Dáng người nhỏ thó mà rắn chắc, đôi mắt tinh anh thật không xứng so với cái tuổi “cổ lai hy” của ông. Đã giải ngũ được gần nửa thế kỷ nhưng ông vẫn giữ nguyên được tác phong Anh bộ đội Cụ Hồ năm nào. Tham gia cách mạng từ khi chưa tròn 15 tuổi, dù không được trực tiếp tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng ông cũng góp một phần công lao lớn trong chiến công chung ấy. Ông là Giàng A Di – nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Thổ; Tỉnh uỷ viên, Phái viên Tỉnh uỷ giúp khu vực biên giới của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu)…

Chuyện của người lính năm xưa

Năm 15 tuổi, cậu bé Giàng A Di đã được tiếp xúc với cán bộ người Kinh lên hoạt động bí mật tại bản mình. Lúc đó Di cũng chẳng biết “cái Người Kinh” ấy nó như thế nào. Sự tàn ác của giặc, sự ngang ngược của Phỉ đã dồn nén trong tâm trí Di nỗi căm phẫn. Và ngay khi được gặp cán bộ, được nghe tuyên truyền về đường lối của Bác Hồ, mới thấy: “À đúng rồi, phải làm như thế mới hết khổ được”. Phải đi theo Bác Hồ, theo cán bộ mới không thấy cảnh giết người giữa chợ, cảnh cướp gạo cướp tiền giữa thanh thiên bạch nhật, các anh thanh niên không bị bắt đi lính, các chị thanh niên không bị hãm hiếp trong nhà… Thế là từ đó Di cùng mẹ nuôi giấu cán bộ. Sự nhanh nhạy, thông minh, khéo léo của Di luôn mang về cho cán bộ những thông tin quân sự quan trọng. Di đã được huấn luyện đặc biệt để giúp việc cho cách mạng. Ông nhớ lại: “Các anh ấy thấy tôi nửa thanh niên nửa thiếu niên, nhìn ưng bụng vào làm tình báo quân sự nên quyết định phân công tôi nắm tình hình địch. Nhưng lúc đó tôi bé quá, mọi người lo “Thằng lính Pháp nó đá một cái là chết” nhưng tôi không sợ. Mình đi nhiều thì biết bọn Pháp thích trứng gà lắm thế là tôi mang trứng đi bán và dò tin. Chúng cũng không nghi ngờ, mình còn được bắt tay thằng tướng của nó cơ mà. Có lần tôi còn giả theo thổ phỉ để nghe ngóng tin tức đấy…”.

Ông Giàng A Di với công việc hàng ngày trên nương gần nhà

Bị tổn thất về lực lượng và lộ bí mật quân sự, khiến địch nghi nghờ về sự hoạt động của Di. Chúng vây bắt, treo giải cho ai bắt được Giàng A Di sẽ thưởng thật hậu. Vậy là cậu bé Di mới 15 tuổi đã phải xách súng, mang chăn vào rừng mà sống. Ông nhớ lại: “Phải lấy lá chuối khô lót thành ổ như ổ lợn rừng trong hang mà ngủ.…”. Nhiều đêm nằm trong hang mà nghe tiếng cọp dò mồi ngoài cửa, tay nắm chặt súng kíp mà không dám bắn sợ lộ vị trí: “Cầm mẩu củi đang cháy mà lẳng ra, hổ sợ mới bỏ đi đấy, mình có dám bắn đâu!”.

Đầu năm 1954, khi Phòng Tô được giải phóng, ông Di là một trong số những người lính đầu tiên của đại đội bộ đội địa phương huyện Phong Thổ có nhiệm vụ tiễu trừ bọn phỉ dọn đường cho đại quân tiến lên giải phóng Điện Biên. Suốt các xã từ mạn Sin Súi Hồ đến Dào San rồi lại qua Tam Đường… chỗ nào còn tàn dư của phỉ là đại đội của ông có mặt.

Đáng nhớ nhất là lần huấn luyện tại Lào Cai, ông cùng hai đồng đội đã dùng mưu và chỉ mất 3 viên đạn đã bức hàng được cả một đại đội phỉ. Ông cười: “Sau đó 10 năm liên tục Tỉnh uỷ Lào Cai năm nào cũng viết thư sang cảm ơn đơn vị chúng tôi!”.

“Hai lần tôi được gặp Bác Hồ”

Lần đầu tiên là vào năm 1959, sau khi tiễu trừ thổ phỉ, ông được bầu làm chiến sĩ thi đua và được dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Tây bắc. Ông bồi hồi nhớ lại: “Hôm ấy chúng tôi được chọn vào hàng danh dự đứng đầu để đón Bác. Ai cũng nghiêm trang đứng chờ. Chờ mãi không thấy Bác đến. Đang sốt ruột thì nghe tiếng phía sau có tiếng vỗ tay và hò reo ầm ầm. Đằng sau, quay! Toàn đội hình quay lại. Hoá ra Bác không đi ô tô như chúng tôi đoán. Bác đi bộ theo con đường mòn. Thế là chúng tôi ùa ra, chẳng còn hàng ngũ gì hết mà chỉ mong được bắt tay Bác, được nói chuyện với Bác. Lúc đó thật xúc động, Bác giống như người ông, người cha của mình”. Đến bây giờ ông vẫn không quên quên được cái cảm giác được nắm tay vị lãnh tụ của cả dân tộc và câu nói của Người. “Bác nói cần phải dựa vào đồng bào các dân tộc thiểu số để hoạt động, không có đồng bào chúng ta không thể hoạt động bí mật được. Bác nhấn mạnh câu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Đến bây giờ, với chứng lý cuộc sống của mình tôi lại càng thấm thía câu nói ấy của Bác. Bác còn dạy chúng tôi hát bài Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Mắt ông nhìn vào quá khứ như uống lại từng dòng kỷ niệm của đời mình.

Lần thứ hai là năm 1962, trong đại hội Trung ương Đoàn, khi đó ông là Bí thư Châu đoàn Phong Thổ (nay là huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu). Lần này không được nói chuyện với Bác mà chỉ được nhìn Bác từ xa. “Lúc này càng yêu quý Bác, tin vào đường lối của Bác, chúng tôi chắc chắn về ngày thống nhất đang đến gần”.

Những mong ước cho một cộng đồng tiến bộ

Nghỉ hưu năm 1992 về với cuộc sống đời thường nhưng ông vẫn không thể không lo công việc của huyện, xã. Mỗi khi có chuyện gì cần kinh nghiệm, sự quyết đoán, chắc chắn những người trong huyện lại tìm đến ông. Thế là ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng huyện, hàng xã”. Có khi nửa đêm cũng phải đi đến bản của bà con để giải thích, để triển khai, vận động… “Phải tìm hiểu hết các dân tộc nơi mình đang lãnh đạo… phải tôn trọng tập tục của người ta thì nói người ta mới nghe”.

Nghĩ về dân tộc mình, ông trăn trở: “Bây giờ bọn xấu đang lợi dụng bà con dân tộc Mông để tuyên truyền đạo trái phép. Chúng lợi dụng sự mê tín để dụ dỗ bà con...”. Giọng ông chậm lại như con thuyền qua khúc sông lặng: “Tôi lo lắm, nếu không thì người dân tộc chúng tôi sẽ từ người cách mạng lại đi ngược mục đích cách mạng mất thôi! Làm sao đưa được cái chữ của người Mông về với người Mông. Người Mông ở Thái Lan đã ghi lại được những điệu hát, điệu khèn, được những phong tục tập quán để truyền cho con cháu. Người Mông Việt Nam rất thích đọc những cuốn sách đó. Thế là bọn xấu lợi dụng chữ Mông Thái để truyền đạo vào. Nếu bây giờ đưa được chữ Mông vào dạy thì sẽ dễ quản lý vấn đề đó hơn”.

Bài và ảnh: Khánh Kiên