QĐND Online - Sau bao ngày mong đợi, 16 hộ dân từ đất liền đã bắt đầu cuộc sống mới trên đảo Trần. Mỗi người đến từ một miền quê nhưng đều mong muốn an cư và lập nghiệp trên đảo tiền tiêu cực Đông Bắc của Tổ quốc. Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cuộc sống người dân đang dần đi vào ổn định ngay từ ngày đầu ra đảo…

Bình minh trên đảo

Chuyến tàu của chúng tôi cập bến đảo Trần cũng là lúc bình minh vừa ló khỏi mặt biển. Con đường từ cảng chính Vụng Tây kéo sang cảng Vụng Nam đã được đổ bê tông khang trang, rộng rãi. Sự xuất hiện của những ngôi nhà kiên cố còn mới màu sơn cùng với nhịp sống sôi động trên đảo thực sự cuốn hút chúng tôi. Đại úy Nguyễn Huy Bằng, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Trần (Lữ đoàn 242) nhanh nhảu giới thiệu với chúng tôi về điểm mới lạ trên đảo Trần: “Thực hiện dự án di dãn dân ra đảo Trần của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến nay đã có 16 hộ ra sinh sống và gắn bó lâu dài trên đảo. Đây là những ngôi nhà bàn giao đợt đầu tiên trong tổng số 30 ngôi nhà mà Tổng công ty Đông Bắc bàn giao giai đoạn 1 cho các hộ dân trong dự án đưa dân ra đảo Trần. Hôm nay bộ đội đang tập trung giúp bà con sắp xếp các vật dụng sinh hoạt trong nhà”.


Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi dừng chân là của vợ chồng anh Đặng Văn Hợi và Hoàng Thị Ngọc. Nhà rộng hơn 80m2 đang được các chú bộ đội đảo Trần sắp xếp đồ đạc theo ý của gia chủ. Anh Đặng Văn Hợi cho biết: “Nhà thì do Tổng công ty Đông Bắc xây dựng và bàn giao, còn toàn bộ vật dụng như tivi, đầu chảo, tủ, giường, nệm, chăn ga và bàn ghế đều do Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ tài trợ. Gia đình nào cũng được hỗ trợ như thế nên điều kiện sinh hoạt trên đảo
bước đầu của các hộ được bảo đảm; thấy được tình cảm, hơi ấm của đất liền gửi trao các ngư dân”.

Anh Bùi Văn Hải, hàng xóm nhà anh Hợi bổ sung thêm: “Các hộ ra đảo lần này đều được tham gia ý kiến và nhất trí chọn mẫu nhà, vị trí dựng nhà nên rất phấn khởi. Mẫu nhà này phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt của những người làm nghề khai thác thủy hải sản, giúp chúng tôi thêm yên tâm bám biển, bám đảo”.

Những công dân nhí đầu tiên trên đảo Trần.

Các hộ ra đảo Trần lập nghiệp lần này hầu hết là các hộ làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản chưa có nhà riêng ở đất liền. Họ tình nguyện đến với đảo Trần không chỉ để thuận tiện việc đánh bắt mà còn thể hiện tình yêu biển đảo của Tổ quốc. Anh Nguyễn Văn Hùng (quê ở xã Phú Hải, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) - là hộ ra đảo đợt đầu tiên - cho biết thêm: “Lâu nay chúng tôi đều đánh bắt và khai thác ở khu vực gần đảo Trần. Cả đời làm nghề đi biển nên chưa bao giờ nghĩ mình lại có ngôi nhà khang trang, vững chắc như thế này. Bây giờ có nhà trên đảo, công việc đánh bắt sẽ thuận lợi hơn. Thời gian tới, tôi mong muốn được vay vốn để mở dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu trên đảo”.

Để giúp các hộ ngư dân yên tâm bám biển, bám đảo, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt của ngư dân như đường, nước, điểm trường mầm non đón nhận các cháu trong độ tuổi đến trường. Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục âu tàu, điểm neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân, xây dựng điểm trường các cấp học, bệnh xá, điện lưới để bà con yên tâm lập nghiệp trên hòn đảo tiền tiêu cực Đông Bắc của Tổ quốc”.

Đảo Trần sẽ không xa

Cuộc sống mới của người dân trên đảo Trần ban đầu sẽ có những khó khăn. Thế nhưng với anh Hoàng Văn Hiển (quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) - hộ dân đầu tiên sinh sống ở đảo Trần từ năm 2005 - cho biết: “Trước đây chúng tôi ra đây phải tự túc tất cả, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Các hộ di dân theo ra đảo Trần đợt này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp quan tâm lo toan chu đáo nên tạo thuận lợi cho chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với đảo. Đảo Trần giờ đã rất gần đất liền!”.


Lời tâm sự mộc mạc của anh Hiển cùng với niềm vui của các hộ dân mới ra đảo cho thấy cuộc sống mới trên đảo hứa hẹn nhiều tương lai. Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: “Để đảo gần đất liền hơn, thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ phương tiện tàu khách với tần suất 2 chuyến/tuần. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các hạng mục âu tàu để bà con làm nghề đi biển sẽ có nơi trú đậu an toàn trong mùa mưa bão”.

Những ngôi nhà mới trên đảo Trần (Quảng Ninh).

Để các hộ dân yên tâm bám đảo, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huyện Cô Tô rà soát các cháu trong độ tuổi đến trường; trước mắt sẽ mở điểm trường mầm non trên đảo Trần trực thuộc Trường mầm non Thanh Lân. Các cháu trong độ tuổi học THCS và THPT sẽ được bố trí học tại các trường dân tộc nội trú và được hưởng mọi chế độ như con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đêm buông xuống nơi đảo Trần thật yên ả. Những bóng điện phát sáng từ các hộ dân làm cho đảo thêm lung linh, rực rỡ. Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết thêm: “Hiện tại, huyện bố trí máy phát điện và tài trợ toàn bộ dầu để cung cấp điện cho bà con từ 17 giờ đến 22 giờ 30 phút hằng ngày; theo dự án, khoảng tháng 11-2015 tới sẽ đưa điện lưới ra với bà con đảo Trần. Khi ấy bà con sẽ có điều kiện mở mang sản xuất, làm các dịch vụ cung cấp hải sản cho đất liền”.

Đảo Trần nằm ở vị trí đường phân định Vịnh Bắc Bộ khoảng 7 hải lý giờ đã rất gần với đất liền. Những người dân đầu tiên lập nghiệp trên đảo Trần đang mang trong mình sứ mệnh lịch sử - tạo nên nhịp sống mới nơi đảo tiền tiêu cực Đông Bắc của Tổ quốc.

Bài và ảnh: ĐỨC DỤC