Thời gian qua, bạn đọc nhiều lần có ý kiến với báo Quân đội nhân dân về những khuất tất xung quanh việc thi hành án ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, liên quan đến quyền lợi của Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận. Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu sự việc để trả lời bạn đọc.
Diễn biến sự việc
Từ năm 1999 đến năm 2003, Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (công ty Maseco) đã ký nhiều hợp đồng mua, bán cà phê với doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Liên (do bà Huỳnh Liên Thảo làm giám đốc). Qua đối chiếu công nợ, bà Huỳnh Liên Thảo còn nợ Công ty Maseco số tiền gốc là hơn 32 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Ngày 15-7-2003, bà Huỳnh Liên Thảo đã ký giấy đồng ý giao toàn bộ tài sản của mình tại số 34-36C xa lộ Hà Nội, thuộc ấp Hiệp Thắng, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương gồm 6.000m2 đất và nhà, xưởng… cho Công ty Maseco quản lý, sử dụng. Sau khi nhận bàn giao nhà, xưởng của bà Thảo, Công ty Maseco phát hiện toàn bộ nhà, xưởng đất đai này bà Thảo đã thế chấp vay tiền của Ngân hàng Công thương Việt Nam-Chi nhánh khu công nghiệp Bình Dương và Ngân hàng liên doanh Việt Thái. Cuối năm 2003, Công ty Maseco cùng bà Huỳnh Liên Thảo đã gặp hai ngân hàng trên với thỏa thuận bà Thảo đồng ý bán toàn bộ tài sản của mình như đã thế chấp tại hai ngân hàng cho Công ty Maseco. Sau khi thỏa thuận mua, bán được ký kết, Công ty Maseco đã chuyển trả cả tiền gốc và lãi cho hai ngân hàng cùng một cá nhân số tiền hơn 9 tỷ đồng. Ngày 25-12-2003, hai ngân hàng đã giao toàn bộ giấy tờ nhà, đất của bà Thảo cho Công ty Maseco. Hồ sơ mua, bán nhà, đất giữa Công ty Maseco được UBND xã Bình An chứng thực. Ngày 15-1-2004, thủ tục mua, bán đã được Phòng công chứng số 1 tỉnh Bình Dương chứng thực. Trong lúc Công ty Maseco đang làm thủ tục trước bạ, sang tên thì ngày 14-6-2004, cơ quan thi hành án huyện Dĩ An ra quyết định cưỡng chế số 12/THA kê biên toàn bộ tài sản của bà Huỳnh Liên Thảo tại số 34-36C xa lộ Hà Nội (tài sản này đã bán cho Công ty Maseco) để bảo đảm thi hành án. Lúc này Công ty Maseco mới biết bà Thảo nợ rất nhiều người.
Công ty Maseco khiếu nại việc kê biên tài sản và ngày 7-2-2005, Trung tâm Trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định hòa giải thành số 08/QĐ-TT-HGT quyết định bà Huỳnh Liên Thảo phải trả cho Công ty Maseco số tiền nợ cả gốc và lãi là 43 tỷ đồng. Ngày 20-4-2005, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành, sau đó ngày 20-5-2005, ra thông báo số 1370/TP.THA, nói rõ: … “Việc kê biên tài sản số 34-36C xa lộ Hà Nội là đúng pháp luật, khi xử lý tài sản đã bị kê biên này, cơ quan thi hành án tạm giữ lại số tiền Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận đã trả cho hai ngân hàng để trả lại cho công ty. Đối với số nợ của Công ty tư nhân Huỳnh Liên với Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận, cơ quan thi hành án hướng dẫn Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận khởi kiện việc đòi nợ doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Liên. Nếu số nợ đó được xác nhận bằng bản án, quyết định, thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản nêu trên sẽ được chi trả cho các bản án, quyết định (kể cả bản án, quyết định về việc đòi nợ giữa Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận và doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Liên)”.
Ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp là hoàn toàn đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho những người bị hại. Theo hướng dẫn của cơ quan thi hành án tỉnh Bình Dương, Công ty Maseco đã nộp quyết định số 08/QĐ.TT.HGT cho cơ quan thi hành án huyện Dĩ An đúng thời hạn quy định. Ngày 27-6-2005, Trưởng thi hành án tỉnh Bình Dương đã ra quyết định số 521/THA buộc bà Huỳnh Liên Thảo phải trả số tiền còn nợ cho Công ty Maseco. Như vậy tính đến thời điểm đó (tháng 6-2005) bà Thảo phải thi hành tới 11 bản án với số tiền hơn 60 tỷ đồng. Để bảo đảm thi hành án, Đội thi hành án huyện Dĩ An tiến hành làm thủ tục ủy quyền bán đấu giá các tài sản của bà Thảo. Ngày 17-1-2006, trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương đã tổ chức bán đấu giá khối tài sản số 34-36C xa lộ Hà Nội. Trong phiên đấu giá này, Công ty Maseco không được mời tham dự và phiên đấu giá cũng diễn ra rất đặc biệt, chỉ có một người mua với giá bằng giá khởi điểm?!
Phải xử lý dứt điểm, đúng luật
Theo chúng tôi, việc bán đấu giá số tài sản số 34-36C xa lộ Hà Nội đã không tuân thủ theo pháp luật, bởi lẽ theo Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC ngày 26-2-2001 hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự. Mục IV, tiết I, phần a ghi rõ: “Đối với các trường hợp, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì chấp hành viên có quyền kê biên các tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó”.
Quy định như vậy nhưng ở đây thi hành án huyện Dĩ An không đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch mua, bán tài sản giữa Công ty Maseco và bà Huỳnh Liên Thảo mà vẫn mang tài sản đã được mua, bán đúng pháp luật ấy ra bán đấu giá! Công ty Maseco lại làm đơn khiếu nại. Ngày 31-3-2006, Bộ Tư pháp có văn bản số 854/BTP-THA gửi thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương chỉ đạo có nội dung tóm tắt như sau: “Việc xử lý số tiền thu được từ bán tài sản của doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Liên sau khi trừ chi phí thi hành án và để lại ưu tiên thanh toán cho Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận số tiền để giải chấp tài sản của doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Liên cho hai ngân hàng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán cho những người được thi hành án tại thời điểm quyết định cưỡng chế số 12/THA (ngày 14-6-2004) theo tỷ lệ họ được thi hành… Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận không được thi hành trong số tiền bán tài sản cơ quan thi hành án đã kê biên theo quyết định số 12 nêu trên…”.
Theo văn bản này thì Công ty Maseco là người bị hại lớn nhất lại bị loại ra khỏi danh sách, không được thi hành án và thời điểm quyết định cưỡng chế số 12 chỉ có 3/12 bản án được thi hành. Ngày 8-5-2006, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 64/BC-VKS-P10 gửi Vụ 10, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo quá trình kiểm sát thi hành án dân sự cho rằng việc chỉ đạo trong văn bản số 854/BTP-THA của Bộ Tư pháp là “trái với quy định của pháp luật”, trái với thông báo số 1370/TP-THA ngày 20-5-2005 của Bộ Tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị trên kiến nghị Cục trưởng Cục thi hành án dân sự hủy bỏ văn bản số 854/BTP-THA ngày 31-3-2006 của Cục thi hành án dân sự. Ngày 27-6-2006, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản số 1992/VKSNDTC-V.10 gửi Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Tư pháp đề nghị kiểm tra, xem xét lại nội dung công văn 854/BTP-THA. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa cơ quan nào xem xét đến văn bản này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mặc dù tài sản của người phải thi hành án đã được bán để thi hành, nhưng cơ quan thi hành án lại không triển khai mà đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành. Do có văn bản 854 nêu trên, sự việc đã phức tạp, nay lại càng phức tạp hơn bởi lẽ các văn bản chỉ đạo không thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan cấp dưới thực hiện. Vụ việc trên chưa giải quyết xong, gần đây chúng tôi lại nhận được ý kiến phản ánh của một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này tố cáo cán bộ của cơ quan thi hành án có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực… và có nhiều khuất tất trong việc xử lý vụ việc.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc trên của cơ quan thi hành án các cấp, xử lý những vi phạm, đồng thời tiến hành giải quyết dứt điểm sự việc theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
NGỌC LAN