QĐND - Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số ra từ ngày 8 đến 11-12-2012 đã đăng loạt bài: “60 năm cuộc vượt ngục ở Côn Đảo (12-12-1952/12-12-2012): Chí thép giữa "địa ngục trần gian" của tác giả Trần Hoàng Tiến. Sau khi báo đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện bi tráng, “vô tiền khoáng hậu”, từng gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế một thời, bày tỏ lòng ngưỡng mộ về hành động anh hùng của các chiến sĩ vượt ngục. Chúng tôi cũng nhận được ý kiến của các nhân chứng và sự chuyển động bước đầu từ phía các cơ quan chức năng xung quanh 3 kiến nghị nêu trong bài báo để đặt đúng tầm mức của sự kiện, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tòa soạn xin trích đăng một số ý kiến:
Ông Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội:
Cuộc vượt ngục Côn Đảo ngày 12-12-1952 là cuộc vũ trang nổi dậy anh dũng, táo bạo. Sự kiện đã ghi một dấu ấn không phai mờ trong ký ức của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại “địa ngục trần gian”, được dư luận xã hội lúc đó biết đến với sự ngưỡng mộ, khâm phục về tinh thần bất khuất, kiên cường của những người tù chính trị cộng sản ở Côn Đảo.
Dịp 60 năm vượt Côn Đảo thông qua các hoạt động kỷ niệm và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho thấy sự quan tâm của các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên và xã hội đến sự kiện này, mong muốn được làm sáng tỏ và khẳng định hơn nữa ý nghĩa lớn lao của sự kiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo tổ chức hội thảo 60 năm vượt Côn Đảo. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Thủ đô về ý nghĩa, giá trị lớn lao của cuộc vũ trang nổi dậy, vượt Côn Đảo anh hùng, học tập những tấm gương ngời sáng của các chiến sĩ cách mạng. Từ đó đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và giàu đẹp.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban liên lạc cựu tù Côn Đảo thành phố Hà Nội:
Tôi đã đọc rất kỹ loạt bài về cuộc vượt ngục Côn Đảo ngày 12-12-1952 đăng trên Báo QĐND. Có thể nói sau 6 thập kỷ, một sự kiện bi tráng thể hiện tinh thần kiên cường bất khuất, mưu trí sáng tạo của các chiến sĩ cách mạng được tái hiện trung thực và sống động qua 4 bài viết nói trên. Tôi cũng đặc biệt quan tâm tới các vướng mắc, những vấn đề đặt ra nêu trong kỳ 4 “Cần vinh danh những người anh hùng”. Tôi cho đây là những gợi mở rất xác đáng, cần sớm làm sáng tỏ, góp phần thể hiện tấm lòng tri ân với sự hy sinh anh hùng của các chiến sĩ cách mạng Côn Đảo.
Thời điểm diễn ra cuộc vượt ngục, tôi đang là Đảo ủy viên Côn Đảo, tham gia lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành vượt ngục. Một năm sau đó, tôi có làm báo cáo về tình hình nhà tù Côn Đảo thời kỳ 1951-1953 gửi Trung ương Đảng, Khu ủy Tả ngạn và Thành ủy Hải Phòng, trong đó có nêu diễn biến, nguyên nhân thất bại của cuộc vượt ngục ngày 12-12. Đã hơn nửa thế kỷ qua, cuộc võ trang giải phóng đảo ngày 12-12-1952 không chỉ góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn để lại một tấm gương chói sáng cho hôm nay và cho mai sau. Sự kiện lịch sử này nhiều thập kỷ không được nhắc đến hoặc đánh giá chưa đúng tầm mức, thậm chí còn bị xuyên tạc. Vì lẽ đó, chúng tôi rất vui mừng và hoan nghênh các cơ quan chức năng của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bước đầu có những tiếp thu sau những kiến nghị nêu trên Báo QĐND. Tôi tham gia thêm một số ý kiến cụ thể như sau:
 |
Các nhân chứng lịch sử thăm lại Bến Đầm, nơi diễn ra trận đánh trong cuộc vượt Côn Đảo ngày 12-12-1952. Ảnh: Hoàng Tiến |
Về 75 hài cốt ở khu Cỏ Ống: Việc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngành văn hóa-thể thao và du lịch quyết định quy hoạch, xây dựng nơi đây một khu tưởng niệm là rất đúng và cần thiết. Tuy nhiên, cần phải làm rõ đối tượng của khu tưởng niệm. Theo như tôi biết thì địa phương xác định đây là khu tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị địch sát hại năm 1952. Trong khi đó, chúng tôi có cơ sở để khẳng định, 75 hài cốt ở khu Cỏ Ống chính là các liệt sĩ hy sinh trong cuộc vượt ngục ngày 12-12-1952. Vì những ngày đó có gió mùa Tây Nam, khi hy sinh trên biển, gió và sóng sẽ đẩy thi thể các anh vào đảo, về phía khu Cỏ Ống. Mấy năm trước, gia đình và các cơ quan chức năng cũng đã xác định được danh tính một số liệt sĩ của cuộc vượt ngục như đồng chí Phạm Chí Viễn, Hoàng Văn Gián hy sinh và trôi dạt vào đảo. Mặt khác, năm 1952 ở Côn Đảo không có cuộc thảm sát tù nhân nào lớn như thế. Con số ấy là phù hợp với số chiến sĩ hy sinh trong cuộc vượt ngục ngày 12-12.
Về địa danh Bến Đầm và Đầu Mom: Đây là hai vị trí diễn ra trận đánh “tay không bắt giặc” của các chiến sĩ cách mạng. Rất cần bổ sung, nâng cấp bằng những hình thức phù hợp như cải tạo khu tưởng niệm ở Bến Đầm và gắn bia ở Đầu Mom…
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:
Tuy không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Côn Đảo đã minh chứng và để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc. Đó là ngay giữa sào huyệt kẻ thù, cách xa đất liền, nhưng có tổ chức đảng vững mạnh, đề ra được mục tiêu đấu tranh đúng đắn, nắm vững thời cơ, có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, có phương pháp tổ chức và sử dụng lực lượng hợp lý, biết làm công tác dân vận, binh vận, biết tập hợp, đoàn kết tất cả lực lượng cùng chung sức, đồng lòng tham gia thì vẫn có khả năng thực hiện được một cuộc đấu tranh lớn và giành được thắng lợi.
60 năm trôi qua, nhìn lại cuộc vượt ngục Côn Đảo cuối năm 1952, chúng ta vô cùng khâm phục và tự hào về tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Căm thù chế độ cai trị tàn bạo, vô nhân đạo của nhà tù thực dân bao nhiêu, chúng ta càng thán phục về bản lĩnh cách mạng, trí thông minh, sáng tạo của các chiến sĩ bấy nhiêu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù xâm lược. Chính những phẩm chất đó đã giúp họ lập nên những kỳ tích phi thường ngay tại nhà tù tàn bạo, hà khắc nhất của thực dân Pháp.
Như các nội dung đã nêu trên Báo QĐND, tôi rất tán thành với việc cần tôn vinh một cách xứng đáng các chiến sĩ cách mạng trong cuộc vượt ngục Côn Đảo ngày 12-12-1952. Việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể anh em tù chính trị trong trận chiến đấu đó và truy tặng danh hiệu này cho Bí thư Đảo ủy Lê Văn Hiến là xứng đáng và thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng theo quy định. Nhưng theo tôi nghĩ, điều quan trọng hơn là trong con mắt của nhân dân, của những người hậu thế họ đã là anh hùng rồi.
Ông Châu Anh Kiệt, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Sau cuộc Hội thảo kỷ niệm 60 năm cuộc vượt Côn Đảo và qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Báo QĐND, nhiều vấn đề của sự kiện này đã được làm sáng tỏ. Huyện Côn Đảo đã trình nội dung thiết kế dự án xây dựng khu tưởng niệm tại khu Cỏ Ống bao gồm đài tưởng niệm, khu hành lễ, xây khu vực mộ tập thể, cải tạo khu miếu thờ… Dự án này đang chờ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, trước ý kiến của nhiều nhân chứng đã được phản ánh trên Báo QĐND về việc xác định cụ thể đối tượng khu tưởng niệm, chúng tôi tiếp thu và sẽ thẩm định, điều chỉnh phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng, các ý kiến khẳng định 75 hài cốt ở khu Cỏ Ống là các liệt sĩ hy sinh trong cuộc vượt ngục ngày 12-12-1952 là có cơ sở. Chúng tôi cho rằng, nếu không làm khẩn trương trong quy hoạch, nâng cấp cải tạo, xây dựng khu vực này cho tương xứng và “trả lại tên” cho các liệt sĩ là chúng ta có tội với các bậc tiền nhân đã quên mình, hy sinh vì nghĩa lớn.
Chúng tôi cũng đã có dự kiến trong nâng cấp, cải tạo khu tưởng niệm ở Bến Đầm. Riêng khu Đầu Mom, chúng tôi đề nghị Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo làm văn bản tóm tắt diễn biến trận đánh tại đây vào ngày 12-12-1952, làm cơ sở để huyện lập bia tưởng niệm.
QĐND