Phòng cháy để “bà hỏa” không ghé thăm
Chị Huyền sinh ra và lớn lên ở phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) - nơi có những khu chợ kinh doanh sầm uất với hàng trăm con ngõ nhỏ nên chị rất hiểu về nguy cơ mất an toàn cháy nổ và hậu quả nếu xảy ra cháy sẽ rất khủng khiếp.
Từ năm 1997 đến giữa năm 2011, chị Huyền công tác tại Quận Đoàn Hoàn Kiếm và Quận ủy Hoàn Kiếm. Sau đó chị về công tác tại UBND phường Hàng Bài, giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND phường, phụ trách văn hóa – xã hội và phụ trách toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn; đến tháng 5-2023 thì chị Huyền chuyển công tác về UBND phường Hàng Gai.
 |
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (ngoài cùng bên trái) trong buổi tuyên truyền pháp luật và thực hành kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy. Ảnh: NVCC |
Xác định tinh thần phòng cháy hơn chữa cháy, nữ cán bộ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phường một số mô hình phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, bảo đảm an toàn cho tổ dân phố.
Trong suốt 12 năm, nữ cán bộ phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy, phường Hàng Bài đã không có cháy lớn xảy ra, không có cháy chết người, không có vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Đặc biệt, tỷ lệ xã hội hóa trong việc thực hiện mở cắt khung sắt tạo lối thoát nạn thứ 2, trang bị bình chữa cháy đạt 100% với sự đồng lòng của nhân dân, tổng số tiền xã hội hóa lên đến gần 734 triệu đồng.
Năm 2020, chị Huyền đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phường Hàng Bài thành lập mô hình ký kết thi đua “Tổ dân phố đạt chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” trên địa bàn phường Hàng Bài và được triển khai từ tháng 12-2020.
Nội dung của mô hình này là tháng 3 hằng năm, các tổ dân phố tiến hành rà soát và thực hiện các tiêu chí đã ký cam kết, như: Chủ động tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho nhân dân thuộc tổ, tự trang bị bộ phương tiện cứu nạn cứu hộ theo thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31-12-2020 của Bộ Công an; chủ động xây dựng và thực hành phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ trên địa bàn, thực hiện tốt xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy tại chỗ ở tổ dân phố, nữ cán bộ đã đề xuất mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ” (bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) được triển khai từ tháng 3-2021.
Qua quá trình thí điểm tại 17 khu nhà tập thể trên địa bàn nhận thấy mô hình được triển khai có hiệu quả, phường đã tổ chức thực hiện vận động 761/761 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy; vận động 155/155 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trang bị bình chữa cháy xách tay; vận động 225/225 hộ tháo dỡ lồng sắt, tạo lối thoát nạn.
Sau khi mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ” được triển khai có hiệu quả đã nhân rộng trong 18 phường thuộc quận Hoàn Kiếm.
Đến nay, mô hình được các ngành các cấp Trung ương, Thành phố Hà Nội đến kiểm tra thực tế và ghi nhận, biểu dương khen thưởng và triển khai nhân rộng tại các địa phương trên toàn quốc.
Để tuyên truyền hiệu quả, đi vào thực chất và tác động thay đổi tư duy của người dân về phòng cháy, chữa cháy, chị Huyền đã phối hợp với chi bộ, tổ dân phố tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Truyền thanh, nhóm zalo và đến vận động trực tiếp từng hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2, tháo dỡ chuồng cọp, trang bị bình chữa cháy, mặt nạ chống độc...
“Trong công tác phòng, chống cháy, nổ, điều khó nhất là khơi thông tư duy lơ là, chủ quan, thậm chí là coi thường của mỗi người dân” - chị Huyền tâm sự.
Những sáng kiến chống “giặc lửa”
“Tiếng kẻng 114” là mô hình mà chị Huyền tâm đắc nhất, được triển khai tại Tổ dân phố số 7, phường Hàng Bài từ tháng 9-2022. Địa bàn có phố Hàm Long chuyên kinh doanh bàn ghế, hoa nhựa, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Mô hình “Tiếng kẻng 114” được triển khai với mục đích khi có sự cố cháy nổ, tận dụng triệt để “5 phút vàng trong chữa cháy” nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra.
 |
Mô hình “Tiếng kẻng 114” trên phố Hàm Long. Ảnh: NVCC |
Trong 5 phút đầu, người dân sẽ gõ kẻng báo động cho toàn bộ các hộ dân xung quanh nắm được để kịp thời chữa cháy, cứu người, cứu tài sản; đồng thời, vận động người dân trang bị thêm “thùng cát cứu hỏa” để dập tắt đám cháy do xăng, dầu gây ra. Ngoài ra, người dân có thể đánh kẻng báo động khi phát hiện kẻ trộm cắp tài sản…
Ngoài ra, nữ cán bộ còn có một số sáng kiến hữu ích như tổ chức Chương trình trải nghiệm “Chúng em là Lính cứu hỏa” cho thanh thiếu niên tổ chức vào tháng 7-2022. Chương trình đã được lan tỏa đến các phường lân cận và thu hút hơn 1.000 thanh thiếu nhi tham gia; sáng kiến tổ chức Ngày hội Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy tại tổ dân phố; tổ chức các buổi tuyên truyền kỹ năng sống cho Thanh thiếu nhi về kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng sử dụng mặt nạ phòng độc, cách sạc pin điện thoại, xe đạp điện,…trong dịp hè 2023.
 |
Chị Huyền cùng cán bộ phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn các em thanh thiếu nhi về kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ. Ảnh: NVCC |
Không những vậy, chị còn vận động nhân dân thành lập 28 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy thuộc 7 tổ dân phố, trong đó có 9 tổ liên gia lắp đặt chuông đèn, nút ấn báo cháy, 19 tổ liên gia sử dụng kẻng báo cháy; đã vận động xã hội hóa lắp đặt 46 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu...
Chị Huyền được mọi người biết đến là “cây sáng kiến” trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong suốt 12 năm công tác tại phường Hàng Bài. Nay khi đã chuyển công tác sang phường Hàng Gai tuy không phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy nhưng chị vẫn tích cực đóng góp kinh nghiệm, hỗ trợ, tham gia vào công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy.
 |
Nữ cán bộ cùng tổ công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư phường Hàng Gai. Ảnh: NVCC
|
Nữ cán bộ cho biết, nhiệm vụ của chúng tôi là kịp thời chỉ ra những nguy hiểm, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy, trang bị phương tiện, kiến thức kỹ năng và tuyên truyền liên tục, thường xuyên để mỗi người dân thấy được trách nhiệm của mình, qua đó chung tay vì sức khỏe, sự an toàn của người dân. Đồng thời, xây dựng thế trận an toàn phòng cháy ở khu dân cư là thay đổi nhận thức để người dân tích cực với phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
 |
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền tại Lễ trao giải thưởng và tôn vinh các điển hình trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2023. Ảnh: NVCC |
Năm 2019, sáng kiến Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn phường Hàng Bài của chị Huyền được Hội đồng khoa học, sáng kiến và công nghệ quận Hoàn Kiếm công nhận. Năm 2022 nữ cán bộ được nhận giấy khen của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về thực hiện mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giai đoạn 2021-2022.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp. Đặc biệt, mới đây, chị vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa cháy, nổ ở cơ sở.
DIỆU HUYỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.