu mộ. Mộ được xây dựng vào năm 1985 đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Bác Hồ.

Quê hương khắc ghi lời Người

Dù đã 60 năm trôi qua nhưng người dân Nam Đàn vẫn luôn khắc ghi lời Bác dặn khi Người về thăm lần thứ nhất sau 51 năm xa quê: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”. Lời dặn giản dị nhưng chở đầy trách nhiệm với chính quyền và nhân dân làm sao trở thành đơn vị điển hình đáng để cho các địa phương khác học hỏi, xứng đáng với quê hương lãnh tụ sinh ra.

leftcenterrightdel
Bác Hồ về thăm quê năm 1961. Ảnh tư liệu

Khắc ghi lời Người dặn, những năm qua, cán bộ và nhân dân xã Kim Liên nói riêng huyện Nam Đàn nói chung luôn nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 25 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,46%.

Trong nông nghiệp đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thêm nhiều mô hình sản xuất thu nhập cao. Công nghiệp, dịch vụ được mở rộng, cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ. Nhiều thiết chế văn hóa, kinh tế tích cực triển khai làm cho bộ mặt nông thôn, đô thị ở Nam Đàn khởi sắc rõ nét. Minh chứng cô đọng nhất về những kết quả đó, Nam Đàn đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

leftcenterrightdel
Làng quê nông thôn mới Nam Đàn hôm nay. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Khu Công nghiệp Nam Giang, Nam Đàn.

Với xã Kim Liên, ký ức về Bác, niềm vui ngày được đón Bác về thăm vẫn mãi vẹn nguyên cho đến hôm nay. Những lời căn dặn của Người luôn được khắc ghi, là động lực để người dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, đồng chí Trần Thanh Hải bộc bạch: Trong 2 lần về thăm quê, Bác Hồ đều căn dặn: “Phải sản xuất thật tốt, đoàn kết thật tốt để đưa xã nhà thành xã kiểu mẫu”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên đã không ngừng phấn đấu nhằm nâng cao mọi mặt đời sống, văn hóa, xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,26%; thu nhập bình quân đầu người đạt là 48 triệu đồng/năm. Xã đã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất như: Mô hình liên kết sản xuất lúa Bắc Thịnh do Hợp tác xã Kim Liên 2 và Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác, sản xuất sản phẩm gạo Làng Sen; mô hình trồng rau màu và trồng hoa trong nhà lưới xóm Sen 1, xóm Liên Mậu 3; mở rộng diện tích trồng Sen trên diện tích ao các vùng Làng Sen, Liên Hồng, Mậu Tài, Hoàng Trù... 

Theo như lời lãnh đạo chính quyền huyện Nam Đàn thì trong mọi thời kỳ và trong suốt quá trình xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Đàn luôn nêu cao nhận thức trọng trách chính trị to lớn là “quê hương nghĩa trọng tình cao” của Bác Hồ kính yêu, để trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm xứng đáng với tìm cảm sâu thẳm, vô bờ bến của Bác Hồ. Đó cũng là động lực để mọi người dân trên quê hương Bác kính yêu nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG SƯƠNG