QĐND - Hưng Thông (Hưng Nguyên, Nghệ An), quê hương Tổng bí thư Lê Hồng Phong trước kia vốn là một xã nghèo. Với quyết tâm tìm hướng vươn lên làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương, từ đa dạng hóa ngành nghề. Bức tranh làng quê ở Hưng Thông nay đã có nhiều đổi mới. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong, tinh thần thi đua trong lao động sản xuất của nhân dân xã Hưng Thông những ngày này lại càng trở nên rộn ràng, sôi nổi như đang bước vào ngày hội lớn.
Niềm tự hào của vùng quê cách mạng
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Hưng Thông có 138 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh, gần 200 người là thương binh, bệnh binh và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin. Trong bảng văn bia ghi danh các liệt sĩ được đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm liệt sĩ của xã Hưng Thông, người vinh dự được ghi ở dòng đầu tiên trên tấm văn bia đó là đồng chí Lê Hồng Phong – người Tổng bí thư thứ 2 của Đảng, là người con của quê hương Hưng Thông. Tự hào với truyền thống của quê hương địa linh nhân kiệt, quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Thông đã từng bước khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Ông Lê Sỹ Hiền, Phó bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông cho biết: Hưng Thông hiện có 1.100 hộ với gần 5000 nhân khẩu được chia làm 11 xóm, đến nay cả 11 xóm đều đã đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa. Đảng bộ xã Hưng Thông có 14 chi bộ với 362 đảng viên, trung bình mỗi năm Đảng bộ phát triển được từ 5 đến 10 đảng viên mới. Đi đôi với phát triển kinh tế, những năm qua phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh của xã cũng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp; phong trào học tập cộng đồng tại các cụm dân cư được đẩy mạnh, góp phần nâng cao dân trí trong nhân dân...
 |
Mô hình vườn, ao, chuồng hiện đang là hướng làm giàu của nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Hưng Thông. |
Đến thăm thôn Đông Thông (nay là xóm 10) xã Hưng Thông – nơi cách đây vừa tròn 110 năm đã sinh ra cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam một người con ưu tú mà tên tuổi của ông chắc hẳn sẽ còn vang mãi cùng non sông Việt Nam, đó là Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Diện mạo thôn Đông Thông hôm nay đã có nhiều đổi khác. Con đường nhựa đen bóng với 2 làn xe cùng hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại nối từ tỉnh lộ 558 vào khu lưu niệm Tổng bí thư Lê Hồng Phong vừa được đưa vào sử dụng đã góp phần thuận tiện cho nhân dân cả nước và du khách thập phương về thăm quê hương Tổng bí thư. Bên cạnh khu nhà lá đơn sơ, nơi Tổng bí thư Lê Hồng Phong cất tiếng khóc chào đời 110 năm về trước, giờ đây đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đầu tư xây dựng một khu nhà tưởng niệm mới bề thế, khang trang với diện tích 3 héc-ta vừa hoàn thành.
Ông Lê Văn Ngụ, 63 tuổi, cháu gọi Tổng bí thư Lê Hồng Phong là bác. Ông cũng là người phụ trách chăm sóc khu lưu niệm Tổng bí thư Lê Hồng Phong từ 16 năm nay tâm sự: "Tôi rất vui khi những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo tu bổ, tôn tạo khu lưu niệm này. Nơi đây, đang ngày càng khang trang hơn, đẹp hơn và thực sự trở thành điểm giáo dục truyền thống bổ ích cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…".
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Nhìn khu trụ sở UBND xã khang trang, sạch đẹp, ông Võ Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: Trước đây Hưng Thông vốn là một xã thuần nông, địa bàn chiêm trũng, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Từ điểm xuất phát thấp, Hưng Thông xác định cần phải có bước đột phá, tìm hướng đi để đưa xã sớm thoát khỏi đói nghèo. Những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, Hưng Thông không những bảo đảm được an ninh lương thực mà nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,1%, tăng 1,6% so với kế hoạch, giá trị sản xuất đến năm 2011 đạt 52,96 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 10%, số gia đình văn hóa đạt 84,5%. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đưa cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, bảo đảm công tác thủy lợi phục vụ tốt hơn cho sản xuất. Phát động nhân dân đưa các loại giống mới có năng suất cao vào gieo cấy, phát triển các loại rau màu, thả cá và phát triển kinh tế vườn tăng thu nhập cho gia đình. Cùng với phương châm phát huy nội lực là chính, đồng thời khai thác các nguồn thu, xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông, trường học và trạm y tế xã đạt loại một theo tiêu chuẩn quốc gia.
Trong số rất nhiều hộ gia đình nỗ lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo của xã Hưng Thông thì gương làm giàu của gia đình anh Phạm Đình Nam ở xóm 1 đã khiến nhiều người phải nể phục. Trong căn nhà mới, khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng của mình, anh Nam xúc động chia sẻ: “Năm 1989 sau khi xuất ngũ về địa phương, tôi đã phải trải qua rất nhiều công việc để kiếm sống. Từ thợ xây dựng ở Vinh rồi ra tới tận Hà Nội để làm bốc vác… nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh và vô cùng khó khăn. Năm 2000, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, tôi đã đầu tư mua máy xay xát, máy cày bừa để giải phóng sức lao động cho bà con. Tiếp đó tôi đầu tư cải tạo hơn 5000 mét vuông đất hoang ngoài chân đê để đào ao thả cá và nuôi lợn. Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu làm ăn trên chính đồng ruộng quê nhà, đến nay gia đình tôi đã có của ăn, của để với thu nhập ổn định mỗi năm từ 300 đến 500 triệu đồng…”. Nhưng có lẽ điều hạnh phúc nhất mà chúng tôi nhận thấy ở vợ chồng anh Nam đó là cả 2 cậu con trai của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu lớn hiện đang học năm thứ 3 tại Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, cháu thứ 2 cũng mới bước vào năm học lớp 12.
Từ bản tính cần cù lao động, sáng tạo của người dân trên quê hương cách mạng, cùng với sự vào cuộc chỉ đạo tận tụy, nhiệt tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến nay số hộ nghèo của xã Hưng Thông đã giảm hẳn, số hộ làm ăn khá, có thu nhập cao không ngừng được tăng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và cánh đồng mẫu lớn, đến nay xã Hưng Thông đã đạt được gần 2/3 số tiêu chí theo quy định. Hệ thống kênh mương thủy lợi của xã đa phần đã được cải tạo bê tông hóa, góp phần hiệu quả trong việc chủ động tưới, tiêu phục vụ sản xuất, do đó liên tiếp trong những vụ lúa vừa qua bà con nông dân xã Hưng Thông đều được mùa. Nhìn cánh đồng lúa vàng óng dưới nắng thu đang trong giai đoạn chắc hạt, anh Hoàng Xuân Soa, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Thông như không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Vinh dự là một trong những địa điểm được chọn là nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong, đã nhiều ngày qua, hội trường của các nhà văn hóa ở 11 xóm của xã Hưng Thông đều rộn rã lời ca, tiếng hát. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc lao động, sản xuất nhưng bà con đều tranh thủ thời gian để xây dựng và tập luyện những tiết mục văn nghệ xuất sắc nhất chào mừng Quốc khánh 2-9 và kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Bà Trần Thị Xuân, phụ trách đội văn nghệ người cao tuổi xóm 1 cho biết: “Vui lắm chú ạ. Cứ như là sắp đến ngày hội ấy. Từ các cháu thiếu niên cho tới các cụ già, ai ai cũng nhiệt tình tham gia. Ban ngày chúng tôi tổ chức dọn dẹp vệ sinh từ gia đình đến đường làng ngõ xóm, tối lại tập trung ở nhà văn hóa xóm để tập luyện văn nghệ. Lâu lắm rồi mới lại có dịp vui như thế này đấy…”.
Một Hưng Thông hoàn toàn đổi mới đang dần hiện rõ, theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Hưng Thông nhiệm kỳ 2011-2015, thời gian tới xã sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng phát triển thương mại dịch vụ, mở rộng đa dạng các ngành nghề như: Mộc, gò hàn, chế biến nông sản... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Tự hào quê hương cách mạng, quê hương của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Thông đang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước góp phần làm nên bức tranh đầy khởi sắc của một địa phương năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới.
Bài và ảnh: Mai Thu Anh