Một khu “làng” khang trang, sạch đẹp gồm toàn những cặp vợ chồng trẻ. Một khu làng đầm ấm, tắt lửa tối đèn có nhau. Một khu làng không cờ bạc, không rượu chè, không tệ nạn. Mọi thứ đều hoàn hảo cả, trừ một điều: Tất cả các gia đình trong làng đều thuê nhà! Đó là “Làng Mới” của các gia đình sĩ quan trẻ tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), mà không ít người vẫn thường gọi “Làng thuê nhà”.
Cả làng... thuê nhà
Phú Quốc đang thay da đổi thịt mỗi ngày để trở thành “thiên đường du lịch”. Hàng loạt dự án, hàng chục bãi tắm, khu resort mọc lên, các thị trấn Dương Đông, An Thới bung ra nào nhà hàng, nào nhà máy... Ấy vậy mà Trung tá Nguyễn Thành Huyên, Trưởng ban tuyên huấn Vùng E Hải quân và Đại úy Vũ Đức Hậu, Trưởng ban cán bộ vẫn gây bất ngờ khi dẫn tôi qua chợ gần thị trấn An Thới, theo một ngõ nhỏ chênh vênh, thấy hàng chục mái nhà kề nhau san sát, phía ngoài có treo một tấm biển khá “chính quy”: Làng Mới! Tôi buột miệng:
- Đảo xa thế này! Bộ đội có làng quân nhân, thật tốt quá!
- Ủa! Không phải đâu! Chúng tôi đang... phấn đấu. Chứ còn cái “Làng Mới” này, 100% anh em đi thuê nhà cả. Cái biển “Làng Mới” kia cũng là của ông chủ nhà treo lên.
 |
Phía ngoài khu “Làng Mới” của sĩ quan trẻ ở Phú Quốc. |
Duyên cớ hình thành “Làng Mới” cũng thật tình cờ. Ban đầu, ông chủ tên là Sáu, người thành phố Hồ Chí Minh có nhiều đất ngoài đảo xây lên dãy nhà gồm 15 phòng. Người tới thuê nhà đủ thành phần: cán bộ, giáo viên, công nhân, ngư dân làm ăn mùa vụ. Nhưng rồi qua 1-2 năm, ông thấy người thuê nhiều nhất vẫn là cánh sĩ quan trẻ. Cho họ thuê vừa nghiêm túc, trả tiền sòng phẳng, vừa ăn ở nền nếp, đàng hoàng. Thế là ông treo biển “Làng Mới” và từ năm 2007 tới nay, chỉ cho riêng bộ đội thuê. Giá thuê nhà cũng khá “mềm”: mấy năm trước 400.000 đồng/tháng. Nay trượt giá, dao động 500-800.000 đồng/phòng/tháng.
Theo báo cáo của cơ quan cán bộ vùng E Hải quân, số sĩ quan trẻ chiếm 51,21% tổng số sĩ quan của đơn vị. Trong đó, sĩ quan trẻ quê các tỉnh miền Bắc chiếm hơn 95%. Hầu hết anh em đều chưa được giải quyết nhà ở, số chưa có vợ con thì ngủ tại doanh trại, số có gia đình 100% phải đi thuê nhà hoặc ở nhờ nhà... vợ. “Làng Mới”-“Làng thuê nhà” hình thành từ đó.
Một mái ấm, một ước mơ
Mái ấm của Trung úy Đào Lê Lựu, quê thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) và vợ Đào Thị Tươi có thể coi như một mô hình “phổ biến” của mọi gia đình sĩ quan trẻ nơi đây. Lựu và Tươi cùng quê, cưới nhau hơn một năm thì anh đưa vợ ra Phú Quốc lập nghiệp. Tươi tốt nghiệp đại học ngành… lưu trữ nên ra đây, tìm hoài chưa có việc. Cô ở nhà trông con, thu nhập chỉ còn trông chờ vào đồng lương trung uý không mấy dư dả của Lựu.
Nhìn sang nhà bên cạnh, Trung úy Phạm Xuân Quyết và vợ là Hồ Thị Lý, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình còn khó khăn hơn. Quyết là thuyền phó tàu HQ 632. Nay đây mai đó, nên làm ra ít nào, tiêu hết ít đó.
Những gia đình mà cả chồng và vợ đều có việc làm ổn định trên đảo như Thượng úy Trần Quang Thao, vợ là Vũ Thị Loan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gọi là cùng đảo nhưng chị Loan dạy học mãi đầu phía Bắc, cách nơi anh Thao làm việc 60km. Cộng hết thu nhập của hai vợ chồng (tính thêm cả phụ cấp đảo xa) mới được gần 4 triệu thì tiền ăn, tiền nước và chi cho em bé nhiều tháng còn âm. Ở hòn đảo đắt đỏ này, giá nước ngọt là 15.000 đồng/khối, tiền điện là 4.000 – 5.000 đồng/KWh. Vì thế, “xóm quân nhân” luôn phải tùng tiệm với cuộc sống đạm bạc.
Xa đất liền, thiếu nước, thiếu điện, giá cả đắt đỏ, công ăn việc làm chưa ổn định, nhưng “Làng Mới” vẫn đầm ấm bên nhau chờ ngày mai tươi sáng. Nhiều người vợ ra đảo để gần chồng mà chưa có việc làm cũng không quản ngại tìm một công việc gì đó tạm thời để khỏa lấp khó khăn như bán rau, bán cá, làm may… Tôi mang suy tư về một mái ấm, một ước mơ “an cư lạc nghiệp” trao đổi với Đại tá Ngô Văn Phát, Chính ủy vùng E Hải quân, anh trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Vùng đang tích cực “xin” trên cho chuyển đổi mục đích sử dụng 8,5 héc-ta đất, nếu được sẽ giúp 30% sĩ quan, QNCN… của đơn vị có nhà ở. Nhưng gần đây, có nhiều dự án khác “dính vô” khu đất này, nên vẫn phải… chờ đợi!”.
Hơn một năm trước, tôi ra Phú Quốc đến thăm “Làng Mới”. Hơn một năm sau trở lại, vẫn thấy còn đó những ước mơ, trăn trở về một mái ấm, một ngôi nhà. Tạm biệt Phú Quốc trên chuyến tàu cao tốc lướt nhanh giữa biển khơi xanh thẳm, tôi thầm nhủ: Ngày mai trở lại, sẽ thấy một ngôi làng của những người lính. Nhưng không còn hai chữ: “làng… thuê”!
Bài và ảnh: NGUYÊN MINH