Khi biết tôi có ý định lên Si Ma Cai, huyện vùng cao biên giới của Lào Cai công tác, anh bộ đội biên phòng Hoàng Văn Chính dặn: Nhà báo nhớ vào đồn biên phòng nhé, ở đó sẽ có nhiều đề tài hay đấy. Lời nói của anh làm tôi phấn chấn và sau chuyến đi thực tế đến mấy xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, tôi thực hiện hành trình tìm hiểu cuộc sống của những người lính nơi biên cương.
Nhờ các anh, chúng tôi đã thoát nghèo
Qua con dốc dẫn lên cổng Đồn biên phòng Si Ma Cai (đồn 227), đập vào mắt tôi là khoảng sân rộng với rất nhiều cây xanh được kẻ vẽ rất đẹp để làm sân bóng chuyền, đánh cầu lông. Tiếp tôi là Chính trị viên trưởng Phạm Hồng Vương, anh đùa: “Đã lâu rồi mới có nhà báo nữ lên thăm anh em chúng tôi đấy”.
Mâm cơm giữa cảnh heo hút, cheo leo mà không thiếu thứ gì, có đủ rau tươi, thịt gà luộc, canh cá nấu chua. Tất cả đều do các anh tự nuôi trồng, phía sau nhà ở dành cho bộ đội có mảnh vườn khá rộng trồng nào su hào, bắp cải, đậu, đỗ, rau thơm... Lợn, gà lúc nào cũng có trong chuồng. Măng đắng luộc chấm muối lạc là quà của bà con xã Nàn Sán gửi trong chuyến thăm, khám bệnh của y sĩ, đại úy Nguyễn Văn Tám.
 |
Khu tăng gia của Đồn biên phòng Si Ma Cai. |
Đồn biên phòng Si Ma Cai có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên giới thuộc 3 xã: Nàn Sán, Sán Chải và Si Ma Cai với 8.948 nhân khẩu, trong đó đồng bào Mông chiếm tới 82%. Trước đây, vì trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống của bà con còn rất khó khăn. Vì vậy, cùng với nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc, các chiến sĩ còn tham gia phát triển kinh tế của địa phương. Những công việc của nhà nông như trồng rau, đào mương dẫn nước để trồng lúa hoặc trỉa ngô... đã quá quen thuộc với các anh. Năm 2001, cả thôn Lù Dì Sán (Sán Chải) chỉ có 6 con trâu dùng làm sức kéo. Bà con trồng ngô, lúa và thảo quả nhưng do phương pháp canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, không bảo đảm nhu cầu lương thực. Đồn biên phòng đã thành lập một tổ công tác gồm 3 người “đóng đô” ở đó hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Họ còn phối hợp với Phòng khuyến nông huyện xây dựng mô hình chăn nuôi trâu bò, gà thả vườn, trồng cỏ voi... Đến nay, đàn trâu bò của thôn đã tăng lên 46 con, đàn gà, dê tăng lên hàng trăm con. Ông Giàng Seo Chú, người dân xã Nàn Sín cho biết: Hồi trước tôi chỉ biết sáng ra vác cuốc lên nương, trồng ngô trên núi đá, quần quật quanh năm mà chỉ được 150 thồ ngô. Nhờ có các anh bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất ngô tăng lên đáng kể, vụ vừa rồi tôi thu được 200 thồ. Ngoài ra, tôi còn nuôi được 7 con lợn, nấu rượu, trồng rau giống bán cho bà con. Không chỉ thoát nghèo mà tôi còn sắm sửa xe máy, ti vi...
Còn vợ chồng anh Phần Dung Phủ, dân tộc La Chí thì cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện cảm động về trung úy Trần Mạnh Tài, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Hóa Chư Phùng đã giúp vợ chồng anh lên núi thồ ngô. Nhà anh Phủ có 3 con nhỏ, vợ ốm đau thường xuyên nên chỉ có mình anh tần tảo trồng được mấy nương ngô tận trên núi Hoa Sư Pan cao 1.531m, đến kỳ thu hoạch mà vợ ốm, con khóc không làm sao đưa về được. Thấy hoàn cảnh anh Phủ khó khăn, trung úy Tài đã bàn với trung úy Tống Hồng Vân và binh nhất Hãng Seo Giả đến giúp vợ chồng Phủ. Cả ngày hôm ấy, 3 anh làm quần quật đến tận tối, chuyển hết ngô về nhà. Trung úy Tài còn mang thuốc thang, gạo đến để giúp vợ anh khỏi bệnh. Anh Phủ tâm sự: “Chúng tôi được Nhà nước cho điện, nước sạch, đài phát thanh, nhà nào thiếu ăn còn được trợ cấp gạo chống đói. Các anh biên phòng vẫn thường khuyên chúng tôi đừng để đói nghèo mãi. Phải biết chăn nuôi, trồng trọt, cái gì chưa hiểu thì hỏi đồn biên phòng...”.
Những người mở mang văn hóa
“Giúp bà con làm kinh tế, thoát khỏi đói nghèo chỉ là một trong hàng trăm công việc hằng ngày của chúng tôi. Đồn 227 đang tích cực tuyên truyền nếp sống mới, kiện toàn tổ an ninh thôn bản, phổ biến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”... cho bà con - Đồn trưởng Trần Văn Mạnh cho biết như vậy.
Mấy năm trước, khi Si Ma Cai chưa tách khỏi huyện Bắc Hà, nhiều đồng bào vẫn giữ thói quen sinh hoạt cũ, trâu bò nhốt ngay trong nhà, rồi trồng thuốc phiện, di cư tự do. Chính vì vậy, nhiệm vụ của đồn rất nặng nề. Một số đồng chí được biệt phái xuống tận thôn, bản, tham mưu cho chính quyền các địa phương lập lại an ninh trật tự, phối hợp với Ban văn hóa xã, Mặt trận tổ quốc và Hội phụ nữ xây dựng nếp sống mới. Nhờ đó, cơ bản cuộc sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay. Trong mấy năm liền, các chiến sĩ đồn biên phòng đã khắc phục những khó khăn về phương tiện, ngôn ngữ bằng cách liên tục "4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với bà con; vận động và hỗ trợ đồng bào làm chuồng nhốt gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh ra xa nhà ở; ký kết quy chế phối hợp với 3 xã làm cơ sở bảo vệ đường biên giới và an ninh trật tự thôn bản; tổ chức phong trào văn nghệ-thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Đội phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống ma túy liên tục tuần tra, trinh sát và vận động quần chúng cùng theo dõi, báo tin để xử lý kịp thời.
Đặc biệt, do địa bàn 3 xã giáp Trung Quốc nên trước đây đã xảy ra trường hợp chị em bỏ quê sang bên kia biên giới làm thuê rồi bị dụ dỗ, lừa bán cho nhà chứa. Đồn biên phòng đã xây nhà ở cho tổ công tác ở 3 xã để tăng cường vận động, tuyên truyền quần chúng ổn định cuộc sống, gần gũi hơn nữa với nhân dân. Những tổ công tác này còn giúp dân xóa mù chữ, phổ biến kiến thức về pháp luật, dạy dân cách cải thiện vệ sinh ăn ở trong thôn bản, phối hợp với Trung tâm y tế khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con.
Những cố gắng của các chiến sĩ cũng như cuộc đấu tranh của bà con chống lại cái cũ, cái lạc hậu đã có kết quả. Đến nay, cây thuốc phiện đã hoàn toàn được xóa bỏ, không còn việc ăn uống lãng phí, tổ chức dài ngày trong việc cưới, việc tang. Không còn hiện tượng chị em phụ nữ bỏ bản làng sang bên kia biên giới, tỷ lệ đói nghèo giảm bình quân từ 2% đến 5%/năm.
Trên chuyến xe cuối cùng rời Si Ma Cai ngày hôm đó, âm hưởng của lời hát: anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt... cứ trở đi trở lại trong tôi.
THU MINH