Nhiều ổ “trâu”, ổ “voi” trên quốc lộ 32

Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 được người dân vui mừng đón nhận. Tuy nhiên, tiến độ thi công quá chậm cùng một số vấn đề trong công tác giải phóng mặt bằng đã khiến sự vui mừng đón nhận của người dân dần chuyển sang sự bức xúc…

Tiến độ dự án quá chậm…

Quốc lộ 32 là tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của vùng. Sau nhiều năm sử dụng quốc lộ 32 đã bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến giao thông trở nên khó khăn và ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân hai bên đường. Cuối năm 2004, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 đoạn Nhổn-Sơn Tây ( dài 27km) với tổng kinh phí đầu tư hơn 360 tỷ đồng. Dự án thực sự trở thành niềm vui của người dân trên địa bàn. Không những nó sẽ giúp người dân bớt khổ hơn, đồng thời còn thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, nhất là những xã có quốc lộ 32 đi qua. Tháng 8-2005, Dự án được triển khai với tiến độ đề ra là hoàn thành công trình trong năm 2006. Tuy nhiên, Dự án đã không hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm.

Để phục vụ cho Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 32, UBND tỉnh Hà Tây đã ra quyết định tạm thu hồi trên 44 ha đất tại địa bàn 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ và Thạch Thất. Song việc giải phóng mặt bằng diễn ra chậm với nhiều nguyên nhân: Thời kỳ giá đất lên cao, nhiều hộ chuyển nhượng, mua bán đất trao tay không có chứng nhận của chính quyền. Khi thực hiện dự án có nhiều diện tích không xác định được chủ hộ chính thức. Người chuyển nhượng thì không được nhận. Người được nhận tiền đền bù thì lại không ở trên địa bàn; Do công tác quản lý dọc tuyến quốc lộ 32 rất phức tạp. Trước đây, nhiều diện tích là đất trồng lúa đã được chính quyền cơ sở hợp thức hoá làm nhà ở. Hành lang giao thông những năm gần đây mới có chỉ giới rõ ràng, nên nhiều hộ đã xây nhà kiên có trong phạm vi hành lang an toàn giao thông; đặc biệt là việc xây dựng các khu tái định cư quá chậm. Vấn đề làm các khu tái định cư đã được các địa phương kiến

Tiến độ thi công chậm

nghị sớm có giải pháp giải quyết từ giữa năm 2006 . Tuy nhiên, công tác này tiến hành rất chậm. Mặt khác, trong quá trình tiến hành dự án có sự thay đổi chính sách trong việc thu hồi đất phục vụ các dự án. Một số hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

Đến nay, đã sắp hết tháng 7-2007, nhưng dự án vẫn chưa làm được nhiều. Một số nơi vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Điển hình như đoạn quốc lộ 32 qua phố Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, còn một số hộ dân chưa di dời.

…Đến bức xúc của người dân

Hiện nay, bất kỳ ai có việc phải đi qua quốc lộ 32 đều phải ngần ngại vì chất lượng đường. Những đoạn chưa làm thì quá xấu, còn những đoạn đang làm thì rất khó đi.

Anh Phương, một lái xe ôm thường đỗ, bắt khách trên quốc lộ 32 đoạn Nhổn, chỉ vào những “ổ trâu”, “ổ voi” trên đường nói: “Anh xem đường thế kia đi liệu có bảo đảm an toàn. Tôi thường đứng chờ khách ở đây và đã tận mắt chứng kiến nhiều tai nạn giao thông xảy ra. Đường chật, chỉ cần các xe tránh nhau, đi vào các hố to trên đường là tai nạn xảy ra. Nhiều người nói tai nạn giao thông xảy ra phần lớn do lỗi chủ quan, nhưng với quốc lộ 32 thì điều này không đúng. Dù người đi xe có cẩn thận đến mấy, tay lái vững đến mấy cũng có thể bị tai nạn như thường”.

Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức bức xúc: “Có dự án người dân mừng quá. Nhưng không ngờ cái dự án mà người dân vui mừng đó nhận đó lại “hành” dân mấy năm nay. Trời nắng thì bụi mù, người đi khổ, người dân hai ven đường cũng khổ. Trời mưa thì khỏi phải nói, bùn đất nhão nhoét, đi bộ cũng ngã chứ chẳng nói đi xe. Có những hố ngập gần bánh xe ô tô, người tham gia giao thông không biết mà đi vào đó thì… khổ

Người dân dổ gạch, vữa ra đường tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Tây

Không chỉ việc tiến hành thi công đường gây khó khăn, “hành” người tham gia giao thông và dân hai bên đường mà còn có những nguyên nhân khác. Đó là việc giải phóng mặt bằng và quản lý giải phóng mặt bằng chưa tốt. Tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, sau khi dỡ công trình xây dựng trên diện tích giải phóng mặt bằng, một số hộ dân đã tiện thể đổ gạch vữa ra đường khiến đường bị biến thành bãi phế liệu xây dựng, đi lại rất khó khăn. Đường quá khó đi nên nhiều phương tiện tham gia giao thông đã vi phạm luật. Do cố tìm những đoạn khô ráo, dễ đi, nhiều người đã đi ngược chiều, gây cản trở giao thông…

Những bức xúc của người dân đang ngày ngày đòi hỏi các cơ quan chức năng, những nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án. Dư luận giờ đây còn lo lắng: Liệu việc chậm tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 có dẫn đến lãng phí nhiều tỉ đồng như việc chậm tiến độ xây dựng Cầu Vĩnh Tuy gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian vừa qua? Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm tiến hành những biện pháp hiệu quả làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án giúp người dân bới khổ, tránh lãng phí tiền bạc của nhà nước.

Bài và ảnh: Đinh Xuân Dũng