QĐND - ...Ngày 26-9-2010, tôi dự mừng Trung đoàn 64 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tại Nhà khách 66 Bộ Quốc phòng. Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị tặng Kỷ niệm chương cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã có công “Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”. Được hưởng vinh dự này lại được gặp anh em đồng chí, đồng đội, tôi càng nhớ tới những kỷ niệm trên chiến trường Quảng Trị năm 1972. Đồng đội của tôi người còn, người mất nhưng tôi nhớ một người, nhờ có anh mà tôi và các cựu chiến binh Tiểu đoàn 9 hôm nay mới được gặp mặt tại đây. Đó là Lê Triệu - người Tiểu đoàn trưởng ưu tú năm xưa. Tôi nhớ lại thời gian được sống, chiến đấu bên anh:

Tháng 9-1971, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320B được thành lập. Tiểu đoàn 9 thuộc biên chế Trung đoàn có 3 đại đội bộ binh (9, 10, 11) và Đại đội hỏa lực 12. Cán bộ tiểu đoàn gồm: Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu, Chính trị viên trưởng Nhắc, Tiểu đoàn phó Xuân, Chính trị viên phó Vạn và Trợ lý tác chiến Kiều Ngọc Luân(1). Khi tiểu đoàn đang thực hành diễn tập chiến đấu tại Diễn Châu (Nghệ An) thì nhận nhiệm vụ vào mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên chiến đấu.

Đêm 30-5-1972, đoàn xe chuyển bánh đưa cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn vào Nam. Sau hai tuần hành quân bằng ô tô, tàu thủy, đi bộ vượt qua nhiều trọng điểm đánh phá của địch, Tiểu đoàn 9 có mặt tại rừng cao su của Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh). Đêm 16-6, tiểu đoàn vượt sông Bến Hải ở bến đò Tùng Luật. Ngày 22-6, toàn tiểu đoàn đến thôn Đạo Đầu, huyện Thiệu Phong. Ở đây, tiểu đoàn nhận thêm vũ khí trang bị, quân nhu. Đêm 25-6, tiểu đoàn vượt qua hàng chục tọa độ lửa của bom đạn địch hành quân qua các thôn Linh Chiểu, Mỹ Thủy, Đơn Quế vào vị trí tập kết chiến đấu ở Đồng Dương, Diên Khánh, Thanh Hương. Sau khi quan sát nắm vững địa hình đứng chân, Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu lên phương án tác chiến, bố trí vị trí phòng ngự, tổ chức triển khai công sự chiến đấu.

Đồng chí Lê Triệu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B. Ảnh tư liệu.

Bước vào chiến đấu, Tiểu đoàn 9 là lực lượng chủ công của trung đoàn có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt, chặn đứng quân địch từ trục Đường 18 và Mỹ Thủy lên. Phó chính ủy Nguyễn Đình Ích và Tham mưu trưởng Trung đoàn Lê Xuân Đồng chỉ huy hướng Tiểu đoàn.

Sau khi mất Quảng Trị, Mỹ - ngụy điều các sư đoàn cơ động thuộc lực lượng dự bị chiến lược, lực lượng Quân khu 1 và đặc biệt Mỹ tăng gấp 2 lần số máy bay ném bom chiến lược B52, triển khai không quân chiến thuật, hải quân chi viện với mật độ cao, cường độ rất lớn cho cuộc phản công hòng tái chiếm bằng được thị xã Quảng Trị.

Ngày 28-6, cuộc phản công “Lam sơn 72” của địch bắt đầu. Trời chưa sáng rõ nhưng máy bay trinh sát OV10, L19 đã bắn pháo khói chỉ điểm mục tiêu. Đúng 7 giờ, địch dùng máy bay B52, A37 thi nhau trút bom; pháo địch từ phía nam bắn ra, từ ngoài biển bắn vào, trùm lên trận địa tiểu đoàn. Trong hầm chỉ huy, Phó chính ủy Nguyễn Đình Ích nói với Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu: “Bọn chúng đang dọn bãi! Anh nhắc các đơn vị phải tích cực củng cố công sự, trận địa, tăng cường quan sát và chuẩn bị chiến đấu”.

Vừa lúc đó, từ chốt Đại đội 11 báo có khoảng 20 trực thăng đang quần đảo bắn phá, đồng thời ở phía nam, xe tăng, lực lượng thủy quân lục chiến vượt sông đang tiến công vào trận địa. Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu hạ lệnh nổ súng. Trận chiến đấu bắt đầu. Lúc này là 8 giờ sáng 28-6-1972.

Địch chia thành 2 mũi. Mũi thứ nhất khoảng 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 2 chi đoàn tăng - thiết giáp tiến công chính diện vào Đồng Dương. Mũi thứ hai gồm 1 tiểu đoàn có xe tăng đi cùng, phối hợp với lực lượng đổ bộ đường biển đánh vào phía đông khu vực Đồng Dương, Diên Khánh. Trước sức tiến công mãnh liệt của địch, Lê Triệu bình tĩnh tổ chức chỉ huy chặn đánh, anh lệnh cho Đại đội 9 và Đại đội 11 kiên quyết chặn đứng hai cánh quân địch, điều Đại đội 10 vận động sang đánh tạt sườn quân địch ở khu vực chốt phía trước Đại đội 11. Hỏa lực cối 82mm chi viện kịp thời cho bộ binh, súng máy 12,7mm bắn rơi trực thăng xuống bãi cát, đại liên bắn chặn từ xa, ĐKZ bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu... Suốt một ngày, với lực lượng hùng hậu, địch mở 6 đợt tiến công, nhưng vẫn không đánh chiếm nổi trận địa của ta ở làng Đồng Dương, Diên Khánh. Lực lượng của Tiểu đoàn 9 bị thương vong hơn 30 người, hỏng 2 khẩu đại liên, thông tin hữu tuyến bị đứt nát không khắc phục được.

Đêm hôm đó, vừa bắn pháo cầm canh và pháo sáng, địch bắn cả đạn pháo hóa học, làm bộ đội ta chảy nước mắt, nước mũi. Lợi dụng những khoảng thời gian địch ngừng bắn, Lê Triệu lệnh cho các đơn vị củng cố công sự, sắp xếp lại đội hình, tổ chức chôn cất liệt sĩ, băng bó sơ cứu thương binh đưa về nơi an toàn rồi cho chuyển về phía sau.

Ngày chiến đấu thứ hai, trận đánh diễn ra gay go, quyết liệt ngay từ đầu. Lợi dụng đêm tối và bom pháo, địch đưa quân ém sát dọc ven làng và khi pháo vừa chuyển làn thì hơn 1 tiểu đoàn, hơn 20 xe tăng, chia làm 3 mũi tiến công vào trận địa chốt của tiểu đoàn. Đại đội 10 được điều lên thay Đại đội 11 từ đêm trước kịp thời đánh trả quyết liệt. Cối 82mm của Đại đội 12 và Đại đội 14 (Trung đoàn tăng cường) được lệnh bắn cấp tập trùm lên đầu quân địch. Bị cối ta đánh dồn dập bất ngờ, đội hình địch tan tác và tháo chạy. Trong 2 ngày, Tiểu đoàn 9 đã chiến đấu với lực lượng địch đông hơn mình gấp bội, đẩy lùi 13 đợt tiến công, chặn đứng được hướng tiến công quan trọng của địch, bảo vệ được trận địa của ta ở Đồng Dương, Diên Khánh.

Qua gần 2 ngày mà địch vẫn không thể nhổ được chốt của tiểu đoàn để tiến theo kế hoạch. Địch dùng trực thăng chở 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ xuống phía đông và phía tây khu vực Đơn Quế, Hội Yên phối hợp với phía nam bao vây tiêu diệt lực lượng ta ở Đồng Dương, Diên Khánh vừa để chiếm ngã tư Hội Yên rồi từ đó đánh về Quảng Trị. Nắm được ý đồ của địch, chỉ huy trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn chốt giữ khu vực ngã tư Hội Yên. Tiểu đoàn đã được thử thách qua 2 ngày chiến đấu nên rất vững vàng, kiên cường chiến đấu, đẩy lùi hàng chục đợt tiến công của 5 tiểu đoàn địch, bảo vệ được khu vực Đơn Quế, Đa Nghi. Tính đến ngày 2-7 (5 ngày), dưới sự chỉ huy mưu trí, chiến đấu dũng cảm, Tiểu đoàn 9 tiêu diệt 440 tên địch, bắn cháy 4 xe tăng, bắn rơi 2 trực thăng, thu nhiều vũ khí. Thắng lợi của tiểu đoàn qua những trận đầu đã xây dựng được lòng tin và quyết tâm đánh thắng của cả trung đoàn.

Đêm 4-7, để bảo toàn lực lượng và chặn địch, Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu quyết định rút đơn vị về làng Đơn Quế cách Thanh Hương chừng 4km và lệnh cho bộ đội đào công sự suốt đêm. Cả ngày 5-7, địch tập trung hỏa lực đánh vào làng Đơn Quế rất ác liệt, do thời gian chuẩn bị ngắn, công sự chưa vững chắc nên tiểu đoàn thương vong hơn 50 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng vận tải của trung đoàn chuyển không hết, Lê Triệu cho các đại đội có thương binh nhanh chóng phân công người chuyển bộ về phía sau. Sau 8 ngày đêm kiên cường đánh chặn địch, gần một phần ba quân số của tiểu đoàn bị thương vong. Cán bộ tiểu đoàn: Anh Vạn hy sinh, anh Xuân bị thương, anh Nhắc đưa thương binh về phía sau, chỉ còn Lê Triệu và Kiều Ngọc Luân. Cán bộ đại đội có 15 người thì thương vong 13.

Sáng 6-7, đến 10 giờ vẫn không thấy địch tấn công, lúc 11 giờ trinh sát báo về địch đang đổ bộ vào cảng Mỹ Thủy, Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu điều Đại đội 12 ra chặn địch. Chấp hành lệnh, tôi đưa đơn vị tiến ra phía biển. Lúc này địch đang mải tập trung đổ quân nên đơn vị cơ động ra mép biển khá dễ dàng. Khi các trung đội vào vị trí chiếm lĩnh trận địa xong, tôi lệnh cho các trung đội tập trung hỏa lực hướng vào nơi địch đang đổ quân, yêu cầu 12,7mm điểm xạ ngắn bảo đảm chính xác, tiết kiệm đạn. Quân địch gục ngã rất nhiều, số còn lại chạy dọc theo mép nước nấp vào các xuồng đổ bộ dùng súng AR15, cối cá nhân M79 bắn trả, nhưng do ở dưới thấp nên hỏa lực của chúng không phát huy được tác dụng, pháo địch ngoài biển bắn vào cũng đều vượt qua trận địa. Sau gần 1 giờ chiến đấu, các trung đội hết đạn nhưng địch vẫn đang đổ bộ quân lên rất đông, Lê Triệu nhanh chóng điều lực lượng ra chặn địch và cho Đại đội 12 lui về vị trí cũ.

Khi quay lại làng Đơn Quế, tôi kiểm tra lại vũ khí của Đại đội thấy chỉ còn ít đạn bộ binh và vài quả lựu đạn. Đến 7 giờ tối, Lê Triệu gọi tôi và Kiều Ngọc Luân đến hội ý. Anh nói: “Địch hiện nay đổ bộ xuống phía tây, chúng đang đưa quân lên rất đông chặn phía bắc làng Đơn Quế, như thế là ta đang bị bao vây 3 mặt, còn 1 mặt là biển, khả năng ngày mai chúng sẽ tập trung mọi hỏa lực tấn công ta rất ác liệt”. Lê Triệu cho biết, đã báo cáo lên chỉ huy trung đoàn xin rút quân khỏi làng Đơn Quế nhưng trung đoàn không đồng ý và lệnh cho tiểu đoàn trụ giữ thêm 3 ngày nữa, sau đó anh hỏi ý kiến chúng tôi. Tôi nói ngay: “Đại đội 12 đã hết đạn, nếu địch chặn phía bắc, lực lượng vận tải không vào được, chỉ còn mấy viên đạn AK và vài quả lựu đạn thôi thì lấy gì mà chiến đấu?”. Tôi vừa nói xong anh Luân tiếp luôn: “Hiện nay, địch đang ở thế rất mạnh, ta đang ở thế rất yếu, nếu tiểu đoàn trụ lại 3 ngày nữa, tôi tin chắc tiểu đoàn sẽ bị xóa sổ, đồng chí nào sống sót không bị thương thì cũng bị bắt”. Ba anh em bàn đi tính lại và nhất trí đề nghị cấp trên xin rút quân.

Ngô Nhật Dương (Ghi theo hồi ức của CCB Nguyễn Khoa, nguyên Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B)

(Còn nữa)

(1) Kiều Ngọc Luân - Anh hùng LLVT nhân dân (truy tặng 9-1973), 13 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, anh đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.