Kỳ II: Cứu dân trong bão lũ
Không chỉ lập nhiều chiến công trong chiến đấu, Đoàn Không quân Đồng Tháp còn lập nhiều thành tích trong huấn luyện, xây dựng đơn vị, phòng chống thiên tai, bão lũ và đặc biệt là bay tìm kiếm - cứu nạn. Hơn 10 năm qua, những cánh bay trực thăng luôn có mặt ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Bay vào vùng “mắt bão”
Tháng 11-1997, ai cũng tưởng mùa mưa bão đã qua đi. Người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ càng không thể nghĩ rằng, thiên tai lại xảy ra trong những tháng cuối năm. Nhưng đã có một cơn bão lớn có cái tên quốc tế là Lin-đa bất ngờ ập từ phía biển Phi-líp-pin vào biển Đông. Đến giữa biển Đông, Lin-đa không đi thẳng vào các tỉnh miền Trung, mà đổi hướng đi về khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng biển miền Tây. Các ngư dân vẫn cho tàu ra khơi đánh cá như mọi ngày.
 |
Đưa người bị thương trong cơn bão Du-ri-an (tháng 12-2006) ở đảo Phú Quý về đất liền chữa trị.
|
Tai họa ập đến, hàng trăm tàu, thuyền bị bão đánh chìm, hàng ngàn người lặn ngụp giữa biển khơi. Chỉ sau 5 giờ đồng hồ, khi cơn bão tràn qua, sáng sớm ngày 03-11-1997, những chiếc trực thăng của Đoàn Không quân Đồng Tháp chấp hành mệnh lệnh của cấp trên đã cất cánh chở phao cứu trợ, thuốc men, quần áo, đồ ăn uống trong bầu trời còn đầy mưa gió. Bình thường máy bay có thể bay với tốc độ 200km/h, nhưng thời điểm đó chỉ bay được tốc độ 130km/h. Những tổ bay giỏi nhất nhằm hướng Côn Đảo, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bay tới. Tôi may mắn được bay ra Côn Đảo trong những chuyến đầu tiên. Bão đã đi qua, nhưng biển vẫn còn gió cấp 6, cấp 7. Những con sóng chồm lên, trắng xóa. Phải khó khăn lắm tổ bay của Lê Việt Thắng, Nguyễn Văn Khải mới hạ cánh được xuống sân bay Cỏ Ống. Côn Đảo hoang tàn. Những khu rừng xơ xác. Những gốc cây lớn ở thị trấn bị nhổ tung gốc. Ngay cây lê-ki-ma bên mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu cũng bị gãy làm đôi. Thấy máy bay hạ cánh được, mang hàng cứu trợ ra, Chủ tịch huyện đảo Hai Hòa nghẹn ngào: “Mất mát lớn quá các đồng chí ơi. Nhân dân Côn Đảo vô cùng cảm ơn các anh đã kịp thời đến cứu trợ, chia sẻ với chúng tôi”. Những gói đồ ăn, chai nước uống, quần áo và thuốc men nhanh chóng được đưa xuống. Và chúng tôi lại phải cất cánh về đất liền lấy thêm hàng cứu trợ.
Trong các chuyến bay về Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, máy bay của Đoàn Không quân Đồng Tháp không chỉ chở mì tôm, bánh mì, quần áo, thuốc men, mà còn chở rất nhiều phao cứu trợ. Các tổ bay của Lê Việt Thắng, Nguyễn Xuân Thủy, Ngô Quý Bính, Nguyễn Văn Khải… còn đi tìm người sống sót trên biển để thả phao và chỉ dẫn tàu hải quân đến cứu. Bay dọc bờ biển miền Tây, chỗ nào chúng tôi cũng bắt gặp cảnh đổ nát, tang thương. Vùng U Minh, Năm Căn và khu Đất Mũi hầu như chẳng có chiếc nhà nào còn nguyên vẹn. Những rừng đước, rừng tràm ngã rạp. Đau thương nhất là khu vực cửa sông Ông Đốc. Sau cơn bão 4 ngày, không khí tang tóc trải dài hàng trăm mét bờ biển, khi những chiếc quan tài xếp hàng ngang trên bờ cát. Chúng tôi vẫn bay cần mẫn, thả hàng cần mẫn. Nhưng hễ khi cất cánh bay lên, tôi vẫn thấy rất nhiều cánh tay dưới mặt đất vẫy mãi, vẫy mãi. Không có gì bù đắp được mất mát lớn lao này.
Năm ngày cứu trợ, Đoàn Không quân Đồng Tháp đã cất cánh 47 lần, thả 9 tấn hàng và hơn 200 phao cứu hộ xuống cứu đồng bào bị nạn. Đơn vị còn thực hiện hơn 20 chuyến bay chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Bây giờ khi đến Côn Đảo, hay về Cà Mau, người dân vẫn còn nhắc mãi về những chuyến bay cứu trợ của Không quân năm ấy.
Trong mưa gió Du-ri-an
Sau cơn bão Xang-san có cấp gió cấp 13 đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tháng 9-2006, đến tháng 12 năm ấy, một siêu bão khác có tên là Du-ri-an đã quét dọc biển Đông, qua đảo Phú Quý về các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và làm chết 52 người, mất tích 49 người, 121.000 căn nhà bị sập và tốc mái.
Trước đó mấy ngày, máy bay trực thăng cứu hộ của Đoàn Không quân Đồng Tháp đã bay dọc bờ biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre để thông báo bão và kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Đêm mồng 4, rạng sáng ngày 5-12-2006, mặc dù đã chuẩn bị trước, những người dân huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận vẫn sững sờ trước cơn bão lớn. Lượng mưa trong bão không ghê gớm lắm, nhưng sức gió mà cơ quan khí tượng đo được ở Phú Quý lên tới cấp 13, 14, giật cấp 15. Hàng trăm chiếc tàu thuyền neo đậu xung quanh đảo bị đập nát, hoặc chìm trong sóng dữ. Nhiều gia đình thấy tàu thuyền của mình bị bão quật vỡ, chỉ biết kêu khóc mà không có cách nào cứu vãn nổi.
Sáng sớm ngày 5-12, bốn chiếc máy bay của Đoàn Không quân Đồng Tháp (trong đó có 2 chiếc trực thăng cứu hộ mang số hiệu SAR-02 và SAR-04) đã sẵn sàng cất cánh. Lúc này, cơn bão Du-ri-an đang hoành hành ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Bến Tre. 9 giờ 30 phút, sở chỉ huy lệnh cho chiếc SAR-02 do phi công Phạm Ngọc Yên lái chính, Bùi Thanh Hải lái phụ dẫn đường, cất cánh ra Phan Thiết đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và đoàn Quân khu 7 ra đảo Phú Quý thăm hỏi bà con và nắm tình hình. Trời mưa rả rích. Bay đến khu vực huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) trời mưa to hơn, xung quanh máy bay mịt mù. Máy bay lắc mạnh. Phạm Ngọc Yên ghì chặt cần lái. Là phi công kỳ cựu, nên anh vẫn bình tĩnh cho máy bay xuyên mưa, thẳng hướng Phan Thiết bay tới. Khi chúng tôi bay đến Phan Thiết, trời lại nắng chang chang. Đồng chí Huỳnh Văn Tý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: “Đảo Phú Quý bị thiệt hại nặng nề lắm các đồng chí ạ”.
Gần 50 phút sau, chúng tôi đã bay trên bầu trời Phú Quý. Nắng rực rỡ trên đảo như chưa hề có cơn siêu bão nào đi qua đây cả. Nhưng nhìn xuống dưới, chao ôi nhà cửa, tàu thuyền xác xơ, tan tành như vừa chịu một trận bom đạn dữ dội. Máy bay vừa hạ cánh, chúng tôi theo các đồng chí lãnh đạo ra bờ biển. Một cảnh tượng chẳng khác gì Côn Đảo sau cơn bão Lin-đa hiện lên. Hơn 700 chiếc thuyền đánh cá, cái thì bị đánh chìm, cái thì bị đập nát chúc đầu xuống biển hoặc ghếch đuôi lên bờ. Phú Quý chỉ còn lại sự hoang tàn. Chị Đặng Thị Thừa, 42 tuổi, ở thôn 4, xã Tam Thanh đã khóc nấc lên vì có 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ bị bão đập nát. Cách cảng Phú Quý không xa, hàng chục chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự huyện đang cùng bà con trục vớt những chiếc tàu nhỏ lên. Khi chở đồng chí Huỳnh Văn Tý về Phan Thiết, chúng tôi tiếp tục bay ra sân bay Thành Sơn để ngày hôm sau sang sân bay Cam Ranh chở Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó tổng TMT, Phó trưởng ban Tìm kiếm, cứu nạn Quốc gia ra Phú Quý. Được sự giúp đỡ của bộ đội Không quân, 5 người dân trên đảo bị thương trong bão đã được chuyển về Bệnh viện 175 cứu chữa kịp thời. Những ngày sau, ngư dân còn được bộ đội Hải quân Vùng D đưa tàu lớn ra trục vớt tàu đánh cá.
Ở hướng Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, máy bay của đoàn Đồng Tháp đã cất cánh hơn 30 lần chiếc tìm kiếm, cứu nạn, trong đó có chuyến bay cứu được một người dân đang trôi dạt ở cửa biển Cần Giờ.
Những máy bay trực thăng, trở thành những cứu tinh trên bầu trời của bà con các vùng bị thiên tai.
Bay giữa mưa lũ Phú Yên
Miền Trung vừa trải qua những ngày đau thương, khi bị cơn bão số 9 năm 2009 tàn phá các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Tưởng như thiên tai sẽ “buông tha” vùng đất đã chịu nhiều vất vả, gian nan này, thì một cơn bão mạnh khác có tên là Mi-ri-na (bão số 11) lại ập vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Bình Định và Phú Yên là hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
 |
Cứu người bị nạn trong cơn bão Két-sa-na (2009). |
Sáng ngày 3-11-2009, tổ bay SAR-02 do Thượng tá Lê Quang Vinh – Phó đoàn trưởng lái chính, Phương Văn Lý lái phụ dẫn đường và tổ bay SAR-04 do Thượng tá Ngô Vi Sơn – Phi đội trưởng Phi đội I lái chính, Hà Quốc Hưng lái phụ dẫn đường, nhận lệnh chuẩn bị cất cánh. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, đến 15 giờ cùng ngày, các anh mới được lệnh nổ máy. Trời Khánh Hòa, Phú Yên vẫn mưa xối xả, tầm nhìn chỉ khoảng 100 – 200m, gió giật mạnh, nên máy bay đành phải hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chờ sáng hôm sau bay tiếp… Sáng ngày 4-11, khi vừa hạ cánh xuống sân bay Đông Tác (Tuy Hòa – Phú Yên), tổ bay của Sơn nhận lệnh chở 1,9 tấn mì tôm, nước ngọt khẩn cấp đi cứu trợ cho đồng bào huyện Đồng Xuân. Đã từng bay cứu trợ đồng bào khu vực Nam Cát Tiên trong đợt lũ quét 6-1999, đồng bào miền Tây Nam bộ trong đỉnh lũ 2000, chưa bao giờ các anh thấy Phú Yên bị ngập sâu và rộng đến thế. Tổ bay SAR–04 của Ngô Vi Sơn hầu như phải bay trong khe núi và dọc theo các dòng sông, dòng suối. Một số nhà báo đi cùng bị ói lên, ói xuống khi máy bay giật mạnh và thay đổi độ cao đột ngột.
Huyện Đồng Xuân là nơi có nhiều người chết vì bão lũ. Chính quyền địa phương đề nghị cấp trên chuyển gấp một số quan tài đến để lo hậu sự cho những người không may mắn. Máy bay SAR-04 và Mi-8 số hiệu 7850 do Thượng tá Nguyễn Văn Khải lái chính, được giao nhiệm vụ. Ngô Vi Sơn nói: “Trong cuộc đời phi công, tôi chưa bao giờ phải chở loại “hàng hóa” đặc biệt này. Chúng tôi còn chèn thêm mì tôm, nước uống, thuốc men vào những chỗ trống của quan tài để chuyển đến cho đồng bào”. Sau 3 chuyến bay (tổ SAR-04 thực hiện 2 chuyến), 25 chiếc quan tài và hơn 3 tấn hàng cứu trợ khác đã được đưa đến Đồng Xuân.
Sáng ngày 5-11, sau khi chở hàng cứu trợ đến huyện Đồng Xuân, tổ bay SAR-04 nhận được lệnh tới thôn Yang Nam, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai để cứu người gấp. Trong mưa, để an toàn, Ngô Vi Sơn kéo cần lái đưa máy bay lên độ cao 2.700m (bay trên mây). Gió núi thổi mạnh và xoáy. Chỗ những người bị nạn nằm giữa dòng suối chảy trong khe núi. Ngô Vi Sơn lựa chiều gió, đưa máy bay tiếp cận gần hơn với những người bị nạn. Một nhân viên khi làm nhiệm vụ đã bị nước cuốn trôi hơn 2km, được cứu đưa lên máy bay. Tiếp đó, 3 người dân bị mắc kẹt trên mỏm đá giữa suối hơn 4 ngày trời được tổ bay cứu thoát. Ba người dân đang trong trạng thái đói lả, được các chiến sĩ Không quân cho ăn uống và đưa đến nơi an toàn.
Sau 3 ngày cứu trợ, Ngô Vi Sơn đã cùng các thành viên tổ bay thực hiện được 13 chuyến bay, chở 22 tấn hàng hóa đến các vùng bị ngập lụt lớn của tỉnh Phú Yên. Tổ bay của anh và các tổ bay của Đoàn Không quân Đồng Tháp đã được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt khen ngợi và tặng quà.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG
Những cánh bay trực thăng ở đơn vị hai lần anh hùng (kỳ 1)
Kỳ III: Tuổi 35 bay tới tương lai