QĐND - Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng nhà báo, Đại tá Trần Ngọc, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân vẫn rất minh tuệ. Ông vẫn thường xuyên dành thời gian đến Tòa soạn trò chuyện với cánh phóng viên trẻ chúng tôi. Những câu chuyện của ông không chỉ đem đến nhiều kinh nghiệm về làm báo, về phương pháp lấy tài liệu, mà quan trọng hơn là truyền cho chúng tôi “ngọn lửa” của tình yêu nghề.
Câu chuyện từ sau một bài báo
Một buổi sáng, khi ông mặt trời chưa kịp ló khỏi đám mây nơi chân trời phía Đông, chiếc điện thoại của tôi reo vang, hiện tên của nhà báo Trần Ngọc. Ông nói với tôi qua điện thoại mà giọng cứ nghẽn lại từng đoạn. Thấy tôi băn khoăn, ông vội giải thích:
- Cả đêm qua tôi không tài nào ngủ được. Tôi chẳng thể ngờ, từ bài viết với tiêu đề “Huỳnh Thị Diện ở đâu?” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5-8-2011 mà tôi thấy mình như trẻ lại. Những câu chuyện, những cảm xúc, những con người, nét mặt, giọng nói của hơn 40 năm trước lại hiện về trong tôi như mới ngày hôm qua. Không chỉ người được tôi viết trong bài, mà nhiều chị em trong cái đại đội nữ vận tải năm xưa của Sư đoàn 2, Quân khu 5, suốt đêm gọi điện, hỏi thăm, chia sẻ. Quả thật, tôi mừng lắm, vì dù sao bài viết của mình vẫn còn có ích.
 |
Đại tá, nhà báo Trần Ngọc. Ảnh: Vân Hà |
Thế rồi, ông hẹn gặp tôi tại Tòa soạn để kể lại câu chuyện xảy ra với mình trong suốt mấy ngày qua. Vẫn quen tác phong người lính, đúng hẹn, ông đến không sai một giây. Ông say sưa kể cho tôi nghe về những nhân vật của mình cách đây hơn 40 năm về trước. Một sự minh tuệ đáng kinh ngạc, bởi ông nhớ đến từng chi tiết từ giọng nói, dáng đi, ánh mắt, công việc của từng cán bộ, chiến sĩ trong đại đội nữ vận tải ngày ấy, mà ông tình cờ chỉ được gặp họ trong vài ngày giữa không gian mịt mù khói súng và sự thiếu thốn trăm bề của cuộc sống thời chiến. Bây giờ, những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ấy đã lên cô, lên bà, nhưng khi được đọc bài ông viết, được nghe ông nói, họ vẫn cười giòn tan, mặc cho cuộc sống của không ít người hiện nay vẫn thiếu thốn đủ bề. Ông kể:
- Cô Tuyết (Phạm Thị Tuyết) năm nay đã 61 tuổi rồi, hiện sống ở tổ 15, Đà Sơn, Hòa Khánh Nam, Liêu Chiểu, Đà Nẵng gọi điện cho tôi biết: “Tụi em tình cờ đọc được bài viết của bác trên Báo Quân đội nhân dân. Mừng lắm, nhưng chẳng biết hỏi bác ở đâu và làm cách nào để liên hệ được. Tụi em gọi điện tới Tòa soạn và biết được số điện thoại của bác. Tụi em cứ tưởng chẳng còn ai nhớ tới cái Đại đội 3 nữ vận tải ấy nữa, nào ngờ... Mấy ngày rồi, tụi em cứ truyền tay nhau bài viết của bác để đọc, để tìm lại với nhau. Mừng thế bác ạ”. Cứ thế, họ thay nhau trò chuyện với tôi chỉ duy nhất bằng một số máy điện thoại. Nghe họ nói, tôi nghĩ, chắc cuộc sống cũng chẳng khá giả gì. Bởi thỉnh thoảng tôi lại nghe ai đó nói vọng vào: “Thôi nói ít kẻo hết tiền, hẹn bác ấy dịp tới ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ thì tha hồ mà trò chuyện…”. Thế đấy anh ạ!
Và những mẩu chuyện ghi trong nhật ký
Câu chuyện của ông kể lại gây cho tôi sự tò mò. Tôi đặt ông viết tiếp một bài, nhưng ông lưỡng lự. Trầm tư hồi lâu, ông bộc bạch:
- Mình giờ già rồi, viết lách vất vả lắm. Mình sẽ cho cậu mượn cuốn nhật ký công tác của mình thời đó để cậu khai thác. Viết gì cũng được, nhưng nhớ nói rõ hơn giúp mình về cuộc sống, công tác của chị em Đại đội 3 nữ vận tải thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 thời đó. Điều này không chỉ là mong ước của mình, mà còn là ước nguyện của các cô ấy nữa đấy.
Nói rồi, ông lần giở từ trong chiếc túi ni-lon màu trắng đục, đưa cho tôi cuốn sổ nhỏ khá dày được đóng bằng tay. Bìa của cuốn sổ màu xanh có viết số 1 cùng hai chữ “GHI CHÉP” và dưới cùng là 1970. Trang đầu tiên của cuốn sổ góc trên cùng bên phải ông ghi: Phiên hiệu: QL.5136; tiếp đến là: Ghi chép-Giao liên Trường Sơn; F2, Quân giải phóng Trung Trung Bộ-1970; Trần Ngọc. Quả thật, lật lại từng trang viết của ông trong cuốn sổ cũng có thể thấy rất rõ sự nâng niu, gìn giữ. Chữ viết vừa đủ đọc, gọn, rõ và hết sức chi tiết. Ông dành tới 12 trang để viết về Đại đội 3 nữ vận tải Sư đoàn 2, Quân khu 5. Mở đầu, ông viết: “c3 vận tải nữ: d (tiểu đoàn) nhận xét về c3: Công tác tư tưởng tốt. Công tác chuyên môn khá. Hàng hóa, thương binh đều được chuyển vận tốt (pháo bắn quỳ xuống để cáng trên vai sẵn sàng chạy). Đưa quần áo của nữ cho anh em mặc. Không bỏ thương binh chạy. Hàng hóa không mất mát chút nào. Quan hệ nam nữ đứng đắn. Khó khăn: Không có quần, áo lót…”.
 |
Nguyễn Thị Cập, Đại đội trưởng Đại đội 3 nữ vận tải. Ảnh: Trần Ngọc (chụp năm 1970). |
Ngần ấy câu, ngần ấy gạch đầu dòng nhưng giờ đọc lại, tôi vẫn có thể hình dung được phần nào công việc, nhiệm vụ, sự khó khăn vất vả của những nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ vận tải đã phải gánh chịu. Và cũng chỉ ngần ấy câu thôi, cũng đủ để toát lên tinh thần quả cảm, tất cả vì thương binh, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các chị. Đặc biệt, phần ông ghi chép về từng chị, hay từng nhiệm vụ mà đơn vị đã thực hiện tuy ngắn gọn nhưng hết sức rõ ràng. Ví dụ, ông viết: “Đợt phục vụ T25 (1970): Khắp nơi chuẩn bị ăn tết. Đơn vị được lệnh vác ĐKB (28 tết phải ăn tết trước). Vừa làm xong heo, chuẩn bị ăn tết thì B52 ném bom trúng nhà bếp. Mất hết. 3 giờ sáng ngày 29 tết hành quân làm nhiệm vụ. Ban Chính trị đem cho c3 hai gói kẹo, hai gói thuốc ru-by. Hai người vác một quả đạn ĐKB (1 quả 56kg), nhận đạn chỗ Ban Chính trị tặng kẹo. Đảng viên Huỳnh Thị Diện, Huỳnh Thị Bước nhận vác cái thân 46kg. Còn các đồng chí yếu vác cái đầu. Các đồng chí yếu khác hai người vác một cái thân…”.
Còn rất nhiều, rất nhiều những đoạn ông viết hết sức cụ thể và cảm động thể hiện rõ khí phách, lòng dũng cảm, sự kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 nữ vận tải Sư đoàn 2 trong những năm tháng kháng chiến. Ví như ông viết về hoàn cảnh của nữ chiến sĩ Phùng Thị Minh: “Phùng Thị Minh đi bộ đội, gia đình còn. Cuối năm 1969, đơn vị cho Minh về thăm gia đình. Thấy nhà cửa không còn. Chạy ra đầu xóm thấy 10 ngôi mộ. Chạy về xóm hỏi thăm: Gia đình đâu? Đến nhà ông chú, gặp hai em ruột. Đứa 5 tuổi, đứa 2 tuổi. Hai em ôm nhau khóc. Minh bồng em lên cũng khóc. Ông chú động viên rồi dẫn ra chỉ phần mộ - chết: Cha, mẹ, 1 em, bà nội, chú, bác… tất cả 10 người. Minh thấy ở nhà nuôi em không được, nên gửi chú nuôi rồi về đơn vị. Đêm nằm mơ thấy cha, mẹ nằm khóc riết. Chính trị viên hỏi, Minh kể lại cho mọi người nghe, ai cũng khóc. Sau lần ấy, Minh rất tích cực, trở thành tiểu đội phó, đoàn viên. Đi chuyển đạn mang 9 quả đạn cối; mang 50kg gạo; mang một đầu cáng thương. Khi đau ốm cho nghỉ, nhưng vẫn xin đi…”.
 |
Một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 nữ vận tải, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Ảnh: Trần Ngọc (chụp năm 1970). |
Hoặc đoạn ông viết về nữ đồng chí Hoa cũng khá xúc động, thể hiện rất rõ tình thương yêu đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; đặc biệt là sự giúp đỡ của tiểu đội trưởng Huỳnh Thị Bốn. Ông viết: “Đồng chí Hoa, gia đình chết cả. Đi ở đến lớn, đi bộ đội. Thời gian đầu vào bộ đội không tích cực, thích thì làm, thích thì nghỉ. Hoa ở a1, b1, do đảng viên Huỳnh Thị Bốn làm tiểu đội trưởng. Bốn thường tâm sự với Hoa; kể lại hoàn cảnh gia đình Hoa, động viên Hoa, vạch cho Hoa rõ trách nhiệm và lòng căm thù giặc. Hoa xúc động khóc, hứa cố gắng. Khi Bốn hy sinh thì Hoa phục vụ tốt, tích cực. Hoa chưa biết chữ, 23 tuổi, đang đi học văn hóa. Được bằng khen, giấy khen rồi…”.
….
Tôi chưa có dịp được gặp lại những chị, những cô trong cái Đại đội 3 nữ vận tải ngày đó, nhưng chỉ nghe ông kể lại, đọc nhật ký công tác của ông cũng đã rất cảm phục khí phách, lòng dũng cảm, tinh thần cách mạng trong sáng, tình bạn thủy chung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một việc, nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng ở họ là đức hy sinh, lòng quả cảm; tiếp tục, lặng lẽ đóng góp công sức, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Mùa Thu này, nhân dịp ra thăm Hà Nội, những con người quả cảm ấy sẽ có dịp báo công với Bác về những điều mà bấy lâu ít người hay biết về họ….
Hà Nội, tháng 8 năm 2011
Lê Ngọc Long