Sự ngưỡng mộ bao la
Lật giở cuốn album ảnh đã bạc màu theo năm tháng, ngay trang đầu tiên, bức ảnh chụp chung với Bác Hồ được ép plastic, bọc rất cẩn thận và xếp ngay ngắn. Những kỷ niệm năm ấy lại ùa về trong miền ký ức của ông.
Sinh năm 1939 và lớn lên trên mảnh đất hiếu học, giàu truyền thống thơ ca tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), năm 1960, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ông được đầu quân về Báo Nhân dân Nghệ An. Với những nỗ lực và sự cố gắng ông đã để lại cho đọc giả nhiều tác phẩm có giá trị, được cấp trên tin tưởng giao phó nhiều trọng trách. Chính vì vậy nên chưa đầy 2 năm công tác, ông đã vinh dự là phóng viên nhận nhiệm vụ tác nghiệp trong chuyến công tác về thăm quê lần thứ hai của Bác Hồ, ngày 10-12-1961.
Ông kể với chúng tôi: “Khi nhận được nhiệm vụ quan trọng như thế, bản thân tôi vừa vui mừng vừa lo lắng. Mừng vì lần đầu tiên được gặp vị lãnh tụ vĩ đại, nhưng chính điều này lại khiến bản thân tôi lo lắng, bởi trước một sự kiện trọng đại như thế này không biết mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ không?”.
Thức dậy từ sáng sớm tinh mơ, ông khoác lên mình chiếc áo, đội cái mũ vải của bộ đội rồi tự tin theo xe của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên Nông trường Đông Hiếu, Nghĩa Đàn. “Lúc này, Bác Hồ đang có chuyến thăm bà con nhân dân Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành - lá cờ đầu trồng cây của toàn miền Bắc tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Xe của đoàn lên trước khi Bác đến 30 phút, ai cũng mong ngóng được gặp Bác nên cái khoảnh khắc chờ đợi đó đối với chúng tôi nó dài vô cùng”, cựu nhà báo Phan Duy Hương chia sẻ.
 |
Tác giả được ông Phan Duy Hương kể lại về kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ của mình. |
“Đúng 9 giờ sáng, một chiếc trực thăng hạ cánh xuống sân vận động ở phía Đông nông trường. Với bộ quần áo kaki và đôi dép cao su giản dị quen thuộc, vừa bước xuống sân bay Bác vừa vẫy tay chào đồng bào với nụ cười rạng rỡ. Hôm đó là một ngày nắng, hình ảnh của Bác đẹp vô cùng. Bác bước từ máy bay xuống mà chúng tôi cứ ngỡ như Bác từ trên trời đi xuống vậy – thật vĩ đại và bao la”, ông Hương xúc động nhớ lại khoảnh khắc lúc ấy.
Xuống sân bay, Bác đi thẳng lên đồi cà phê, nơi có các công nhân đang mong chờ để được gặp Người. Trên đường đi, gặp một cháu bé tầm 3-4 tuổi đứng bên đường, Bác vuốt nhẹ bàn tay vào má cháu bé đầy âu yếm. Vì lạ nên khi Bác đi cháu bé đã khóc, Bác dừng bước, quay lại nở một nụ cười trông thật thân thương và gần gũi, hình ảnh bình dị rất đời thường ấy đến mãi tận bây giờ, ông Hương vẫn không sao quên được.
Bác lên thăm công nhân đang làm việc, hỏi han bà con về mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Trên đường đi, bác ghé vào một lán công nhân để thăm nơi ăn, chốn ở của họ trước khi xuống khu vực tổ chức mít tinh, trò chuyện thân tình với bà con nhân dân...
15 giờ cùng ngày, Bác đi một vòng vẫy chào mọi người, căn dặn thêm một số điều rồi bước lên lên máy bay mà không quên quay lại dặn: “Các cô chú và các cháu tránh xa máy bay kẻo cánh quạt quay sẽ tung bụi”, khiến cả biển người ai nấy cũng rưng rưng.
Một vị lãnh tụ vĩ đại mà trong từng câu nói, từng cử chỉ của mình chỉ quan tâm đến cảm nhận, đến cuộc sống của bà con nhân dân. Từng hành động nhỏ nhất đã được chàng phóng viên trẻ tuổi năm ấy khắc sâu vào tâm khảm cho đến mãi tận bây giờ.
Báu vật để lại
Cũng như bao nhiêu người khác, được gặp Bác đã là một may mắn, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời rồi nên việc mong mỏi được lưu giữ lại khoảnh khắc quý giá với Bác là điều không dám nghĩ tới của ông.
“Gần đến giờ nghỉ trưa, tôi cứ loay hoay mãi mà không biết nên mở lời thế nào để được chụp chung 1 bức ảnh với Bác. Thấu hiểu được nỗi lòng của ông cũng như mọi người, khi Bác trìu mến hỏi “Các cô, các chú còn câu hỏi nào không?” Ai nấy đều như trút được sự đè nén trong lòng mà đề đạt nguyện vọng được chụp chung với Người một bức ảnh. Bác đồng ý ngay và đi ra phía bãi cỏ để chụp ảnh lần lượt với từng tốp người một. Nhờ đó mà tôi có một bức ảnh kỷ niệm với Bác Hồ, một kỷ niệm mà không phải ai cũng may mắn có được”, ông Hương bộc bạch.
 |
Bức ảnh có hình ông Phan Duy Hương phía sau khi Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường được Bảo tàng Kim Liên gửi tặng. |
Kết thúc một ngày ý nghĩa, những mạch cảm xúc vui sướng ấy theo chàng phóng viên len lỏi vào từng câu, từng chữ của bài viết về sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu, bài viết còn được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đọc, góp ý chỉnh sửa. Ngay sau khi đăng tải đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp. Chuyến thăm và lời căn dặn của Bác như tiếp thêm một luồng sinh khí mới để công nhân Nông trường Đông Hiếu, nhân dân Nghĩa Đàn nói riêng và nhân dân Nghệ An nói chung tiếp tục hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Cứ nghĩ rằng chuyến đi ấy là một kỷ niệm “để đời”, ra về có bức ảnh chụp chung với Bác và anh em phóng viên lúc ấy đã là một niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm báo của ông, nhưng còn may mắn nào hơn khi đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (ngày 19-5-1990), ông nhận được điện thoại của đồng chí Giám đốc Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích Kim Liên) thông báo về một bức ảnh chụp Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường được một phóng viên ở miền Nam gửi tặng Bảo tàng Kim Liên, trong bức ảnh ấy ông Hương đứng ngay phía sau với nụ cười rất tươi. Bức ảnh đó sau này được Bảo tàng sao một bản, tặng cho ông. “Lúc cầm bức ảnh, hai tay tôi run lên vì vui sướng”, ông cảm động nói.
Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng như bức ảnh chụp chung với Người của Bảo tàng Kim Liên gửi tặng vẫn được ông Hương gìn giữ như một báu vật. Nó đã trở thành kỷ niệm vô giá và là động lực to lớn sát cánh cùng ông trong suốt cuộc đời cầm bút của mình.
Bài, ảnh: NGUYỄN NGA