“Quà tặng lớn nhất dành cho chúng tôi là thời gian và câu chuyện về sự hy sinh của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm”, những cựu binh Mỹ, trong phút lắng lòng tại căn nhà của nữ liệt sĩ, đã xúc động mà thốt lên như vậy.

Có lẽ, buổi tiệc trà thân mật tại gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chiều ngày 7-4 ở Hà Nội sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên với các cựu binh Mỹ và có lẽ, nó cũng trở thành một dịp vô cùng đặc biệt với họ trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Đoàn cựu binh Mỹ, 6 người, thuộc bốn tổ chức phi chính phủ khác nhau của Mỹ, gồm đại diện từ Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình, Hội Cựu chiến binh chống chiến tranh I-rắc, Hội Cựu chiến binh chống chiến tranh Việt Nam và Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm về chất da cam Việt Nam, đã lên kế hoạch đến Việt Nam để “kiểm chứng và hành động” vì hai vấn đề hậu chiến tranh ở Việt Nam: Vật liệu nổ còn sót lại (UXO) và da cam/đi-ô-xin. 

Các cựu binh đang ngồi tại gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Thắp nén nhang trên bàn thờ nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm, thân sinh của nữ liệt sĩ mà tên tuổi đã không còn chỉ giới hạn trong biên giới Việt Nam, nhẹ nhàng mời những người khách từ bên kia bán cầu chén trà mạn giản dị. Kể từ khi câu chuyện về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký định mệnh hé mở, ngôi nhà của bà Doãn Ngọc Trâm đã nhiều lần đón những vị khách nước ngoài, trong đó có những cựu binh Mỹ ghé thăm.

Pôn Coóc-xơ (Paul Cox) và Mai-cơn Un (Michael Ulh) – hai cựu binh từng có mặt tại chiến trường miền Nam Việt Nam năm xưa, dường như đắm mình vào câu chuyện bà Doãn Ngọc Trâm kể. Rồi Mai-cơn Un cũng lên tiếng. Ông nói về một lý do gần gũi đã thôi thúc ông đến thăm gia đình nữ liệt sĩ. Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu (người đã quyết định không đốt cuốn nhật ký định mệnh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm) cũng chính là thông dịch viên cho ông khi tham gia chiến tranh. Và chính câu chuyện của người đồng đội Frét Oai-tơ-hớt (Fred Whitehurst) đã khiến ông quyết định phải ghé thăm gia đình người liệt sĩ khi tới Hà Nội.

Trong câu chuyện với người mẹ liệt sĩ, Mai-cơn đã nhắc tới Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có hai bệnh viện mang tên liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được xây dựng phục vụ cho người dân địa phương. Bà Doãn Ngọc Trâm đã không kìm được xúc động khi nghe nhắc tới tên con gái. Nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng sự tự hào cùng lúc ánh lên trong đôi mắt người mẹ. Vì nhẽ đó, Mai-cơn đã hỏi: “Cảm giác của bà trong những lần đến nơi mang tên con gái mình?”. Giọng người mẹ liệt sĩ như chùng xuống, thoảng một nỗi buồn trong đôi mắt, mà có lẽ Mai-cơn cũng như những người có mặt tại đó đều nhận ra. Bà khẽ khàng: “Đó là những cảm xúc khác nhau, có vui, nhưng vẫn là nỗi buồn”. Mắt nhìn bà, chính giọng Mai-cơn cũng chùng lại  “Tôi hiểu. Không bao giờ có sự kết thúc hẳn”. Rồi không kiềm chế được, chính ông lại đặt thêm câu hỏi cho người mẹ liệt sĩ: “Bà có cảm nhận gì về Việt Nam bây giờ và của thời chiến tranh?”. Không phải chờ bà Doãn Ngọc Trâm trả lời, Mai-cơn đã tự nhận đó là câu hỏi thừa vì một người Việt Nam, hơn thế nữa là một người mẹ liệt sĩ, hơn bất kỳ ai khác, sẽ cảm nhận được những dịch chuyển và đổi thay của thời gian. Một người nước ngoài như Mai-cơn có lẽ sẽ không bao giờ có được sự cảm nhận như thế. Nhưng bà Doãn Ngọc Trâm cũng không để câu hỏi của Mai-cơn rơi vào khoảng không. Bà đã nói, từ tốn và có đôi chút trầm xuống: “Việt Nam đã khác xa rất nhiều. Đời sống tiến bộ, phát triển hơn trước rất nhiều. Nhưng người già như tôi, tình cảm không thuộc về phía trước nhiều hơn trước đây”. Câu trả lời của bà Trâm, có lẽ còn ẩn chứa nhiều thứ sâu xa hơn cả việc trả lời câu hỏi của Mai-cơn.

Những câu chuyện quanh kỷ niệm về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, từ căn nhà nơi bị đánh bom, đến câu chuyện ở Đức Phổ dường như không có điểm dừng… Khi trời đã về chiều và câu chuyện cũng đã dài, Mai-cơn rút trong chiếc ba lô vải bạt một cuốn sách tựa đề “Việt Nam thức tỉnh” do ông viết tặng bà Doãn Ngọc Trâm. Cuốn sách là hồi ức cá nhân của Mai-cơn về không gian Đức Phổ của những năm tháng chiến tranh, những ký ức về cuộc chiến tranh vô nghĩa và sự tàn phá khủng khiếp… Rồi, khẽ khàng, Mai-cơn tặng bà Trâm một món quà nhỏ như một sự cầu mong bình an luôn đến với bà. Đó là một vật trang trí nhỏ và do người da đỏ Mỹ làm, với ý niệm truyền thống treo ở đầu giường để đuổi ác mộng, giữ lại giấc mơ an lành và niềm vui. Có lẽ, những cựu binh Mỹ mong muốn món quà sẽ xua tan ác mộng, mang lại sự bình an cho người mẹ liệt sĩ mỗi ngày.

Phút cuối cùng của cuộc gặp, người phụ nữ duy nhât trong đoàn cựu binh Mỹ đã bật lên một câu nói, mà tôi (người viết bài này) dám chắc rằng, nó hẳn phải xuất phát một cách chân thật từ một tấm lòng đã bị những huyền thoại như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm làm cho cảm động. Ấy là khi người phụ nữ Mỹ Xu-dân Snôn (Susan Schnall) lúc nghe bà Doãn Ngọc Trâm tiếc nuối chưa kịp chuẩn bị quà cho khách phương xa, đã bày tỏ rằng “quà tặng lớn nhất dành cho chúng tôi đó là thời gian và câu chuyện về sự hy sinh của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm”./.

Sáng 7-4, thay mặt Đoàn cựu chiến binh Mỹ, ông Pôn Coóc-xơ đã cùng Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (VAVA), đã ký Tuyên bố chung giữa VAVA và Đoàn Cựu chiến binh Mỹ. Tuyên bố nêu rõ, Đoàn cựu chiến binh Mỹ tới Việt Nam cùng cam kết với VAVA phấn đấu giành công lý và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam. Đoàn cựu chiến binh Mỹ sẽ tiếp tục vận động công luận nhằm đòi chính phủ Mỹ phải đáp ứng trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh, cung cấp trợ giúp toàn diện cho các nạn nhân Việt Nam và tẩy sạch các điểm nóng nhiễm độc nặng chất độc đi-ô-xin hiện còn tồn tại ở một số nơi ở miền Nam Việt Nam. “Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép các công ty hóa chất Mỹ - những kẻ đã trục lợi trong việc sản xuất chất da cam/đi-ô-xin phải bồi thường cho các nạn nhân của họ”, ông Pôn nhấn mạnh khi đọc tuyên bố.

Bài và ảnh: Thu Trang