QĐND - Khi cái nắng bừng tỏa sau những ngày dài đằng đẵng mưa dầm, gió bấc tái tê, chúng tôi có cuộc hành trình lên biên giới và được tận mắt chứng kiến những việc làm lặng thầm của cán bộ, chiến sĩ  Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 799, Quân khu 1 đối với bà con trong vùng dự án KT-QP Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng). Những công trình phúc lợi xã hội như đường sá, trường học, bể chứa nước sạch, đặc biệt là việc xây dựng các bản làng biên giới… đã tạo những “điểm sáng” đối với  bà con đồng bào các dân tộc giữa đại ngàn đá núi nơi biên cương Đông Bắc Tổ quốc.

Xã nghèo và khát vọng thoát nghèo

Từ thành phố Cao Bằng, chúng tôi vượt gần trăm cây số đến với xã biên giới Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, nơi những người lính Đoàn KT-QP 799 đang thực hiện nhiệm vụ thi công các công trình dân sinh tại bản biên giới Xà Phìn, Lũng Mật. Trên cung đường uốn lượn qua các sườn núi chênh vênh, một bên là vực thẳm, bên kia là núi đá dựng đứng, chiếc xe ô tô hai cầu hiệu Mitsubishi của Phòng Kinh tế Quân khu 1 cứ chồm lên, dập xuống như muốn thử tay nghề của lái xe nơi đại ngàn núi non hiểm trở. Xuất phát từ mờ sáng, sau gần 5 giờ “đánh vật” với đường sá, chúng tôi đến xã Xuân Trường khi mặt trời vừa đứng bóng. Đón chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nông Văn Cương và Bí thư Đảng ủy xã Tô Hữu Quynh hồ hởi tay bắt mặt mừng, bởi có lẽ đã lâu lắm, xã mới thấy mấy nhà báo lên thăm và tuyên truyền cho “cái khó khăn, vất vả” của đồng bào vùng biên giới.

Bên ấm chè mộc đậm chất núi rừng, hai vị cán bộ xã kể với chúng tôi về chặng đường phát triển kinh tế-xã hội, nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo nơi đây, mà theo cách hiểu của chúng tôi, cũng cam go như “đánh trận”. Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn xã Xuân Trường có 779 hộ dân, với hơn 4.350 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… cùng chung sống. Năm 2013, xã Xuân Trường có 29 hộ thuộc diện hộ đói với 129 nhân khẩu được Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói; có 403 hộ nghèo, chiếm 59% toàn xã. Toàn xã có 18 thôn, bản, trong đó có 3 bản biên giới là Xà Phìn, Lũng Bố và Lũng Mật. Do địa hình toàn núi đá, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào 192ha lúa nước một vụ cùng 557,5ha ngô lai nên đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn; thu ngân sách của toàn xã năm 2013 chỉ đạt 50 triệu đồng. Trong số 779 hộ dân thì mới có 367 hộ được hưởng lợi từ dịch vụ điện lưới, còn lại vẫn là đèn dầu thắp sáng. Đời sống của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp nên địa phương là một trong những xã thuộc diện 135 và được hưởng lợi từ chương trình 30a của Chính phủ. Bài toán xóa đói giảm nghèo đã và đang được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cùng với sự phấn đấu nỗ lực phát huy nguồn lực tại chỗ, những năm qua, nhờ dự án KT-QP và những cán bộ Đoàn KT-QP 799, xã đã có bước chuyển mình rõ rệt. Đời sống của bà con các dân tộc nơi đây đã từng bước được cải thiện, xóa được số hộ đói, giảm được số hộ nghèo, tình hình an ninh, chính trị vùng biên luôn được giữ vững.

Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 1 và cán bộ Đoàn KT-QP 799 thăm điểm trường Xà Phìn (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).

Sâu đậm tình quân dân

Trên con đường độc đạo đến bản biên giới Xà Phìn, chỉ tay về phía vành đai biên giới, nơi có những mái nhà sàn chênh vênh tựa lưng vào núi, Đại tá Hoàng Việt, Trưởng phòng Kinh tế Quân khu 1 “bật mí” với chúng tôi: Dự án khu KT-QP Bảo Lạc, Bảo Lâm được thực hiện trên địa bàn 13 xã và 1 thị trấn, nằm trên địa bàn hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, trong đó huyện Bảo Lạc gồm 5 xã; huyện Bảo Lâm gồm 9 xã. Đặc biệt, 5 xã của huyện Bảo Lạc đều là xã giáp biên giới với Trung Quốc. Dự án có tổng diện tích tự nhiên gần 97.000ha, dân số gần 10 vạn người, mật độ dân số trung bình cả hai huyện là 51,8 người/km2, gồm 9 dân tộc anh em cùng chung sống: Mông, Kinh, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Lô Lô, Quý Châu, Hoa, trong đó dân tộc Mông đông nhất, chiếm hơn 50%; trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, một số gia đình không đủ điều kiện cho con em đi học.

Đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giúp bà con trong vùng dự án xóa đói giảm nghèo luôn là chủ trương xuyên suốt được lãnh đạo, chỉ huy Đoàn quan tâm, chú trọng. Phải làm gì, làm như thế nào để sớm xóa được đói, giảm được nghèo cho đồng bào nơi biên cương tuyến đầu luôn là câu hỏi đặt ra với những cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Tìm hiểu về việc triển khai thực hiện dự án, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 799 cho biết: Đơn vị vừa hoàn tất việc triển khai xây dựng 8 bản biên giới, bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2013, góp phần ổn định cuộc sống cho 342 hộ dân các dân tộc sinh sống. Tổng giá trị đầu tư dự án là hơn 21,1 tỷ đồng, với đầy đủ hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Hiện tại, đơn vị đang thi công các hạng mục công trình phúc lợi như xây bể chứa nước sạch và xây dựng các điểm trường học cho học sinh.

Chúng tôi đến các bản biên giới Xà Phìn và Lũng Mật, nơi Đội Xây lắp số 7 đang xây dựng hệ thống bể chứa nước sạch cho bà con dân tộc Dao nơi đây. Nói là bản nhưng thực ra trên các lưng chừng núi và dưới thung sâu, chỉ rải rác có dăm bảy nếp nhà sàn chênh vênh giữa đại ngàn đá núi. Đại úy Trần Đình Hiền, Đội trưởng chỉ huy thi công các công trình dân sinh, gương mặt sạm nắng gió, mưa nguồn, vồn vã mời chúng tôi đến thăm hệ thống bể chứa nước sạch vừa xây xong, đón những cơn mưa đầu mùa mát ngọt. Anh Hiền cho biết: Toàn đội với gần 10 người, năm 2013, cùng với quán xuyến việc xây dựng điểm trường với 8 phòng học và 5 phòng công vụ, đội còn xây mới và bàn giao 34 bể chứa nước tại bản Xà Phìn và 8 bể chứa nước tại bản Lũng Mật với thể tích mỗi bể từ 10 đến 15m3.

 Vui trước thành quả đã làm được cho bà con nhưng ẩn sau niềm vui chung đó là cả quá trình lao động thấm đẫm mồ hôi. Tìm hiểu chúng tôi được biết, để xây dựng được các bể chứa nước sạch, cán bộ trong Đội Xây lắp phải gùi từng viên gạch, bao cát, bao xi-măng vượt núi đá, có nơi xa gần chục cây số; mỗi đôi giày các anh sử dụng chỉ được khoảng hai tuần là đã hỏng vì bị đá nhọn xuyên thủng. Khó khăn là vậy nhưng với phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân, những người lính nơi đây đã vượt qua tất cả để được phục vụ nhân dân. Ông Chào Khỉ Vầy, dân tộc Dao, 50 tuổi, ở bản Xà Phìn không giấu được niềm vui từ ngày được bộ đội Đoàn KT-QP 799 xây cho bể chứa nước sạch. Với giọng nói sang sảng, ông Vầy giãi bày với chúng tôi: “Trước kia chưa có bể chứa nước, con cái trong nhà phải lặn lội vượt rừng ba cây số gùi nước suối về dùng trong những chiếc can nhựa; nay có bể chứa nước mưa to thế này, không còn phải lo thiếu nước nữa, bà con mình biết ơn bộ đội nhiều lắm”…

Theo chân những người lính nơi đây, chúng tôi đến thăm các điểm trường học vừa hoàn thiện đưa vào sử dụng. Tại điểm trường Lũng Mật, tiếng cô và trò vang vọng núi đá. Cô giáo Long Thị Loan, dân tộc Tày, người có thâm niên 14 năm gắn bó với điểm trường đang miệt mài dạy hai lớp học ghép, gồm 5 em lớp 2 và 7 em lớp 4, chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc Mông và Dao. Tâm sự với chúng tôi, cô Loan cho biết: Trước đây chưa có điểm trường, học sinh phải học ở những mái nhà tạm lợp lá, vách ken bằng tre, mùa mưa thì dột, mùa đông thì giá buốt. Từ khi có điểm trường mới, các cháu học sinh theo học đông hơn; nhiều khi mưa gió các em yên tâm ở lại trường, được thầy, cô cho ăn, cho uống đầy đủ nên phụ huynh học sinh yên tâm lắm”… Cô giáo Nông Thị Hương, dân tộc Tày, giáo viên điểm trường Xà Phìn càng vui hơn, bởi từ khi có điểm trường mới do bộ đội xây, học sinh đến học đông hơn, không còn cảnh các cô phải lặn lội hàng chục cây số đường rừng để động viên học sinh tới lớp… Em Hoàng Văn Páo và Hoàng Thị Phiên, dân tộc Mông, ở bản Xà Phìn, học sinh lớp 5 thuộc điểm trường Xà Phìn, nhà cách điểm trường 4km bộc bạch: Có điểm trường mới do các chú bộ đội xây dựng, chúng em đi học đều hơn, ngồi học mùa đông không còn bị lạnh, ướt nữa… Em sẽ cố gắng chăm chỉ học cái chữ để mai sau giúp gia đình thoát nghèo”… Những suy nghĩ mộc mạc như củ khoai, củ sắn trên nương, đã phần nào nói lên tình cảm, khát vọng của tuổi thơ về một tương lai no ấm và in đậm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Chia tay Xà Phìn, Lũng Mật khi mặt trời đã xuống núi, thấp thoáng xa xa những làn khói lam chiều vấn vít quanh những ngôi nhà sàn chênh vênh sườn núi, chúng tôi mang theo hình ảnh của trưởng bản Xà Phìn Chào Xành Quyên và trưởng bản Lũng Mật Sần Phù Dào với dáng người nhỏ thó, nhưng lời nói thì ấm nồng tình quân dân: “Xà Phìn, Lũng Mật có được như bây giờ là nhờ ơn Đảng, Nhà nước, quân đội nhiều lắm, mà trực tiếp, gắn bó, nghĩa tình là những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân ở Đoàn KT-QP 799 đấy!”

 Bài và ảnh: KHƯƠNG DOÃN