Thầy thuốc của tình hữu nghị
Đối diện với biên giới xã Ba Nang (huyện Đăkrông, Quảng Trị) là các bản A Xóc, Hồ, Tà Riệp (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào). Cũng như nhiều quân y tuyến biên giới Việt Nam - Lào khác, Trung tá QNCN Lê Văn Đức, phụ trách Phòng khám Quân dân y Sa Trầm đã nhiều lần khám, chữa bệnh cho người dân Lào ở phía đối diện. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm anh khám, chữa bệnh cho khoảng 200 lượt bệnh nhân là người Lào; có khi người dân tới phòng khám, hoặc có lúc anh tới tận nơi vì bệnh nhân ốm nặng, không đi lại được.
Có lần, Trung tá QNCN Lê Văn Đức đã cấp cứu cho ông Ăm Hương-một cán bộ Công an Lào về nghỉ hưu ở thôn A Xóc bị ngã gãy xương đùi khi đi rừng. Lúc ấy, bà con ở A Xóc thay vì đưa ông Ăm Hương về bệnh viện trung tâm huyện Sa Muồi, mọi người lại chạy sang Đồn Biên phòng Ba Nang để nhờ giúp đỡ. Nhận được tin, y sĩ Lê Văn Đức chỉ kịp khoác theo túi thuốc rồi cứ thế vừa đi vừa chạy hơn 10km về A Xóc. Được sơ cứu kịp thời và đúng cách, ông Ăm Hương sau thời gian điều trị đã bình phục rất nhanh nên mừng lắm. Nhớ ơn người đã cứu mình nên sau này, mỗi lần sang Việt Nam, ông Ăm Hương đều ghé thăm bộ đội biên phòng Đức như thăm một người họ hàng.
 |
Với bà Hồ Thị Mơng, Trung tá QNCN Lê Văn Đức không chỉ là thầy thuốc chữa bệnh mà còn là người thân trong gia đình. |
Do nhận thức còn hạn chế nên còn không ít người dân ở các bản Lào vẫn tin có ma khiến mình bị ốm. Như trường hợp của Y Hoàng (bản A Xóc) bị đau dạ dày nhưng cứ nghĩ mình bị “ma thuốc”. Tâm lý sợ hãi lại bị những cơn đau hành hạ, Y Hoàng không ăn uống, cơ thể ngày càng suy nhược nên bệnh càng này càng diễn biến nặng. Chồng của Y Hoàng thấy vợ một ngày yếu đi nên đưa sang Phòng khám quân dân y Sa Trầm. Trung tá QNCN Lê Văn Đức nói với 2 vợ chồng Y Hoàng rằng: “Tôi sẽ chữa khỏi được bệnh cho Y Hoàng nhưng trước tiên phải tin tưởng tôi. Mọi người cũng cần xác định rằng không thể điều trị một vài ngày mà phải có thời gian”. Thương vợ, chồng của Y Hoàng “cam kết” sẽ làm đúng lời anh nói. Trung tá QNCN Lê Văn Đức đã truyền dịch, nấu cháo loãng cho Y Hoàng ăn để nâng thể trạng, phát thuốc và yêu cầu uống đúng giờ, đúng liều. Quả nhiên, chỉ sau vài ngày Y Hoàng đã đỡ hẳn. Qua 2 tháng, Y Hoàng không bị những cơn đau hành hạ nữa, đã có thể đi rẫy cùng mọi người. Vợ chồng Y Hoàng mừng lắm, chọn một con bò béo tốt trong đàn bò nhà mình để cảm ơn bộ đội Đức…
Nối tiếp những tấm lòng
Bà Hồ Mơng (thôn Sa Trầm, xã Ba Nang) đã nhiều lần được Trung tá QNCN Lê Văn Đức chữa khỏi bệnh nên rất tin tưởng. Bà Mơng có chị gái là Hồ Thị Dêm ở bản A Xóc. Bà Dêm bị hen phế quản đã lâu nên khi tuổi càng cao thì bệnh càng nặng. Bà Mơng đã bảo người nhà phải đưa bà Dêm sang Phòng khám Quân dân y Sa Trầm để y sĩ Lê Văn Đức khám. Lúc đó, bà Dêm đã gần 80 tuổi nên Trung tá QNCN Lê Văn Đức yêu cầu bà ở lại điều trị nội trú tiện theo dõi. Hằng ngày, bà Mơng nấu thức ăn mang đến cho chị gái. Được ăn đúng bữa, uống thuốc đúng giờ nên bệnh tình của bà Dêm đã ổn định. Mọi người rất cảm ơn y sĩ Đức không chỉ bởi đã chữa bệnh giúp mà còn vì bữa nào bà Mơng phải đi nương, anh lại nấu cơm giúp. Mỗi lần nhận được đồ chị gái ở A Xóc gửi cho, có khi chỉ là mớ rau rằng, bà Mơng đều bớt lại một phần mang lên cho y sĩ Đức. Bởi vậy mà khi biết tin chỉ còn mấy tháng nữa là Trung tá QNCN Lê Văn Đức sẽ được nghỉ hưu theo chế độ bà Mơng buồn lắm. Bà bảo: “Nếu con về xuôi, mọi người ở đây và anh em ở Lào sẽ nhớ con lắm”. Y sĩ Đức cầm tay bà bảo: “Sẽ có người thay con chữa bệnh cho mọi người, mẹ yên tâm. Ai cũng sẽ như con, sẽ cố gắng hết sức để có thể chữa bệnh cho mọi người”.
 |
Đại úy QNCN Lê Văn Dự khám chữa bệnh cho người dân tại Phòng khám quân dân y Sa Trầm. |
Mấy tháng nay, y sĩ, Đại úy QNCN Lê Văn Dự lên nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Ba Nang. Khác với y sĩ Lê Văn Đức, y sĩ Lê Văn Dự chưa từng công tác tại các đơn vị tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Từ khi ra trường, nhận công tác tại BĐBP Quảng Trị, anh chỉ ở các đơn vị Biên phòng dọc theo tuyến biển. Có vài lần, Đại úy QNCN được tham gia các đoàn y sĩ, bác sĩ của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị khám chữa bệnh miễn phí cho người dân Lào, anh đã vô cùng ấn tượng với những con người thật thà, tốt bụng ấy. Bởi vậy, lần này được lên công tác ở Ba Nang anh rất háo hức, ấp ủ bao kế hoạch với vùng đất mới. Những lúc phòng khám đông bệnh nhân, anh vẫn giúp y sĩ Lê Văn Đức khám chữa bệnh để dần làm quen với mọi người.
Đại úy QNCN Lê Văn Dự cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với các bệnh nhân. Đó không chỉ là việc kê đơn mà còn là giúp đỡ bệnh nhân và người nhà trong thời gian điều trị tại phòng khám. Có những lần, thấy bệnh nhân ăn đạm bạc, lo không đủ sức khỏe, đến bữa anh lại nấu thêm đồ ăn để chia cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân nhà ở xa, anh đã cho mượn bếp và dụng cụ để người nhà có thể nấu ăn đỡ tốn công đi lại. Anh hiểu rằng, những việc làm đơn giản mà đầy thân tình ấy là sẽ tạo nên sự keo sơn, gắn bó của anh với đồng bào biên giới nơi đây trong những tháng ngày sắp tới.
Bài, ảnh: THANH TRÚC