Kỳ cuối: Tiến theo Đường 9

Ngày 13 đến ngày 18 tháng 1 năm 1971

QĐND - Biến động lớn. Hơn 3 năm chiến đấu hy sinh, cái tên Trung đoàn 246 trở nên máu thịt của tôi rồi. Nay theo yêu cầu của cách mạng, toàn bộ chiến sĩ trung đoàn và Tiểu đoàn 1 trở về Quân khu Việt Bắc. Tiểu đoàn 3 của tôi và Tiểu đoàn 2 cắt lại và trở thành hai tiểu đoàn độc lập của Mặt trận B5.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Hợi-ảnh chụp tại mặt trận Đường 9. Ảnh tư liệu.

Cả ngày 18-1-1971, tôi làm những công việc cuối cùng với quân lực trung đoàn trong công tác bàn giao. Chính ủy trung đoàn Hoàng Long có vẻ buồn lắm, ông cầm lấy tay tôi mà nước mắt lưng tròng: “Ở lại cố gắng Hợi nhé”. Tôi hiểu lòng chính ủy cũng đang ngổn ngang tâm sự.

Ngày 28 đến ngày 30 tháng 1 năm 1971 (tức mồng 1, 2, 3 Tết âm lịch)

Một Tết chiến trường nữa đến với tôi, một Tết phải xa gia đình, xa quê hương. Ngày 28 Tết cùng anh em ra đường 15 lấy hàng Tết về cho đơn vị.

Tết năm nay ăn Tết ở Động Cam (gần xóm Cây Tăm của má Lộc). Vật chất khá hơn mọi năm (riêng Đại đội 9 vẫn còn đang ở  Đường 9, ra ăn Tết sau).

Ngày 24 tháng 2 năm 1971

Đêm nay, địch rục rịch tháo chạy khỏi Khe Sanh, ở Nam Lào tin báo về thắng lớn. Mặt trận lệnh cho tiểu đoàn đưa Đại đội 9, có tăng cường Đội pháo số 7, tên lửa vác vai B72 của 351 cùng thọc sâu vào đánh địch rút quân ở Đường 9. Từ 2 giờ sáng, tôi đã cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy tiểu đoàn xuống làm công tác tổ chức… Quân số vũ khí của Đội 7 để tăng cường cho Đại đội 9 vào Đường 9 đánh địch gần sáng mới xong. Buồn ngủ quá, hai mắt cay sè. Thế là cả tiểu đoàn vào đánh địch

Ngày 5 tháng 3 năm 1971

Cả tiểu đoàn đi đón đánh địch.

Ngày 14 tháng 3 năm 1971

Thật không ngờ cuộc sống lại phũ phàng thế.

Chiều nay, đang vui với chiến công chung của cả tiểu đoàn trong đợt đánh địch ở dọc Đường 9 thì được tin Thông, công vụ tiểu đoàn đã hy sinh. Đau khổ và thương tiếc, tôi như bị mất đi một cái gì. Thông trẻ và sống rất hay. Ở tiểu đoàn, tôi coi Thông như đứa em. Sự mất mát này làm sao bù đắp được. Quyên, người yêu của Thông từ nay sẽ vĩnh viễn không còn Thông nữa (Quyên công tác ở Văn phòng Huyện ủy huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) và sẽ chẳng bao giờ còn nhận được thư Thông.

Ngày 15 tháng 3 năm 1971

Đi đón thi hài Thông ở trong chuyển ra. Trước khi an táng Thông ở nam sông Bến Hải, tôi và Thuận-trinh sát đã nổ một loạt súng vĩnh biệt Thông. Càng nghĩ càng thương Thông vô hạn.

Ngày 14 tháng 4 năm 1971

Chiến dịch Đường 9-Nam Lào giành thắng lợi giòn giã. Không khí quyết thắng bao trùm đơn vị. Đơn vị đã ra củng cố ngoài Vĩnh Chắp (Vĩnh Linh) từ ngày 10-4-1971, nhưng tôi còn bận đi đón anh em tân binh.

Thời gian qua, cuộc chiến đấu cuốn đi làm việc ghi nhật ký bị gián đoạn liên tục.

Ngày 17 tháng 4 năm 1972

Ta đã giải phóng đến thị trấn Cam Lộ. Cho nên vừa ngủ dậy, tôi và Tư cứ thẳng Đường 9 mà đi về hướng Đông. Qua căn cứ Đầu Mầu (đã giải phóng) đi về Cam Lộ. Dọc Đường 9 xác địch nằm ngổn ngang... Đến trưa thì đến Cam Lộ. Ở đây, nhà cửa nhiều, toàn nhà lợp tôn. Đồ đạc vứt vung vãi. Một số dân chạy vào Đông Hà, một số ra Bắc, ở lại một số lượng không đông lắm.

Theo chỉ dẫn, tôi sục vào chi khu quân sự Cam Lộ để tìm đơn vị. May vừa vào đến cổng chi khu thì gặp Chính trị viên phó Lê Binh Chủng (tổ viên tổ bần nông của chúng tôi), hai anh em ôm lấy nhau mừng quá. Rồi về nơi tiểu đoàn bộ đang đóng. Đây là ấp Phan Xá, ở ngay nhà o Loan. Bụng chửa to nghe đâu sắp đẻ. Chồng là lính ngụy, hiện không biết thất lạc ở đâu. Cả tiểu đoàn đang vây ép đánh địch ở điểm cao 30-28. Ở đây đêm pháo bắn nhiều và B52 cũng đánh phá thường xuyên.

Ngày 19 tháng 4 năm 1972

Thật là một đêm đáng nhớ. Qua cầu gần cao điểm 30 nơi ngụy tập trung đánh pháo nhằm ngăn chặn ta vào Đông Hà. Phải chạy một bữa bở hơi tai, hơn 8 giờ tối thì vào đến vị trí chiến đấu của tiểu đoàn ở cao điểm 30.

Trận địa của tiểu đoàn chỉ cách địch vài trăm mét. Đại đội 11 vừa có trận tập kích địch lúc 5 giờ 30 chiều, diệt được 4 xe tăng. Có hai cái còn đang cháy trên đồi trước mặt.

Ngày 22 tháng 4 năm 1972

Tù binh bây giờ quả là điều rất phiền toái. Đến nỗi không muốn bắt nữa. Vì bắt được là phải trông giữ rồi áp tải gửi ra ngoài. Mà đơn vị giờ đâu còn người. Bữa trước, trên Đường 9 bắt được một tên, thật cực vất vả mới giao được cho huyện đội Cam Lộ. Đêm qua, Đại đội 9 lại gửi về một tên vừa bắt được ở cao điểm 30, tên là Khải ở Triệu Phong, 18 tuổi, lính thiết giáp. Sáng nay, tôi và đồng chí liên lạc đưa tù binh sang huyện đội Cam Lộ. Trao xong tù binh, vừa ra đến đường thì bị ngay một loạt pháo kích nhưng hai anh em không ai bị gì.

Ngày 23 tháng 4 năm 1972

Sáng nay, cả tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của đồng chí Đỗ Văn Mến (sau là Anh hùng LLVT nhân dân - PV) có pháo binh chiến dịch yểm trợ (trong đó có cả vũ khí mới B72) tấn công điểm cao điểm 30-28. Sau khi pháo chiến dịch ngừng bắn, cả tiểu đoàn đồng loạt xung phong. Các em lần đầu tiên chứng kiến B72 đánh địch, phục như bi. Cả tiểu đoàn đã đánh chiếm được cao điểm 30-28 nhưng tổn thất cũng khá nặng (5 đồng chí hy sinh, 24 đồng chí bị thương. Trong 5 đồng chí hy sinh có đồng chí Thái, Đại đội phó Đại đội 9 và Trung đội trưởng Nam ở Đại đội 12). Sau ngày 28-4-1972, cùng với các đơn vị bạn vào giải phóng Đông Hà.

Trận đánh kết thúc, cả đêm, tôi, anh Chủng, anh Xê, anh Sự-cơ yếu và đồng chí Phẩm đi đào huyệt, tổ chức chôn cất anh em ở kề ngay ấp Phan Xá (đã chôn cất anh Thái C9-Thao, Châu Đại đội 11) còn hai đồng chí của Đại đội 12 chưa mang ra kịp. Thao và Châu vừa mới đi lấy gạo, đạn với tôi ở Nghĩa Hy hôm trước, nay đã hy sinh rồi.

Ngày 3 tháng 5 năm 1972

Quảng Trị đã hoàn toàn giải phóng. Thực sự sung sướng.

Ngày 5 tháng 5 năm 1972

Chiều, Tham mưu trưởng Mặt trận B5 xuống làm việc. Tôi trực tiếp báo cáo với Tham mưu trưởng tình hình tiêu thụ vũ khí, đạn dược và tổn thất về quân số trong đợt chiến đấu vừa qua. Rồi chuẩn bị đi đón tân binh.

Có anh Thắng, anh Hùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân theo đơn vị vào Đông Hà. Xin anh Thắng được một kiểu ảnh. Nói anh gửi về quê. Anh Hùng nhà ở 28 Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Ngày 11 tháng 5 năm 1972

Ngày 25-4 thì đi nhận và đưa quân Nam Hà vào đơn vị. Trưa nay lại phải đi chôn cất anh em Nam Hà. Mấy ngày nay địch đánh phá Đông Hà dữ dội. Nhất là vị trí của Đại đội 10 ở gần khu vực Tám Mái. 2 giờ sáng nay, máy bay lại đánh vào Đại đội 10. Một đồng chí tân binh vừa bổ sung hy sinh, đồng chí tên là Hoàng Văn Dung (quê Nghĩa Trung, Nghĩa Hưng, Nam Hà).

Ngày 3 tháng 7 năm 1972

Sáng nay ra quân lực Mặt trận. Anh Hậu ra trao cho quyết định của số anh em chính sách. Tôi qua cứ ở Động Nóc xem có thư từ gì không. Tôi thì không có nhưng nhận của Phan Thị Biển Khơi hai lá thư gửi cho anh Chủng. Bóc ra xem, hóa ra anh Chủng vừa qua đi viện có tạt về thăm Biển Khơi.

Ngày 4 tháng 7 năm 1972

Chiều thì về đến Nhan Biều. Cả tiểu đoàn vẫn ở quanh Ái Từ. Chờ nhận lệnh, tôi đưa cho anh Chủng hai lá thư của Biển Khơi.

(Chuyện tình Lê Binh Chủng - Phan Thị Biển Khơi đến nay đã nổi tiếng cả nước. Anh chị yêu nhau, đã báo cáo chỉ huy đơn vị về tổ chức hôn lễ nhưng trong 81 ngày đêm chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị, một quả bom khoan đánh trúng hầm chỉ huy Tiểu đoàn K3-Tam Đảo khiến anh Chủng và nhiều chiến sĩ khác hy sinh. Chị Biển Khơi sinh con, nhưng sau giải phóng chưa được gia đình anh Chủng công nhận. Năm 2002, tỉnh Quảng Trị tu sửa Di tích Thành cổ, phát hiện hài cốt một liệt sĩ kèm túi công tác và một số lá thư. Bằng trực giác, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi đoán đó chính là hài cốt của đồng chí Lê Binh Chủng. Kiểm tra thấy đúng như vậy. Những lá thư của chị Biển Khơi nay được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Nhân dịp đầu xuân Tân Mão 2011, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã xây tặng mẹ con chị Biển Khơi ngôi nhà tình nghĩa. Ông Nguyễn Văn Hợi, hiện là Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3-Tam Đảo cũng đã vận động bạn chiến đấu ủng hộ gia đình chị Biển Khơi một số vật dụng sinh hoạt có giá trị - PV).

Ngày 9 tháng 7 năm 1972

Sáng nay, Tư lệnh Lê Trọng Tấn cùng Tham mưu trưởng Mặt trận xuống trao nhiệm vụ chiến đấu cho tiểu đoàn. Tiểu đoàn K3-Tam Đảo của chúng tôi bây giờ là quân của Tỉnh đội Quảng Trị và nhiệm vụ của chúng tôi là sáng mai tất cả tiểu đoàn sẽ sang sông, chốt giữ bên trong Thành cổ Quảng Trị. Ban chỉ huy tiểu đoàn có: Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến, Chính trị viên Nguyễn Hữu Đoài, Tiểu đoàn phó Mai Văn Đề, đồng chí Canh Trợ lý tham mưu, Chính trị viên phó Lê Binh Chủng. Cán bộ tham mưu có tôi là Trợ lý quân lực, Đoàn Quốc An là Trợ lý chính trị. Tất cả chúng tôi đứng nghiêm nhận lệnh. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng thay mặt tiểu đoàn hứa với Tư lệnh: K3- Tam Đảo chúng tôi còn thì Thành cổ Quảng Trị còn.

Rạng sáng mai, ngày 10-7, tất cả tiểu đoàn vượt sông Thạch Hãn sang Thành cổ...

Lời kết: Nhật ký chiến đấu của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi đã dừng ở đây. 81 ngày đêm chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị, đối đầu với hàng nghìn tấn bom đạn mà quân thù trút xuống đã không cho ông bất cứ một phút giây ngơi nghỉ nào để giữ thói quen viết nhật ký. Đêm 15-9-1972, Nguyễn Văn Hợi cùng Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến và khoảng 10 chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn thực hiện lệnh cấp trên, rút lui khỏi Thành cổ. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao cho, chốt giữ Thành cổ trong khoảng thời gian cần thiết, phục vụ thắng lợi cho công tác đàm phán trên bàn Hội nghị Pa-ri.

Nguyễn Văn Hợi phục viên sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng với quân hàm thượng sĩ. Hiện ông là thương binh hạng 1/4, sống hạnh phúc tại ngôi nhà số 550, đường Trường Chinh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Kỳ 1: Đường ra trận

Kỳ 2: Trận đầu, chiến đấu hụt

Kỳ 3: Đây là sự "đầu hàng" của Quân giải phóng!

Kỳ 4: Vào Đảng ở Động Tiên

Kỳ 5: Vượt qua “cú sốc” mối tình đầu

Hồng Hải (sưu tầm và giới thiệu)