QĐND Online - Nếu như ở những đồng bào các dân tộc thiểu số khác có những tục “ngủ thăm”, “chọc sàn”, “bắt vợ” để chàng trai có thể lấy được người con gái mà mình yêu thích về làm vợ thì ở dân tộc Dao đỏ lại có tục kéo vợ. Chàng trai chỉ cần thấy thích người con gái nào, thấy ưng cái bụng, vừa cái mắt, nhờ được một vài “bằng hữu” kéo giúp người con gái đó về nhà là coi như đã “yên bề gia thất”. Phong tục này nối nguồn từ sâu xa huyền sử của người dân tộc, nó xuất phát từ mong muốn rất nhân văn của con người nhưng đằng sau đó lại quyện bao nỗi buồn thiên cổ của những người con gái, của những gia đình xây dựng trên nền tảng của sức mạnh ấy…
Huyền sử
Tục truyền rằng ngày xưa có một chàng trai người dân tộc Dao đỏ, nhà nghèo nhưng trót đem lòng si mê một cô gái xinh đẹp nhà giàu. Không đủ bạc trắng, không có trâu, dê để cưới hỏi cô, anh chỉ biết thương thầm trộm nhớ và luôn mong một ngày nào đó cô gái sẽ để ý đến mình. Thật đáng buồn, do nuông chiều cô gái sinh thói kiêu căng chẳng thèm để mắt tới tấm chân tình của chàng trai nọ. Chuyện tình của chàng trai sẽ là một tấn bi kịch nếu như không có một ngày kia tấm chân tình của chàng đã thấu tận thần phật và đấng linh thiêng đã quyết định giúp chàng có được ý trung nhân của mình. Thần đã báo mộng cho chàng rằng hãy làm sao bắt cóc được cô gái về rồi nhân duyên sẽ thành. Chàng làm theo và đã bắt được người mình yêu về giữ trong nhà mình. Tính tình ương ngạnh của cô gái đã được tình cảm chân thành của chàng trai cảm hoá, họ yêu nhau, sống với nhau, sinh con đẻ cái và sống đến trọn đời.
 |
Cô gái Mông tỏa sắc (Ảnh: Quân khu 2) |
Chuyện xưa thể hiện ước muốn của những người nghèo không có khả năng trả nổi tiền treo, tiền thách mà lấy được người mình mơ ước. Tính nhân văn của thiên huyền sử đó thể hiện trong sự bênh vực người nghèo khó của người xưa. Nó cũng là cái cớ để cho người con trai có thể chủ động lấy được người con gái trong mộng của mình. Nó cũng là cái cớ cho việc người đàn ông có thể có năm thê bảy thiếp. Nhìn nhận ở góc độ văn học thì nó mang tính nhân văn cao, nhưng nếu xem xét ở góc độ xã hội học và nhân chủng học thì nó lại mang nhiều yếu tố, điều kiện của sự lạc hậu và thậm chí là phản khoa học.
Trong chuyến công tác tại bản Sì Choang – xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) chúng tôi tận mắt được chứng kiến những pha kéo vợ thô bạo và những chuyện dở khóc dở cười sinh ra từ hệ lụy của những gia đình xây dựng trên nền tảng của tình cảm mang tính chất cảm tính ban đầu ấy.
Tại chợ trung tâm thuộc bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải chúng tôi vẫn gặp những toán thanh niên tụ tập trong các quán hàng, tại các điểm vui chơi. Với họ chỉ cần khi nào thích, khi nào thấy vừa mặt một cô gái nào đó là có thể cùng bạn bè kéo về nhà làm vợ ngay. Còn bên đường, cạnh những bụi cúc quỳ mọc dại đã tàn hoa chuẩn bị cho một mùa mầm non mới, những cô gái Dao vẫn chăm chú thêu khăn, thêu áo. Những đường thêu thoăn thoắt, những nét hoa văn lạ mắt, những cách phối màu độc đáo và nhất là những đôi tay mềm mại, làn da trắng và những khuân mặt thanh tú dường như không màng gì đến những chuyện xung quanh kia chính là tiêu chí để cho các chàng trai đánh giá, bình phẩm và sẽ quyết định kéo về làm vợ mình.
Bao nỗi éo le
Tại trụ sở UBND xã Vàng Ma Chải, chúng tôi được nghe một chuyện thật mà như đùa của một gia đình công chức của xã. Đó là chuyện đánh ghen của vợ một người làm ở xã, hai vợ chồng này đã sinh sống với nhau bao nhiêu năm, có với nhau mấy mặt con rồi nhưng hôm nọ, anh chồng trên đường đi công tác đã chở giúp một người phụ nữ đi đường. Chuyện đến tai “nữ tướng” và thế là chuyện ghen tuông xảy ra. Chuyện sẽ chẳng có gì liên quan đến phong tục nếu như không có tình huống trong khi cãi vã người vợ đã thẳng thừng “ngày trước mày kéo tao về làm vợ mày chứ tao có tự theo mày về đâu” đến đây mới vỡ lẽ ràng chính vị quan xã này ngày xưa cũng lấy vợ theo cách “truyền thống của dân tộc”!
Đó chỉ là một ví dụ minh họa điển hình. Ông Bùi Văn Phát – cán bộ xoá đói giảm nghèo thuộc tổ 05 – 06 cắm xã nói về kỷ niệm của mình khi tham gia những vụ đánh ghen tương tự. Khi ông hỏi: “Không yêu sao ngày xưa còn lấy nó?” – “Nó kéo tao về chứ. Nó lấy tao làm vợ chứ tao có lấy nó đâu, tao có theo nó về đâu…”. Đó là thực trạng có thên suy ra ngay khi những nam thanh nữ tú trong một phút xao xuyến trong lòng đã nhanh chóng quyết định chuyện chung thân cả đời của mình chỉ trong vài phút. Hôn nhân không có tình yêu thì thường không bền vững. Những cuộc hôn nhân chỉ dựa trên sức mạnh, sức kéo của những người tham gia kéo giúp thì không khác nào xây lâu đài trêm một cái cọc chênh vênh!
Từ tục kéo vợ còn cho thấy nhiều điều đáng buồn hơn. Theo nhận xét của chính quyền xã hầu hết các cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng… “kéo” này đều không có đăng ký kết hôn. Chỉ cần kéo được người con gái mình thích về nhà, nhốt lại trong 3 ngày nếu người đó không trốn mất, không từ chối thì đã trở thành vợ của mình. Vậy là chỉ cần cúng ma, cúng tổ tiên, ra mắt họ hàng làng xóm là đã thành vợ chồng hợp với tập tục mà chẳng cần phải đăng ký kết hôn làm gì!
Một điều đáng buồn nữa là hầu hết các cặp “uyên ương kéo” ấy đều gắn kết với nhau khi tuổi đời đều chưa vượt qua cái ngưỡng tuổi vị thành niên. Từ kéo vợ đã cho ra đời rất nhiều gia đình trẻ con. Thực tế chúng tôi thấy nhiều cô gái mới chỉ chưa đầy 17, 18 tuổi đã bị kéo về làm vợ. Nhiều cô gái chưa qua tuổi trẻ con đã phải làm mẹ trẻ con, bố trẻ con… Những người chưa được thưởng thức hết hương vị của tuổi thanh xuân đã phải bươn trải với cuộc sống gia đình, vợ chồng. Cần báo động mạnh hơn về tình trạng tảo hôn trong phong tục này.
Bên cạnh đó từ kéo vợ dẫn đến tình trạng đa thê. Tuy không có nhiều nhưng thực tế quan sát chúng tôi không thể nào quên câu nói của một cô gái còn rất trẻ đang cự tuyệt chàng trai kéo mình về làm vợ: “Anh có vợ rồi, đừng kéo em nữa mà”. Nếu như sức vóc của cô gái không chống cự lại được sức tráng đinh của những người giúp đỡ thì chắc chắn số phận của cô gái sẽ luôn miệng nhắc nhau: “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”.
Cũng phải kể đến tình trạng hôn nhân cận huyết. Do quá trình quen biết, tìm hiểu nhau không lâu, thậm chí không có sự tìm hiểu mà chủ yếu trên cảm tính mắt thấy ưng là được rồi nên dễ dẫn đến do hiểu lầm mà hôn nhân cận huyết. Điều này ít xảy ra, chưa được chứng kiến trường hợp nào nhưng chúng tôi biết chắc chắn sẽ có trường hợp “con chú con dì thầm thì lấy nhau”.
Ông Lý Phủ Hoà - Bí thư Đảng uỷ xã cũng rất trăn trở: “Chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhiều nhưng đã là một phong tục nên rất khó có thể một sáng một chiều người dân chấp nhận thay đổi”. Vấn đề chính ở đây là người dân còn chưa nhận thức đầy đủ được những mặt trái của phong tục tốt đẹp giàu tính nhân văn của dân tộc mình. Tình trạng tảo hôn, những cuộc hôn nhân không có tình yêu, những gia đình thường xuyên cơm chẳng lành canh chẳng ngọt hình như vẫn chưa đủ để đánh bật những nhận thức đã hằn sâu đến mức thâm căn cố đế trong người dân. Hy vọng một ngày nào phong tục này sẽ trở thành một phong tục đẹp, những mặt trái của nó được hạn chế để người dân có thể tự hào hơn nữa về phong tục tập quán tốt đẹp của mình.
Khánh Kiên