QĐND - Trên báo mạng của Đài RFI tiếng Việt, tác giả Thụy Khuê đăng bài viết 4 kỳ với một cái tít khá giật gân: “Ai viết những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923?”. Tên bài khiến tôi phải đọc. Bởi lẽ ai cũng biết, thời gian đầu, Nguyễn Ái Quốc được coi là bút danh tập thể của ba người: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành sau khi thảo bản Yêu sách gửi tới Hội nghị Versailles. Nếu làm rõ được những bài viết sau đó, khoảng từ giữa năm 1919 sang đầu năm 1920, bài nào là của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường; bài nào là của Nguyễn Tất Thành thì cũng là một đóng góp trong việc nghiên cứu, bởi cần phải “trả lại những gì của César cho César”. Đó chính là cách ứng xử sòng phẳng đối với các vấn đề của lịch sử nói chung; cũng là một thái độ cần có trong nghiên cứu khoa học. 

Nhưng để làm được việc đó thật không đơn giản chút nào. Những bài viết ấy xuất hiện cách đây đã hơn 80 năm, trong khi các tác giả của nó đã đi vào lịch sử từ rất lâu và những người đương thời-như những chứng nhân lịch sử-cũng chẳng còn ai. Để có thể làm rõ một cách thuyết phục, đòi hỏi phải rất công phu; phải đi sâu khảo sát thư tịch, sưu tầm, tra cứu bản thảo, bút tích của các tác giả từ những nguồn lưu trữ khác nhau trong và ngoài nước, so sánh đối chiếu nội dung, sự kiện được đề cập đến trong bài viết với cuộc đời hoạt động và văn phong của các tác giả,… để xem vào thời điểm đó, ai có thể viết, được công bố lần đầu tiên ở đâu, trên báo nào… Tóm lại, phải có minh chứng, lập luận, lý giải thuyết phục, chứ không thể cứ một mực tùy tiện, nói liều!

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 đảng Xã hội Pháp (12/1920). Ảnh tư liệu.

Đọc xong bài viết của Thụy Khuê, tôi hoàn toàn thất vọng, bởi tác giả của nó hình như không có ý định xuất hiện như một nhà khảo cứu với phương pháp làm việc khoa học, mà chỉ muốn làm một nhà báo tuyên truyền cho động cơ chính trị của nhà đài! Âu cũng là chuyện thường tình như là “nợ áo cơm, phải trả hình hài” vậy thôi! Người đọc nhận thấy ngay các chủ kiến và lập luận của Thụy Khuê đưa ra hoàn toàn không phải là kết quả của một quá trình tìm tòi nghiêm túc, dựa trên các chứng cứ xác thực, được chứng minh cụ thể, có nguồn xuất xứ tin cậy, mà chỉ toàn xuất phát từ những thiên kiến chủ quan, những lập luận hời hợt, để rồi đưa ra những kết luận hồ đồ với cách thức diễn đạt không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học: Có lẽ là, có thể là, rất có thể là, phải chăng là… (của Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh,…) được tác giả lặp đi lặp lại hàng chục lần! Những lỗi thô thiển về logic và lập luận như vậy có lẽ chỉ những học sinh trung học đang tập viết văn chính luận mới thường mắc phải!

Tuy nhiên, người đọc vẫn hiểu được cái đích của bài viết mà Thụy Khuê muốn đi tới: Tất cả các bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc từ 1919 đến 1923, thậm chí đến năm 1927. Thụy Khuê cho rằng: Tất cả những bài được đăng trên Inprekor-cơ quan thông tin của Quốc tế cộng sản; rồi cuốn Đông DươngBản án chế độ thực dân Pháp cũng được quy cho là của Nguyễn Thế Truyền hoặc Nguyễn An Ninh mà không cần bất cứ một sự chứng minh nào! Thật không thể tưởng tượng nổi có một người cầm bút, định làm nghiên cứu mà lại liều lĩnh đến như vậy!

Cơ sở xuất phát cho mọi thiên kiến cực đoan của Thụy Khuê bắt đầu từ chỗ tác giả cho rằng: Giữa năm 1919 Nguyễn Tất Thành mới từ Anh trở lại Pa-ri. Lúc đó Nguyễn Tất Thành mới đang học tiếng Pháp nên chưa thể viết những bài báo có nội dung chính trị phức tạp được!

Kể ra, đối với một bài viết tùy tiện như thế, thực không đáng phải tốn nhiều giấy mực về nó. Nhưng với nhiều bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, không có điều kiện trực tiếp với thư tịch gốc, đọc Thụy Khuê sẽ dễ bị ngộ nhận, nên tôi thấy cần thiết phải viết bài trao đổi này với Thụy Khuê và với các bạn đọc có quan tâm đến vấn đề được đặt ra.

Vậy, Nguyễn Tất Thành trở lại Pa-ri năm nào? Trình độ tiếng Pháp của anh ra sao?

Đúng là vấn đề thời gian Nguyễn Tất Thành trở lại Pa-ri chính xác vào ngày, tháng, năm nào vẫn đang còn có ý kiến khác nhau. Trong hai công trình nghiên cứu của mình về Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc, Tiến sĩ sử học Thu Trang đều cho rằng: “Nguyễn Ái Quốc đã đến Pa-ri vào đúng lúc Hội người Việt Nam yêu nước ra đời. Nghĩa là vào cuối năm 1916 đầu năm 1917, chắc hẳn không phải là trường hợp ngẫu nhiên”. Một số người khác, trong đó có nhà sử học Pháp Daniel Hémery, lại cho là vào năm 1919 chứ không phải năm 1917”. Cả hai phía đều dựa vào những báo cáo khác nhau của mật thám. Tuy nhiên, có nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng cần phân biệt thời điểm Nguyễn Tất Thành bí mật trở lại Pa-ri với thời điểm mật thám phát hiện ra anh từ sau vụ việc anh thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước đến trao bản Yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị hòa bình Versailles. Nghĩa là mật thám Pháp chỉ phát hiện ra anh từ sau ngày 18-6-1919. Đó chính là thời điểm mà Tổ chức giúp đỡ người lao động nhập cư của Đảng Xã hội đã lo xong cho Nguyễn Tất Thành những giấy tờ hợp pháp, để từ đó anh có thể xuất hiện công khai. Như vậy, Nguyễn Tất Thành đã phải có mặt ở Pa-ri trước thời điểm nói trên từ lâu rồi.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết của một đảng viên Xã hội kỳ cựu, nguyên là công nhân xưởng in Báo L’Humanité, có chân trong ban đón tiếp người lao động nhập cư của Đảng Xã hội sau chiến tranh; ông kể: "Lần đầu tiên tôi gặp anh Nguyễn là vào tháng 7-1918, khi anh mới từ Luân Đôn sang được mấy tháng. Lúc đó, anh đang phải sống ẩn dật trong một căn phòng nhỏ ở phố Charonne, có khi hàng tuần không dám ra ngoài, để tránh mọi sự khám xét. Tôi đã thu xếp cho anh một chỗ ở mới tại quận 13, nhà đồng chí Moktar, người Tunisie. Để đảm bảo an toàn, khi Moktar đi vắng, anh không được đốt lửa, thắp đèn, mùa đông năm ấy rất rét. Anh phải chịu đựng như thế cho đến khi Đảng thu xếp xong cho anh các giấy tờ hợp pháp: Giấy quân dịch, thẻ lao động…".

Chứng cứ rành rành là vậy mà Thụy Khuê vẫn khẳng định thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Pa-ri là tháng 6-1919 vì nó phù hợp với chủ kiến của mình: Mãi giữa năm 1919 Nguyễn Tất Thành mới đến Pa-ri, tiếng Pháp chưa thạo, làm sao viết được những bài báo chính trị phức tạp!

Vấn đề cần làm rõ là vào thời điểm đó, khả năng tiếng Pháp của Nguyễn Tất Thành đã đạt tới trình độ nào? Theo tiểu sử, chúng ta biết khi ở trong nước, anh Thành đã theo học tại Trường Quốc học Huế và hoàn thành chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur). Trong lời khai với sở mật thám Huế ngày 19-3-1920, ông Nguyễn Tất Đạt cũng nói rõ: “Il obtint son certificat d’e'studes primaires en 1908 et fut admís au Quôc Hoc”. Khi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành làm việc trên tàu viễn dương cho các hãng Chargeurs Réunis, rồi hãng Messageries Maritimes (Năm Sao). Đây đều là các hãng vận tải biển của Pháp, chỉ chuyên nói tiếng Pháp. Tại Marseille, ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành viết đơn bằng tiếng Pháp, gửi Tổng thống Cộng hòa Pháp, xin vào học Trường Thuộc địa, cuối thư có nói rõ: Biết tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Hán. Tiếp theo, tại Sài Gòn ngày 31-10-1911 và tại Niu Y-oóc ngày 15-12-1912, Nguyễn Tất Thành đã gửi hai bức thư cho Khâm sứ Trung Kỳ, một bức nhờ chuyển cho cha một ngân phiếu 15$, một bức cho biết đã gửi cho cha là Nguyễn Sinh Huy 3 ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một thư trả lời. Thư anh Thành viết tỏ ý muốn được biết địa chỉ và tình hình cha mình hiện nay sống ra sao. Những bức thư này đều được anh Thành viết bằng tiếng Pháp với cách diễn đạt gãy gọn, trong sáng và chuẩn xác về chính tả-ngữ pháp. Điều này chứng tỏ người viết đã có một trình độ vững vàng về tiếng Pháp. Thời gian đầu sang Anh, trong một lá thư gửi Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành viết: “Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp”. Điều đó cho thấy việc học nói và viết tiếng Pháp của anh Thành là một quá trình liên tục. Vì vậy, khi trở lại Pa-ri, anh đã có thể nói và viết tiếng Pháp thông thạo, đó là điều dễ hiểu.

Các mật vụ người Việt được "giao" nhiệm vụ theo dõi anh đều có báo cáo giống nhau. Ví như mật báo của Đốc phủ Bảy (mật danh là Edouard) viết: “Anh ta nói được tiếng Anh và tiếng Pháp thông thạo, biết ít tiếng Đức và tiếng Trung Quốc”. Một nhà báo Mỹ đã phỏng vấn anh và đăng bài đó trên tờ Yi Che Pao, xuất bản ở Thiên Tân, số ra ngày 2-9-1919, xác nhận “Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Pháp rất giỏi” (parle admirablement le francais).

Không lâu, sau khi xuất hiện công khai, Nguyễn Ái Quốc đã hăng hái đăng đàn diễn thuyết bằng tiếng Pháp với thính giả Pháp, xin đơn cử:

- Ngày 14-1-1920, tại số 3 đường Chateau - Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài “Sự tiến triển trong xã hội các dân tộc châu Á và những yêu cầu của nước Nam” (Theo Báo L’Humanité các số ra ngày 13 và 14-1-1920 và báo cáo của mật thám Jean).

- Ngày 11-2-1920, Nguyễn Ái Quốc thuyết trình đề tài “Chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và vấn đề ruộng công điền ở Trung Quốc và Việt Nam”, tại Hội nghị những người thanh niên CS Quận 2 (Theo báo cáo của mật thám Jean).

- Tại cuộc mít tinh kỷ niệm 1-5-1920, Nguyễn Ái Quốc đã lên diễn đàn nói về “Chương trình hoạt động của Nhóm Xã hội đòi ngừng gửi người thuộc địa sang Pháp” (Báo cáo của mật thám Jean).

- Ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc, đại biểu duy nhất là người bản xứ, được mời tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, khai mạc tại thành phố Tours. Ngay buổi chiều hôm sau, anh được Chủ tịch phiên họp-Emile Goude-mời lên phát biểu. Bài phát biểu ứng khẩu, được biên bản tốc ký ghi lại cho thấy ở anh một tư duy và ngôn ngữ Pháp sắc sảo, súc tích, sáng sủa, mạch lạc, tập trung vào mục tiêu tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, kêu gọi sự ủng hộ thiết thực sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bài phát biểu đã được đại hội nhiều lần vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Ngay sau phát biểu của anh, Chủ tịch phiên họp E.Goude nhận xét: “Bằng một thứ tiếng Pháp tuyệt vời (En un excellent francais), ông đã tố cáo những tội ác, những hành động đàn áp và chuyên chế mà hai mươi triệu người An Nam là nạn nhân, họ bị đầu độc bằng rượu và thuốc phiện, bị bóc lột và truy nã bởi một thứ công lý tư sản đè nặng lên họ. Tất cả những đảng viên xã hội nhất trí phản kháng, chống lại những bất công và tội ác của thứ công lý tư sản ở Đông Dương” (Vỗ tay).

Đưa ra một vài dẫn chứng để hiểu được trình độ tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc vào quãng 1919-1920 khi ông bước vào hoạt động chính trị ngay tại thủ đô Pa-ri. Tất nhiên, từ văn nói đến văn viết còn phải qua một chặng đường học tập và rèn luyện nữa. Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng, hoạt động chính trị công khai giữa Pa-ri phải sử dụng được vũ khí tuyên truyền sắc bén là sách báo. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã ra sức học viết, trước hết là học với người thầy trực tiếp ở ngay cùng nhà là Phan Văn Trường, sau đó là miệt mài ở các thư viện. Nhờ khiêm tốn và dày công học hỏi, nên Nguyễn Ái Quốc đã tiến bộ rất nhanh trong viết báo. Dấu ấn phong cách Phan Văn Trường trong những bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là rất rõ; hoặc do Phan Văn Trường hướng dẫn hoặc được Phan trực tiếp sửa chữa, nên sự khó phân biệt cũng là dễ hiểu (chính Hồ Chí Minh sau này đã công khai nói rõ điều đó). Vì vậy, ngày nay mới cần đến sự thẩm định của các nhà nghiên cứu.

Thụy Khuê xuất phát từ cái nhìn miệt thị, cho rằng Nguyễn Tất Thành tuy cũng xuất thân con quan, nhưng khi xuất dương đã phải sống một cuộc sống nghèo khổ, cực nhọc, không được học hành, không có bằng cấp như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, nên không đủ kiến thức và Pháp văn để viết. Vai trò của Nguyễn Tất Thành trong tờ Báo Le Paria chỉ là “giữ sổ sách, tập viết mấy dòng tin tức, in và phát truyền đơn” thế thôi! Những câu viết khinh thị với đầu óc nặng bằng cấp này chứng tỏ Thụy Khuê tuy sống ở Pháp đã lâu nhưng lại không có được cái nhìn tiên tiến của giới trí thức Pháp. Người Pháp thứ thiệt rất coi nhẹ bằng cấp mà coi trọng thực tài, đề cao tư duy độc lập, khả năng phản biện và cá tính sáng tạo. Hãy nghe một trí thức Pháp, ông Daniel Hémery, đánh giá về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sau này: “Hồ Chí Minh không hoàn thành trọn vẹn một chương trình giáo dục nào, ông cũng không tiếp nhận đầy đủ một nền tri thức hiện đại cũng như nền nho học cổ truyền mà đứng giữa hai nền văn hóa đó. Ông là một người tự học đầy tài năng, là hình mẫu của giới trí thức không bằng cấp, sẽ giữ vai trò quyết định trong phong trào cách mạng”.

(Còn nữa)

NGÔ TRẦN ĐỨC