Bây giờ ở mũi đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc đã có nhiều đổi thay. Các xóm ấp đều có trường học, trạm xá, đường bê tông liên ấp, liên xã, đêm đêm đã bừng lên ánh điện từ lưới điện quốc gia. Ấn tượng nhất là con em xã Đất Mũi đã có trường học. Những người đầu tiên đem con chữ gieo khắp xứ tràm đước mênh mông này là các chiến sĩ biên phòng. Những thầy giáo quân hàm xanh đã “khai hoang” cho giáo dục ở vùng quê xa xôi, hẻo lánh này. Đất Mũi bây giờ đã có hệ thống trường lớp khang trang, có đội ngũ giáo viên tận tình, đêm ngày miệt mài đem ánh sáng văn hóa tới từng xóm ấp.
Đất thử lòng người
Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và nước ngoài. Nơi đây, cùng với những dấu ấn lịch sử mở đất còn có những câu chuyện thấm đẫm ân tình về những người góp phần “diệt giặc dốt” ở nơi cuối đất này. Một trong những câu chuyện ấy là chuyện về thầy Mai Kiến Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học 1 xã Đất Mũi. Thầy vừa bước qua tuổi 40 và đã có hơn 20 năm gắn bó với vùng quê nghèo khó này... Những năm 80 của thế kỷ trước, huyện Ngọc Hiển (nay chia tách thành huyện Năm Căn và Ngọc Hiển), tỉnh Cà Mau và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là hai đơn vị kết nghĩa. Để thắt chặt “mối thâm giao” này, huyện Châu Thành đã huy động và “chi viện” cho Ngọc Hiển hàng trăm giáo viên để “diệt giặc dốt”.
Trong số 100 thầy giáo đầu tiên đến huyện Ngọc Hiển hồi ấy có “thư sinh” Mai Kiến Oanh. Vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, nhà nghèo, ước mơ vào đại học sư phạm không thể thực hiện được, thế là cậu học trò Mai Kiến Oanh tình nguyện về vùng Ngọc Hiển-nơi mà cậu chưa biết đi tới đó bao xa, chỉ biết rằng nó là mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc. Lúc bấy giờ, niềm mong ước, háo hức lớn nhất của Mai Kiến Oanh là được khám phá những điều mới mẻ, muốn được làm thầy giáo đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa, nhất là trẻ em nghèo. Tháng 9 năm 1986, sau khi trải qua khóa sư phạm cấp tốc, thầy giáo Mai Kiến Oanh cùng 3 đồng nghiệp khăn gói về xã Đất Mũi. Lúc đó, thầy giáo Oanh vừa tròn 19 tuổi. Nhưng, những cảm xúc háo hức, những viễn cảnh về một vùng đất dù nghèo nhưng nhà cửa san sát, cư dân đông đúc như muốn “lụi tàn” khi lần đầu tiên thầy giáo Oanh cùng 3 người bạn đặt chân lên vùng Đất Mũi. Thầy giáo Oanh nhớ lại:
- Lúc bấy giờ, tôi không hề nghĩ ở nước mình lại có một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn đến vậy. Ngoảnh đi, ngoảnh lại chỉ thấy toàn rừng là rừng; nhà cửa thì xa thiệt xa mới có một cái; không đường bộ, không điện và khó khăn nhất là không có nước ngọt. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để làm lung lay ý chí của nhiều người tình nguyện về đây “diệt giặc dốt”. Lúc ấy, nhiều người thầy tình nguyện đến đây có chung một ý nghĩ: “Ráng ở vài năm, tích lũy thêm kinh nghiệm sống, rồi sẽ quay về quê hương lập nghiệp”.
Hồi đó, ngôi trường cấp một được lợp tạm bằng lá dừa nước. Trời mưa, lớp học dột te tua, ướt bàn học, ướt luôn cả bàn thầy giáo. Bàn học chỉ là những miếng ván cây đước đóng ghép lại, ghế là hai thân cây đước, hổng lỗ chỗ... Nhưng “buồn cười” nhất là thầy và trò đến lớp đều xắn quần tới gối và toàn... đi chân không, vì nền lớp học bằng đất, thường xuyên ẩm ướt. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với thầy Oanh cùng đồng nghiệp là làm sao duy trì được sĩ số lớp học, làm sao vận động được người dân đưa trẻ đến trường... Giờ nhắc lại những khó khăn ấy thầy giáo Oanh mỉm cười nói: “Đất thử lòng người mà. Chỉ có kiên trì đeo bám như rễ cây mắm, cây đước thì mới có thể trụ được lâu dài ở vùng đất này”.
Sâu nặng nghĩa tình
Tôi hỏi thầy giáo Oanh:
- Điều gì khiến thầy giáo có thể bám trụ được ở vùng đất đầy khó khăn, vất vả này?
Thầy Oanh đáp:
- Tình cảm của học trò, của phụ huynh học sinh, bà con chòm xóm và sự giúp đỡ các thầy, cô giáo hết lòng trong những lúc cô đơn, khó khăn nhất đã giúp chúng tôi trụ lại - Đến đây, ngừng một lát, thầy Oanh nói tiếp - Nợ tiền, nợ bạc thì dễ trả, nhưng nợ nghĩa tình làm sao trả dứt, phải không?
Nghĩa tình - vâng đó là cái quý giá nhất mà người dân Đất Mũi đã trao tặng cho các thầy cô giáo. Người dân ở đây nghèo - những người đã đem tri thức đến khai sáng trí tuệ và tâm hồn cho con em họ. Đến bây giờ, thầy giáo Oanh vẫn nhớ như in cái cảm giác bồi hồi, thích thú khi lần đầu tiên nhìn những học trò mặt mày ngơ ngác, khép nép đứng bên ngoài lớp học chỉ với mục đích duy nhất: Nhìn cho bằng được thầy giáo rồi lũ lượt kéo nhau về. Và hình ảnh mà thầy không thể nào quên là những lớp học ngày xưa mù mịt khói. Hồi đó, lớp học nhiều lắm là 20 học sinh, mỗi em đến lớp đều mang theo một lon sữa bò, bên trong có xác cây mắm, đốt lên dùng khói để xua đuổi muỗi. Nếu không có khói, muỗi cắn, đập nhừ cả tay, chẳng học hành được gì.
Nhắc lại những chuyện này, thầy giáo Oanh không khỏi xúc động: “Ai chứng kiến những cảnh tượng như thế đều không khỏi mủi lòng, sao nỡ bỏ các em mà đi?”. Thầy giáo kể tiếp: “Hồi đó, ở ngôi trường cấp 1 này, phần lớn các thầy giáo chúng tôi đều còn trẻ và chưa có gia đình. Vì thế, mới có chuyện bà con ở đây làm mai, làm mối cho chúng tôi. Hễ có cơ hội là người dân, nhất là những người có con gái, tạo mọi điều kiện để chúng tôi có thể tìm hiểu, trao đổi tình cảm với nhau. Cứ mỗi chiều, ở khu tập thể giáo viên trường tiểu học này rất vui. Thanh niên trai gái tụ tập nhau rất đông, khi thì nồi chè, khi nồi khoai... Rồi những dịp lễ tết, cúng giỗ ông bà, cưới hỏi, liên hoan... kể cả những buổi đi lấy nước tận Hòn (Hòn Khoai), bà con đều trân trọng mời và đến rước các thầy giáo đến dự. Lúc ấy, tôi và nhiều đồng nghiệp nhận ra một điều: người dân ở đây có thể nghèo cái ăn, cái mặc nhưng không hề nghèo lòng “tôn sư, trọng đạo”.
Thế nhưng cũng phải ngót 10 năm trời kể từ khi về Đất Mũi, thầy giáo Mai Kiến Oanh mới lập gia đình. Khi tôi hỏi về “câu chuyện tình” ngày xưa, thầy cười rất tươi: “Chuyện cũng không có gì. Bà xã tôi ngày trước ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, có người anh trai làm việc ở xứ biển này. Cổ tới lui thăm anh trai riết rồi hai đứa quen nhau. Rồi trở thành vợ chồng, cùng sinh sống, lập nghiệp ở đây”.
Ước mong từ Đất Mũi
Xóm Đất Mũi giờ không còn là vùng Đất Mũi hoang sơ ngày xưa. Giờ Đất Mũi đã có đường bê tông dọc suốt chiều dài xóm; có khu chợ sầm uất, nhà cửa san sát nhau; có cả khu du lịch sinh thái hằng năm tiếp đón hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước. Ngày nay, Đất Mũi đã gần hơn với thành phố Cà Mau nhờ những chuyến tàu cao tốc đi đi, về về. Giờ đây, khi đến Đất Mũi, gặp bất cứ ai, hỏi “Trường ông thầy Oanh ở đâu?” là mọi người đều biết và chỉ dẫn tận tình. Cũng phải thôi, hơn 20 năm rồi, cả một thời trai trẻ, thầy giáo Oanh đã bám trụ và chia sẻ biết bao khó khăn, vất vả ở vùng đất tận cùng Tổ quốc này (từ một giáo viên năm 1986, đến năm học 1992-1993 thầy giáo chuyển sang làm công tác quản lý). Trong khi đó, nhiều giáo viên cùng lứa với thầy và những người sau đó vượt không nổi khó khăn đã phải kéo nhau về quê lập nghiệp. Giờ tính ra chỉ còn không quá 20 giáo viên của Tiền Giang “chi viện” bám trụ lại nơi đây.
Tôi đến Trường tiểu học 1 xã Đất Mũi vào cuối năm 2006. Dãy phòng học ngày trước giờ được tận dụng làm văn phòng, nhà ở cho gần 30 giáo viên của nhà trường. Tường vôi, mái tôn nhưng nhiều nơi đã loang lổ. Thầy giáo Mai Kiến Oanh bộc bạch: “Dù còn khó khăn nhưng so với trước đây đời sống của giáo viên đã đỡ hơn rất nhiều. Tất cả giáo viên của trường ai cũng đều nỗ lực để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
- Những gì thầy giáo tâm đắc nhất khi làm công tác giáo dục ở vùng Đất Mũi này? - tôi hỏi.
Chỉ tay về phía dãy phòng học mới được đưa vào sử dụng năm học 2006-2007, thầy giáo Oanh nói:
- Trẻ em Đất Mũi đã được học trong ngôi trường khang trang rồi. Đây là niềm vui cũng là ước nguyện của tôi trong suốt 20 năm đến vùng đất xa xôi này. Hồi trước, toàn trường có không quá 500 học sinh. Nhưng năm học 2006-2007, trường huy động và duy trì hơn 735 học sinh đến lớp... Học trò của chúng tôi, giờ đã có gần 20 người thi đậu vào các trường đại học trong cả nước, có nhiều người đã có danh vị trong xã hội. Thế nhưng, mỗi lần về thăm Đất Mũi, họ đều đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo cũ. Đó cũng là tâm đắc, là niềm động viên lớn đối với những người làm công tác giáo dục ở mũi đất tận cùng Tổ quốc này.
Thầm cảm phục những nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo nơi đây, tôi ngắt lời thầy Oanh:
- Còn những dự định sắp tới của thầy?
Không ngần ngại, thầy giáo trả lời:
- Vẫn tiếp tục bám lớp, bám trường. Mình đâu thể ngoảnh mặt bỏ đi khi vùng quê này vẫn còn nhiều khó khăn.
Nơi ở của gia đình thầy giáo Mai Kiến Oanh nằm gần cuối khu tập thể. Đó là tổ ấm của vợ chồng thầy và hai đứa con (đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học lớp 2). Bàn về chuyện tương lai của những đứa con của mình, thầy giáo Oanh nói:
- Đợi chúng lớn, biết tự lập, vợ chồng tôi sẽ gởi về nội hoặc ngoại để chúng có điều kiện học hành. Nói gì thì nói, chuyện học hành của trẻ em vùng Đất Mũi này vẫn còn khó khăn lắm. Tôi chỉ mong ước, trong tương lai, chừng 5-10 năm nữa, sự nghiệp giáo dục ở đây sẽ phát triển, chí ít cũng bằng trung tâm huyện, thị như bây giờ.
Hôm sau, ngồi bên cửa sổ tàu cao tốc trở về thành phố Cà Mau, tôi nhìn như dán mắt vào khoảng xanh mênh mông của rừng đước xóm Mũi. Nơi ấy, những mầm đước bốn mùa vươn xanh mở mang sự sống ra biển xa, những mầm tài năng dồi dào sức trẻ của con em người dân Đất Mũi cũng đang ngày đêm lớn lên trên miền quê biển. Những thầy giáo quân hàm xanh năm xưa, rồi đội ngũ những giáo viên như thầy giáo Oanh bây giờ đang say mê chăm chút từng mầm non xây đời mới đầy hứa hẹn cho mai sau.
CHU MÃ GIANG và HÀ TRIỀU