QĐND - Nằm ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ nên người dân gọi đỉnh núi Pu Sam Cáp (xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) là đỉnh trời. Tôi ngược lên đỉnh trời vào một ngày đầu đông. Càng lên cao, gió táp vào mặt tới tấp, chân tay lạnh buốt, nhưng bù lại tôi được sưởi ấm bởi tình cảm yêu thương nồng nàn của quân và dân nơi đây. Tình cảm đó mộc mạc, giản dị như ngọn gió, cây rừng....

Sương lách qua khe cửa

Chúng tôi xuất phát từ trung tâm huyện Sìn Hồ khi con gà rừng chưa gáy sáng. Do phải đánh vật với những khúc cua tay áo và dốc cao “đặc sản” của cung đường Tây Bắc nên khi trời đã ngả về chiều, chúng tôi mới đến được xã Noong Hẻo (Sìn Hồ). Nhìn lên, đỉnh Pu Sam Cáp sương mù phủ kín. Nhiều người trong đoàn rùng mình.

Từ điểm dừng chân, muốn đến được nơi Đội xây dựng cơ sở (XDCS) số 5 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) chúng tôi phải đi bộ ngược dốc gần 8km nữa. Càng lên cao, gió càng thổi mạnh và chân tay bắt đầu tê cóng. Con đường trở nên gần hơn khi cán bộ, chiến sĩ Đội XDCS số 5 xuống tận sườn Bắc của quả núi Noong Hẻo mờ sương đón chúng tôi.

Tối đó, trong ngôi nhà nhỏ rộng hơn 30mmà chuyện thì đầy như cây đại ngàn. Bếp lửa được cho thêm củi, ai cũng hào hứng kể về cuộc sống, gia đình, đồng đội... Ánh sáng bập bùng choàng kín căn phòng làm khuôn mặt của ai cũng trở nên hồng hào. Cả Đội XDCS số 5 có 6 anh em quê đều ở tỉnh Phú Thọ: Anh Loan ở huyện Đoan Hùng, anh Cường quê huyện Lập Thạch, anh Đăng nhà ở huyện Phù Ninh, anh Chi ở thành phố Việt Trì... Người đã có gia đình, người đang yêu, họ sống như anh em ruột thịt. Ai được về phép, đi tranh thủ đều dành thời gian ghé thăm nhà đồng đội  gửi lời thăm hỏi thông báo tình hình... Câu chuyện của những người lính thời bình hôm nay mà tôi nghe sao giống chuyện cha tôi thời chiến. Ngày đó, mỗi lần cha tôi được về phép, ông đạp xe cả trăm cây số tới nhà đồng đội để gửi thư và nắm tình hình. Nghĩ lại, tôi thấy cũng đúng, vì đường đi rất khó khăn. Ví dụ Đại úy Nguyễn Hồng Chi, đội viên Đội XDCS quê ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nhưng từ Pu Sam Cáp về được tới nhà anh cũng phải "hành quân" ngót nghét cả tuần.... Đó là những ngày trời quang, mây tạnh, còn gặp phải gió núi, mưa nguồn thì chuyện cả tháng các anh mới về được tới nhà cũng chẳng phải điều hiếm...

Cán bộ Đội XDCS số 5, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu cung cấp rau cải giống cho bà con xã Pu Sam Cáp.

Ở Pu Sam Cáp, mùa hè, đang nắng có thể mưa ngay. Mưa vừa tạnh thì sương mù lại tới. Còn mùa đông thì lạnh thấu xương, nhiều đợt tuyết rơi kín mái nhà... Ngày mới lên, chưa quen với cái rét nơi miền biên ải này, cán bộ, nhân viên Đội XDCS số 5 phải dùng lá chuối làm... đệm. Cái lạnh ở đây thật khủng khiếp, tôi ngồi ngay bên bếp lửa mà hai hàm răng vẫn cứ va vào nhau. Dù được tắm nước nóng nhưng tôi vẫn thấy rét. Nhìn các anh trong Đội XDCS số 5 đứng trước vòi nước máng tắm "thản nhiên”, chúng tôi ai cũng trầm trồ, thán phục! Anh Loan chia sẻ:

- Mới đầu, tắm cũng lạnh, nhưng nhiều khi lên bản ở cùng với bà con làm sao mình có thể đun nước nóng mà tắm được. Thế là tắm mãi rồi cũng thành quen.

Từ lúc đặt chân lên đỉnh trời, tâm trí chỉ một suy nghĩ duy nhất: Làm sao chống lại được cái rét. Tôi rùng mình khi nhìn qua khe cửa, một làn sương màu trắng đục thi nhau lách vào nhà. Đoán được thắc mắc của tôi, Thiếu úy Lê Hải Đăng giải thích:

- Sương theo gió len lỏi vào mọi nơi. Vì thế, tối nay các anh đi ngủ phải nhớ mắc màn, thứ nhất là chống rét, thứ nhì là để chống sương.

Nói rồi anh Đăng lấy áo mưa đặt trên đình màn tôi và nói:

- Anh cứ để thế nhé, sáng mai anh sẽ thấy sương ở đây tuyệt vời thế nào?

Do vừa phải trải qua một chặng đường khá xa, nên giấc ngủ đến với tôi thật nhanh. Tôi giật mình tỉnh dậy, dụi mắt nhìn lên thấy đình màn trũng xuống như có vật gì đó rất nặng phía trên. Một lượng nước khá lớn đóng lại ở chiếc áo mưa trên đình màn. Tôi thốt lên vẻ kinh ngạc: Sương đó ư! Thật không tin được! Tôi vội sờ vào màn, ướt quá. Tất cả đều ươn ướt. Tôi ngơ ngác nhìn khắp lượt căn nhà: Mái nhà... vẫn kín; tường nhà... vẫn kín, đúng là chuyện “thật như bịa”! Tôi ngồi lặng đi trên chiếc giường làm bằng cột ngoãm chôn sâu xuống đất mà nước mắt cứ trào ra. Tôi cảm phục những đồng đội của mình ở đây. Nơi đỉnh trời, người lính “coi thường” khí hậu khắc nghiệt lăn lội đến các bản xa tư vấn, hướng dẫn, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo... mà không một lời kêu ca, phàn nàn.

Bàn chân in hình trên đá

Năm 2002, Đội XDCS số 5 hành quân đến Pu Sam Cáp dựng lán trại. Lúc đó, hệ thống chính trị ở địa phương còn bộc lộ rất nhiều hạn chế. Hơn 90% đội ngũ cán bộ xã chưa qua đào tạo. Cả xã duy nhất chỉ có một cán bộ học hết THCS. Dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu cứ bám riết lấy bà con nên đói ăn xảy ra ở khắp các bản làng.

Để giúp người dân chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm, Đội XDCS số 5 đã tự học tiếng của đồng bào sau đó tổ chức hướng dẫn cho nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời triển khai các mô hình trồng lúa nước, ngô, lạc, đậu tương... Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào triển khai thực hiện mới thấy nhiều trở ngại. Ban đầu, người dân địa phương không tin, không nghe, không làm theo bộ đội. Không nản chí, cán bộ, nhân viên Đội XDCS số 5 thống nhất: Mượn đất của xã triển khai thí điểm một số mô hình trồng lúa nước và ngô lai. Kết quả, khi thu hoạch lúa, ngô cho năng suất cao, bà con trong xã truyền tai nhau, rồi ai cũng trầm trồ: “Bộ đội giỏi thật”!

Cán bộ Đội XDCS số 5, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu trao đổi với bà con về phương pháp ăn ở vệ sinh khoa học. 

Đã trở thành chế độ công tác, hôm chúng tôi tới đây cũng là ngày các anh trong Đội XDCS số 5 hành quân về bản Nậm Béo hướng dẫn bà con cách trồng rau xanh. Đường đi xuyên qua nhiều cánh rừng. Nhìn những phiến đá tai bèo sắc nhọn cao ngút tầm mắt tôi không khỏi ái ngại vì chỉ một chút sơ sẩy là không có điều kiện sửa sai... Thượng tá Dương Kim Loan, Đội trưởng đi đầu. Anh Loan dặn mọi người phải bước theo chân anh cho đỡ bị trơn trượt. Tôi thấy đó là những khe đá nhỏ không còn độ xù xì, rêu mốc. Anh Loan giải thích: "Đó là lối đi duy nhất của chúng tôi suốt 8 năm qua mỗi lần xuống bản...". Sau hơn 3 tiếng đồng hồ xuyên rừng già, bản Nậm Béo đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Các thửa ruộng đang vào vụ thu hoạch. Cánh đồng trong thung lũng vàng đượm màu lúa chín, thướt tha trong gió như dải lụa mềm.

Từ năm 2002 đến nay cán bộ, chiến sĩ Đội XDCS số 5 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) đã hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khai phá trồng mới được gần 20ha thảo quả, 14ha lúa nước, ngô lai năng suất cao, 5ha đậu tương. Đội tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người về phương pháp ăn ở vệ sinh khoa học, thực hiện kế hoạch hóa gia đình; phương pháp chăn nuôi và phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm... Qua đó, đến nay đàn gia súc, gia cầm của cả xã từ "không" đã phát triển lên tới hơn 500 con trâu, 50 con ngựa, 200 con dê; hơn 5.000 con gia cầm các loại...

Ông Chang A Thào, Trưởng bản Nậm Béo ra tận chân dốc Khia đón chúng tôi. Ông bắt tay thân mật từng người trong đoàn rồi vui mừng thông báo: Ruộng lúa mới được vỡ năm ngoái, năm nay cây nào cũng trĩu hạt. Biết chuyện cán bộ Đội sẽ hướng dẫn cho bà con phương pháp trồng và chăm sóc cây rau cải, trưởng bản Chang A Thào vui ra mặt. Ông lấy chiếc tù và trên tường thổi 3 hồi dài. Một giờ sau nhà trưởng bản đã chật kín người. Có bà con từ ruộng lúa về tay vẫn cầm dao, cầm liềm... Các anh chia thành 4 nhóm, hướng dẫn bà con tỉ mỉ từng công đoạn. Đội trưởng Dương Kim Loan và các thành viên trong Đội XDCS số 5 cuốc một khoảng đất, đập nhỏ và vun thành luống. Rồi các anh đánh hố, cho phân chuồng đã ủ kỹ xuống dưới, lấp đất màu lên sau đó trồng từng cây cải giống. Anh Loan vừa làm, vừa giải thích cặn kẽ từng công đoạn và sự khác nhau giữa việc trồng bí, mướp, su su, rau đay, mồng tơi... mà bà con đã trồng cho năng suất cao với cây rau cải. Rồi các anh cấp cho mỗi gia đình 200 cây giống được trồng từ vườn rau của Đội... Khi đoàn rời Nậm Béo, người dân đứng dọc hai bên đường, người gửi tặng bộ đội cân gạo nếp, người chục quả trứng gà... Anh Vàng A Câu nhà ở cuối bản, chân thành nói:

- Đó là sản phẩm nhờ bộ đội hướng dẫn mà có đấy. Bộ đội cứ cầm đi đừng xấu hổ, nhà tao còn nhiều lắm.

Không riêng ở Nậm Béo mà tới cả 5 bản của xã Pu Sam Cáp đường đi còn rất khó khăn. Vượt qua tất cả, họ lại tạo lên những lối mòn trên đá bằng đôi bàn chân trần những mong giúp bà con sớm vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Nói về những việc mà cán bộ, nhân viên Đội XDCS số 5 đã làm, ông Chang A Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Pu Sam Cáp khẳng định:

- Từ khi có bộ đội đến hướng dẫn, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ở xã đã có nhiều  nhà ngói hơn. Lúa, ngô trong thùng của mỗi gia đình cũng đầy hơn. Sân trường, trẻ nhỏ ngày một thêm nhiều. Vui lắm, sướng lắm...!

Tạm biệt Pu Sam Cáp, tạm biệt những người lính trên đỉnh trời. Núi vẫn đầy sương. Nhưng điều tôi nhìn thấy rõ nhất là bóng của những cán bộ, chiến sĩ Đội XDCS số 5 in đậm trong làn sương ấy. Họ đang hằng ngày giữ mặt trời ở lại lâu hơn để giúp đồng bào nơi vùng biên ải này xóa đi cái đói, cái nghèo, cái rét....

Bài và ảnh: Mè Quang Thắng