QĐND - Dang dở giấc mơ đại học năm 1981 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ đó ông vừa đi làm thợ mộc, làm ruộng để kiếm sống, nuôi các con ăn học, vừa trở thành thầy giáo làng dìu dắt hơn 100 học sinh trong và ngoài xã thi đỗ vào đại học. Để rồi giờ đây, khi tuổi đã ngũ tuần, tóc điểm hoa râm, chuyện "cơm áo, gạo tiền" cũng phần nào lắng xuống, ông mới thực hiện tiếp ước mơ của mình: Trở thành sinh viên đại học. Ông là Hoàng Văn Toán (sinh năm 1960), ở xóm Tào Sơn 3, xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Từ dang dở giấc mơ đại học đến ông giáo làng
Mưa xối xả từng cơn táp vào mặt, khiến đoạn đường đê nối Quốc lộ 1A với xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia) chỉ chừng 2km mà tôi cứ ngỡ như dài lắm. Phải giữ chặt tay lái, ngồi thật thăng bằng, tôi mới vượt qua được đoạn đê trơn trượt, gập ghềnh để tìm về nhà ông Hoàng Văn Toán-người thợ mộc ở tuổi 53 sắp trở thành sinh viên Khoa Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Hồng Đức, đạt 22 điểm trong kỳ thi vừa qua.
Ông Toán kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều gian truân của mình: “Ngày trước, tôi rất thích học các môn tự nhiên, nhất là toán. Tốt nghiệp cấp 3, năm 1981, tôi thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Học được một thời gian, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi xin nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Khi đó, tôi dự tính, sau này có điều kiện sẽ tiếp tục theo học”.
Cuộc sống trôi đi, ông lấy vợ, sinh con, rồi mải vật lộn với "cơm áo, gạo tiền", không còn thời gian dành cho việc học hành. Bẵng đi mấy năm trời, đến khi các con khôn lớn, ngoài việc kiếm tiền mưu sinh, ông dành thời gian kèm các con học bài. Ông hi vọng, những đứa con sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế rồi, sau mỗi ngày làm việc vất vả, ông Hoàng Văn Toán lại thắp đèn cùng các con học bài tới tận khuya. Không phụ công sức của bố, 4 người con của ông đều chăm ngoan học giỏi.
 |
Ông Hoàng Văn Toán cùng con trai xem điểm thi của mình trên mạng.
|
Tiếng lành đồn xa, bà con làng trên, xóm dưới đều đưa con đến nhờ lão thợ mộc Hoàng Văn Toán dạy học. Lớp học về đêm của ông được hình thành, từ đó bà con, học trò trong xóm, ngoài xã gọi ông là "Thầy giáo".
Khi tôi hỏi: "Chương trình hiện có nhiều thay đổi, ông làm cách nào để có đủ kiến thức dạy các em học sinh?". “Chính việc kèm các cháu học là cơ hội để tôi tự bổ sung kiến thức cho mình. Ngoài ra, tôi còn mua thêm sách tham khảo; trực tiếp lên mạng internet nghe các bài giảng và các phương pháp giải các bài toán, lý, hóa hay để truyền lại cho các cháu”.
Nói đến đây, ông kể cho tôi nghe về một người học trò có tên là Lê Đình Lương. Lương mồ côi bố mẹ nhưng được ông giúp đỡ, kèm cặp hiện đã tốt nghiệp đại học và trở thành bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long (Quảng Ninh). Ông Toán nói: “Một hôm đã gần 11 giờ đêm rồi mà mấy thầy trò tôi vẫn loay hoay chưa tìm được cách giải một bài hình học không gian. Sau một hồi suy nghĩ, tôi vẽ thêm một đường phụ mới giải được. Thế nhưng, em Lương đã tìm ra cách giải mới, không cần vẽ đường phụ mà lại ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Tôi dạy học trò và cũng học từ học trò nhiều điều là vậy”.
Và từ những kiến thức thu nhặt được, bao năm qua, ông Toán đã làm người "chở đò" thầm lặng đưa hơn 100 học sinh trong và ngoài xã bước vào cổng trường đại học. Nay bước sang tuổi 53, ông đã tự an ủi lòng mình, tiếp tục làm mộc và kèm học các con. Ông cũng muốn khép lại giấc mơ vào đại học thời trai trẻ nếu như không có chuyện xảy ra...
Thi khối C để cùng con học hết 4 năm đại học
Nói với tôi về quyết định chuyển từ khối A sang tự ôn luyện khối C để thi đại học, ông Toán thổ lộ: “Tôi thi phần vì con, phần vì bản thân bởi hai cha con đều dang dở trên con đường học vấn”. Giọng trầm buồn, ông kể tiếp: “Con trai đầu của tôi là Hoàng Văn Tĩnh (sinh 1985), từng đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia, rồi Học viện Quân y (hệ dân sự) nhưng nó đều bỏ giữa chừng vì không thể học được các môn khoa học xã hội”.
Thấy con rời mái trường đại học, lòng ông như thắt lại. Ông sợ con trai đi vào vết xe của mình, rồi dang dở cả đời nên quyết định minh chứng cho con biết không có môn học nào khó cả. Vì thế, ông quyết định tự ôn các môn khoa học xã hội để đi thi đại học. Và hai cha con ông quyết tâm năm 2013 cùng dắt tay nhau thi vào Trường Đại học Hồng Đức. Ông Hoàng Văn Toán thi vào Khoa Sư phạm Lịch sử (khối C), còn Hoàng Văn Tĩnh thi Khoa Sư phạm Toán (khối A).
Chuyện ông Toán đi thi đại học không chỉ gây xôn xao dư luận trong làng xã mà ngay cả lúc vào trường thi cũng bị các bạn sinh viên tình nguyện chặn lại với lý do: "Bác thông cảm, đã hết giờ phụ huynh được phép vào". Không muốn để các cháu biết rõ thân phận của mình, ông đành phải nói dối: "Con trai để quên thẻ dự thi" và năn nỉ các bạn sinh viên cho vào trường. Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi nhưng khi vào tới gần phòng thi, ông lại gặp 2 chiến sĩ công an chặn lại. Biết không nói rõ sẽ chẳng được vào thi nên ông Toán phải xuất trình thẻ dự thi của mình. Hai chiến sĩ công an hết nhìn ông rồi lại nhìn nhau, cuối cùng cả hai đều chúc ông làm bài tốt.
Bước vào phòng thi, ông thợ mộc tóc điểm bạc trở thành tâm điểm của các bạn thí sinh và cả giám thị. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông. Lúc đầu, ông cũng ái ngại nhưng rồi tự trấn an mình: Các cháu cũng như học trò mình dạy kèm ở nhà, mình đến đây để thi và mục tiêu là đỗ đại học. Và ông đã làm được điều đó, khi đạt 22 điểm (Địa 7, Sử 8.5 và Văn 6.5). Niềm vui của ông và gia đình như được nhân lên khi người con trai Hoàng Văn Tĩnh cũng đạt 22.5 điểm.
Chia sẻ với chúng tôi về cha mình, Tĩnh nói: “Tôi học được ở bố đức tính kiên nhẫn, tinh thần ham học hỏi và một lối sống gần gũi, chân thành. Bố đã minh chứng cho tôi thấy không có gì là không làm được”.
Nói về kinh nghiệm để học tốt các môn khoa học xã hội, ông Hoàng Văn Toán chia sẻ: “Đối với môn Địa, tôi đọc sách nhiều và theo dõi qua báo, đài để có thêm kiến thức về tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Với môn Lịch sử, mỗi một dấu mốc quan trọng, tôi đều dừng lại suy ngẫm thật kỹ về hoàn cảnh lịch sử, những diễn biến chính và nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm và ý nghĩa của dấu mốc ấy. Ngẫm nghĩ giúp tôi hiểu sâu sự kiện hơn và sẽ nhớ tốt hơn. Tôi nghĩ, lịch sử không phải là những con số khô khan, khi bạn tập trung nghiên cứu sẽ thấy đó là một thế giới sinh động. Đối với môn Văn, tôi đọc nhiều tài liệu về phê bình văn học từ đó có cái nhìn đa chiều hơn về một tác phẩm, không rập khuôn theo những bài văn mẫu định sẵn”.
Tôi đang trò chuyện cùng ông Toán thì bà Hoàng Thị Toan (vợ ông) đi làm đồng về. Mấy hôm nay nghe tin con và chồng đỗ đại học, bà Toan rất vui nhưng cũng thấy lo lắm. Bà Toan chỉ sợ ông Toán già rồi, không theo được các cháu sinh viên. Hơn nữa, bấy lâu nay ông Toán là lao động chính trong nhà để nuôi các con, nay đi học, mình bà ở nhà biết lo liệu thế nào. Nghe vợ nói vậy, ông Toán quay sang cười đùa: “Việc học của con người là suốt đời nên tôi không muốn dừng lại ở tuổi 53. Các con học đại học cả rồi, bà phải để tôi thực hiện trọn vẹn ước mơ thời trai trẻ chứ!”.
Ông nói vậy nhưng khi chia tay chúng tôi, dù rằng vẫn quyết tâm học hết 4 năm đại học, nhưng tôi thấy trên nét mặt người đàn ông 53 tuổi hiện rõ vẻ ưu tư, lo lắng. Ông lo là phải. Bởi tới đây, ông vừa học, vừa lao động kiếm tiền nuôi cả gia đình quả là một điều không dễ.
Bài và ảnh: DUY THÀNH