 |
Anh Lưu liên lạc với tàu cá ngoài khơi qua "tổng đài". |
Đến thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa hỏi anh Trần Văn Lưu không người dân nào không biết. Nằm ở giữa làng, qua nhiều con ngõ hẹp nhưng chẳng mấy khó khăn để chúng tôi tìm được đến nhà anh. Chiếc loa phóng thanh trên nóc nhà luôn truyền đi những thông tin quan trọng từ biển khơi đến với các gia đình ở một xã phần lớn dân cư bao đời gắn bó với biển. Cũng từ căn nhà cấp bốn này, bằng hệ thống thiết bị của mình, anh phát đi những thông tin hướng dẫn cụ thể từng con tàu giữa trùng khơi sóng nước.
Vặn nhỏ chiết áp chiếc máy thu phát tín hiệu để âm lượng vừa đủ nghe, câu chuyện của anh với chúng tôi ngược dòng thời gian hơn 10 năm về trước. Ngày ấy, vào tháng 7-1996, sau cơn bão, anh lặn lội ra tận Nam Định để tìm bố. Mấy ngày miệt mài đi gần trăm cây số dọc bờ biển, cuối cùng anh cũng tìm thấy bố mình thoát nạn từ biển khơi trở về. Chưa hưởng trọn niềm vui, anh lại tận mắt chứng kiến người bạn cùng “thuở chăn trâu cắt cỏ” vĩnh viễn ra đi. Nỗi đau mất bạn, cùng sự chứng kiến nhiều gia đình trong làng, trong xã người thân không còn nước mắt để khóc; không còn sức để kiên trì chờ đợi, hy vọng dù chỉ là một thông tin ngắn làm anh nhiều đêm không ngủ. Với vốn liếng kiến thức ít ỏi học được trong những năm quân ngũ, cùng tấm bằng sơ cấp kỹ thuật truyền thanh, anh Lưu bắt đầu mày mò nghiên cứu chế tạo máy thu phát với hy vọng “bắc” được chiếc “cầu thông tin” nối giữa đất liền với các tàu đánh cá ngoài khơi. Lúc đầu chưa có tiền, anh nhặt nhạnh xin được một số linh kiện điện tử cũ, nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp rồi tự mình thử nghiệm thiết bị thu phát. Không kể nắng, mưa, trưa, tối, cứ mỗi lần hoàn chỉnh thiết bị, anh vừa chạy, vừa thử gọi khắp xóm trên, ngõ dưới. Nhiều người ban đầu ác miệng còn gọi anh là “hâm”. Kiên trì, rồi mọi chuyện cũng thành công, ban đầu bộ thu, phát tín hiệu của anh, với công suất nhỏ, nên cự ly thu phát chỉ cách bờ khoảng 3km. Không chịu bó tay, anh tiếp tục nghiên cứu, phát triển hệ thống thu phát, từng bước nâng dần cự ly lên 20, rồi 40 hải lý.
Vừa sửa chữa thiết bị thông tin liên lạc, vừa mạnh dạn đầu tư, anh quyết định mua lại một thiết bị cũ của ngư dân, nâng cấp, bảo đảm liên lạc cả 24/24 giờ trong ngày, xin phép cơ quan chức năng đưa tần số vào hoạt động chính thức. Bây giờ, thiết bị của anh đủ sức liên lạc được với tất cả tàu thuyền đang khai thác, đánh bắt hải sản trên hầu hết vùng biển của cả nước. Chính nhờ thiết bị này, không chỉ anh Lưu và nhiều gia đình có người đi biển, mà còn giúp chính quyền địa phương thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo tình hình thời tiết, hướng dẫn ngư dân cách phòng tránh bão, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nhờ máy thu phát của anh mà nhiều ngư dân được cứu sống, có cả những người quê ở Ninh Bình, người Nam Định. Gần đây, qua mạng thông tin của anh đã giúp cơ quan chức năng xử lý thành công một vụ cướp biển. Khi ngư dân đang đánh cá ở tọa độ 1940L, chủ tàu Mai Văn Hải (xã Nghi Lộc) bị một tàu đến cướp, đánh. Qua thông tin của anh, bộ đội biên phòng đồn 114 (Thanh Hóa) đã kịp thời xử lý. Sau đó ít ngày, 11 ngư dân xã Minh Lộc (Hậu Lộc) bị thủng tàu cũng nhờ thông tin của anh Lưu mà được cứu sống. Trong bão số 2 vừa qua, tàu của ông Thân Đệm (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) bị hỏng máy và đã được đài thông tin của anh Lưu báo với bộ đội biên phòng cứu nạn an toàn.
Nói vậy, nhưng để có được một “tổng đài” hoạt động hiệu quả như hiện nay, không chỉ riêng anh, mà cả gia đình đã phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Căn nhà nhỏ rộng chừng 10m2, lợp ngói phi-brô xi măng, tường nham nhở do sự bào mòn của thời gian, với la liệt các loại thiết bị điện tử vừa được anh dùng làm “xưởng” sửa chữa, vừa làm nơi triển khai các thiết bị của “tổng đài”. Phía trên hai chiếc máy thông tin I-COM đang hoạt động, anh trang trọng treo tấm bằng chứng nhận giải thưởng “Những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội” do Ủy ban giải thưởng KOVA trao tặng năm 2005. Kể cho chúng tôi nghe nỗi gian truân, vất vả thời kỳ đầu, anh Lưu tâm sự:
- Sau những thành công bước đầu, tôi có ước mơ nâng cấp “tổng đài” của mình, nhưng chẳng biết làm cách nào vì không có tiền. Tôi rời làng vào Cửa Lò (Nghệ An) sửa chữa thuê cho mấy cửa hàng buôn bán đồ điện tử cũ. Nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm được hơn 10 triệu đồng, tôi trở về quê thuyết phục vợ đưa thêm 10 triệu đồng. Nhưng để mua được chiếc máy hoạt động được ở cự ly xa, vẫn cần phải có 10 triệu đồng nữa. Một đêm không ngủ, tôi quyết định đi vay bạn bè, hàng xóm để có đủ 30 triệu đồng mua một chiếc máy I-COM trước khi mùa mưa bão năm 2000 đến.
Giọng chùng xuống, chỉ tay về phía chiếc tủ kính, anh nói tiếp:
- Tiếc nỗi, bây giờ chiếc máy đó đang hỏng mà không có linh kiện thay thế. Tôi đã gọi điện hỏi mua linh kiện ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng đắt quá.
- Vậy còn hai chiếc I-COM hiện đang hoạt động, anh tự chế tạo hay cũng phải mua? Tôi hỏi.
- Mua đấy chứ, mình làm sao lắp ráp được mấy thứ hiện đại đó. Tiền mua nó với giá 40 triệu đồng tôi đang phải thế chấp nhà vay ngân hàng đấy. Mình thiệt một chút, nhưng người dân đỡ khổ là vui rồi, tính toán chi anh.
Quả thật, tận mắt chứng kiến cơ ngơi và cuộc sống của vợ chồng và ba đứa con nhỏ mới cảm nhận hết tính nhân văn sâu sắc. Mọi điều thật đơn giản, bình dị như chính công việc mà hằng ngày, hằng giờ anh vẫn làm. Chẳng một đồng tiền công, không một đồng tiền thưởng, mọi chi phí phục vụ cho cái “tổng đài” hoạt động thường xuyên, anh đều trông cậy vào khoản thu từ “xưởng” sửa chữa. Đến 10 triệu đồng nhận được từ giải thưởng KOVA anh cũng dành tất cả mua máy nổ và một chiếc máy fax, phòng khi bão gió mất điện và có phương tiện báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng mỗi lúc nhận được thông tin tình huống bất trắc trên biển. Đài thông tin của anh đã được Cục tần số vô tuyến điện cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
Nói về ước nguyện của riêng mình:
- Tôi chỉ mong muốn giúp được nhiều hơn cho ngư dân. Cuộc sống gia đình mình tuy vẫn khổ, nhưng cũng là hạnh phúc lắm rồi. Người dân xã này đã phải chịu quá nhiều đau thương. Cũng chỉ vì thiếu thông tin, nên bạn tôi đã vĩnh viễn ra đi khi mà lẽ ra không được phép đưa thuyền vào bờ khi bão đang “đuổi” sau lưng.
Chúng tôi đặc biệt cảm kích khi biết rằng, để nâng cấp “tổng đài” bảo đảm khả năng kỹ thuật, giữ vững liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền ngoài khơi, gian nhà cấp bốn liền kề là chiếc quán bán hàng nơi vợ anh “lo cơm cháo” hằng ngày cho cả gia đình anh cũng quyết định dỡ bỏ. Quyết định “mạo hiểm” ấy được bắt nguồn từ khoản kinh phí 50 triệu đồng hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa mà ông Mai Xuân Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ khi anh được nhận giải thưởng KOVA (20 triệu đồng xây nhà và 30 triệu đồng mua sắm trang thiết bị). Tỉnh hứa và đã làm. Tiền đã được tỉnh chuyển về đến huyện, nhưng không hiểu vì lý do gì, mà hơn một năm nay số tiền 50 triệu đồng vẫn “nằm im” trong két sắt của kho bạc huyện Hậu Lộc (?).
Bóng mái nhà liêu xiêu đổ dài trên nền đất, cơn gió biển mát lạnh ùa vào, cũng là lúc anh “lên máy” thử bắt thông tin với một số tàu đang hoạt động ngoài khơi. Tin tức thu nhận được từ biển, anh ghi chép cẩn thận vào sổ không chỉ để theo dõi mà còn kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng những biện pháp giải quyết khi có tình huống bất trắc xảy ra. Chia tay anh, trong khoảng không gian tĩnh lặng, không ai nói thêm điều gì, nhưng ánh mắt mỗi người đều hàm chứa sự cảm phục. Đống gạch ngói ngổn ngang trên nền đất cũ, cùng nhiều trang thiết bị điện tử bày la liệt khắp gian nhà cấp bốn và câu chuyện xây dựng đài thông tin duyên hải còn dang dở mà anh không muốn nhắc tới nhiều, làm tôi thấy băn khoăn…
Bài và ảnh: LÊ NGỌC LONG