Đất nước đền chùa. Ảnh Internet
Sau chặng dừng chân ở sân bay Y-an-gun thuộc thành phố Y-an-gun, thủ đô cũ của Mi-an-ma, Đoàn cán bộ cấp cao chính phủ ta tiếp tục lên chuyến chuyên cơ A321 về sân bay ở thủ đô mới Nây-pi-đô. Đường từ sân bay về Trụ sở Hội đồng Hòa bình và Phát triển Nhà nước Liên bang Mi-an-ma rộng thênh thang. Thủ đô Nây-pi-đô mới chưa đầy hai năm kiến thiết nhưng đã mang vóc dáng của một thành phố đẹp và hiện đại. Liên bang Mi-an-ma có diện tích tự nhiên 676.577 km2. Dân số hơn 47,3 triệu người, trong đó đạo phật chiếm gần 90%. Theo thống kê của một kiến trúc sư người Pháp thuộc Trường Viễn Đông, chưa tính những ngôi đền đã bị tàn phá bởi chiến tranh và thời gian, trên đất nước Mi-an-ma có khoảng 2500 ngôi chùa. Riêng vùng Ban-gan đã có tới hơn 1.200 đền chùa. Nổi tiếng và hấp dẫn nhất phải kể tới là chùa Shwedagon ở TP Y-an-gun. Trong hành trình chuyến thăm đất nước Mi-an-ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cán bộ cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến thăm chùa Shwedagon. Ngôi đền là sự kết nối của 100 tòa nhà chạm khắc rất tinh vi, được xem là điển hình của kiến trúc cổ truyền. Toàn bộ ngôi đền được trang điểm bởi khoảng 8.700 lá vàng (mỗi lá vàng nặng khoảng 50 gam), 5.450 viên kim cương và 2320 viên hồng ngọc, lam ngọc. Khối ngọc bích khổng lồ vào loại nhất thế giới được đặt trên đỉnh tháp. Trời đã sang chiều, ánh nắng chiếu vào những tấm dát vàng trên tháp sáng lóa khiến tất cả những ai muốn tận hưởng vẻ nguy nga, tráng lệ của ngôi chùa đều phải nheo mắt. Trình độ, kỹ xảo điêu luyện của những người thợ thủ công thật đáng thán phục.

Không chỉ là hòn ngọc của kiến trúc cổ truyền, sức sống tươi trẻ là điều mà có lẽ ai đã từng đặt chân đến vùng đất này cũng dễ nhận ra. Người dân Mi-an-ma giàu lòng mến khách và trọng nghĩa tình. Điều này không chỉ thể hiện ở sự đón tiếp thắm tình hữu nghị, trọng thị và chu đáo mà Chính phủ Mi-an-ma dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam mà còn toát lên trong từng ánh mắt, nụ cười, nghĩa cử của những người dân Mi-an-ma mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc. Những gì đang diễn ra ở Mi-an-ma vượt xa trí tưởng tượng của tôi. Đất nước của đền chùa này đang ổn định và phát triển khá nhanh. Dọc đường từ Trụ sở Hội đồng Hòa bình và phát triển Nhà nước Liên bang Mi-an-ma về Trụ sở Chính phủ - nơi diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa hai đoàn, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hối hả của những công nhân xây dựng các công trình hạ tầng, mở đường giao thông, của những nông dân trồng cấy trên đồng ruộng… Thủ đô Nây-pi-đô chưa đầy hai tuổi (Mi-an-ma chuyển Thủ đô từ I-an-gun về Nây-pi-đô từ tháng 1-2006) còn bộn bề với cả núi công việc, nhưng với sức trẻ và tinh thần lao động khẩn trương của những người dân Mi-an-ma cần cù và sáng tạo không lâu nữa thủ đô Nây-pi-đô sẽ nổi tiếng về sự hoành tráng. Tôi tin là như vậy!

Mi-an-ma là một đất nước giàu tài nguyên, đặc biệt là đá quý, vàng, dầu khí… Đất đai cũng khá phì nhiêu, với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc-ta ngành nông nghiệp được xem là một mũi nhọn của Mi-an-ma, chiếm 50,1% nền kinh tế quốc dân và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Mi-an-ma bắt đầu tiến hành cải cách nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang cơ chế thị trường từ năm 1988. Theo đó, Luật Đầu tư nước ngoài cũng được ban hành, cho phép sự trở lại các doanh nghiệp tư nhân… Trong lĩnh vực cải cách kinh tế, Mi-an-ma đã thu được một số kết quả nhất định. Tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 7,5%. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những thành tựu mà nhân dân Mi-an-ma đạt được trong công cuộc ổn định và xây dựng đất nước, đặc biệt là những kết quả tốt đẹp bước đầu trong quá trình thực hiện lộ trình dân chủ 7 điểm và tổ chức Đại hội Quốc dân trong tháng 7-2007 để chuẩn bị cho việc ban hành Hiến pháp mới và Tổng tuyển cử là rất quan trọng.

Chính phủ Mi-an-ma đang phấn đấu xây dựng nền kinh tế thị trường, trong đó lấy nông nghiệp- lâm nghiệp-ngư nghiệp làm nền tảng. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mi-an-ma trong 32 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao phát triển rất tốt đẹp. Nhưng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước thì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mi-an-ma có tăng đáng kể qua các năm, hiện tại đã đạt mức 72 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Mi-an-ma chỉ đạt khoảng 15 triệu USD và nhập khẩu từ Mi-an-ma khoảng 55 triệu USD. Có ý kiến cho rằng đó là do những khó khăn về cơ chế, chính sách… Tuy nhiên, theo chúng tôi dù với bất cứ lý do nào những con số nói trên vẫn rất đáng để hai bên, đặc biệt là phía Việt Nam suy nghĩ. Ông U Win Myint - Chủ tịch Phòng thương mại - công nghiệp Mi-an-ma cho rằng: ‘‘Kinh nghiệm từ công cuộc đổi mới của Việt Nam là rất quý và độc đáo’’.

Các nhà doanh nghiệp Mi-an-ma rất muốn được tiếp xúc, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Liên bang Mi-an-ma chưa nhiều. Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Mi-an-ma - Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Giữa Mi-an-ma và Việt Nam có nhiều nét lịch sử, văn hoá tương đồng. Mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết tin cậy giữa hai nước đã có truyền thống từ lâu… Đây là những thuận lợi rất cơ bản để doanh nghiệp hai nước quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Thủ tướng hoan nghênh việc doanh nghiệp hai nước tăng cường phối hợp, hợp tác thông qua các diễn đàn khu vực và quốc tế. Chính phủ hai nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất là về chính sách, cơ chế thanh toán… để khuyến khích các nhà doanh nghiệp hai nước tăng cường gặp gỡ đối tác, xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng đầu tư…

Sức sống mới và tươi trẻ đang mở ra với đất nước Mi-an-ma. Những kết quả đã đạt được từ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thêm một lần khẳng định mong muốn và quyết tâm đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mi-an-ma lên tầm cao mới của Chính phủ hai nước. Đó cũng là một động lực tiếp sức cho nhịp sống mới, tươi trẻ trên đất nước đền chùa – Mi-an-ma.

PHÙNG KIM LÂN