Kỳ V: Khát vọng giàu sang
QĐND - Trong bữa ăn sáng cùng Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND đảo Phú Quý, anh Huỳnh Văn Hưng, tôi được nghe anh kể nhiều về những dự án mời đầu tư trên đảo. Nhiều nhất vẫn là các dự án phát triển du lịch, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản. Ai cũng biết Phú Quý giàu tiềm năng, nhưng lại rất ít người dám ra đây bỏ tiền để xây khách sạn, nhà hàng, khu du lịch hay nhà máy chế biến chỉ vì một lẽ: Giao thông còn quá gian nan.
Anh Hưng nói: “Sau những thiệt hại do cơn bão Durian năm 2006 gây ra, Phú Quý đã gồng mình đi lên. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đến nay tăng khá nhanh”. Chẳng thế mà từ năm 2008 đến nay, năm nào huyện cũng thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu trên giao, riêng năm 2010 thu được 23.500 triệu đồng, đạt 117,5% kế hoạch tỉnh giao. Đạt được những chỉ tiêu về kinh tế, lãnh đạo huyện dồn sức vào công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch và tiến hành quy hoạch mới các khu chức năng, hệ thống đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng khu dân cư mới theo hướng đô thị hóa. Trong năm 2010, các công trình đầu tư xây dựng trên đảo có nhiều thuận lợi khi được Trung ương và tỉnh quan tâm như: Kè chống xâm thực ổn định bờ biển, nâng cấp mở rộng đường giao thông trên đảo, xây dựng trung tâm dạy nghề, nâng cấp mạng lưới thông tin – truyền thông, triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình biển Đông – hải đảo... Một số công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng là Hội trường xã Long Hải, 12 phòng học của Trường Tiểu học Triều Dương và Trường Mỹ Khê, nghĩa trang liệt sĩ huyện, trụ sở làm việc của xã Ngũ Phụng, nâng cấp mở rộng khu làm việc của UBND huyện, khu dân cư tập trung xã Ngũ Phụng…
Nói đến việc xây dựng trên đảo Phú Quý, nó vật vã, thao thức như những ngày biển động. Một viên gạch ở đất liền giá khoảng 800 đồng, nhưng khi vận chuyển ra đây, nó sẽ có giá là 2.400 đồng, tức là tăng gấp 3 lần. Các loại xi măng, sắt thép, đá, tôn lợp cũng vậy. Nhưng không phải bao giờ các loại vật liệu xây dựng cũng có đầy đủ và thuận tiện. Vào mùa gió, những công trình lớn cứ phải đợi dài dài do tàu thuyền chở sắt thép, gạch tôn, xi măng ra vào không thường xuyên. Sau cơn bão Durian, nhu cầu xây nhà đúc, nhà lầu kiên cố ngày càng nhiều. Và cũng vì thế, những ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn giảm dần, thay vào đó là những ngôi nhà vững chắc, có kiến trúc đẹp phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đây. Nói như ông Huỳnh Văn Dũng ở thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng thì đó là quá trình “đô thị hóa” ở trên đảo.
 |
Phú Quý nhìn từ biển. Ảnh: Phú Hưng. |
Đi trên con đường xuyên đảo, qua trung tâm thị trấn huyện, ai cũng cảm nhận được sự chuyển mình, đổi thay của Phú Quý. Cạnh sân vận động là một khu đất rộng hơn 200ha được san ủi phẳng phiu. Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý, ông Nguyễn Văn Trị nói: “Đó là khu dân cư “cao cấp” trong nay mai”. Huyện đã nhờ các ngành chức năng trong tỉnh và ngoài tỉnh đến khảo sát, quy hoạch, thiết kế để bán cho các gia đình có nhu cầu xây dựng nhà đô thị theo một kiểu thống nhất. Chỉ khoảng 5 - 7 năm nữa, nơi đây sẽ là những dãy phố sầm uất, sạch đẹp chẳng kém gì những khu đô thị mới ở Phan Thiết. Người dân Cù Lao Thu còn mơ đến những nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát, khu du lịch sinh thái tầm cỡ khi mà việc đi lại giữa đất liền và đảo thuận tiện hơn. Chị Huỳnh Thị Mai, một chủ buôn bán đồ hải sản đã qua chế biến cho rằng: “Tôi tin Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để Phú Quý có sân bay, có tàu cao tốc cỡ lớn chạy hằng ngày”.
Một trong những khát vọng cháy bỏng hiện nay của người dân Cù Lao Thu là không bao giờ bị cắt điện. “Những ngày biển động, tàu không ra vô được, cực lắm chú à!” – Bác Nguyễn Văn Thạnh ở xã Ngũ Phụng tâm sự - “Đảo bị cô lập là mọi thứ đều thiếu thốn. Khi ấy, nhà máy điện chỉ phát cầm chừng thôi. Không có điện là thiếu nước ngọt, các cơ sở chế biến thủy, hải sản phải ngưng hoạt động, bệnh viện, trường học và các cơ quan Nhà nước lại trở về những ngày đèn dầu thôi”. Phú Quý được ưu đãi khi mua giá điện. Một lít dầu diezel sản xuất được 4Kw điện, nhưng người dân vẫn được mua theo giá thủy điện của đất liền. Bình quân mỗi năm ngân sách của tỉnh Bình Thuận phải bù lỗ khoảng 15 tỷ đồng cho việc phát điện bằng máy ở đảo Phú Quý. Còn nếu tính theo giá xăng dầu hiện nay, năm 2011, việc bù lỗ này có thể lên tới hơn 40 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo với Thủ tướng lập dự án xây dựng hệ thống điện gió trên đảo. Biết là tốn nhiều tiền và hoàn vốn chậm đấy, nhưng xây dựng điện gió tính về lâu về dài thì có lợi hơn phát điện bằng máy diezel nhiều. Thứ nhất là Phú Quý không bao giờ thiếu gió, tức là không bao giờ bị thiếu điện. Thứ hai, phong điện sẽ giữ sạch môi trường sống. Sau khi tính toán 5 năm trời, tháng 11-2010, dự án Nhà máy Điện gió Phú Quý do Tổng công ty Điện lực Dầu khí làm chủ đầu tư đã được khởi động. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy này là 335 tỷ đồng, khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng điện hằng năm là 25,4 triệu Kw/h. Dự kiến Nhà máy Điện gió Phú Quý sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2011.
“Thương hiệu” của Phú Quý là kinh tế biển với sản lượng khai thác hải sản trung bình từ 25.000 đến 35.000 tấn/năm. Nếu như nơi đây có các nhà máy chế biến quy mô lớn, hiện đại để có các sản phẩm xuất khẩu, hoặc sản phẩm chất lượng cao để tiêu thụ trong nước, thì sẽ mang về cho đảo một nguồn thu nhập rất lớn. Phú Quý hiện chỉ có một số cơ sở chế biến hải sản ở khu vực xã Long Hải, Ngũ Phụng, nhưng chỉ ở cấp độ giản đơn. Nghĩa là các loại hải sản thu mua về chỉ được sơ chế như mực một nắng, cá thu một nắng, cá nục khô, cá mực khô…, chứ chưa đóng hộp, dán nhãn mác “bắt mắt” trên bao bì được. Chỉ có những thực khách trực tiếp đến Phú Quý, mới được thưởng thức các loại hải sản tuyệt hảo như cua huỳnh đế, cá thu sống, cá mú đỏ, hải sâm, ốc vú vàng. Anh Đặng Văn Phú – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện đảo xuýt xoa: “Chúng tôi mà có các nhà máy chế biến hải sản như ở Phan Thiết, Nha Trang, hay Rạch Giá thì có mà hốt bạc”. Khát vọng cháy bỏng đấy, nhưng vấn đề là ai dám bỏ tiền ra để làm những nhà máy như thế? Sản phẩm tiêu thụ như thế nào? Hàng chế biến xong mà bị sóng to, gió cả không vận chuyển được, có nghĩa là thực hiện hợp đồng chậm trễ thì nguy to. Nhất là chậm trễ các mặt hàng xuất khẩu sẽ không tránh khỏi bị phạt. Lỗ là cái chắc.
Tôi cùng Bí thư huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hưng đi dạo một vòng quanh Cù Lao Thu. Anh chỉ cho tôi thấy Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng, Hòn Giữa, Hòn Đỏ… Rồi chúng tôi đi xe lên đỉnh núi Cao Cát, nơi có ngọn hải đăng đứng sừng sững giữa biển trời. Anh Hưng nói: “Phú Quý quê tôi đẹp mê hồn. Ngay tôi là người sinh ra, lớn lên và đang làm việc ở đây hơn 50 năm trời mà vẫn phải ngất ngây, huống chi là du khách. Nếu như được quan tâm nhiều hơn, Phú Quý sẽ còn đẹp nữa”. Lại “nếu”. Tôi đã nghe câu nói này quá nhiều lần, không chỉ là của lãnh đạo huyện và người dân trên đảo, mà còn là của rất nhiều người trong đất liền. Bãi biển Phú Quý thoai thoải, nước trong xanh. Nhiều bãi tắm tựa mình vào đồi cát hay sườn núi. Cái thế của “rồng bay, phượng múa”, “sơn thủy hữu tình” ấy hầu như chỗ nào cũng có thể xây dựng được nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí. Thế nhưng người dân nơi đây vẫn mỏi mòn đợi, mỏi mòn khát khao.
Bài liên quan:
Phú Quý – Những ngày biển nghiêng (Kỳ IV)
Phú Quý – những ngày biển nghiêng (Kỳ III)
Phú Quý – những ngày biển nghiêng (Kỳ II)
Phú Quý – những ngày biển nghiêng (Kỳ I)
Bút ký của Lê Phi Hùng