 |
Bà Doãn Thị Thau và những đứa trẻ tật nguyền. Ảnh: Thạc Hiếu
|
Hết sáng đến chiều, sang đêm, lại từ nửa đêm về sáng... cứ thế bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, người phụ nữ ấy dường như chẳng mấy lúc thảnh thơi. Tuy chỉ một lần sinh nở, nhưng chị có phúc phận, niềm vui là được là mẹ tính ra tới 50 đứa con. Trong đó, không kể người con trai rứt ruột đẻ đau, còn lại như có bàn tay định mệnh sắp bày? Đôi vai tháng năm thấm đẫm nắng mưa, nhưng tấm lòng bao dung nhân hậu... chị đã giáo dưỡng những đứa trẻ lớn khôn, trưởng thành, như đàn chim sải cánh bay vào trời rộng, để nhận lấy một cái tên người đời thường gọi “Người mẹ của những đứa con côi”.
Một ngày đến với Doãn Thị Thau không phải từ khi con gà cất tiếng gáy hay tiếng trống trường gọi học sinh vào lớp... Nó bắt đầu khi tiếng khóc, tiếng kêu ú ớ giật mình của đứa trẻ bị thần kinh lên cơn co giật, hoặc tiếng thét của đứa trẻ tật nguyền thiểu năng suy não. Và dường như nó không có sự bắt đầu.
Những sinh linh ấy, hầu hết là bị người ruột thịt của mình bỏ rơi ở bến đò, cổng bệnh viện... Có khi, sau tiếng khóc chào đời, đứa trẻ bất hạnh đã bị người mẹ lỡ làng quấn vội tấm vải thô rồi nhẫn tâm đặt ngay cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, mong có người nhón tay làm phúc. Có khi là những trẻ em bị lạc gia đình, không nơi nương tựa. Có khi là mầm sống bị tật nguyền do chất độc da cam hay bệnh tật... bị chối bỏ khi vừa cất tiếng chào đời.
Nhìn những gương mặt ấy, chẳng một trái tim nào không động lòng trắc ẩn.
Những đứa trẻ tội nghiệp dễ sinh mặc cảm, tự ti, bệnh hoạn và nảy sinh tính cục cằn, bất cần đời, căm ghét cuộc sống.
Nhưng trong họa có phúc! Những đứa trẻ ấy được ngôi nhà tình thương che chở và sưởi ấm bằng ngọn lửa trái tim nhân hậu của chị Thau.
Trong vòng tay yêu thương của chị, những mầm sống được tái sinh, được người mẹ nâng niu, gột rửa nỗi đau thể xác và thổi vào lòng chúng làn gió mát, vẻ đẹp tâm hồn. Rồi những khuôn mặt dị dạng ấy đã trở thành thân thuộc với chị. Chị Thau không quản gì những mùi mồ hôi tanh nồng, bài tiết từ cơ thể chứa quá nhiều mầm bệnh và thuốc kháng sinh. Chị cũng chẳng sợ những tiếng cười ghê rợn, những cơn co giật, động kinh từng làm nhói đau trái tim người bảo mẫu. Với tấm lòng yêu thương đồng loại, sức chịu đựng kỳ diệu của chị Thau, có bao đứa trẻ tội nghiệp đã vượt qua những khoảnh khắc khủng khiếp, chơi vơi giữa ranh giới sinh-tử, trở lại làm người.
Một em bé, sau này được đặt tên là Nam, bị bỏ rơi từ 6 tháng tuổi, trong vòng tay ôm ấp của người mẹ suốt 4 năm, đã trở thành một đứa trẻ kháu khỉnh, được một người Pháp nhận làm con nuôi đưa về Mông-tơ-rơi... (Pháp), mà đã có lần về nước, em đến thăm mẹ Thau. Những cánh chim đang bay liệng giữa trời xanh vẫn không quên tổ cũ và những hạt mồi nhỏ nhoi từ miệng chim mẹ mớm cho nó. Một điều cảm động là ở nơi đây, những đứa trẻ côi cút ấy được học chữ, học âm nhạc, múa hát, học nhận biết cái đẹp, học nhân nghĩa, thủy chung... và cả học nghề... Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Dương mở các lớp như: Sửa xe máy, may mặc, lắp mô-tơ điện… để giúp các em sau này vào đời tự kiếm lấy nguồn sống, hạnh phúc.
Giám đốc Vũ Huy Tưởng kể rằng, hằng năm Trung tâm tuyển nhân viên bảo mẫu nuôi trẻ tật nguyền. Có nhiều người tham gia dự tuyển, làm thử. Nhưng công việc quá vất vả, bận rộn và ức chế thần kinh, vì thế có người chỉ ở được vài tuần, thậm chí có người lúc đến hăng hái nhưng chỉ hai ngày đã xin thôi việc. Riêng chị Thau gắn bó với Trung tâm tới nay đã 16 năm.
16 năm, bằng gần sáu nghìn ngày! Khoảng thời gian để một em bé từ khi cất tiếng chào đời, trở thành một trang thanh niên sức vóc. 16 năm ấy, tức là từ năm 1993 của thế kỷ trước, chị Thau đã đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) và gắn bó đời mình với những số phận con trẻ tật nguyền cơ nhỡ. Và 16 năm qua, lần lượt đã có hơn 50 đứa trẻ với đủ lứa tuổi, đủ bệnh tật nằm trong vòng tay yêu thương của chị, với bao kỷ niệm...
Mấy ai biết rằng, một năm có 365 ngày, chị Thau giống như con nhện ôm bọc trứng. Đó là những đứa bé bị thiểu năng không muốn xa chị. Một năm chị chỉ dành cho mình được ba ngày. Trong đó, hai ngày về làng giỗ cha mẹ đẻ, báo đáp công sinh thành dưỡng dục. Còn một ngày về quê làm giỗ người chồng thân yêu – người liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc, từ năm 1978.
Cũng mấy ai biết rằng chị Thau còn có một mái ấm gia đình như bao người khác ở quê hương. Con trai chị - Đại úy Trần Tiến Sáng, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân, hiện là giảng viên Trường Quân sự Quân khu 3 - nối tiếp truyền thống người cha phục vụ trong quân đội. Người con dâu, đang là cô giáo trường làng. Và chị còn có một đứa cháu gái nội kháu khỉnh, đáng yêu.
Là con gái đầu lòng của một gia đình nông dân ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 30 năm trước, ở tuổi đôi mươi mơn mởn sắc xuân, chị Thau lấy chồng người ở xã Hiệp Cát, cùng huyện Nam Sách. Giữa lúc hương cây bếp lửa nồng nàn, năm 1977, Trần Tiến Triều, chồng chị, lên đường nhập ngũ... Buổi chiều trên đê Kinh Thầy nổi tiếng anh hùng, chị Thau ôm đứa con 5 tháng tuổi đưa chồng trả phép... Chẳng ngờ đó là buổi chiều vĩnh biệt. Bởi anh đã vĩnh viễn không trở về. Anh nằm xuống tại chiến trường Tây Nam, như hai người chú ruột của anh đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài hai chục tuổi xuân, đang tràn đầy sinh lực, vành khăn trắng thít chặt mái tóc xanh, ngày ấy chị tưởng mình hóa đá. Nhưng chị gắng gượng để sống giữa cuộc đời. Chị tảo tần khó nhọc nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên ở một làng hẻo lánh nằm sát bờ đê sông Kinh Thầy...
“Không đêm nào tôi ngủ được trọn giấc. Nghĩ thương con trai thì ít, mà thương con dâu thì nhiều. Nó hy sinh vì nước đã đành một nhẽ. Đằng này con dâu, đầu còn xanh, tuổi còn trẻ thế kia... bây giờ lên bà nội, vẫn phải xa con, xa cháu đi nuôi con trẻ côi cút cho người. Nghĩ thương lắm”. Người mẹ chồng thương con dâu nói như thế, khi chúng tôi tiếp chuyện ông bà tại quê nhà xã Hiệp Cát. Còn bố chồng chị Thau, một cán bộ hưu trí không ghìm được cảm xúc bảo rằng: "Mà không hiểu căn duyên thế nào, ai nói chị ấy cũng không về. Các con bàn với mẹ, mẹ về quê sống với con, với cháu, chứ mẹ một mình có tuổi đi làm xa quê chúng con nghĩ chẳng được yên tâm. Chị ấy bảo: “Nhưng nhìn lũ trẻ mếu máo, gào khóc, lại thấy thương, không nỡ bỏ về. Thôi thì khi nào Nhà nước không cần đến mẹ thì mẹ về quê vậy...”.
Không biết đến bao giờ người mẹ của những đứa con côi cút kia mới được nghỉ ngơi? Mùa hè năm nay, chị đã bước vào tuổi 55, thuộc lớp người "tri thiên mệnh".
Về làng, người ta gọi chị là bà: “Bà Thau”. Ở cơ quan, người ta gọi theo lối xưng hô trong gia đình: “Chị Thau”. Còn những đứa trẻ tật nguyền kia thì suốt ngày ngây ngô, ú ớ quấn quýt, tranh giành gọi “Mẹ Thau”, không rời mẹ nửa bước.
Có người nói đùa: “Mẹ Thau sắp đi lấy chồng đấy”, có đứa hiểu ra, mếu máo rồi oà lên khóc, túm chặt lấy mẹ, dường như sợ mẹ bỏ đi thật. Chị phải nói rằng ra chợ mua thịt cá, mua thức ăn về nấu cháo, nấu cơm cho các con.
Những khuôn mặt mếu máo, vô duyên bỗng sáng lên...
Cả những ngày lễ, Tết thiêng liêng, chị Thau vẫn không thể rời các con về quê ăn Tết, đoàn tụ gia đình. Thông cảm nỗi khổ tâm ấy, có năm cơ quan điều xe chở cả mẹ và đám con dở dại về tận Hiệp Cát, cùng gia đình, con cháu sum họp.
Ra Giêng, mẹ con lại bồng bế nhau, cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc, xe lăn... trở về trung tâm. Dân làng nhìn cảnh ấy vô cùng nể phục.
Cũng vì thế, đứa cháu nội chẳng bén được hơi bà... Đã bao lần bà giơ tay đón cháu, cháu ngoảnh mặt đi....
“Quanh năm xa nhà, xa con cháu ruột thịt, cứ quanh quẩn ở cơ quan với bọn trẻ côi cút. Đến nỗi về quê, cháu không nhận ra bà. Lắm lúc tủi thân lắm”. Người mẹ ấy giàn giụa nước mắt nói, khi chúng tôi hỏi một câu chạm vào nỗi niềm sâu kín!
Chị Thau không thể tủi thân được. Sống giữa cuộc đời này còn bao nhiêu cảnh đời ngang trái, bao nỗi thương tâm, thì tấm lòng nhân ái, đức hy sinh của chị đáng để người đời trân trọng, kính phục. Một lãnh đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương nghe chuyện về chị đã phấn khích bảo rằng, chị xứng đáng là người anh hùng.
Dẫu đến bây giờ chưa có một danh hiệu tương xứng với thành tích của chị, ngoài những tờ giấy khen của các cấp, các ngành, nhưng người mẹ của những đứa con côi vẫn yên lòng, vì một lẽ rất giản đơn, "tự mình thấy lương tâm thanh thản, có ích cho cuộc đời".
Góa bụa từ tuổi thanh xuân, đứng vững giữa đường đời sóng gió, nuôi con trưởng thành, gần 40 tuổi lại thoát ly gia đình chăm nuôi những đứa trẻ tật nguyền, cơ nhỡ. Chị không phải vị tiền, vị danh. Chỉ vì một tình yêu đồng loại, vị trái tim người mẹ. Người mẹ ấy như ngọn lửa đêm đông, hạt mưa mùa hạ, là vồng đất tơi, ấp ủ những cây non yếu ớt trước bão tố dập vùi, để tạo nên những mầm sống xanh tươi…
Bút ký của Khúc Hà Linh