Cách đây 62 năm, Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa thu năm ấy sẽ mãi là mốc soi chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Có những việc làm thầm lặng góp phần xây dựng nền móng cho một nhà nước Cộng hòa non trẻ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, như vẽ tiền, vẽ tem, chống thủy tặc… Trong những ngày mùa thu lịch sử này, chúng tôi đã may mắn tìm gặp lại được những con người, những kỷ vật, những câu chuyện của tháng năm hào hùng ấy.

Vẽ đồng tiền đầu tiên...

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thì ngân khố nhà nước hầu như trống rỗng. Yêu cầu đặt ra là làm một đồng tiền mới. Nhiệm vụ đã được Bác Hồ kính yêu tin tưởng giao cho những người họa sĩ làm nhiệm vụ tuyên truyền trong kháng chiến: Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Hanh, Mai Văn Hiến…

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 65, Nguyễn Thái Học, Hà Nội-là căn nhà chung của giới văn nghệ sĩ cao niên. Phần lớn họ đều đã là người của thiên cổ, tôi chỉ còn được ngồi bên những người thân của họ, xem lại những kỷ vật, và căn phòng nơi các họa sĩ đã làm việc.

Tại nhà của họa sĩ Mai Văn Hiến, tôi được gặp chị Mai Thị Oanh, con gái lớn của ông, hiện đang là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Lật giở lại những bức vẽ, lục tìm trong ngăn tủ những kỷ vật của cha mình, như thấy lại được những gì thân thương, cả những quyển sách mà cha đã từng đọc và kể lại cho chị nghe. Chị bùi ngùi:

- Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng tiếp quản Ngân hàng Đông Dương chỉ có 1 triệu đồng tiền rách nát. Nguy cơ quân Tưởng tung tiền Con Kim ra vơ vét lúa gạo, hàng hóa. Một mặt, chính quyền cách mạng kêu gọi toàn dân chung sức bằng Tuần lễ vàng. Mặt khác, cần có ngay một đồng tiền mới để ổn định xã hội. Ngày đó có 4 mệnh giá. Cách mạng giao cho ông Nguyễn Huyến vẽ tờ 100 đồng; ông Nguyễn Văn Hanh vẽ tờ 20 đồng; ông Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 1 đồng, còn bố tôi vẽ tờ 5 đồng.

Giơ cho tôi xem tờ 5 đồng, chị phấn chấn, giọng rành rọt:

- Bố tôi kể lại, ngày đó vẽ tiền phải làm bí mật vì sợ kẻ thù phá. Ai cũng có một hòm gỗ, vẽ xong rồi cho vào đó và khóa lại hôm sau vẽ tiếp. Cứ như thế ròng rã 2 tháng trời mới xong. Ảnh Cụ Hồ trong đồng tiền này lấy từ nguyên mẫu cỡ 9x12 chụp Cụ ngày đầu về nước sau chuyến bôn ba tìm đường cứu nước. Ảnh do nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp. Và ông cứ theo mẫu đó vẽ. Còn mặt sau đồng tiền vẽ hai công nhân quai búa. Ông cụ kể, phải ra ga Hàng Cỏ gặp tổ thợ rèn nhờ làm mẫu vẽ.

Nhìn kỷ vật trong căn nhà 19m2: chiếc ti-vi vẫn nối cáp, chiếc điện thoại…, chị Oanh không khỏi xúc động:

- Bố tôi mất vào ngày 8-5-2006, đúng vào kỷ niệm 52 năm giải phóng Điện Biên. Tôi muốn giữ lại những gì còn lại thuộc về bố, về gia đình. Đối với chị em tôi, đó là những kỷ vật vô giá. Mỗi lần mở cửa dọn dẹp, tôi như tìm thấy hình bóng ông, người cha gương mẫu suốt đời tận tụy với công việc.

Họa sĩ Mai Văn Hiến là người Nam Bộ, học trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công ông tham gia phong trào sinh viên cứu nước, vẽ tranh cổ động ủng hộ kháng chiến. Năm 1947 ông gia nhập quân đội và làm tại báo Vệ Quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay). Hòa bình lập lại, ông vào làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội; Hội Mỹ thuật Việt Nam. Những năm cuối đời, bị mắc căn bệnh tắc động mạch chi, nằm liệt giường nhưng ông vẫn vẽ đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Bộ tem đầu tiên của ngành bưu chính

Điều làm tôi hết sức bất ngờ là ngay trong nhà của họa sĩ Mai Văn Hiến còn treo những bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Sáng cũng là người đầu tiên vẽ bộ tem của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Như biết được ý định của tôi, chị Oanh nói:

- Nhà họa sĩ Nguyễn Sáng ở ngay tầng trên nhà tôi. Những ngày về hưu, gia đình ông đã bán căn hộ, chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống. Một năm sau đó ông đã qua đời.

Tất cả những dấu tích về Nguyễn Sáng chỉ còn lại trong ký ức của những người bạn, học trò của ông. Theo lời chị Oanh giới thiệu, tôi tìm đến nhà họa sĩ Nguyễn Thị Sâm, một học trò của Nguyễn Sáng, thấy bà đang miệt mài với những mẫu tem mới. Căn nhà nằm ở trong ngách nhỏ của phố Đội Cấn, Hà Nội. Vừa rót chén nước chè xanh mời tôi, bà chậm rãi:

- Năm 1946, Nguyễn Sáng sáng tác bộ tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và là bộ tem được đánh giá là đẹp nhất cho đến ngày nay vẽ về Bác Hồ.

Bộ tem đầu tiên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Để có được bộ tem công phu này, ông đã phải dồn công sức, tập trung tỉ mỉ vẽ trên một con tem nhỏ hình Bác. Tấm lòng của ông, hai bàn tay ông từ những ngày ấy, đã dành cho đất nước, cho bổn phận một nghệ sĩ sống vì dân tộc.

Trong cuộc hành trình tìm về những kỷ niệm của người thân, gia đình và bạn bè của họa sĩ Nguyễn Sáng và Mai Văn Hiến, tôi đã đến nhà họa sĩ Nguyễn Bích. Thật không may, ông không thể nói được trong 5 năm nay vì căn bệnh tai biến xuất hiện khi ông đang vẽ. Trong căn phòng nhỏ, trên gác 2, cạnh hồ Hữu Tiệp, thuộc làng hoa Ngọc Hà, trưng bày kín những bức vẽ của ông. Trên đó còn có những bức ảnh ông chụp chung với những họa sĩ đầu tiên của quân đội.

Vừa lật giở những bức ảnh kỷ niệm, bà Lê Thị Lộc, vợ họa sĩ Nguyễn Bích tâm sự:

- Chồng tôi tuy không nói được, nhưng mỗi khi có bạn tới chơi ông ấy đều nhận ra và “tiếp chuyện”.

Khi nghe tôi nói đến Nguyễn Sáng, mắt ông rời khỏi chương trình ti-vi chăm chú lắng nghe câu chuyện. Ông đứng dậy đi về phía bàn giúp bà Lộc lấy những tài liệu và những bức ảnh chụp chung của mình với Nguyễn Sáng cho tôi xem và chỉ vào bộ tem được chụp lại.

Ngồi lại với tôi, đôi mắt bà Lộc hướng ra phía ban công, nơi có vài giò phong lan đẫm nước:

- Những ngày Nguyễn Sáng còn ở Hà Nội, hai người chả có ngày nào không ngồi đàm đạo với nhau. Từ ngày ông Sáng chuyển đi, nhà tôi như mất một người bạn tri kỷ.

Chào ông bà ra về, trong lòng tôi không khỏi bâng khuâng. Những người của năm cũ đã dần không còn để lớp trẻ chúng tôi được nghe chuyện. Họ cũng phải thuận theo quy luật nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng hôm nay, chúng tôi vẫn luôn nhớ về những thành quả của cách mạng qua những bài học lịch sử có tên của những con người bình dị mà thật vĩ đại ấy.

Toàn dân chống “thủy tặc”

Ngay từ khi mới ra đời, cách mạng mới đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: Kinh tế kiệt quệ, giặc đói, giặc dốt, thiên tai hoành hành… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã quyết chí, đồng lòng vượt lên gian khó để xây dựng đất nước.

Chưa nguôi nỗi đau nạn đói khủng khiếp làm hơn 2 triệu người chết, thì nhân dân Việt Nam lại phải đương đầu với trận lũ lụt làm 11 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chìm trong biển nước.

Tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong con đường hẹp của phố Chùa Bộc (Hà Nội), chúng tôi thật may mắn khi gặp được ông Nguyễn Gia Quang, một cán bộ cả đời gắn bó với ngành thủy lợi và cũng là một trong ba tác giả của cuốn lịch sử “Đê điều Việt Nam”. Ông kể lại cho chúng tôi nghe cuộc chiến cam go của Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn dân trong cuộc chiến chống “thủy tặc” mùa lũ năm ấy:

- Cách mạng thành công được một ngày thì nước lũ lên cao chưa từng thấy. Đê trên hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bị vỡ ở nhiều điểm. Đến ngày 20-9, khi mức nước sông Hồng ở Hà Nội dâng đến 11,92 mét thì đê vỡ hàng loạt ở cả hai bên sông. Diện tích lúa vùng châu thổ sông Hồng bị ngập lên đến 260 nghìn héc-ta. Nước ta lúc đó vẫn chưa có Bộ Thủy lợi để chuyên làm công tác phòng chống lụt bão. Khó khăn rất nhiều trong việc chỉ đạo khắc phục lũ lụt. Bác Hồ đã quyết định giao trách nhiệm tham mưu về chuyên môn cho Bộ Giao thông công chính (1 trong 11 bộ của Chính phủ lâm thời).

Dừng lại một lát như để nhớ cho đầy đủ “chiến tích” của một thời cơ cực đó, mắt ông lại ánh lên niềm tự hào khi kể về công tác trị thủy:

- Khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng, tất cả các điểm đê vỡ đều được hàn khẩu. Ngoài sự sâu sát, chỉ đạo tỉ mỉ của Đảng và Nhà nước, thành tích ấy không thể không kể đến sự đồng lòng của đồng bào cả nước: già trẻ, trai gái, ai có sức thì góp sức, ai có tiền góp tiền, ai có gạo góp gạo… cùng một lòng một dạ ngăn dòng thác lũ. Bác Hồ bận trăm công nghìn việc của một vị Chủ tịch nước, nhưng đã đích thân cùng đồng chí Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an và nhiều cán bộ Trung ương đến huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ để động viên nhân dân chống lũ. Đó là nguồn khích lệ vô cùng to lớn cho nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Văn Cử kể lại bức ảnh ông chụp cùng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Tiếp chúng tôi trong căn hộ tập thể ở phường Vĩnh Phúc (Hà Nội), tiếng nói của Trung tướng Nguyễn Văn Cử mỗi lúc một to hơn, khi ông “vẽ lại” bức tranh “thủy mặc” trong những ngày người dân Bắc Bộ phải sống chung với lũ dữ. Ông cũng là một trong số những người đã đến địa bàn của những nơi đê vỡ, vận động bà con “chung lưng đấu cật” đánh đuổi “thủy tặc”. Cảnh người người, nhà nhà hăng hái gọi nhau đi đắp đê ngăn nước qua giọng kể của một lão thành cách mạng mà năm nay đã 92 tuổi, càng hiện lên sống động trong chúng tôi:

- Nước lên cuồn cuộn, nhất là ở tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… Bao nhiêu ngôi nhà mái rạ ở chỗ thấp đều bị lũ cuốn trôi cả. Lúc đó tôi giữ chức Cục trưởng Cục II (nay là Tổng cục II) cùng một số đồng chí khác xuống các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), rồi các huyện Móng Cái, Hoành Bồ, Cát Bà, Cát Hải (tỉnh Quảng Ninh) để vận động bà con hộ đê với tinh thần chỉ đạo “tự cứu mình là chính”, “chỗ cao cứu chỗ thấp”, “vùng mất ít giúp vùng mất nhiều”… Điều phấn khởi nhất là dân mình lúc đó rất tin tưởng vào cách mạng nên đoàn kết một lòng, cùng nhường cơm sẻ áo.

Như hiểu được chúng tôi nóng lòng muốn biết cuộc sống của nhân dân sau khi đã chặn đứng dòng nước lũ, nhấp vội chén trà nóng, ông Cử nói tiếp:

- Ngay sau khi lũ rút, chính quyền cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động toàn dân khắc phục lũ, khẩn trương gieo mạ cấy lại kịp thời được 40% diện tích bị ngập, vì thế mà sau trận lũ, nạn đói không còn đe dọa dân mình nữa. Bên cạnh đó, Chính phủ kêu gọi đồng bào các tỉnh không bị lũ ủng hộ thóc, gạo, ngô, khoai, sắn… cho nhân dân vùng bị lụt.

Nghe ông Cử kể lại những ngày cả nước chống giặc lũ, tôi lại nhớ bài học mà TS.Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi đã rút ra 62 năm trước. Ông cho rằng: Sau khi giành được chính quyền, chúng ta phải đối mặt ngay với muôn vàn khó khăn về kinh tế, hệ thống đê điều chưa được kiện toàn, nhưng đã thắng cơn lũ lịch sử năm 1945. Đó là nhờ Đảng và Nhà nước đã phát động được toàn dân tham gia chống lụt. Với điều kiện kinh tế đất nước đang ngày một phát triển như hiện nay, nếu toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, chắc chắn đất nước sẽ hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại của bão, lũ gây ra.

Bài và ảnh: Hồng Vân-Hồng Thạnh