Có một nhà máy đặc biệt. Hơn 70% trong tổng số hơn 2.500 lao động là nữ. Giữa sóng gió suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nơi phải cắt giảm lao động thì nhà máy lại tuyển thêm hàng nghìn người trong 2 năm qua. Doanh thu không giảm mà tăng 10-20%/năm, hiện đã vượt mức 1000 tỷ đồng; lương bình quân cán mốc 8,6 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp Việt Nam ít ỏi đặt chân thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu bởi có những đôi tay...“biết nghĩ”. Đó là nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).

Cán bộ, công nhân nhà máy kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ảnh: TRUNG DŨNG

Một thời cơ cực

Bí quyết nào làm nên những điều đặc biệt ấy?

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Khải, Giám đốc Nhà máy Z176, đó là một câu chuyện dài, một hành trình đầy nhọc nhằn xen lẫn những duyên nợ, may mắn từ hơn 15 năm trước. Tiền thân là xí nghiệp T606 chuyên sản xuất vỏ mìn, lựu đạn, giá súng, khung hầm hào công sự, cầu treo, ô-xi tinh khiết để cứu chữa thương binh, nhà máy từng góp sức to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, đất nước hòa bình, các ngành hàng quốc phòng giảm, đến đầu những năm 90, nhà máy vật lộn với việc sản xuất bao bì cho các nhà máy xi măng Bút Sơn, Bỉm Sơn, Chiphon... Nhưng khổ nỗi, cung vượt cầu, có lúc cùng một nhà máy xi măng, có tới 8 đơn vị làm bao bì cùng nhảy vào. “Khi ấy tôi là phó giám đốc, được giao tìm kiếm “đầu ra”. Lặn lội như con thiêu thân mà vẫn hoài bế tắc”-anh Khải bồi hồi nhớ lại.

Công nhân đói thì lãnh đạo càng phải đi. Năm 2001, nghe tin triển lãm Giảng Võ mở, anh Khải tìm đến. Hôm ấy, anh gặp Nghĩa, một người bạn làm cho hãng bàn ghế Xuân Hòa. Dù đã chia sẻ khó khăn, đề nghị bạn giúp nhưng chưa có gì khả thi.

Bẵng đi ít lâu thì anh Nghĩa gọi:

- Ông Khải à. Bên hãng IKEA Thụy Điển đang tìm đối tác để sản xuất mặt hàng túi cho siêu thị đó. Ông làm được không để tôi giới thiệu!

Dù chưa biết IKEA là hãng gì nhưng cứ có việc là “OK”, anh Khải vội vã gật đầu.

Lúc đó, anh vẫn chưa biết rằng: Một bước ngoặt lịch sử đã đến với nhà máy. IKEA là Tập đoàn bán lẻ nội thất số một thế giới.

Đại diện IKEA tìm đến nhà máy, yêu cầu sản xuất thử mặt hàng túi siêu thị với các tiêu chí rất ngặt nghèo. Chỉ là chiếc túi siêu thị sao lắm yêu cầu thế? Làm trước trả tiền sau, nếu hỏng, ai chịu trách nhiệm? Ngay trong ban giám đốc cũng băn khoăn.

Với niềm tin sắt đá, anh Khải thuyết phục chỉ huy rằng sẽ làm được. Anh kể: “Tôi lao vào công việc, ăn ngủ với từng chiếc túi, từng đường may, lăn lộn với công nhân. Tôi nói: “Hoặc chúng ta thêm đối tác, hoặc tôi và các anh chị về vườn”.

“ Vua” ngành nội thất chọn mặt gửi…hợp đồng

Lúc đó, chưa ai biết rằng, họ đang ký hợp đồng trở thành nhà phân phối của một tập đoàn nội thất mà doanh thu hàng năm của nó còn lớn hơn tổng sản phẩm nội địa của một quốc gia. Ông chủ của tập đoàn, ngài Ingvar Kamprad đã gây dựng chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới suốt 70 năm qua là người cực kỳ khắt khe trong lựa chọn đối tác.

Lô hàng đầu tiên, gần 200.000 túi siêu thị ra lò, được chấp thuận, trong niềm vui sướng tột cùng của anh Khải và hàng trăm công nhân. Ngay sau đó, đơn hàng được đặt tăng gấp đôi. Liên tiếp những năm sau đó, IKEA ký kết các hợp đồng với năm sau cao hơn năm trước tới 100%, rồi 200%, 300%. “IKEA làm ăn rất khác người. Ký hợp đồng đấy nhưng nhận hàng rồi thường trả chậm sau một vài tháng. Nếu hàng kém, họ không trả tiền. Thế nhưng hàng chục năm nay, chúng tôi chưa bao giờ có lô hàng nào bị trả lại” – Đại tá Nguyễn Xuân Khải kể.

Năm 2008, ông Ingvar Kamprad sang Việt Nam và đến thăm Z176. Ở tuổi bát tuần, ông chủ tập đoàn nổi tiếng khó tính và ít khi khen ai đã dặn dò cộng sự: Phải tìm được nhiều nhà cung cấp lớn và tin cậy như Z176!

Hai giây làm ra một sản phẩm

Mục sở thị các xưởng sản xuất của Z176, chúng tôi phần nào hiểu được vì sao ông vua của ngành bán lẻ lại đặt niềm tin ở những người lính thợ Việt Nam xa xôi. Mặc dù chính Z176 đã giới thiệu cho IKEA nhiều doanh nghiệp trong nước nhưng họ vẫn chỉ “chấm” 176.

Đến Xưởng tráng cắt phôi tự động, chúng tôi gặp rất nhiều chiếc máy làm túi đang hối hả “nhả” sản phẩm. Thiếu tá Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng cơ điện vừa vận hành máy làm túi siêu thị Frakata 71 vừa kể cho tôi nghe lịch sử của chiếc máy: Đồng chí giám đốc trong một lần đi nước ngoài đã tình cờ thấy một mẫu túi siêu thị được làm theo kiểu “dán siêu âm”. Anh đã thiết kế thử 2 mẫu rồi gửi cho IKEA, đều được chấp nhận. Nhà máy đặt hàng hai đối tác Trung Quốc nhưng suốt 8 tháng trời, họ đành bó tay, chấp nhận bị phạt 100.000 USD. Không cam chịu thất bại, những kỹ sư của Z176 đã vào cuộc, chế tạo thành công hai dòng máy làm túi tự động, đưa năng suất tăng 14 lần mà còn giảm được 800 lao động. Đây là bước ngoặt lớn khiến túi siêu thị của Z176 “siêu cạnh tranh” với các đối tác về giá cả, chất lượng. Đầu năm 2016, với chiến lược giảm giá mới của nhà máy, đối tác đã tiếp tục ký hợp đồng lớn.

Tại Xưởng may hàng xuất khẩu A3, chúng tôi gặp Thượng úy, QNCN Nguyễn Thị Kim Anh, Tổ trưởng Tổ may 1 đang chỉ huy chị em sản xuất hộp vải đựng đồ Drona. Đây là sản phẩm chủ lực thứ hai được Tập đoàn IKEA tin tưởng đặt hàng Z176 từ năm 2010 đến nay. Hiện mỗi năm nhà máy sản xuất hơn 7 triệu sản phẩm, là nhà cung cấp được IKEA đặt hàng nhiều nhất toàn cầu. Chỉ riêng sản phẩm này mỗi năm mang về doanh thu hơn 500 tỷ đồng. “Giờ đây, với 3 dây chuyền may tích hợp 3 đường mới, năng suất làm hộp đã tăng lên gấp 10 lần so với thủ công, trước một phút mới làm xong một sản phẩm nay 6 giây làm ra một sản phẩm” – Thiếu tá, QNCN Lê Thị Thu Hà, Phó quản đốc Phân xưởng A3 cho biết thêm.

Tiếng lành đồn xa, mới đây, đối tác DECATHLON (Pháp) đã đến đặt hàng Z176 sản xuất các loại dù, nhà lều du lịch. “Đây là mặt hàng tinh xảo, không dễ làm. Đối tác rất thận trọng. Ban đầu họ chỉ đặt hàng chúng tôi một lô hàng nhỏ làm mẫu xem có ổn không. Họ đến tận nơi giám sát”-chị Kim Anh kể. Những người thợ may và kỹ sư giỏi nhất được “tung” vào “trận chiến” mới. Nhiều hôm, không ai bảo ai, cả xưởng làm đến 9-10 giờ đêm, quyết hóa giải một khâu sản xuất. Đúng một tuần, sản phẩm hoàn chỉnh đã ra lò. Lúc này, cán bộ giám sát DECATHLON mới thốt lên khâm phục: “Cũng mặt hàng này, một nhà cung cấp ở nước khác phải mất 3 tháng mới xong”. Bản hợp đồng lớn được ký ngay sau đó, mở ra một sản phẩm chủ lực thứ 3 của nhà máy.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Kiên, Chủ nhiệm Chính trị Z176, nhà máy đã chế tạo được hàng chục máy móc tự động như: 12 máy cắt phôi điều khiển PLC, tăng năng suất 7 lần, thay thế khoảng 120 lao động; 8 máy cắt dây quai tự động, giúp tăng năng suất 5 lần, thay thế được 80 lao động; 9 máy dán tem tự động, thay thế 90 lao động; 2 máy dán túi siêu thị tự động, giúp tăng năng suất 14 lần, thay thế 800 lao động. Mỗi năm nhà máy giảm được 20% chi phí quản lý và vận chuyển, chuyên môn hóa sản xuất giúp tăng năng suất lao động 20%.

Những cuộc “giải cứu”

Năm 2010, Công ty cổ phần nhựa xốp Sao Mai thuộc Nhà máy Z181 làm ăn thua lỗ, nợ xấu lên tới trên 20 tỷ đồng. Nguy cơ phá sản đã cận kề. Gần 100 lao động mất việc làm, tâm lý hoang mang. Để giải cứu, cấp trên chỉ đạo Z176 phải tiếp nhận công ty.

“Chúng tôi đã thể hiện trách nhiệm chính trị, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Nhờ Ban giám đốc quan tâm tạo công ăn, việc làm, tìm hướng đi sản phẩm mới, đến nay đơn vị đã trả xong số nợ, làm ăn có lãi, doanh thu mỗi năm đạt gần 100 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng”-Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần nhựa xốp 176 cho biết.

Một đơn vị khác là Xí nghiệp in cũng làm ăn thua lỗ, nợ xấu lên tới hơn 13 tỷ đồng, đời sống của 78 lao động hết sức khó khăn. Năm 2013, Z176 đã tiếp nhận Xí nghiệp in, từng bước xử lý tài chính và tạo công ăn việc làm, vực dậy xí nghiệp. Doanh thu năm 2015 đạt gần 30 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng và đang có triển vọng phát triển tốt.

Lấy “dân sinh” phát triển “quốc phòng”

Quán triệt quan điểm của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, từ những thành công trong sản xuất kinh tế, Nhà máy Z176 có điều kiện để phát triển nhiệm vụ sản xuất quốc phòng.

Trước năm 2005, hầu hết thiết bị của nhà máy đã cũ kỹ, lạc hậu. Từ năm 2005, nhà máy được trên quan tâm đầu tư một số máy móc hiện đại và từng bước làm chủ. Trên đà phát triển mạnh từ năm 2007 đến nay, nhà máy đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dây chuyền công nghệ hiện đại... Nhờ những dây chuyền này mà đơn vị đã sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm ngụy trang, nghi trang, bao cát công sự, vải áo mưa bộ đội và một số sản phẩm khác. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến việc sản xuất thành công lưới ngụy trang công nghệ cao; mô hình nghi trang xe tăng T55; vải áo mưa bộ đội siêu bền mà trọng lượng giảm một nửa so với trước kia. Hiện nay, mỗi năm nhà máy còn sản xuất, cung cấp kịp thời cho quân đội hàng triệu sản phẩm phao vượt sông, thuyền xuồng cứu hộ, cứu nạn, tăng dã ngoại, quần áo mưa, nhà bạt dã chiến, bao cát công sự...

Từ một đơn vị “đói” việc làm, Z176 đã trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đặt chân thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia nhập câu lạc bộ “doanh nghiệp 1000 tỷ đồng” chỉ bằng những đôi tay sáng tạo, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 2.500 lao động. Nhà máy hiện đã phát triển với 4 cơ sở sản xuất, không phải lo việc làm đến năm 2020. Ngày 9-3, Nhà máy vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống.

Ghi chép của NGUYÊN MINH