"Kỳ Lân xanh" - ngày ấy, bây giờ

Chúng tôi đến thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang vào giữa tháng mười nhưng nắng vẫn như đổ lửa. Dấu tích của “khu dân cư kiểu mẫu” như: Nhà làm việc, ký túc xá, hội trường công nhân ngành xi măng thời chế độ cũ vẫn còn hiện hữu. Những năm 60 của thế kỷ trước, giữa cánh đồng phèn mặn hoang vu đầy cỏ lau và bùn lầy nằm giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, Nhà máy Xi măng Hà Tiên với biểu tượng Kỳ Lân xanh (nay là Nhà máy Xi măng Kiên Lương thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) được xây dựng nhằm đối trọng với Nhà máy Xi măng Hải Phòng ở miền Bắc.

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, giữa biết bao bộn bề, các kỹ sư, công nhân Nhà máy Xi măng Kiên Lương miệt mài hòa mình vào cơ chế mới để những bao xi măng thương hiệu Hà Tiên vẫn có mặt ở nhiều công trình trên khắp vùng sông nước. Hôm nay đây, nằm giữa những hồ nước lớn, uốn quanh kênh rạch xanh mướt, bến cảng của Nhà máy Xi măng Kiên Lương tấp nập tàu, thuyền ra vào. Trên cầu tàu, trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Thông, Giám đốc Nhà máy Xi măng Kiên Lương cho biết: “Những năm trước, do công nghệ còn lạc hậu, quá trình sản xuất nhà máy không tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chúng tôi xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu đầu tiên trong sản xuất xi măng và muốn phát triển bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường".

leftcenterrightdel

Theo dõi sản xuất tại Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Xi măng Kiên Lương. 

leftcenterrightdel

Chuyển xi măng xuống thuyền đưa đi tiêu thụ tại Nhà máy Xi măng Kiên Lương. 

leftcenterrightdel
Một góc Nhà máy Xi măng Bình Phước. 

Với đặc thù riêng nên trong quá trình sản xuất có nhiều yếu tố phát sinh như bụi, độ ồn, rung lớn, nhà máy đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để xử lý những yếu tố độc hại trên. Điển hình là hệ thống lọc bụi túi lò nung, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống lọc bụi nước, trang bị chống ồn cho công nhân, nhà xưởng bố trí thông thoáng, bảo đảm thông gió và chiếu sáng tự nhiên tốt; bố trí hệ thống quạt mát công nghiệp, định kỳ kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp máy móc nhằm bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động.

Là một trong những người gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu tiên sau khi tiếp quản, Phó giám đốc nhà máy Hoàng Chu Hùng cho biết, những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước, sự đầu tư của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 nên không ít máy móc, công nghệ mới được lắp đặt, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện môi trường lao động, môi trường xung quanh nhà máy. Đưa chúng tôi đi tham quan nhà máy giữa những tán cây xanh trong cái nắng nóng phương Nam, ông Hoàng Chu Hùng cho biết thêm: “Khí thải nhà máy sau khi qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi vải được thải qua 6 ống khói chính. Đồng thời, nhà máy còn sử dụng xe bồn tưới nước, xe hút bụi chuyên dụng (máy hút bụi) thu gom bột clinker, xi măng rơi vãi trong khu vực sản xuất và trên các tuyến đường nội bộ trong mùa khô. Để tạo hành lang xanh mềm xung quanh, nhà máy dành hơn 21% diện tích làm thảm cỏ, cây xanh để giảm lượng bụi phát sinh. Nhờ thế, tại các điểm quan trắc cách nhà máy từ 500m đến 3.000m, nồng độ khí độc (S02, N02, C0) và bụi đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.

Đầu tư công nghệ xanh

Rời vùng sông nước Cửu Long, chúng tôi có cuộc hành trình về với miền Đông Nam Bộ, nơi có Nhà máy Xi măng Bình Phước, cũng thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1. Nằm giữa bạt ngàn điều và cà phê, thấp thoáng với những mái nhà theo lối kiến trúc Pháp, Nhà máy Xi măng Bình Phước (xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) hiện lên khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Đứng giữa những hàng cây thẳng tắp được quy hoạch theo từng ô, từng khu riêng như trong công viên, kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc nhà máy cho biết: “Ngay từ ngày được thành lập (năm 2009) ban đầu lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã quyết định đầu tư công nghệ hiện đại cho nhà máy để bảo vệ môi trường. Hiện nhà máy hoạt động trên dây chuyền khép kín với công nghệ đáp ứng các yêu cầu về môi trường khắt khe theo tiêu chuẩn châu Âu của hãng Polysius, Cộng hòa Liên bang Đức”.

Từ năm 2012, nhà máy đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004 và được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường vào năm 2014. Hiện nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 200m3/ngày đêm, bảo đảm nước sau xử lý đạt loại A theo quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (cột A). Hệ thống thùng rác với màu nhận dạng phân biệt từng loại rác thải được bố trí tại các vị trí hợp lý trên toàn khuôn viên, bảo đảm dễ dàng việc phân loại, thu gom rác phát sinh trong quá trình sản xuất cũng như sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên. Rác sau khi được thu gom sẽ bàn giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đi giữa phân xưởng đóng bao trong không khí làm việc khẩn trương, kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng cho biết: “Đối với khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất sẽ được xử lý bằng hệ thống các lọc bụi theo công nghệ tiên tiến của châu Âu như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải trước khi thải ra môi trường qua các ống khói. Lượng khí thải chủ yếu thải ra môi trường thông qua 4 ống khói chính mà ở đó nồng độ bụi tại ống khói lò nung, cooler và nghiền than ≤ 50mg/m3, ống khói nhà nghiền xi măng ≤ 30mg/m3, bảo đảm đạt tiêu chuẩn về khí thải theo quy định hiện hành. Kết quả đo đạc thông số phát thải tại các ống khói đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 23:2009/ BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ngành sản xuất xi măng. Chất lượng không khí khu vực làm việc nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7365:2003 - Giới hạn nồng độ bụi và chất ô nhiễm không khí tại các cơ sở sản xuất xi măng. Không chỉ có thế, do nằm giữa vùng sản xuất điều, nhà máy đã tận dụng thay thế 30% nhiên liệu đốt than bằng bã điều thu mua của người dân quanh vùng để giảm ô nhiễm cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Một câu hỏi chúng tôi thắc mắc là hiếm có nhà máy sản xuất xi măng nào lại có khung cảnh với bạt ngàn cây cối như trong công viên như vậy. Kỹ sư môi trường của nhà máy Nguyễn Đoàn Quốc Sinh hồ hởi cho biết: “Cùng với việc chú trọng xử lý hiệu quả các nguồn chất thải, khí thải phát sinh trong sản xuất, nhà máy còn luôn coi trọng cải tạo cảnh quan môi trường xung quanh, xây dựng môi trường làm việc an toàn “xanh, sạch, đẹp”. Diện tích cây xanh, thảm cỏ tại nhà máy không ngừng tăng lên hằng năm, cụ thể năm 2015 diện tích cây xanh 12ha thì đến cuối năm 2016 đã tăng lên 18ha và đến cuối tháng 9-2017 đạt khoảng 24ha. Bên cạnh đó, các phong trào nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cũng được công đoàn thường xuyên tổ chức như: Các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới hằng năm; định kỳ hằng tuần tổ chức kế hoạch hành động “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp” tại các đơn vị sản xuất; các cuộc thi, lớp đào tạo nhận thức bảo vệ môi trường cho toàn thể người lao động...”.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng cho biết thêm, thực hiện theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT, nhà máy sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục vào quý I năm 2018 theo kế hoạch của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1. Tín hiệu đo từ hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục sẽ truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước để theo dõi và giám sát.

Không chỉ đầu tư đồng bộ công nghệ hiện đại từ châu Âu, nhà máy còn áp dụng thành công các hệ thống quản lý tiên tiến như: Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015; hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001:2015. Chính vì vậy, Nhà máy Xi măng Bình Phước không những sản xuất những chủng loại xi măng bảo đảm chất lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Giờ đây, với việc coi trọng bảo vệ môi trường và mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, những nhà máy xi măng mang thương hiệu Hà Tiên không chỉ làm thay đổi bao miền quê nghèo khó mà còn góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghệ xanh ở nước ta.

Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem): Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ) và đứng đầu Đông Nam Á. Đa phần các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài không có được công nghệ đồng bộ hiện đại và hệ thống phân phối tốt. Cạnh tranh trong ngành xi măng là cực kỳ khốc liệt. Ngành xi măng Việt Nam từng có một giai đoạn phát triển nóng về số lượng nhà máy, nên giờ cung đã vượt cầu. Vicem luôn cạnh tranh sòng phẳng, từ sản lượng, chất lượng hay thị trường. Chúng tôi đã quan tâm đầu tư rất lớn cho công nghệ xanh để phù hợp với xu thế phát triển. Nhờ xây dựng và liên tục cải thiện năng lực lõi cũng như ứng xử linh hoạt nên trong những năm vừa qua Vicem tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững, liên tục tăng trưởng. 

Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI - NGUYỄN SĨ CƯỜNG