Trên chiếc đò lót ván này, mỗi chuyến anh Hoàn chở từ 10 đến 15 người cùng phương tiện, hàng hóa qua sông.

Đã gần một năm trôi qua kể từ khi xảy ra 2 vụ đắm đò thảm khốc ở Chôm Lôm, xã Lạng Khê (Con Cuông - Nghệ An) và Tu Vũ (Thanh Thủy - Phú Thọ) làm hàng chục người chết, thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục triệu đồng, nhưng tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy vẫn không được các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý thích đáng. Ngược lại, vấn đề này vẫn liên tục nhức nhối trên địa bàn hai huyện giáp sông Đà là Ba Vì (Hà Tây) và Thanh Thủy (Phú Thọ).

Tôi vẫn chưa hoàn hồn...

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Ngô Tiến Thoa ở thôn Xuân Thọ, xã Minh Quang (Ba Vì - Hà Tây) giữa cái nắng hè gay gắt, oi ả. Đi qua mảnh sân gạch bỏng rát đang phơi mấy khúc củi ướt nhẹp có lẽ vừa được vớt dưới sông lên, chúng tôi gặp anh và đứa con trai đang xoay trần tiêm cho mấy con lợn giống mới mua. Một tay quệt mồ hôi, một tay cầm ống tiêm, anh quát thằng bé chân tay đang lóng ngóng không biết giữ lợn thế nào. Thấy có khách đến thăm, anh vội vàng mời vào ngôi nhà hai gian tuềnh toàng, bừa bộn. Sai đứa con đi đun nước, anh phân bua: “Mọi người thông cảm nhé, nhà vắng bóng phụ nữ nó thế đấy. Vợ tôi chết đuối trong vụ đắm đò Tu Vũ đã gần một năm, giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn, nhà chỉ còn ba bố con nuôi nhau. Ngôi nhà này thực ra là bếp vợ chồng tôi xây trước, định bụng sau mấy chuyến chạy chợ nữa là đủ tiền, vậy mà...”. Nhìn khuôn mặt người đàn ông chưa đầy 30 tuổi mà khắc khổ, hố mắt trũng sâu vì lo toan cuộc sống, một mình nuôi hai con nhỏ, đứa lớn lên 5, đứa nhỏ mới 2 tuổi, thật khó có thể cầm lòng.

Có lẽ, những người dân ở thôn Xuân Thọ không thể nào quên được chuyến đò định mệnh ngày 24-10-2006 đã cướp đi hơn chục sinh mạng chủ yếu là phụ nữ độ tuổi 27 - 35, trong đó có chị Trần Thị Vân, 27 tuổi, vợ anh Thoa. Nguyên nhân tai nạn là vì chủ đò chở hàng quá nặng, trong đó có cả trâu, bò, lợn, gà mà không hề được trang bị bất cứ một chiếc phao cứu sinh nào. Trong số 24 người trên thuyền, chỉ có 8 người nhanh tay vớ được can, thúng mủng bơi vào bờ nên sống sót. Anh Thoa cho biết: “Chúng tôi đi buôn chuyến trên sông đã bao năm nay nhưng chưa xảy ra vụ tai nạn nào nên ai cũng chủ quan. Hầu như tất cả các chủ thuyền bè qua lại trên sông chẳng ai chú ý tới việc sắm phương tiện bảo hộ, thậm chí có thuyền đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn hoạt động như thường. Người dân nghèo dù có sợ cũng phải đi bởi không còn phương tiện vận chuyển nào khác rẻ hơn...”.

Chủ đò... chủ quan

Hiện dọc bờ sông Đà thuộc địa phận hai huyện Ba Vì và Thanh Thủy đang có vài chục tàu, thuyền thường xuyên qua lại mỗi ngày. Đặc biệt, khi mùa lũ tới (từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch) còn có rất nhiều thuyền nan, thuyền xi măng túc trực hai bên bờ sẵn sàng lao ra bất cứ lúc nào khi thấy có củi, gỗ trôi từ Hòa Bình xuống. Ngoài ra, mỗi xã ven sông còn có khoảng ba bến đò ngang, công suất hoạt động trung bình 7-10 chuyến/ngày, phương tiện chủ yếu là thuyền sắt có trọng tải nhỏ, dài khoảng 20m, rộng 3m gồm buồng máy và boong chở xe cộ, hành khách, hàng hóa. Chỉ cần nhìn boong thuyền trống hoác với thanh sắt chắn mỏng manh, vài tấm ván lót phập phành trên thuyền của anh Nguyễn Văn Hoàn ở xóm Tân Lập, xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Tây) cũng đủ thấy nguy hiểm đến mức nào. Anh nói vô tư: “Mặc dù mới lấy bằng... năm ngoái nhưng tôi đã có thâm niên chở đò ở bến sông này ngót nghét 20 năm rồi đấy. Các bạn cứ yên tâm, có gì tôi xin chịu trách nhiệm”. Nghe vậy, chúng tôi đành ì ạch đẩy xe máy lên đò, trả anh 7.000 đồng/chuyến để nhờ anh đưa chúng tôi đi... thực tế, phó mặc tính mạng của mình và chiếc xe cho anh. Mặc dù đang là mùa lũ, nước sông Đà đỏ ngầu réo rắt nhưng đò vẫn chạy băng băng, mấy tấm ván dùng làm boong rung lên bần bật. Từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ mất 5 phút nhưng cũng đủ để chúng tôi thử... cảm giác mạnh trên chiếc đò tròng trành, không có biển kiểm soát cũng như phao cứu hộ.

Sang bờ (tức địa bàn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), chúng tôi bắt chuyện với anh Trần Duy Trường, chủ đò PT1308 trú ở khu 10, xã Yến Mao. Hành nghề chở đò ở bến sông này đã gần chục năm, anh Trường mới tích cóp tậu được chiếc thuyền sắt trị giá 30 triệu đồng. Với mức thu nhập bình quân 150.000 đồng/ngày, gia đình anh cũng có của ăn của để. Anh cho biết: “Từ trước tới giờ, ngoài việc thỉnh thoảng chạy ca-nô tuần tra mỗi tháng, cảnh sát giao thông đường thủy huyện Thanh Thủy và Ba Vì vẫn kiểm tra khoảng 5 lần/năm các thuyền, đò hoạt động trên sông. Mỗi lần chúng tôi phải nộp phạt 100-200.000 đồng, có lần họ làm gắt thì mất 500.000 đồng”. Mãi tới khi xảy ra vụ đắm đò Tu Vũ làm xôn xao dư luận, cảnh sát giao thông đường thủy làm… “ngặt” thì một số chủ đò ở đây mới vội vàng đi thi bằng lái và đăng ký biển số. Trước hôm được gắn biển kiểm soát, được tin có đoàn thanh tra của tỉnh đi tuần tra, anh Trường phải sơn vội một tấm biển rồi gắn tạm lên thuyền. Anh còn lên tận Hòa Bình để sắm 15 chiếc phao bằng xốp nhưng chỉ dùng được một hôm thì phải... mang về nhà cất, biết là nguy hiểm cho hành khách qua đò nhưng anh không còn cách nào khác bởi lũ trẻ cứ rình rình lúc vắng mặt là lấy trộm phao để bơi lội, nhảy cầu.

Chính quyền địa phương buông lỏng

Theo Cục Đường sông Việt Nam, hiện trong tổng số 11.226km sông, kênh của cả nước đang khai thác vận tải mới chỉ có 8.036km được quản lý và bảo trì. Bến thủy nội địa và bến khách ngang sông mở tùy tiện ở nhiều địa phương, không tuân theo quy hoạch, chỉ có 2.468/3.618 bến thủy nội địa được cấp phép, 1.005/2.389 bến khách ngang sông có quyết định mở bến. Các phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy chưa qua đăng kiểm cũng chiếm tỷ lệ cao (khoảng 25-30%), thiết bị an toàn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là phao cứu sinh. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Yến Mao cho biết: “Chúng tôi không quản lý, cũng không xử phạt các hộ có đò hoạt động trái phép, thiếu giấy tờ trên sông. Việc này do Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy huyện Thanh Thủy phụ trách. Chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho các hộ có thuyền làm kinh tế bằng cách cho họ đấu thầu bến bãi với giá 6 triệu đồng/năm. Còn việc bảo đảm an toàn giao thông trên mỗi chuyến đò thì khó lắm, vì phụ thuộc vào ý thức của mỗi người chứ cán bộ xã chỉ có mấy người làm sao kiểm soát được”. Còn theo anh Nguyễn Văn Hoàn ở xóm Tân Lập: “Rất nhiều bến đò ngang ở xã Minh Quang là do người dân tự đứng ra mở và tổ chức cho phương tiện hoạt động. Vì chi phí học lấy bằng, đăng ký tàu thuyền, mua sắm phao cứu hộ tương đối cao (hơn 2 triệu đồng) nên nhiều chủ đò... ngại học, ngại mua. Sự kiểm tra của cảnh sát giao thông cũng không gay gắt lắm nên ngoài việc thỉnh thoảng nộp phạt, đóng 3 triệu đồng/năm cho xã, tôi không phải cam kết gì. Duy có bến phà Đá Chông là được trang bị đầy đủ, quy mô và an toàn hơn mà thôi”.

Ông Sĩ Văn Khánh - Phó cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam cho biết: “Tình trạng mất an toàn trên đường thủy nội địa là vô cùng lo ngại, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành”. Thiết nghĩ, sự quan tâm của các cấp, các ngành có lẽ chưa đủ mà cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật An toàn giao thông đường thủy tới người dân, nhất là phải có chế tài xử phạt mạnh hơn.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, cả nước hiện có khoảng hơn 5.000 người tham gia điều khiển phương tiện chở khách ngang sông nhưng chỉ có 2.580 người có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, chiếm khoảng 75%, cá biệt ở một số địa phương con số này là 100%; 50% các phương tiện giao thông đường thủy vi phạm luật như không đăng ký, đăng kiểm. Riêng trong quý 1 năm 2007, trên địa bàn cả nước xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 51 người, bị thương 10 người, chìm và hư hỏng 50 phương tiện giao thông vận tải thủy, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 600 triệu đồng.

Bài và ảnh: NGỌC MINH