QĐND - Tôi nghe nói rằng, nhà văn Chu Lai là người đầu tiên gọi các chiến sĩ quân khí là những người giữ lửa. Theo tôi, cách gọi đầy hình tượng văn học này đã phản ánh rất đúng nhiệm vụ của những người lính sắp xếp, trông coi, giữ gìn, bảo dưỡng vũ khí đạn dược; một công việc âm thầm lặng lẽ nhưng cận kề với nhiều tai ương, hiểm họa bất chợt không dễ gì lường hết trước được. Lửa có trong những trái bom, viên đạn, quả mìn, lửa ủ trong những hạt nổ, ngòi nổ được giữ yên lành bởi bàn tay và trái tim, khối óc của người lính quân khí. Với Kho K812 thì đến ngày 4-7-2011 này họ đã có 50 năm, vâng, tròn nửa thế kỷ giữ lửa đầy vất vả gian nguy nhưng cũng rất đỗi vinh dự tự hào.
Công việc đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến đây là thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ của K812 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong cái nắng chói chang hừng hực của mùa hè miền Trung, những vòng khói hương ngan ngát tỏa lan trên các nấm mộ khắc tên những người lính tuổi mười tám, đôi mươi. Mắt tôi chợt nhòe đi trước những dòng tên đồng đội: Hạ sĩ Lương Thị Khang, Hạ sĩ Võ Thị Sẩm, Hạ sĩ Cao Bá Ưng, Binh nhất Bùi Cao Thế, Binh nhì Nguyễn Thị Bào, Binh nhì Bùi Thị Lai, Binh nhì Phạm Thị Lâm… hy sinh ngày 14-9-1974.
 |
Chỉ huy Kho K812 kiểm tra bảo dưỡng đạn. |
Năm ấy, tôi tròn 18 tuổi, mới vào Bộ đội Trường Sơn được 3 tháng. Những người nằm dưới mộ này cũng xấp xỉ tuổi tôi nhưng các bạn đã ra đi cách đây 37 năm. Câu chuyện bi tráng được Bí thư Đảng ủy Kho K812 Lô Minh Thoan kể lại bên các nấm mộ bé nhỏ: Ngày 14-9-1974, một ngày bình thường như những ngày khác… Tại khu A trạm bao gói đạn ĐKZ-B ở nhà số 12 tranh thủ thời tiết làm thông tầm đến hơn 2 giờ chiều thì nghỉ; trạm mộc gồm 9 người đang đóng hòm đạn; tổ bảo quản 7 người đang sắp xếp thuốc nổ ở nhà số 1, số 2 do đồng chí Thế phụ trách. Chiều. Tổ bảo quản dùng xe Gát 51 điều chuyển 10 hòm đạn B40 (thu hồi) ở nhà số 63. Đúng 15 giờ 15 phút, giữa cảnh núi rừng bình yên một tiếng nổ rất lớn phát ra. Lửa, khói cuộn thành hình nấm đen kịt khét lẹt bốc lên cao hàng chục mét. 15 giây sau, một tiếng nổ nữa lại vang lên và tiếp theo đó là những chuỗi nổ ùng oàng nối nhau đến 21 giờ đêm. Chưa hết, 1 giờ rưỡi sáng hôm sau lại bùng ra 4 tiếng nổ nữa và cuối cùng lúc 7 giờ sáng ngày đó tiếng nổ cuối cùng vang lên kết thúc tai họa ở Kho K812. Thân xác của những người hy sinh không còn nguyên vẹn. Da thịt của những chàng trai cô gái đang độ thanh xuân phần lớn tan vào đất đá cỏ cây. Họ ra đi chỉ trong nháy mắt chưa hề biết được nguyên nhân vụ nổ là gì. Sau này, căn cứ vào hiện trường và báo cáo hoạt động của tổ bảo quản người ta nghĩ tới hai nguyên nhân gây ra vụ nổ. Đó là do hai quả bom còn sót lại trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ tự nổ gây ra nổ nhà kho đạn; hoặc do một quả đạn B40 đã mở bảo hiểm từ trước (vì đây là đạn thu hồi về) đã phát nổ khi vận chuyển sắp xếp.
Công việc của những người giữ lửa đầy nguy hiểm, bất an như thế. Có những rủi ro không ai lường hết được. Khi đến các kho chứa bom, đạn, mìn, hạt nổ, ngòi nổ, đứng bên các chiến sĩ làm nhiệm vụ trông coi bảo quản tôi thường có nỗi phập phồng rất khó tả. Cho nên, với người lính quân khí, cái hạnh phúc lớn nhất của họ là sự bình yên của các vùng kho. Và, vì sự bình yên của những vùng kho mà các cán bộ, chiến sĩ K812 nói riêng và Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật nói chung đã nêu cao trách nhiệm, cẩn trọng tỉ mỉ chu đáo trong việc sắp xếp, trông coi, gìn giữ, bảo quản. bảo dưỡng tốt từng khẩu súng, khẩu pháo, từng hòm đạn, trái bom…
Đứng trước những lô đạn chống tăng xếp ngay ngắn, sạch sẽ trong kho 37, Vương Ngọc Tân quê Thái Bình đã tâm sự với chúng tôi về nghề của mình: “Chúng em vẫn biết công việc của lính coi kho đạn dược là khá nguy hiểm. Nguy hiểm bởi những bất trắc rủi ro có thể xảy ra mà không ai lường hết được, nguy hiểm cả khi thời tiết xấu bão giông mưa gió sấm sét chẳng hạn; nguy hiểm ẩn chứa trong những độc hại có sẵn trong từng lô bom, hòm đạn, thuốc chống mối chống ẩm v.v.. Thấy hết những bất trắc nguy hiểm đó nên chúng em cần phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, chu đáo, cẩn trọng, tỉ mỉ hơn trong sắp xếp, bảo quản, bảo dưỡng, quản lý vũ khí. Không được phép làm sai quy định. Các anh vào kho bọn em cũng phải ghi họ tên, cơ quan đơn vị, ngày giờ vào sổ theo dõi đấy. Sai một ly đi một dặm anh ạ. Đôi khi chỉ một sai lầm bé tẹo là mất tất cả, không chỉ với mình mà còn gây tổn thất, tổn hại lớn cho Nhà nước, cho Quân đội, cho nhân dân trong đó có cả người thân mình”.
 |
Một buổi diễn tập chữa cháy ở Kho K812. |
Tôi tin, rất tin những lời Tân nói là xuất phát từ tình cảm, suy nghĩ thật của mình, chứ không phải để diễn trước các nhà báo. Trong 50 năm qua, Kho K812 đã có nhiều thế hệ, nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ suy nghĩ và hành động như Vương Ngọc Tân, tôi cảm nhận sâu sắc thế. Từ năm 1964, Kho 710 (tên gọi K812 thời mới thành lập) đã được xây dựng thành một kho chiến lược chính quy kiên cố, có trữ lượng đạn dược lớn, nằm ở vị trí giáp với chiến trường miền Nam, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Với thế hệ đi trước không ai quên được những ngày đánh Mỹ gian lao mà anh dũng ấy. Kho đã phải nhiều lần phân tán để tránh sự phá hoại của máy bay, tàu chiến Mỹ. Các hang đá trong vùng được cải tạo thành kho cất giữ đạn dược. Nhiều cây xanh được bàn tay cán bộ, chiến sĩ trồng trên vùng đất gió lào đất đỏ để ngụy trang cho các con đường và hệ thống kho tàng. Để giữ bí mật cho Kho trong thời chiến, người ta chỉ vận chuyển hàng bằng các phương tiện thô sơ chứ không làm đường ô tô. Trong lòng hang đá, trong các nhà kho nép kín dưới tán lá rừng rậm rạp hàng nghìn tấn đạn cao xạ 37 đến 100mm, đạn ĐKZ, B40, B41, đạn cối, đạn pháo chống tăng, pháo nòng dài, lựu đạn, thuốc nổ, quân cụ được cất giữ an toàn. Không ít lần máy bay Mỹ đến ném bom; có trận chúng huy động 48 chiếc thay nhau đánh phá, thả gần 300 quả bom trong đó có nhiều quả chưa nổ và bắn hàng loạt đạn 20mm, rốc-két vào vùng Kho nhưng với lòng quả cảm, những người lính quân khí vừa làm tốt công tác phân tán, bảo quản tốt đạn dược, hạn chế đến mức thấp nhất sự phá hoại của giặc vừa ngoan cường chiến đấu đánh trả lũ Con Ma, Thần Sấm của Không lực Huê Kỳ, bắn rơi một máy bay F105 D và góp phần bắn rơi 5 máy bay khác của Mỹ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và thời kỳ đổi mới, cán bộ, chiến sĩ Kho K812 cũng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa nhẹ đạn dược, bao gói bảo quản, sửa chữa bổ sung hòm hộp, điều chuyển bảo đảm an toàn theo quy hoạch, phân lô và quản lý đạn dược theo lô. Ngoài ra còn thường xuyên thực hiện tiếp nhận, cấp phát đạn dược theo lệnh cấp trên, phát quang chống cháy, bảo đảm an toàn, phát triển chăn nuôi tăng gia sản xuất… Trong khi đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị luôn được quan tâm chú trọng.
Đến với Kho K812 hôm nay, chúng ta thấy ấm áp và yên lòng hơn với hệ thống kho tàng, hàng rào, bốt canh quy củ, chắc chắn, với những con đường tuần tra, đường nối các kho bằng bê tông đủ rộng cho ô tô đi lại, với hàng chục héc-ta mía, hàng trăm héc-ta rừng trồng lát hoa, sao, với vườn ươm cây giống, với hồ Lác nuôi hàng nghìn, hàng trăm con cá trắm, cá trôi, lươn... Kho ở giữa lòng rừng nguyên sinh xanh tốt, con người sống chung thân thiện với thiên nhiên. Cây cối, chim chóc, muông thú được bảo vệ tuyệt đối. Đặc biệt, chúng ta khó quên được những chủ nhân của vùng kho thân yêu này với những con người lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến cho Tổ quốc, cho Quân đội mà tôi đã gặp như Chủ nhiệm Kho Phạm Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy Lô Minh Thoan, Đội trưởng Đội Cảnh vệ Trần Đăng Hùng, nhân viên coi kho Vương Ngọc Tân, thợ cơ khí mộc Lê Công Thọ… những người đang kế tục thế hệ chống Mỹ, giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời chống Mỹ.
Tôi sẽ có lỗi khi chưa kể ra đây sự hy sinh giữa đời thường của những người lính quân khí mà Chủ nhiệm Kho K812, Đại tá Phạm Văn Tuấn là một dẫn dụ cảm động. Người con của quê hương Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An này năm nay 48 tuổi nhưng đã có mấy chục năm gắn bó với kho quân khí, trong đó có 2 năm giữ kho đạn dược có chất độc CS do Mỹ để lại. Đến nay, cái chứng mất ngủ vẫn thường đến với anh và qua xác nhận của bác sĩ, Tuấn đã mắc bệnh nghề nghiệp. Trong 3 đứa con sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Từ Dũ của anh có 2 cháu mắt kém do bong võng mạc. Từ những đồng tiền chắt chiu của vợ chồng anh cộng với sự quyên góp giúp đỡ của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), Tuấn đã đưa 2 con qua Thái Lan chữa trị. Ai dám chắc rằng, nguyên nhân những đứa con anh bị bệnh về mắt không liên quan đến những độc hại trong thời gian coi kho đạn Mỹ để lại. Giữa đời thường, trong chiến tranh cũng như hòa bình, người lính quân khí có những hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng nhận ra để cảm thông và chia sẻ. Dù rằng, với họ việc đó cũng giản dị, bình thường như trách nhiệm và tình cảm của người chiến sĩ đối với Tổ quốc và nhân dân.
Ghi chép của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý