QĐND Online - Làng đúc đồng Ngũ Xã nằm ở phía tây thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội đã có tuổi đời hơn bốn thế kỷ. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, tưởng rằng nghề đã mai một, thế nhưng còn một nghệ nhân vẫn miệt mài, tâm huyết với nghề truyền thống. Ông và các con, cháu đã cho ra đời những sản phẩm đúc đồng tài hoa, tinh xảo. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.
Nằm nép mình bên bờ hồ Trúc Bạch, có một căn nhà được trang trí theo lối cổ rất độc đáo. Đây vẫn được xem như “bảo tàng nhỏ” để những người quan tâm đến nghệ thuật đúc đồng gặp gỡ, trao đổi. Chủ nhân của ngôi nhà là nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng. Tuy đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, mắt đã mờ, chân tay đã yếu nhưng tình yêu nghệ thuật, tâm huyết với nghề trong ông chưa bao giờ vơi cạn.
Sinh nghề - tử nghiệp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng, ông Nguyễn Văn Ứng được cha rất mực thương yêu, dìu dắt, dạy dỗ từng li, từng tí về nghề đúc, từ cách chọn đất để làm khuôn, cách phân biệt các loại nguyên liệu đồng, nhôm, cách chạm khắc từng hoa văn sao cho cẩn thận, thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ tuổi ông đã được bồi đắp niềm đam mê nghề đúc đồng truyền thống.
Năm tháng qua đi với bao biến đổi thăng trầm cùng sự đổi thay của đất nước, các làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, trong đó có làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Nhiều gia đình đã phải chuyển sang làm nghề đúc nhôm (những vật dụng gia đình) nhưng ông Ứng vẫn luôn ấp ủ trong lòng hy vọng sẽ khôi phục làng nghề phát triển trở lại.
 |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng bên các tác phẩm đồng của mình. |
Bao nhiêu năm trăn trở sưu tầm kiểu mẫu, tìm tòi, từ việc nhào đất, tạo khuôn, nung khuôn, lót thịt, nấu cho đến chạm khắc, ông đã tạo ra nhiều sản phẩm có tính nghệ thuật cao và được ưa chuộng trên thị trường. Tiếng thơm ngày một bay xa, nhiều đơn đặt hàng được gửi về với số lượng ngày càng lớn.
Để mở rộng sản xuất, ông đã thuê đất, tuyển thợ làm hàng. Điều ông mừng hơn cả là đã truyền nghề cho hai con trai mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lớp thợ, giúp họ cải thiện đời sống. Hiện nay, vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng người ta vẫn thấy được niềm đam mê, ánh mắt hạnh phúc khi nói về nghề nghiệp mà ông theo đuổi suốt cả cuộc đời. Có lẽ chính điều đó đã giúp thương hiệu đồng Ngũ Xã đến được với bạn bè trong nước và quốc tế!
Theo ông Ứng, đúc đồng quan trọng nhất là truyền được thần thái cho tác phẩm kể cả những đồ vật tĩnh, hay động. “Chẳng hạn, làm bình hoa, quan trọng là dáng bình, chiếc cổ lọ phải mềm, cong... phù hợp với thân bình. Làm đồ thờ như tượng hạc, rùa, bát hương... thì cần tạo được sự uy vệ, hoa văn phải tỉ mỉ”. Người nghệ nhân già say sưa giảng giải về những cái khó trong nghề, về sự phức tạp của việc làm tượng người: “Làm tượng người là khó nhất để cả tính cách, dung mạo của người đó cũng phải hiện trên khuôn mặt. Như dựng tượng Bác Hồ thì phải toát lên được vẻ nhân hậu, trí tuệ, tấm lòng bao dung của Người. Dựng tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phải thấy được sự dũng mãnh, uy nghiêm của một tướng lĩnh tài ba...”.
Một sản phẩm đồng Ngũ Xã muốn hoàn thiện phải trải qua ít nhất là 5 công đoạn: Từ nhào đất, tạo khuôn, nung khuôn, lót thịt, nấu cho đến chạm khắc... tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Vì vậy không phải dễ dàng mà người nghệ nhân có thể đáp ứng được những yêu cầu đó. Để thành công với những tác phẩm của mình, ông Ứng không chỉ dồn hết tâm huyết vào tác phẩm mà còn phải thường xuyên đọc sách báo để hiểu hơn về nhân vật sẽ sáng tạo. Chuyện làm quên ăn, quên ngủ… thậm chí quên cả đón Tết cũng không có gì là lạ.
“Tượng đồng Việt Nam so với các nước trên thế giới không chỉ hơn ở cái thần thái của tượng mà còn ở kỹ thuật làm tượng độc đáo. Nước đồng của ta thường tự nhiên, bền đẹp hơn của nước ngoài. Các sản phẩm thường được đúc liền khối ít nối ghép, kể cả đối với các bức tượng nhiều chi tiết” - ông Ứng giảng giải về những nét đặc sắc của sản phẩm đồng truyền thống. Giọng nói của ông dấy lên một niềm vui, niềm tự hào từ trái tim một người luôn trăn trở với nghề.
Với ông Ứng, niềm tự hào của ông là ngôi nhà nhỏ không bao giờ ngớt khách du lịch từ khắp nơi trong và ngoài nước đến thăm quan. “Tôi không chỉ đơn thuần là giới thiệu về sản phẩm đúc đồng của gia đình, của làng Ngũ Xã mà muốn giới thiệu nét văn hóa của Việt Nam, của cả dân tộc” - Người nghệ nhân làng đồng chân thành tâm sự. Trong những lời chia sẻ của ông vẫn đau đáu một niềm luyến tiếc, rằng ông không được học ngoại ngữ để quảng bá nhiều hơn về nghệ thuật đúc đồng của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
“Hạnh phúc khi được đúc tượng Bác Hồ”
Gần nửa cuộc đời gắn bó với nghề đúc đồng, trải qua không ít những thăng trầm và biến động trong nghề. Vui có, buồn cũng không ít song hạnh phúc lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng là được đúc tượng Bác Hồ.
“Từ bé tôi đã mê nghe kể chuyện về Bác. Lớn lên xung phong vào bộ đội, lúc nào tôi cũng chỉ ước mơ được gặp Bác một lần. Tiếc rằng ước mơ chẳng bao giờ được thực hiện”, ông Ứng trầm tư kể. Có lẽ vì thế ông dồn hết cả nỗi nhớ, tình yêu thương, lòng kính trọng dành cho Bác vào các tác phẩm của mình.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần ông vinh dự được Chính phủ đặt làm một bức tượng về Bác để chào mừng Đại hội Đảng XI. Ông Ứng hồi tưởng: “Vui và xúc động đến mất ăn mất ngủ!”. Bởi đó vừa là ước mơ, vừa là nhiệm vụ quan trọng, làm nên tác phẩm để cả dân tộc và bạn bè thế giới chiêm ngưỡng.
Ông băn khoăn tìm cách thể hiện thành công tượng Bác. Làm sao chỉ nhìn vào tượng mà người xem hiểu được hết cả thần thái và tấm lòng bao dung của Vị Cha già dân tộc. Khó nhất là đôi mắt, phải có hồn, có chiều sâu và đặc biệt thấy cả được tình thương của Bác. Để tự tin thực hiện tác phẩm về Người, ông đã phải tìm tòi, đọc không biết bao nhiêu câu chuyện về Bác, xem không biết bao nhiêu chân dung của Người. Cuối cùng tác phẩm cũng được hoàn thành một cách tốt đẹp. Bức tượng được dát vàng, cao 1,7m, nặng gần 500kg và hiện được đặt trang trọng trong tòa nhà Quốc hội.
Sau bức tượng ấy, ông Ứng còn tham gia đúc không biết bao nhiêu bức tượng Bác Hồ nữa. Nhưng lần nào đối với ông cũng là niềm vui, niềm vinh dự. Và lần nào khi bắt tay vào công việc ông cũng vẹn nguyên cảm giác hồi hộp như ở lần đúc tượng Bác đầu tiên.
 |
Những người trẻ tuổi đam mê nghệ thuật đúc đồng rất ít ỏi. |
Năm 2003, Ông Ứng lại tiếp tục hoàn thành và kính dâng tượng Bác tại Khu di tích lịch sử Ba Đình. Năm 2004, Ban Giám đốc khu di tích tiếp tục đặt hàng 200 pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế nhân dịp 35 năm ngày Bác đi xa...
Ngoài đúc tượng Bác, cơ sở của ông cũng đúc rất nhiều tượng nổi tiếng cho các đền chùa khắp mọi miền đất nước. Tượng Đức Ông (chùa Thiên Trù - chùa Hương) cao 1,5m, nặng hơn 400kg; hai pho tượng nữ anh hùng Võ Thị Sáu trưng bày ở Bảo tàng Công an Nhân dân và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; tượng Anh hùng liệt sĩ Bùi Thị Cúc, tượng bà Chúa Kho (Đền bà Chúa Kho - Bắc Ninh)... Mới đây là tượng Liên Hoa Sinh ở chùa Tây Thiên, tác phẩm độc đáo có một không hai được du khách gần xa trầm trồ ngưỡng mộ.
Vẫn còn những trăn trở…
Những thành quả mà ông Ứng đạt được đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và khen tặng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2000 bằng khen của Bộ Văn hóa-Thông tin; Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước năm 2005, giải Vàng của ngày hội các dân tộc và nghề truyền thống Việt Nam năm 2003, Bằng kỹ năng tinh xảo của Nhật Bản năm 2003... Thế nhưng ông Ứng vẫn cho rằng mình chưa làm được gì nhiều. Trăn trở lớn nhất của ông là phục hồi lại được làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã. Nhớ lại thời hoàng kim, lòng ông nghẹn đắng...
Thời thế thay đổi nhanh quá, lớp trẻ bây giờ cũng thờ ơ với những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tìm được người tâm huyết, yêu và gắn bó với nghề quả thật rất khó khăn. Nói đến đây, cổ họng ông nghẹn ứ, những vết nhăn trên trán xô lại thành vệt. Không biết đến bao giờ, mong ước ấy mới thành hiện thực? Nhìn Ngũ Xã bây giờ, ta không khỏi chạnh lòng và nuối tiếc. Tiếc cho một làng nghề giờ chỉ còn vang bóng trong những câu ca dao và tục ngữ... Biết dến bao giờ mới lại được thấy một Ngũ Xã quanh năm đỏ lửa lò đồng?
Bài và ảnh: Thúy Hằng