(tiếp theo kỳ trước)
Với Ninh từ khi chỉ huy đại đội rồi nhất là mấy năm gần đây chỉ huy tiểu đoàn, anh không chỉ được thuộc cấp cảm phục, nhất nhất vui vẻ tuân theo mọi mệnh lệnh mà còn được Trung tá trung đoàn trưởng Vũ Lộ và cả chuẩn tướng Lý Tòng Bá, tư lệnh sư đoàn quý nể vì một trong những nguyên nhân là anh đã luôn xử lý rất “khéo léo” như thế. Giờ đây với mệnh lệnh của cấp trên qua chị Tư truyền xuống, Ninh càng suy nghĩ chín hơn về hai từ “khéo léo” này. Thực tế trong những ngày gần đây anh càng tích cực vận dụng sự “khéo léo” đó. Trong các buổi họp phổ biến nhiệm vụ với các sĩ quan trong tiểu đoàn, anh đã tỏ ra rất “lo lắng” mà khách quan thông báo khá đầy đủ về tình hình chiến sự, trong đó nêu rất rõ các khu vực, các trận đánh quân đội Cộng hòa đã “để mất”, đã bị thua thiệt nặng và quân Cộng sản tiến đến đâu… để vừa ngầm lung lay ý chí của các sĩ quan, binh sĩ trong tiểu đoàn, vừa qua đây để nắm thêm về diễn biến tâm lý của họ. Anh lại cũng đã “khôn khéo” ngầm nắm hết lực lượng và cách “bố phòng” trong căn cứ Đồng Dù để sẵn sàng có một bản đồ quân sự của căn cứ này cung cấp cho ta. Nhưng chẳng lẽ mất 12 năm ẩn tích, ta chỉ có “khéo léo” làm được thế này cho cách mạng thôi ư? Sự “khéo léo” ấy bây giờ ta sẽ làm được gì khi cả tiểu đoàn đang được tăng cường để phòng thủ căn cứ Đồng Dù này? Trong mệnh lệnh của lãnh đạo Ban binh vận có nói: “Sẵn sàng nhận nhiệm vụ cụ thể!”. Vậy “nhiệm vụ cụ thể” đó là gì? Mình có kịp làm được nhiệm vụ đó khi khả năng toàn thắng đang diễn ra với tốc độ như vũ bão này? Có làm được chuyện gì nên tấm nên miếng cho cách mạng hay lúc Sài Gòn và cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng mình cũng như hàng nghìn sĩ quan quân đội Cộng hòa đi trong hàng ngũ của những tù binh?…”.
Dòng suy tư, tự vấn ấy của Ninh đã bị cắt đứt khi có tiếng gõ cửa phòng. Hạ sĩ Ngữ, công vụ của Ninh đã được lệnh không được cho một sĩ quan nào trong tiểu đoàn vào phòng làm việc lúc anh đang “mệt” cần yên tĩnh này. Nhưng với vị khách đặc biệt đang phải ngồi chờ Ninh ở phòng ngoài lúc này, Ngữ bắt buộc phải gõ cửa…
Chính từ tiếng gõ cửa và tiếp đấy là sự xuất hiện bất ngờ của Loan, vợ anh ở căn cứ Đồng Dù cách đây ba hôm ấy mà Ninh lúc này đang ngồi đối diện với chị Tư Nhẫn.
- Chị Tư ơi! Chị biết em mừng tới cỡ nào không khi Loan lên báo tin để em về gặp chị? Ngoài thông báo chiến sự hằng ngày của Bộ Tổng tham mưu và Sư đoàn 25 qua chiếc ê-cút-tơ, em đã biết rõ bên ta đã mở chiến dịch với cánh quân lớn đang hướng vào Sài Gòn. Em tin dịp này Sài Gòn và cả miền Nam nhất định sẽ được giải phóng bởi chính quyền Thiệu đã lung lay ngay từ tận gốc rồi. Quân đội thì đã rã rời ý chí ngay từ khi ta giải phóng Tây Nguyên và nhanh chóng chiếm được cả Đà Nẵng và miền Trung. Người Mỹ sẽ không đưa quân trở lại miền Nam và chiều hướng bỏ rơi “con đẻ” là điều chắc chắn. Do vậy em càng mong tín hiệu từ nơi chị về “nhiệm vụ cụ thể của em”.
- Chị biết chứ! Mười hai năm “trồng cây” rồi mà. Em biết không, trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam lần này công tác binh vận, mũi giáp công thứ ba làm tan rã hàng ngũ địch ngay từ trong lòng chúng càng được trên rất quan tâm chú trọng. Trong Ban binh vận của miền ngoài các đồng chí lãnh đạo cũ, riêng ở khu vực ở Sài Gòn, Khu ủy còn cử cả đồng chí-chị Tư Nhẫn định nói là “đồng chí Võ Trần Chí, Thường vụ khu ủy”, nhưng kịp dừng lại nói là đồng chí lãnh đạo cấp cao của Khu ủy trực tiếp chỉ đạo. Em là một cơ sở được các đồng chí đó rất quan tâm và đặt nhiều hy vọng. Bởi thế, em không còn phải trông đợi nữa. Ngay bây giờ, chị sẽ truyền đạt “nhiệm vụ cụ thể” cấp trên giao cho em. Nhưng liệu…
Chị Tư nói đến đây ngừng lại làm Ninh đang bồn chồn càng nóng lòng náo nức.
- Chị nói đi. Nhiệm vụ cụ thể của em là gì? Sao lại “nhưng liệu…?”, Ninh hối thúc hỏi dồn chị Tư.
- À đấy là một ý, chị muốn hỏi em trước khi truyền đạt. Nhưng thôi để chị sẽ hỏi sau. Bây giờ như em cũng đã nhận thức được rõ rồi đó, cuộc chiến đấu với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam của quân và dân ta đã đến đỉnh điểm. Các cánh quân lớn của ta đang thần tốc áp sát vào sào huyệt cuối cùng của địch là Sài Gòn. Bởi vậy nhiệm vụ cụ thể của em ở thời điểm này là: Phải bằng mọi cách làm cho quân ngụy mà trực tiếp là tiểu đoàn của em tê liệt tinh thần chiến đấu, đào rã ngũ hàng loạt góp phần tích cực không cho địch co cụm củng cố phòng tuyến ở phía tây bắc Sài Gòn. Phải vận dụng mọi khả năng, sẵn sàng mở cửa tạo mọi điều kiện cho quân ta nhanh chóng tiến chiếm Sài Gòn, giảm tới mức tối đa thiệt hại về mọi mặt, nhất là nhân mạng. Muốn đạt được mục tiêu trên, cách tốt nhất là em phải tổ chức cho tiểu đoàn làm binh biến phản chiến ly khai, kéo quân ra khỏi vùng giải phóng.
Làm được như thế sẽ là một “trái bom” nổ ngay trong lòng quân địch, có ý nghĩa lớn nhất về chính trị. Cũng chỉ có làm được “trái bom” đó mới xứng với sự hy sinh thầm lặng suốt 12 năm qua của em. Đấy chị muốn hỏi “Liệu em có…” tức là có làm được “trái bom” đó trong thời điểm này không?
Nghe chị Tư truyền đạt mệnh lệnh và động viên như vậy, lòng dạ Ninh cứ bừng bừng, bởi anh đã chờ đợi được trao “nhiệm vụ cụ thể” này từ lâu. Trước mắt Ninh hiện lên hình ảnh cả tiểu đoàn của mình được trở về trong vòng tay đồng bào và quân Giải phóng. Và cũng từ giờ phút ấy mình cũng đã được ngẩng cao đầu trở lại với chính con người thật của mình: Một chiến sĩ cách mạng, một đảng viên Đảng Cộng sản. Nhưng niềm vui đang lóe bừng lên ấy đã bị ngưng giảm ngay đi khi anh chợt nhớ lại chuyện mình được giao nhiệm vụ cũng qua chính chị Tư ở đồn Lương Hòa năm xưa. Ở đây có khác nhiều so với thời mình ở “hòn đảo” đó. Nhưng khi tiểu đoàn đang trong đội hình lớn của địch ở căn cứ Đồng Dù này, việc tổ chức làm binh biến đưa được cả tiểu đoàn ra vùng giải phóng đâu có dễ dàng. Tuy với tâm trạng vừa mừng vừa lo đó trước mặt chị Tư-vị chỉ huy trực tiếp của mình, Ninh đã tỏ ra rất tự tin.
- Thưa chị, em nghĩ cấp trên và trực tiếp là chị cũng thấy rõ những khó khăn khi tiểu đoàn em đang cùng co cụm để phòng thủ ở vị trí xung yếu này. Nhưng để góp được một tia lửa vào biển lửa của cách mạng thiêu cháy toàn bộ chế độ Mỹ-ngụy ở thời điểm chắc chắn sẽ đi vào lịch sử này, em hứa sẽ vận dụng tạo mọi cơ hội để hoàn thành được nhiệm vụ mà chị vừa truyền đạt. Với em, đây cũng là thời cơ cuối cùng. Chỉ đề nghị, từ giờ phút này việc liên lạc giữa chị với em phải thật liên tục sát sao để việc hiệp đồng giữa trong và ngoài không bị trắc trở…
Chị Tư nắm chặt hai tay rồi kéo cả người Ninh về phía mình, cổ vũ Ninh: “Chị biết trở ngại lớn đó. Nhưng chị tin vào bản lĩnh và sự mưu trí thông minh của cậu nhất là khi cậu đã xây dựng được những nhân tố tích cực trong tiểu đoàn nên lần này chắc chắn em sẽ được “sổ lồng tung cánh bay xa”. Đạt được thắng lợi và ước nguyện đó, nếu còn sống, má mình sẽ là người vui sướng nhất!”.
Ninh xúc động. Chia tay chị Tư, nhưng viên thiếu tá vốn điềm tĩnh thường luôn biết kiềm chế tình cảm này cũng phải đứng lại một lúc trong nhà để sắc thái thật bình thường mới ra xe trở lại căn cứ Đồng Dù.
Ngồi trên xe, Ninh phác thảo ngay phương án hành động. Yếu tố đầu tiên anh nghĩ tới là lực lượng nòng cốt mà anh có thể tin cậy trải qua tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tâm lý từng người từ lâu. Ngoài 3 “đệ tử” ruột là lính bảo vệ, công vụ sẽ sẵn sàng sống chết vì anh, và các sĩ quan nhất là các sĩ quan chỉ huy các đại đội trong tiểu đoàn. Điểm nhanh lại, số tin cậy được Ninh thấy có 8 sĩ quan kể cả tiểu đoàn phó trong số hơn 20 sĩ quan của tiểu đoàn. Trước khi hành động chỉ cần kiếm cớ cho vắng mặt 2 người mà anh thấy họ có thể chống đối lại mình hoặc do dự không dám vào cuộc. Còn lại anh tin tất cả sẽ hoàn toàn nghe theo lời kêu gọi của anh khi tình thế đã cho họ thấy, đó là sự lựa chọn tốt nhất để cứu mình và giảm được phần tội lỗi đối với đất nước và nhân dân. Khi các sĩ quan chủ chốt đó đã đứng dưới ngọn cờ của anh, các binh sĩ vốn đã cảm phục anh thì việc cả tiểu đoàn cùng phản chiến ly khai là tất yếu. Trở ngại lớn nhất vẫn là tiểu đoàn đang trong đội hình phòng thủ của căn cứ Đồng Dù, phải tìm được cớ gì để tiểu đoàn tách ra khỏi căn cứ này. Nếu không, dù cả tiểu đoàn đồng lòng nổi dậy cũng rất khó khăn vì trước hết phải chống trả với lực lượng đông đảo đang còn nguyên vẹn ở ngay căn cứ này của chúng.
Suốt ba ngày đêm liền, Ninh đã “đánh vật” với bài toán hóc búa trên đây, phải tìm ra đáp số chính xác và thông minh nhất. Tự mình không thể tự nguyện xin cho tiểu đoàn đi dã ngoại vì khi được điều về chính là để tăng cường lực lượng phòng thủ căn cứ. Ở thời điểm này, chỉ huy căn cứ cũng không còn nghĩ tới việc cho quân ra ngăn chặn đối phương từ xa. Vậy mình chỉ còn tập trung chuẩn bị cho phương án khi quân giải phóng tấn công căn cứ sẽ nổi dậy làm binh biến bằng cách nội ứng đánh địch từ bên trong phối hợp với quân ta.
Đúng lúc Ninh đang hoàn chỉnh phương án này, ngày 25 tháng 4, tiểu đoàn 1 của Ninh được lệnh của Lý Tòng Bá cùng với thiết đoàn 10 thiết giáp rời khỏi căn cứ Đồng Dù hành quân đi giải tỏa áp lực của quân giải phóng tại khu vực Trảng Bàng, Tây Ninh.
“Thời cơ lóe lên rồi!”, Ninh thầm reo lên sau khi nhận được lệnh đó. Tiểu đoàn đã được tách ra khỏi căn cứ. Nhưng thời cơ mới chỉ lóe lên, bởi ra khỏi được căn cứ Đồng Dù, song tiểu đoàn lại không độc lập hành quân, phải đi cùng trong đội hình với thiết đoàn 10. Đi cùng với bọn này, các đại đội phải phân tán bám theo xe thiết giáp rất khó chỉ huy tập trung cả tiểu đoàn khi có thời cơ ly khai binh biến. Không những thế, khó khăn, trở ngại lớn nhất là ngay từ phút đầu tiên chính những nòng pháo trên xe và những vòng xích sắt của đoàn thiết giáp này sẽ nhả đạn và nghiền nát binh lính của tiểu đoàn anh khi thấy các anh trở cờ làm binh biến. Tuy vậy, dù sao tiểu đoàn ra khỏi được căn cứ Đồng Dù, Ninh đã mừng. Điểm sáng từ tia lửa này Ninh hy vọng sẽ nảy ra cơ hội mới cho mình để có được ngọn lửa rực sáng trong đêm. Sự mưu trí, thông minh của Ninh lúc này chính là phải làm sao tạo ra được cơ hội mới đó. Tức là làm sao tách được tiểu đoàn của mình ra khỏi đội hình chung với thiết đoàn 10 thiết giáp. Đã sang ngày thứ ba ở Trảng Bàng để cùng với thiết đoàn 10 “giải tỏa áp lực…”. Từ lúc tiểu đoàn rời khỏi căn cứ Đồng Dù tới giờ, Ninh đã dồn hết tâm trí để tìm ra được cơ hội này, nhưng vẫn không có kế sách nào khả thi. “Bí mật đưa tiểu đoàn tách ra khỏi đội hình ư? Không được. Đây đâu phải là tiểu đoàn đặc công hay biệt động của ta. Và như thế các sĩ quan của thiết đoàn 10 sẽ phát hiện thấy ngay. Vận động thiết đoàn 10 cùng phản chiến? Càng nguy hiểm! Sẽ “xôi hỏng bỏng không” và mình sẽ là kẻ bị thiêu thân đầu tiên!”. Khi các phương án đó đều bị tự mình bác bỏ thì pháo tầm xa của quân ta đã nã vào đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến phòng thủ của địch ở Xuân Lộc mà Lê Minh Đảo thề quyết tử thủ giữ vững đã tan vỡ và Đại tá Đảo vừa được đặc cách vinh thăng chuẩn tướng, đã bỏ chạy về gần Sài Gòn. Chiến sự càng ác liệt sôi lên áp sát Sài Gòn, lòng Ninh càng nóng bỏng khi mình chưa tìm ra được phương kế gì để đưa tiểu đoàn làm binh biến. Giữa lúc như còn đang trong nước bí đó, sáng ngày 28 tháng 4, Ninh nhận được điện lệnh của tướng Lý Tòng Bá: “Tiểu đoàn 1 cùng với thiết đoàn 10 cấp tốc hành quân trở lại ngay căn cứ Đồng Dù”.
Từ điện lệnh này, Ninh nhận định: Lý Tòng Bá cho tiểu đoàn mình và thiết đoàn 10 trở lại Đồng Dù là để tăng cường lực lượng quyết “đổ bê tông” giữ chắc tuyến phòng thủ Sài Gòn ở phía tây bắc này. Không chặn được quân giải phóng từ xa, thấy rõ là chúng đã phải co cụm lại chốt chặt các cửa ngõ vào Sài Gòn. Theo anh biết, một cánh quân lớn của ta hình như là Quân đoàn 3 đã áp sát Đồng Dù để tiến vào từ hướng này đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu. Muốn thế trước hết quân ta phải “đọ sức” và nhổ phá được căn cứ này. Như thế nếu lực lượng phòng thủ ở đây càng yếu đi bao nhiêu càng có lợi cho tốc độ tiến quân của ta bấy nhiêu.
(Còn nữa)
HÀ BÌNH NHƯỠNG