Phó giáo sư Bùi Đình Thanh thuộc “thế hệ thứ hai” của nền sử học hiện đại Việt Nam, người kế tiếp xuất sắc “thế hệ thứ nhất” với những tên tuổi như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Trần Huy Liệu... Ông là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại và về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là trưởng ban nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại đầu tiên của Viện Sử học, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Social Sciences... Nhân dịp kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975/30-4-2007), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông...

- Đã 32 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta toàn thắng. Với tư cách là một chuyên gia lịch sử Việt Nam hiện đại, xin phó giáo sư phác thảo đôi nét về tình hình nghiên cứu xung quanh cuộc kháng chiến vĩ đại này?

Ảnh: PGS, TS Bùi Đình Thanh

- Nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ là một đề tài lớn của nhiều ngành khoa học, đặc biệt là khoa học lịch sử. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, công trình lớn nhất phải kể đến tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo chỉ thị của Bộ Chính trị đã được hoàn thành, công bố rộng rãi. Cuộc kháng chiến này cũng là đề tài lớn được thế giới quan tâm, nhất là ở Mỹ, rất nhiều nhà sử học, các chính khách, tướng lĩnh Mỹ, bao gồm cả những người từng giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến tranh như nguyên Tổng thống Mỹ Richard Nixon, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mc Namara, các tướng Maxwell Taylor, Wiliam Westmoreland... Nguyên Tổng thống Mỹ Richard Nixon, trong cuốn sách mang đầu đề Hòa bình thật sự - Không có những Việt Nam khác nữa đã nhận định Việt Nam là chủ đề của hơn 1.200 công trình nghiên cứu, biên soạn, chưa kể hàng nghìn phim tài liệu và truyền hình...

- Phó giáo sư nghĩ sao khi những năm gần đây, có một số ý kiến từ nước ngoài đòi “xem lại” cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta và phủ nhận nhiều sự thật lịch sử?

- Những luận điệu xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ không phải “những năm gần đây” mới có. Để bảo vệ một lợi ích nào đó, đôi khi người ta dám xuyên tạc sự thật. Nhưng sự thật vẫn cứ là sự thật. Song cũng có nhiều nhận định chưa đúng chỉ vì họ thiếu thông tin. Như tại hội thảo quốc tế “30 năm ký kết Hiệp định Paris” tại Paris năm 2003, có luận điểm rằng cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ là một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, chúng tôi đã tranh luận và tranh thủ ý kiến của một số học giả nước ngoài, chứng minh hơn nửa triệu quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam không thực hiện được các chiến lược chiến tranh phải rút quân, đại sứ Bân-cơ trả lời các nhà báo “Việt Nam hóa chiến tranh” là “thay màu da trên xác chết”, “xác chết” ở đây ý nói quân Mỹ. Vậy thì sao có thể coi đó là cuộc chiến huynh đệ tương tàn?... Ý kiến tại hội thảo đã giúp giải tỏa thắc mắc của bè bạn, làm nức lòng những người có thiện chí ủng hộ Việt Nam. Bài học ở đây trong đấu tranh tư tưởng – lý luận là mình phải chủ động, biết đăng đàn, xuất hiện đúng lúc cần thiết. Bây giờ, đi lại dễ dàng hơn, phương tiện truyền thông nhiều hơn, nhanh hơn, có mạng internet có thể trao đổi trực diện càng đòi hỏi đấu tranh tư tưởng – lý luận của ta nhanh hơn, nhạy hơn, chủ động hơn nữa...

- Một con số còn nhiều ý kiến khác nhau là chi phí của Mỹ tại cuộc chiến tranh Việt Nam. Hình như ngay từ năm 1977, ông là người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra con số Mỹ đã chi phí hơn 900 tỷ đô-la cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam chứ không phải 141 tỷ như chính phủ Mỹ công bố?

- Đó không phải là con số tính toán của tôi mà là con số được công bố trong một công trình khoa học của Giáo sư Robert W.Steven (Mỹ) đã in trong cuốn sách “Hi vọng hão huyền, thực tế phũ phàng - những hậu quả kinh tế của cuộc chiến tranh ở Việt Nam” xuất bản tại New Y-oóc và London năm 1976. Steven đã tính cái giá mà nền kinh tế Mỹ phải trả cho chiến tranh xâm lược Việt Nam không chỉ đơn thuần bằng số tiền chi phí trực tiếp mà phải bao gồm nhiều khoản chi phí gián tiếp khác như: các khoản thuế, tiền lãi phải trả do vay nợ, trợ cấp phải trả cho các cựu binh, lạm phát... Tác giả đã đưa ra con số ước tính: 882 đến 925 tỷ đôla là cái giá mà nền kinh tế Mỹ phải trả cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Là một nhà kinh tế, Steven đã khá sâu sắc khi đặt câu hỏi: “Ai phải trả giá cho cuộc chiến tranh” và chứng minh: không ai khác, chính là nhân dân lao động, thậm chí cả con cháu họ. Ông cũng rất xác đáng khi đặt tiếp một câu hỏi nữa: “Ai là người được lợi trong cuộc chiến tranh này?”. Song tiếc rằng, vì lý do nào đó, vấn đề này chỉ được lướt qua với vài dòng ở trang 16 của cuốn sách về các tổ hợp công nghiệp quân sự.

Nhưng còn một điều mà theo tôi cũng phải đặt ra nghiêm túc ở đây là: nếu như nước Mỹ thiệt hại tới hơn 900 tỷ đô-la cho cuộc chiến tranh Việt Nam thì thiệt hại đối với dân tộc Việt Nam là bao nhiêu tỷ đô-la? Có lẽ thiệt hại đối với Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều. Đây cũng là một “đề tài mở” để các nhà khoa học Việt Nam và cả các nhà khoa học Mỹ cần nghiên cứu, tổng kết để có một cái nhìn khách quan hơn, trung thực hơn về cuộc chiến tranh này.

- Là nhà khoa học đã nghiên cứu về các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam từ rất sớm, phó giáo sư có suy nghĩ gì khi gần đây, tòa án Mỹ ở Brúc-lin đã bác bỏ đơn kiện của một số nạn nhân chiến tranh Việt Nam đối với các công ty sản xuất chất độc hóa học của Mỹ?

- Câu hỏi của anh khiến tôi nhớ đến hai công trình khoa học để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời tôi, đó là nghiên cứu về các tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ công bố năm 1972 và nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân mới công bố năm 1975. Biết tôi xuất thân từ người lính sang nghiên cứu sử học, anh Nguyễn Khánh Toàn, viện trưởng đã nêu vấn đề để tôi nghiên cứu về hai đề tài mới mẻ này. Khi ấy mới là năm 1970 nhưng anh đã “tiên đoán”: cuộc kháng chiến của chúng ta sắp kết thúc rồi, chúng ta phải đi trước một bước, chuẩn bị tổng kết giúp Đảng. Đề tài nghiên cứu về các tổ hợp quân sự ngay sau khi công bố đã có tiếng vang. Các số liệu trong công trình này rất nhiều, trong đó, tôi đã trích dẫn số liệu được đưa ra trước Quốc hội Mỹ, riêng từ năm 1961-1971, số chất độc hóa học rải xuống Việt Nam trên diện tích rộng tới hơn 4,5 triệu ha, làm nhiễm độc hơn 2 triệu người... Những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Mỹ Michael Klare đã tố cáo chính quyền Mỹ sử dụng chất độc hóa học da cam chứa độc tố đi-ô-xin trên một diện tích ngày càng mở rộng làm tổn hại đến môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam. Những tác hại của nó còn dai dẳng cho đến ngày nay. Tờ Le Monde của Pháp xem cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử. Gần đây, tòa án Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam. Nhưng tôi nghĩ, tòa án đó không thể bác bỏ được phán quyết lịch sử mà 38 năm trước đây, tòa án quốc tế Bertand Russell đã kết luận: đế quốc Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng, diệt sinh vật, diệt môi trường sống ở Việt Nam... Tôi hi vọng rằng sự thật ấy sẽ thức tỉnh lương tâm, để người ta có cách hành xử đúng đắn hơn trước nỗi đau chiến tranh mà những người dân Việt Nam phải gánh chịu!

- PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN MINH – HỒNG QUANG thực hiện