Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Với nỗ lực này, nhân dân thành phố hy vọng sẽ được thấy một dòng kênh xanh, sạch chạy dài 13 km, từ quận 1 sang Bình Thạnh, quận 3, Phú Nhuận đến Tân Bình. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, Nhiêu Lộc-Thị Nghè vẫn là dòng kênh đen bởi tốc độ cải tạo, nâng cấp quá chậm và hàng loạt quán xá mất vệ sinh mọc lên dọc hai bờ kênh.

Thi công “rùa”

Đi dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (NL-TN), từ cầu Thị Nghè (cầu nối giữa quận 1 và quận Bình Thạnh) đến đường Hoàng Việt (quận Tân Bình), chúng ta dễ nhìn thấy cảnh đất đá, cầu cống ngổn ngang, nhiều chỗ bị quây kín cả năm nay nằm yên bất động, gây cản trở giao thông và phiền phức cho người dân. Một số nơi khác thì làm theo kiểu “được đâu, hay đó”. Tất cả cảnh tượng trên, đều do việc thi công chậm chạp của nhà thầu, nên không hoàn thành được trong tháng 11-2006 theo kế hoạch. Hiện nay, gói thầu số 7 chỉ hoàn thành hơn 30% các hạng mục.

Giải thích về sự chậm trễ này, ông Lu Hong Jie - đại diện cho nhà thầu TMEC-CHEC 3 (Trung Quốc) thực hiện gói thầu số 7 (Dự án vệ sinh môi trường) - nói: “Chúng tôi đã thi công theo phương pháp kích ống ngầm. Vì địa chất rất phức tạp, phải vận chuyển thiết bị từ Trung Quốc sang, nên không thể thi công nhanh được”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc thi công gói thầu này, chủ yếu là công nhân Việt Nam chưa biết làm kiểu kích ống ngầm. Vì thế, nhà thầu đã phải dành khá nhiều thời gian để đào tạo cho họ. Vừa qua, trong việc thi công kích ống ngầm, nhà thầu đã sử dụng robot nhưng đã để xảy ra sự cố chìm robot xuống sâu. Người ta vẫn lý giải nguyên nhân dẫn đến sự cố là do đất quá mềm và địa chất phức tạp. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì công tác khảo sát, thiết kế chưa tỉ mỉ, kỹ càng và chưa mang tính khoa học cao. Bên cạnh đó, đơn vị giám sát lại cho rằng đơn vị thi công không tuân thủ phương pháp thi công của đơn vị thiết kế đưa ra.

Trong quá trình thi công gói thầu số 7 cho thấy, năng lực của nhà thầu quá yếu, dẫn đến xảy ra nhiều sự cố như chìm robot, làm lún nhà dân, tràn nước. Bên cạnh đó, việc di dời cơ sở hạ tầng như đường điện, ống nước, nhà dân đã làm cho tiến độ thi công rất chậm. Chính vì thế, hệ thống tuyến cống bao bằng bê tông cốt thép có đường kính 3m, dài gần 9 km, được đặt sâu dưới lòng kênh từ 8 đến 14m và 5 công trình xả tràn có chiều sâu 4-6m, 2 miệng thu và thiết bị rút nước chết, miệng xả ngầm từ trạm bơm ra sông Sài Gòn không thể hoàn thành theo dự định là 36 tháng.

Vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn thanh tra đi kiểm tra các dự án trọng điểm của thành phố, hầu hết các dự án trọng điểm đều có sai phạm và 51% dự án “không trọng điểm” là kém hiệu quả. Trong đó, hầu hết các hạng mục của dự án cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đều dở dang, tiến độ thi công chậm.

Hàng quán gây mất vệ sinh

Từ năm 2003, nhiều hộ gia đình nghiễm nhiên trở thành nhà mặt tiền bên dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Họ đã cải tạo nhà cửa để kinh doanh. Lúc đầu, các nhà chỉ đủ vốn để kê vài ba cái bàn con làm một quán cóc với những món nhậu “bình dân” là: Nghêu, sò, ốc, hến, cùng các loại nước giải khát lên men, hay một số loại bia, rượu rẻ tiền. Nhưng khi đã có vốn, số bàn ghế tăng lên theo năm tháng. Chỉ sau 3 năm, căn nhà cấp 4 đã được xây thành hai, ba tầng và có tên Quang Mập, hay Bé Bảo... tại kênh Nhiêu Lộc ở phường 3, quận Bình Thạnh. Bất kể ngày đêm, những người dân sống quanh những hàng quán này, đã phải chịu cảnh đinh tai, nhức óc của nhạc bốc và những tiếng la hét của người uống bia, rượu.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2003, ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chỉ có khoảng 80 quán ăn nhậu, thì đến đầu năm 2007, con số này đã lên mức gần 800 quán. Không chỉ có quán nhậu mới hưng thịnh, mà các quán cà phê cũng mọc lên như nấm. Tham gia gây nên cảnh nhếch nhác bên dòng kênh là cả trăm người bán trứng cút, bánh đa, nem chua, cóc-ổi-xoài, mực nướng, bắp luộc… và đội quân đánh giày, bán vé số, ăn xin. Vào các buổi chiều muộn, khói nướng thịt, hải sản từ các quán bắt đầu bốc lên, làm cho người đi đường cảm giác như có nhà cháy. Anh Nguyễn Văn Minh, ở gần khu vực cầu Công Lý cho biết: “Nhà tôi ở phía trong, nhưng vẫn ngửi thấy mùi thịt, mùi mỡ bay tới. Nhiều hôm tôi rất ngại ra dạo ven kênh, phần vì mùi hôi thối, phần vì cảnh nhộn nhạo”. Không chỉ người sống cạnh các hàng quán ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, mà những người có công việc phải đi qua đây cũng rất ngại bởi cảnh níu kéo, tranh mua, tranh bán của các quán. Để có nhiều khách vào quán, người ta đã sử dụng các thiếu niên trai tóc nâu, tai bấm lỗ, tràn ra đường chặn xe, kéo khách vào.

Tôi đi dọc các quán nhậu và giải khát ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào một buổi tối, thấy ở hai bên bờ kênh, cảnh đi tiểu tiện, ném rác, vứt vỏ trái cây bừa bãi của khách và chủ quán, diễn ra rất ngang nhiên. Một ông khách khoe với tôi: “Nhậu ở đây quá đã. “Buồn” thì cứ xả xuống kênh, vừa thoải mái, lại không phải giội nước”. Cũng bởi thế, dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã nặng mùi, lại càng sực nức thêm. Quán xá ở Nhiêu Lộc-Thị Nghè hoạt động hầu như không nghỉ. Có quán phục vụ khách thâu đêm, suốt sáng. Họ phải thuê nhiều nhân viên để làm hai, ba ca liền. Tất cả các hàng quán bên dòng Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đang vẽ lên một bức tranh nhốn nháo về cảnh quan đô thị ở góc khuất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Bao giờ là dòng kênh xanh, sạch?

Khỏi phải nói, người dân Thành phố Hồ Chí Minh và du khách đến đây rất mong mỏi Nhiêu Lộc-Thị Nghè trở thành một dòng kênh xanh, sạch. Họ rất muốn cầu Công Lý sớm hoàn thành, muốn cảnh ngổn ngang của đất, đá, cầu cống sẽ chấm dứt và muốn không có cảnh ồn ào, dơ bẩn từ các hàng quán ven kênh.

Vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án vệ sinh môi trường. Trong xem xét kết quả thanh tra mới đây, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Tín, đã yêu cầu thanh tra và các cơ quan chức năng của thành phố phải rà soát kỹ toàn bộ qui trình, thủ tục triển khai, làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong thi công gói thầu số 7 để xử lý nghiêm.

Nhân dân thành phố cũng mong các cấp chính quyền có kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chảy qua và các cơ quan chức năng, cần quản lý chặt chẽ tình hình kinh doanh trong khu vực. Ngoài việc thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành tốt qui định về trật tự, an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường, cần kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các qui định đó. Nếu hàng quán nào để xảy ra mất trật tự an ninh, vứt rác thải bừa bãi, để khách đại, tiểu tiện không đúng chỗ, phải có hình thức xử lý nghiêm, kèm theo các hình thức phạt hành chính thích đáng. Đó là những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, để Nhiêu Lộc-Thị Nghè trong xanh, hấp dẫn đối với mọi người.

LÊ PHI HÙNG